Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Sài Gòn tứ đổ tường (4) - Rượu chè

Đây là bài cuối cùng trong loạt 4 bài viết về tứ đổ tường ở Sài Gòn xưa.  Ngoài yên (thuốc phiện), đổ (cờ bạc), sắc (trai gái), trong bài viết này tôi sẽ viết đến ‘món ăn chơi’ thứ 4: tửu (rượu chè). 

Làm một cuộc khảo sát về rượu trên toàn cõi Việt Nam ta mới thấy nước mình nghèo thì nghèo thật nhưng lại rất giàu về khoản… rượu chè! Này nhé, chót vót đỉnh núi miền thượng du Bắc Việt có rượu Táo Mèo, xuôi đồng bằng Sông Hồng có rượu Làng Vân, vào Bình Định có Bàu Đá, ngược lên miền Tây Nguyên có rượu cần, đến Long An có Gò Đen, tới Trà Vinh có Xuân Thạnh, ngoài tận đảo Phú Quốc có rượu sim…

Bên cạnh những rượu theo địa danh nói trên còn có vô số chủng loại rượu. Rượu thuốc ngâm lá cây, rễ cây, rắn rết, hổ báo, và cả những thứ ‘độc’ như con bửa củi, tắc kè, hải mã, bảo đảm… ông uống bà khen! Còn một thứ rượu nữa mà chỉ có bậc đế vương như vua Minh Mạng mới có thể uống để nhất dạ lục giao sinh ngũ tử!

Hạng phó thường dân thì làm sao kiếm đủ 6 đối tượng trong một đêm để ân ái? Mà tại sao lục giao lại sinh ngũ tử chứ không phải lục tử? Nếu chỉ có một bà mà ân ái đến 6 lần trong một đêm để sinh ngũ tử thì chắc loại rượu thuốc này ít người dám dùng, thứ nhất sợ phạm luật "sinh đẻ có kế hoạch", thứ đến là một đêm sản xuất đến 5 nhóc tì thì những đêm khác phải nhịn thèm vì hiểm họa nạn nhân mãn treo trước mặt!

Rượu Việt Nam trưng bầy tại hội chợ

Sau này lại có thêm rượu Tây cao cấp. Whisky thì có Remy Martin; Rhum thì có Buddelschiff; Cognac thì Hennessy, XO; Champagne thì có Vin Mousseux rồi sau này còn có cả Vodka Smiranoff hay Mao Đài từ phía các nước "anh em vĩ đại" Liên Xô và Trung Quốc. Tóm lại, Việt Nam rượu gì cũng có, tùy thuộc vào túi tiền của bợm nhậu.

Rượu ngoại

Cũng vì thế đã có không biết bao người thiệt mạng vì bia, rượu với những căn bệnh về gan, thận. Cũng có không ít gia đình bị khốn đốn vì là nạn nhân, trực tiếp hoặc gián tiếp, của tệ nạn nhậu nhẹt. Người ta có thể họp nhau nhậu ở bất cứ nơi nào, bất cứ khi nào với bất kỳ lý do nào.

Hồi xưa tôi còn nhớ cứ mỗi độ xuân về, những cửa hàng phía xung quanh chợ Bến Thành thi nhau quảng cáo để mời chào khách đi sắm Tết. Bên cạnh những cái loa phát ra điệp khúc ‘cha cha cha Hynos’ rầm rộ quảng cáo kem đáng răng có hình anh Chà nước da đen bóng với hàm răng trắng nhởn còn có tiếng oang oang quảng cáo ‘khô nai Ban Mê Thuột, khô cá thiều Phú Quốc’. Đại khái như “…nướng khô nai, khô cá thiều bên này đường thì bên kia đường đem rượu ra uống vẫn thấy ngon!

Nhậu đã đi vào cuộc sống của người Sài Gòn. Đồ nhậu thì ‘thượng vàng hạ cám’: cóc, ổi, me, xoài và thậm chí chỉ còn vài hột muối ớt cũng đủ làm mồi đưa cay thêm vài xị. Nhậu theo kiểu sang trọng là các sếp, các đại gia hay những kẻ vừa trúng ‘mánh’. Trên bàn nhậu rượu thịt ê hề, tiền bạc không nghĩa lý gì với họ và mục đích chỉ là… mua vui.

Đối với dân Sài Gòn trước 1975, món chính chỉ có bia, hay còn gọi là la-ve hoặc la-dze:  la-ve chai lớn Con Cọp (dung tích 61 centilitres) và la-ve chai nhỏ 33 (33 cl) của hãng BGI. Nồng độ chai Con Cọp nhẹ hơn nồng độ chai 33 nhưng đa số dân chúng miền Nam thích chai Con Cọp hơn vì vừa rẻ lại vừa nhiều gần gấp đôi so với chai nhỏ.

