Lăng Cha Cả ngày xưa
Nhà nghiên cứu Lý
Nhân Phan Thứ Lang, người Công giáo, đặt vấn đề: "Nhiều người nghĩ đó
là mộ thật của Đức Giám mục, nhưng tờ Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh, quyển
XVI, 92, phát hành tháng 2 năm 1925, có bài: "Bá Đa Lộc: mộ ông... hiện
nay ở đâu?" của Vương Gia Bật, chỉ rõ: Lăng Ngọc Hội cách thành phố Nha
Trang 8 cây số. Phía trước mộ có một cái miếu nhỏ ở giữa đề chữ Hán: "Bá
Đa Lộc chi mộ". Phía sau miếu có khắc cây Thánh giá. Ngày 13/3/1925, quan
Công sứ và Linh mục nhà thờ Bình Can (Nha Trang) ra lệnh cải táng. Bên trong,
xương cốt đã mục, hàm còn dính 3 cái răng, có 2 - 3 cái rơi ra ngoài....”
Mặt tiền Lăng Cha
Cả
Như vậy, mộ Đức Cha Bá Đa Lộc đích thực chôn ở Nha Trang. Theo tôi,
ngay sau khi cải táng, hài cốt của Đức Cha đã được đưa về Pháp, ngôi mộ ở khu
Lăng Cha Cả tại Sài Gòn chỉ là tượng trưng. Khi vua Gia Long mới lên ngôi, sợ
Tây Sơn có ngày lật ngược thế cờ, nên phải cho dựng lăng ở Gia Định để đánh lạc
hướng.
Sau khi Sài Gòn đổi chủ, chính quyền mới ra lệnh giải tỏa khu vực lăng vào năm 1980, đến năm 1983 việc cải táng hoàn tất. Riêng mộ của Giám
mục Bá Đa Lộc, khi khai quật, chỉ thấy cây Thánh giá bằng vàng Tây lớn mà ông
đeo khi xưa, chiếc gậy vàng của chức Giám mục và những mề đay của nhà nước Pháp
và Việt trao tặng cho ông.
Tro cốt Giám mục Bá Đa Lộc hiện được lưu giữ tại Pháp
Khu vực Lăng Cha
Cả ngày nay không còn vết tích của lăng mà thay vào đó là một vòng xoay lớn để
phân luồng xe cộ. Mặc dù đã cố gắng nhưng đây vẫn là một điểm nóng, luôn xảy
ra kẹt xe. Xe từ phía phi trường Tân Sơn Nhất đổ ra, xe từ đường Nguyễn Văn Sỹ
(Trương Minh Giảng, Trương Minh Ký ngày xưa), xe từ đường Lý Thường Kiệt (xưa
là đường Nguyễn Văn Thoại)… tất cả đều gặp nhau ở khu vực Lăng Cha Cả nên kẹt
xe là chuyện thường ngày.
Bên hông Lăng Cha Cả ngày xưa
Trước năm 1975,
gia đình tôi thuê nhà tại khu Lăng Cha Cả. Căn gác số 42/1/17 đường Bùi Thị
Xuân nằm trong xóm đạo Tân Sa Châu của người Bắc di cư. Trong xóm đạo có cả khu
nghĩa trang để chôn người chết và căn gác của tôi có balcon nhìn thẳng xuống
nghĩa địa. Như vậy là chúng tôi sống chung với người chết từ măm 1970 đến khoảng
1990.
Kể cũng lạ. Trong suốt 20 năm chung sống với người chết, cả
gia đình chúng tôi hoàn toàn không có ý niệm về việc ‘sợ ma’. Có lẽ bốn đứa con
tôi lớn lên trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với những nấm mộ nên chúng
hoàn toàn không hề có cảm giác sợ sệt. Có lúc, thậm chí tôi còn nghĩ, nhờ nghĩa
địa này mà căn gác trở nên thoáng mát mỗi khi mở cửa balcon trông xuống tường
rào nghĩa địa.
Khi chúng tôi dọn đến, nghĩa trang đã gần hết chỗ, chỉ thỉnh
thoảng mới có đám ma mới chen vào những ngôi mộ cũ. Cũng như xã hội người sống, có kẻ giàu, người nghèo, những
nấm mộ trong nghĩa trang cũng nói lên địa vị xã hội của người chết. Có những
nấm mộ đắp đất sơ sài, thậm chí còn không có mộ bia, nhưng cũng có những nấm mộ
xây bê tông cốt thép có cả mái che mưa, che nắng.
Đám ma với kèn trống trong Chợ Lớn
Nghĩa trang bao giờ cũng buồn trong sự tĩnh lặng của người
chết. Họ không bao giờ to tiếng, chẳng hề bon chen và tất cả đều bình đẳng sau khi
chết. Chỉ những người sống là ồn ào, ồn ào ngay cả trong phút tiễn đưa người chết đến
nơi an nghỉ cuối cùng. Người đưa đám khua kèn trống dinh tai, cất tiếng khóc
não nuột. Nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Khi tang lễ chấm dứt, họ tiếp tục quay về
với cuộc sống hiện tại.
Ngày xưa, người Sài Gòn rất ghét bọn gian thương Ba Tàu chỉ vì chúng lũng đoạn thị trường, làm giàu trên
xương máu người Việt. Ấy vậy mà khi một "chú Ba" nằm xuống, đám ma rình rang, kèn
Tây kèn Tàu rầm rộ, người đi đưa đám vui như một đám hội! Không biết một thi sĩ
nào đã tức cảnh đề thơ về những cái chết của chú Ba:
Sống
phá rối thị trường,
Chết
chật đường, chật xá!
