Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

Sài Gòn xưa: Nếp sống tâm linh

Sài Gòn xưa đã có rất nhiều người được gọi chung là “thầy” (maitre).

Ở đây, chúng tôi không bàn đên các vị thầy trong ngành giáo dục, chuyên đào tạo những thế hệ trẻ sau này ra đời, giúp nước. Cũng có những vị thầy không dậy chữ nghĩa, kiến thức mà chỉ là những người chuyên về tâm linh với những lời “phán” khiến người nghe phải “tâm phục, khẩu phục”.

Nhà nghiên cứu nổi tiếng về tuớng số Vũ Tài Lục đã giải thích trong quyển “Tử vi đẩu số toàn thư”, Ngân hà Thư xã, xuất bản tại Sài Gòn năm 1973:

“Tử vi nghĩa là hoa tường vi màu đỏ thẫm (tử: màu đỏ tía – vi: tường vi hoa). Từ cổ đại giống người thuộc phía Bắc sông Hoàng Hà dùng hoa màu đỏ để chiêm bốc. Hình ảnh việc chiêm bốc ấy giống hệt như chuyện Quỷ Cốc trước khi cho Tôn Tẩn, Bàng Quyên xuống núi vào đời tranh đấu bảo mỗi người ngắt một cành hoa tường vi đưa lên thầy. Xem hoa phân âm dương Quỷ Cốc tiên sinh đã đoán biết trước vận mạng Tôn Tẩn bị bao nhiêu năm điêu linh cùng cực đến nỗi phải giả điên, ăn cả cứt heo mới thoát khỏi tay tên phản bạn lừa thầy Bàng Quyên…”

 

Lá số Tử vi

 

Sài Gòn xưa xuất hiện rất nhiều những nhân vật mà ngôn ngữ bình dân gọi nôm na là “thầy bói”. Trong số đó phải kể đến Thầy Minh Nguyệt (tự xưng là “Giáo sư” với hàng chục ngàn thân chủ), Thầy Minh Lộc lại rất khó tính, nói thẳng, nói ngang, nói như tát nước vào mặt người đến năn nỉ xin thầy xem giúp. Thế mà các thân chủ xếp hàng đến nghe thầy phán!

Thầy Khánh Sơn là một trong những người nổi tiếng nhất và lâu nhất, được biết đến qua tên “Mét [Maitre] Khánh Sơn”. Thầy đẹp trai, đeo kính trắng, đã từng tốt nghiệp sư phạm tại Hà Nội chứ không phải là những thầy “tay ngang” vì thời thế thế phải chuyển sang nghề bói toán. Đã có không ít các nữ thân chủ bị mê hoặc vì tài ăn nói của thầy.

Thầy Ba La cũng chuyên về tử vi, bói dịch, nhưng cũng nổi tiếng là “một nhà tiên tri” vì thầy hành nghề lâu năm. Thầy bị mù từ lúc trẻ nên đã việc chọn nghề này để sinh sống là quá hợp lý. Ngoài ra, thầy lại thông thạo Hán văn, nên rất được nể trọng từ những đồng nhiệp cũng như thân chủ.

“Chiêm tinh gia” Huỳnh Liên lại có nhóm thân chủ là những viên chức chính quyền cũng như tướng tá trong quân đội. Người ta đồn, đáng lẽ cuộc đảo chánh năm 1963 đã xảy ra sớm hơn, nhưng vì các thầy đã bấm độn thấy là không được nên đã phải dời qua ngày 1/11/1963 mới lật đổ được Tống thống Ngô Đình Diệm!

Các vị thầy bói đã có ảnh hưởng thật lớn, nếu không nói là đã đóng những vai trò quan trọng trên chính trường. Năm 1992 thầy Huỳnh Ln cũng được báo chí tại hải ngoại còn nhắc đến qua một tin động trời: “Thầy bói Huỳnh Liên bị cháu vợ giết chết để cướp của”.

Hóa ra đây chỉ là tin đồn từ báo Sông Bé, Bình Dương! Thầy Huỳnh Liên có 2 căn nhà tại Sài Gòn và Lái Thiêu do hai bà vợ lớn và vợ bé sở hữu. Ông qua đời tại Bình Dương khi về thăm bà nhỏ và chết tại đó. Chuyện “bị cháu vợ giết” chỉ là tin đồn và sang đến Hoa Kỳ tin này trở thành “hot news” của các báo lá cải!

 

Xem chỉ tay, bói  bài để biết tình duyên, gia đạo

 

Chuyện bói toán nói chung thuộc về lãnh vực tâm linh khi người xem bói muốn tìm hiểu số phận của mình trong tương lai. Đối với một số người, những tiên đoán của các thầy bói cũng có thể là một cảnh báo để từ đó con người có thể tích thiện hầu có một đời sống sau này an vui và hạnh phúc hơn.

Thầy bói có khả năng nhìn bàn tay, tướng mặt, ngày sinh, thâm chí cả chữ ký… để đọc được số mệnh của thân chủ. Họ sẽ dựa vào đó để thấy được quá khứ và tương lai của một người, đó là một khả năng kỳ lạ mà khoa học không thể nào giải thích được vì nằm trong lãnh vục của tâm linh.