Nhãn hiệu bia Con Cọp

Đối với dân ‘sành điệu’ thì không phải chai bia lớn Con Cọp nào cũng giống nhau: nhìn vào nhãn hiệu cái đầu ‘ông ba mươi’, người ta thấy có hai cành hoa trái mà mới thoáng qua mấy đấng mày râu khi đã ngấm hơi men, mắt lờ đờ, trông gà hoá quốc, cho đó là nhành cây và trái dâu tây (strawberry) nhưng có ông lại cho là cành dây leo và trái thơm (pineapple)!


La-ve BGI

Cây thơm mà thuộc loại dây leo thì thật là động trời, chắc chỉ có đệ tử Lưu Linh mới tin như vậy. Thật ra thì cái nhìn của dân nhậu không phải là sai nhưng lỗi ở nơi mấy ông họa sĩ vẽ nhãn hiệu in lên cái chai: có đợt họ vẽ các nụ bông hốt bố (houblon) giống như trái dâu tây, có đợt họ kéo trái dâu tây dài thêm ra giống như trái thơm! Và kể từ đó, giới ăn nhậu đồn với nhau là la-ve Con Cọp có trái thơm ngon hơn la-ve con cọp có trái dâu!

La-ve trái thơm rất ‘hiếm’, trong một két la-ve mua về may mắn lắm mới có được 1 hay nhiều lắm là 2 chai ‘trái thơm’. Không biết BGI có cố tình thỉnh thoảng cho vào một vài chai ‘trái thơm’ hay không.

Thời kỳ kiệm ước, giới công chức, cảnh sát, quân nhân không đủ tiền mua la-ve ở các đại lý (dépôt) có môn bài độc quyền mua bán la-ve của mấy chú Ba nên Quân Tiếp Vụ mới đặt hàng riêng với BGI và cho ra đời La-ve Quân Tiếp Vụ (nhưng không có cái đầu của con cọp) để bán rẻ cho Quân-Cán-Chính. Vỏ bia Quân Tiếp Vụ cũng sặc mùi nhà binh với khẩu hiệu nhắc nhở: "Quyết tâm chống độc tài, bảo vệ tự do dân chủ".

La-ve Quân Tiếp Vụ

Cái tên BGI (Brasseries et Glacières de L'Indochine) khởi nguồn từ ý nghĩa ‘Nhà máy bia & nước đá Đông Dương’ của ông chủ Victor Larue, người Pháp. Cũng vì thế trên nhãn của BGI còn ghi hàng chữ Pháp: Bière Larue. BGI thâm nhập miền Nam vào cuối thập niên 1900s với mục tiêu sản xuất nước đá, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, BGI bắt đầu sản xuất bia và nước giải khát.

Nhà máy BGI nổi tiếng nhất và lâu đời nhất Nhà máy bia Chợ LớnUsine Belgique, sản xuất nước giải khát được xây dựng từ năm 1952. Sau khi Sài Gòn đổi tên, chính quyền "cách mạng" tịch thu tài sản của chủ Pháp và Nhà máy bia Chợ Lớn trở thành Bia Sài GònUsine Belgique cũng đổi thành Chương Dương, nhưng vẫn là nhà máy sản xuất nuớc giải khát.

Mãi đến năm 1991 BGI Pháp mới trở lại Việt Nam và chịu nhiều thua thiệt của kẻ đến sau. Vào lúc đó, đã có BGI, một công ty liên doanh giữa nhà nước và tập đoàn Castel’s, nên BGI Pháp được khuyến cáo… nên ra miền Bắc để bắt đầu công việc kinh doanh. Dĩ nhiên họ không chịu vì miền Bắc không phải là thị trường quen thuộc của BGI và sau đó họ lặn lội xuống tận Tiền Giang để thành lập một công ty liên doanh với tỉnh Tiền Giang.

BGI Tiền Giang bắt đầu hoạt động vào năm 1993 với sản phẩm được phân phối rộng rãi trong khu vực châu thổ sông Cửu Long. Thời gian đầu, BGI được sự đón nhận của người tiêu thụ, nhờ vào di sản và danh tiếng. Tuy nhiên, vì nhu cầu vượt quá sự cung ứng trong khi khả năng của công ty lại có giới hạn nên BGI lần lần xuống dốc. Sau vài năm chịu đựng, BGI quyết định rút về Pháp và bán hết tài sản cho bia Foster's của Úc và từ năm 1997 Foster's đã chính thức tiếp quản tất cả tài sản của BGI. Một lý do khác cho sự thất bại của BGI Pháp có thể là hoạt động tiếp thị kém hơn so với các loại bia khác.

Trở lại chuyện ăn nhậu ở Sài Gòn. BGI không thể nào độc quyền phục vụ dân nhậu. Việt Nam nghèo gì thì nghèo nhưng lại rất giàu về rượu và bia. Thế cho nên, cả nước đều nhậu, nhà nhà cùng nhậu. Đi đâu cũng văng vẳng tiếng ‘Dzô, Dzô!’… trăm phần trăm. Báo chí đã trích dẫn lời một Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy đã ‘nói vui’ rằng, nếu cứ để tình trạng “Sáng Băng Cốc, trưa Viêng Chăn” (sáng uống cốc rượu, trưa chui vào chăn ngủ) thì chẳng mấy chốc hỏng hết cán bộ!

Theo tôi, câu nói đó không vui chút nào. Rượu tàn phá nhiều thế hệ đã qua và sẽ hủy hoại nhiều thế hệ sắp tới. Liên Xô là nước nổi tiếng về số người nghiện rượu và thực tế đã chứng minh, Liên Xô tụt dốc, một con dốc thẳng đứng cả về mặt chính trị lẫn xã hội. Còn Việt Nam? 

Vào thời bao cấp, tại miền Bắc có rượu quốc lủi. Rượu nhà nước độc quyền sản xuất được gọi là quốc doanh cho nên rượu do tư nhân sản xuất ‘chui’ được gọi là quốc lủi, nói nôm na là rượu lậu. Có người còn cho là cái tên quốc lủi hàm ý gặp công an thì lủi cho nhanh không thì mất cả chì lẫn chài!

Trong thời buổi khó khăn, người dân miền Bắc phải ‘làm kinh tế phụ’ bằng cách nấu rượu y như thời Pháp thuộc. Họ dùng các loại ngũ cốc có hàm lượng tinh bột cao như gạo tẻ, gạo nếp, gạo lứt, ngô hạt, mầm thóc, sắn, hạt mít, hạt dẻ, hạt bo bo… để nấu rượu. Phần bã hèm dành cho lợn vì nhà nào cũng nuôi lợn ‘tăng gia’, thế là một công đôi việc!

Nấu rượu lậu thời Pháp thuộc

Nam vô tửu như kỳ vô phong, riêng tôi thì đành chấp nhận làm lá cờ không gặp gió vì quả thật không biết nhậu, chỉ giỏi… phá mồi. Mới hớp độ một hai hơi cũng đủ khiến mặt đỏ gay nên chỗ nào có nhậu vội vàng tránh xa vì không muốn mang bộ mặt đỏ gay trên đường về nhà. (Uống lai rai với bạn bè tại nhà thì không sao, có say thì cũng có sẵn giường để ngả lưng!)

Tôi nghĩ, giá không bị cái tật ‘phản ứng’ với rượu chắc tôi cũng có thể… ai tới đâu cũng cố theo tới đó vì tửu lượng không đến nỗi nào một khi đã đổi từ ‘mặt đỏ’ sang ‘mặt tái’ và cuối cùng là… thiếp đi trên giường. Tôi cũng đã trải qua tình trạng ‘say lại’: say lần đầu ngủ một giấc, khi tỉnh dậy lại say tiếp… mà lần ‘say lại’ còn ‘đậm đà’ hơn lần say đầu bội phần.

Rượu uống chẳng bằng ai nhưng tôi lại có cái thú… sưu tầm rượu! Tôi có một tủ rượu và dĩ nhiên đó không phải là loại ‘người mua không uống nhưng người uống lại không mua!’ mà là người không biết uống mua về… chưng tủ kính. Có những chai rượu nhỏ mua về làm kỷ niệm từ bên Áo, Ý, Đức… có những chai loại night-cap thường thấy trong mini-bar tại các khách sạn hoặc trên các chuyến bay quốc tế. 

Bây giờ những chai rượu đó vẫn nằm yên trong tủ rượu, chưa khui chỉ vì chủ của nó không biết thưởng thức chất men mà chỉ biết trân trọng vẻ đẹp bên ngoài của những cái chai và mầu của rượu. Hóa ra trong triết lý uống rượu vẫn có một thứ lý luận lẩm cẩm là rượu còn dùng để chưng chứ không để uống! 


Tủ rươu của tôi
    

Ngày xưa, cụ Nguyễn Trãi trong bài Gia huấn ca đã từng dạy:

Đua chi chén rượu, câu thơ
Thuốc lào ngon nhạt, nước cờ thấp cao

Không biết người ta còn ai chịu nghe những lời cũ rích như vậy hay chỉ biết hứa với nhau trước khi nhập trận nhậu: “Không say không về!”.

Để kết thúc bài viết này, mời các bạn đọc bảng Nội quy Ăn nhậu dưới đây do Vụ trưởng Vụ ăn nhậu Phổ thông & Bình dân ký ngày 21/03/2004 trong lúc đang... xỉn: 


***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 4 – Thời quân ngũ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

1 nhận xét:

Popular posts