Đám tang của người Hoa
Hồi mới ‘giải phóng’ có bài ca Kết Đoàn từ miền Bắc du nhập vào Nam , lời ca thể hiện phương châm
của chính quyền nới: “Đoàn kết, Đoàn kết,
đại Đoàn kết…:
Kết
đoàn chúng ta là sức mạnh,
Kết
đoàn chúng ta là anh em…
Trẻ con trong xóm tôi lại có lời ca thứ hai, diễn tả một đám
ma bằng những hình ảnh thật trung thực, dựa trên âm điệu của bài Kết
Đoàn:
Chết
rồi bỏ vô hòm đóng lại,
Chết
rồi bỏ vô hòm đem chôn
Người
chết đi đằng trước
Người
sống đi đằng sau
Cả
lũ kéo nhau
Vừa
khóc vừa mếu…
Một đám tang linh
đình năm 1949
Người sống sau đó lại quay về với cuộc sống hàng ngày, bỏ
lại sau lưng những nấm mồ của người thân. Và có lẽ chỉ có chúng tôi, những
người hàng xóm sống với người chết, đi ra đi vào nhìn thấy nhau dù nhà của họ
chỉ là một nấm mộ rộng vài ba tấc đất.
Có những đêm nóng nực, tôi mở cửa ra balcon ngồi hóng gió.
Đó là những lúc tôi cảm thấy gần gũi với người chết nhiều hơn, họ là đám đông
thầm lặng dưới mồ. Có những nấm mộ dường
như đã trở nên thân quen
như hàng xóm. Quen chỉ vì quen mặt người thân năng lui tới thăm mộ.
Đó là một ông già vợ chết, hầu như ngày nào ông cũng đạp xe
đến với bà. Mộ của bà nằm gần tường rào trước balcon nhà tôi. Nhiều lúc ông chỉ
đến tay không, hay có chăng vài nén nhang thắp trên mộ bà. Trước
khi về, ông dáo dác nhìn quanh. Tôi dấu mình trong nhà để tôn trọng giây phút
thiêng liêng giữa ông và bà. Không thấy ai, ông lén hôn lên bức ảnh của bà
trước khi về. Tất cả đều diễn ra trong cái yên lặng của nghĩa trang và có lẽ
chỉ mình tôi chứng kiến.
Một chiếc xe tang giản dị
Cho đến năm 1980, nghĩa trang bị giải tỏa theo quy hoạch của
quận Tân Bình để xây chung cư và làm đường thông với đường Phạm Văn Hai (khu ông Tạ) và Nguyễn Văn Sĩ (Trương Minh Giảng). Khu
nghĩa trang xưa đã bị xóa tên và
nay trở thành khu phố của người Đại Hàn. Họ đến ở kéo theo những tiệm ăn Hàn Quốc, Karaoke Hàn Quốc
và những người con gái lấy chồng Hàn Quốc.
Nghĩa trang ngày xưa giờ chỉ còn đọng lại trong tôi mùi thật
khủng khiếp khi người ta bốc mộ di dời. Một mùi hôi thối đặc trưng của xác
người chết khi bị đào lên. Mùi hôi đến lợm giọng, buồn nôn mỗi khi có cơn gió
đưa vào mũi. Mùi hôi toát ra từ việc bốc mộ có lẽ là mùi khủng khiếp nhất trong
bất cứ mùi hôi nào trên đời.
Thân xác con người lúc sống thơm tho như vậy mà sao lúc chết
đi lại có mùi dễ sợ đến như thế. Ông già si tình ngày nào không biết còn có đủ can đảm để hôn một cái xác nặng
mùi của bà vợ? Tôi chắc, với ông, bà lúc nào cũng thơm, dù còn sống hay đã chết.
Tình yêu đã biến những cái ‘không thể’ thành ‘có thể’?
Cầu cho ông vẫn ‘thơm’ bà trong giấc mơ… cho đến ngày ông
nằm xuống.
***
(Trích Hồi Ức Một Đời
Người – Chương 4: Thời quân ngũ)
Hồi Ức Một Đời Người
gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang
tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000
cho đến ngày xuống lỗ)!
**********
7 Comments on
Multiply
130353 wrote on Oct
15, '10
truyen buon qua
caulongbachai
wrote on Oct 15, '10
He he, nếu không có để dành xuất bản thì post chương đầu xem
nhé!
nguyenngocchinh
wrote on Oct 15, '10
caulongbachai
said “nếu không có để dành xuất bản
thì post chương đầu xem nhé!”
Tôi sẽ cố gắng post đều đều cho đến hết. Chỉ sợ tuổi già,
sức yếu, lực bất tòng tâm mà thôi!
caibang9 wrote on
Oct 15, '10
Thì bạn Chính cứ viết thẳng vào blog thì khỏi mất công post.
hihihi
Chúc Chính cùng gia đình thân tâm thường lạc, mọi sự hanh thông.
Chúc Chính cùng gia đình thân tâm thường lạc, mọi sự hanh thông.
lenassi wrote on
Oct 15, '10
bài viết của chú đọc hay và có ý nghĩ quá, dù hơi buồn
caulongbachai
wrote on Oct 15, '10
Cám ơn.
nguoigiaonline
wrote on Oct 15, '10
Thu vi & hay
Trả lờiXóaLỄ TANG GIÁM MỤC BÁ ĐA LỘC TẠI SÀI GÒN NĂM 1799
Trả lờiXóahttps://www.facebook.com/lenguyenpd?__tn__=%2CdlC-R-R&eid=ARBcm2k6DHEOgG0bNyfuSPYBPEX_ZHZDYiw1inANLOueWdrE-JUaIkurUSBBg26TArqFbIjEoB1NBbjQ&hc_ref=ARTPmwECYHsijh_aiy7hFEKP24IBI95QYZiZAxWklOU8_lmxXp5iovI6HiA9iv5UinE