Nói về bói toán là cả một hình thức hành nghề “thiên hình vạn trạng”. Từ những lá số tử vi đầy bí ẩn đến những lá bài tây cũng có thể được các thầy nhìn vào đó tiên đoán “quá khứ vị lai”. Lòng tin của người xem bói được xác định qua những lời bàn của thầy, thế cho nên thầy càng có tài ăn nói thì càng… đông khách!

 

Xem chỉ tay

 

Thậm chí còn có cách tự mình làm thầy bói qua việc “bói Kiều”. Ngày xưa các cụ rất tin vào việc “bói Kiều”, đó một hình thức giải quyết những thắc mắc, hồ nghi qua bói toán dựa vào Truyện Kiều. Đặc biệt, ngày đầu năm là dịp để “bói Kiều” với lời khấn vái thành kính:

“Lạy vua Từ Hải

Lạy vãi Giác Duyên

Lạy tiên Thuý Kiều...” 


Miệng lâm râm khấn, tay cầm Truyện Kiều với ước nguyện điều mong mỏi. Hai ngón tay cái mở Truyện Kiều một cách ngẫu nhiên, ngón tay nằm ở dòng nào thì 4 câu Kiều trong truyện chính là quẻ bói. Chẳng hạn, mở Truyện Kiều mà gặp đoạn này thì thật là một điềm xấu:

“Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,

Rụng rời khung dệt, tan tành gói may.

Đồ tế nhuyễn, của riêng tây,

Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”.

 

Đó là hình ảnh một tương lai bất trắc. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, có thể là một vụ “cưỡng chế” đem lại nhiều điều vô lý, bất công trong một xã hội mà luật pháp không được tôn trọng! 

 

Bói Kiều gặp cảnh  họa sĩ Tú Duyên vẽ gia đìn nàng Kiều chắc chắn đây là điềm gở!

 

Sài Gòn xưa còn có một hình thức xem bói đã đi vào truyền thống lâu nay. Cứ đến ngày Tết, thiện nam tín nữ đổ về  Lăng Ông Bà Chiểu, trước là để viếng đức Tả quân Lê Văn Duyệt sau đó có thể “xin xăm” để biết năm mới tài lộc, hạnh phúc của mình sẽ ra sao.

Chung quanh lăng có bức tường bao bọc dài 500m, cao 1,2 m được trổ bốn cổng ra vào theo bốn hướng, xây dựng vào năm 1948. Năm sau, cổng Tam quan cũng được xây. Cổng có hàng đại tự nổi bằng chữ Hán “Thượng Công Miếu”, được đặt ở hướng Nam. Trước năm 1975, cổng này đã từng được chọn là biểu tượng của vùng Sài Gòn-Gia Định xưa.

 

Lăng Ông ngày xưa

 

Có rất nhiều thầy bói hành nghề quanh lăng. Thường các thầy ngồi rải rác khắp nơi, trải ra một chiếc chiếu hoa và đặt “đồ nghề” lên trên, cũng có khi bày ra một chiếc bàn nhỏ để “tiếp khách”.

Các thầy đa số thuộc lớp “cựu trào”, mặc áo dài đen và đội khăn đóng. Cũng có người thuộc giới tân học với bộ đồ tây thêm cặp kiếng trắng “trí thức”. Cũng có thầy mặc bộ bà ba bình dân cho thoải mái và có vẻ “bất cần đời”.

Tuy ăn mặc khác nhau, nhưng đã gọi là thầy bói thì vị nào cũng bày ra tại chỗ hành nghề những thứ giống nhau: một bộ bài tây, ít quyển sách chữ Hán, những xâu chân gà luộc phơi khô, cái mu rùa để bói… Ngoài ra còn có đèn nhang, giấy điều và bút lông, mực xạ.

Các thầy đón khách ngay trước cửa vào Lăng. Phía bên trong lại có một khu “đặc biệt” được thiết trí với bàn ghế, có tấm bạt để che mưa nắng trên bãi cỏ. Đó là nơi xem xăm với những thủ tục “truyền thống”. Hai tay khách cầm một cái ống đựng thẻ, miệng thầm khấn vái rồi lắc ra một thẻ xăm.

Thầy sẽ nhìn vào thẻ xăm để “phán” những điều… “thiên cơ bất khả lậu”! Đã thành truyền thống nên hồi đó có một bài hát tếu do ban tam ca AVT hát mỗi dịp xuân về:   

“Năm mới đừng để vợ la

Đừng chơi cờ bạc mà ra bót nằm

Chi bằng đi lễ Lăng Ông

Đầu Xuân năm mới xin xăm cầu tài

Mồng một đi lễ Lăng Ông

Cầu anh đắc lộc bằng trăm ngày thường.”

 

Đầu năm xin xăm cầu tình duyên, gia đạo

 

Mượn lời ca của ban AVT, chúng tôi xin chúc “thiện nam, tín nữ” gần xa một tương lai sáng sủa để tiếp tục sống một cuộc đời đầy dẫy “Hỉ - Nộ - Ái - Ố” trong vòng kiềm tỏa của cơn đại dịch Covid-19!

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts