Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Thời thơ ấu: từ Vĩnh Yên đến Hà Nội (2)

(Tiếp theo)

Hà Nội đối với tôi cũng chỉ là những bức tranh mờ nhạt trong ký ức của một chú bé con. Tôi còn giữ được tấm hình chụp năm 1949 tại Hà Nội: mẹ tôi bồng em Nguyễn Thị Dung, tôi đứng nhìn về một hướng khác bên cạnh Nguyễn Ngọc Quang, đứa em trai sau này đã qua đời.


Theo lời kể của mẹ tôi, Quang là đứa con ‘xinh đẹp, bụ bẫm nhất nhà’ nhưng chỉ tiếc một điều là em vắn số. Cũng có thể vì em vắn số nên mẹ tôi luôn luôn sụt sùi kể lại những kỷ niệm về Quang, nhất là trong mỗi dịp giỗ vào ngày 20 tháng giêng Âm lịch.

Theo như những gì mẹ kể, Quang chắc chắn sẽ có một tương lai rực rỡ, hơn hẳn tôi, nếu như em không sớm lìa đời. Đây cũng là chuyện thường tình, người ta luôn dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho những người đã khuất, nhất là những người chết trẻ khi mới 2 hoặc 3 tuổi.

Cho đến nay, những kỷ niệm về Quang qúa mờ nhạt trong ký ức của một chú bé con như tôi. Có lẽ vì Quang từ giã cõi đời khi còn quá nhỏ. Tôi còn mất một đứa em gái út tên Nguyễn Thị Ngọc Châu tại Ban Mê Thuột.

Em Châu mất đi khi hãy còn ẵm ngửa, mẹ tôi khóc sụt sùi cả mấy tháng trời sau khi em mất. Não nùng nhất khi phải nghe những câu mẹ than khóc: “Châu ơi, giờ này con nằm một mình ngoài đó, không ai chăm sóc cho con…”.

Tôi nghĩ, những người chết khi còn quá trẻ như Quang, như Châu, đều có một cuộc đời của những thiên thần. Trong sạch và thánh thiện trước những diễn biến của muôn hình vạn trạng cuộc đời. Nhân chi sơ, tính bổn thiện. Nói như vậy có nghĩa là ta gián tiếp thừa nhận những người tuổi thọ càng cao thì càng nhiều tội lỗi do cuộc sống áp đặt. Vấn đề tùy thuộc vào cá tính và đạo đức của mỗi con người để có thể tiết giảm được những tội lỗi do cuộc đời đem lại.
   

Những tấm hình chụp năm 1952 tại Hà Nội cho thấy sinh hoạt của gia đình tôi. Tôi có chiếc xe hơi có thể nói là rất ‘hiện đại’ vào thời bấy giờ. Trên tay lại có một chiếc đồng hồ, dù là đồ chơi, cũng là một niềm đáng tự hào với một chú bé có lẽ chưa biết xem giờ! Thế đứng trong hình có thể do người chụp tạo dáng chứ tôi không thể nào tin được một chú bé có kiểu đứng chống nạnh, hai tay bên hông như vậy!

Em Dung có một con ngựa gỗ, hai tai ngựa là tay cầm để lắc lư như cưỡi ngựa vì chân đế chuyển động theo hình vòng cung. Những loại đồ chơi như vậy ngày nay đã biến mất, thay vào đó người ta sử dụng plastic để sản xuất các mặt hàng đồ chơi đa dạng cho trẻ con. Hình chụp từ năm 1952 nhưng nếu quan sát kỹ ta có thể thấy chiếc Velo Solex màu đen đã xuất hiện tại Hà Nội vào thời điểm đó bên cạnh chiếc xe đạp và chiếc xe đẩy của trẻ con.


Qua tấm hình dưới đây, mẹ tôi đúng là một phụ nữ tiêu biểu thời tiền chiến: tóc vấn, răng đen, cổ đeo chuỗi hạt ngọc bên cạnh bố tôi... một mẫu người phải nói là ‘nghiêm nghị’ nhưng không kém phần... điểm trai!
 
Bố Mẹ tôi, hình chụp tại Hà Nội, không rõ ngày tháng
  
Ký ức về Hà Nội qúa mờ nhạt. Tôi nhớ mang máng nhà tôi ở phố Lê Lợi, sau đó dọn về phố Trần Xuân Soạn, gần chợ Hôm. Trước ngày di cư vào Nam, gia đình tôi tạm trú tại một villa của một người bạn của bố ở phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, lúc đó bố tôi đã di chuyển trước vào Đà Lạt theo Ngự Lâm Quân của Vua Bảo Đại.

Bố tôi trong quân phục Ngự Lâm Quân

Hàng Bông Thợ Nhuộm là một con đường xanh rợp bóng cây, đặc biệt có những cây sấu thân to đến một người ôm không hết. Trưa hè lúc nào cũng có tiếng ve kêu đến nhức óc trong khi trẻ con từ nơi khác đến leo trèo hái sấu về nhà làm món sấu dầm nước mắm ớt hoặc nấu một nồi canh sấu với thịt nạc dăm, một lọai canh giải nhiệt trong những ngày hè oi bức. Sau này khi vào Nam, thỉnh thoảng được ăn canh sấu khiến tôi liên tưởng đến hương vị của những ngày ấu thơ.

Ấn tượng thời thơ ấu của tôi về các món ăn Hà Nội chỉ bàng bạc vì lý do dễ hiểu là tôi còn qúa nhỏ để thưởng thức. Tuy nhiên, cũng còn đâu đó những kỷ niệm được bố mẹ cho đi ăn kem Tràng Tiền để ‘giải nhiệt’ vào những tối mùa hè oi ả. Mùa đông thì ăn ‘phá xa’ (đậu phọng) rang với húng lìu của ông Tàu già bên hồ Hoàn Kiếm. Tôi còn nhớ món đậu phụng rang nóng, dòn của ông được để trong một cái bao giấy có dạng hình chóp nón, đựng trong thùng có quai đeo ngang vai. Tiếng rao "Phá Xa" của ông cũng rất đặc biệt, không thể nào lẫn lộn được.

Hàng bánh tôm cũng thường ghé ngang khu phố tôi ở. Người bán bánh tôm gánh một đầu là khung gỗ có chảo dầu để chiên bánh, phần sau đựng các vật liệu như bột, khoai tây, tôm… Người bán chiên bánh bằng cái khuôn có quai thẳng góc với khuôn để dễ cầm khi chảo dầu sôi. Bột bánh tôm màu vàng nghệ trộn với khoai tây xắt lát hình que. Khi bỏ vào chảo dầu, bánh chín rất nhanh và sau cùng người bán mới thêm một con tôm tươi. Thế là món bánh tôm đã sẵn sàng để ăn với rau và chấm với nước mắm pha. Món bánh tôm nóng ăn vào mùa đông Hà Nội thật tuyệt.    

Tôi cũng đã có lần được chứng kiến cảnh người ta bơm nước ở hồ Halais, đến khi nước gần cạn lòi ra những bộ xương người, không biết đó là những người tự tử hay là những người bị các đảng phái thanh toán lẫn nhau, cụ thể là Việt Minh và Quốc Dân Đảng. Cũng có thể đó là xác những ‘thành phần phản động’ bị thực dân Pháp cho đi ‘mò tôm’! Dù là gì đi nữa, tại nơi đặt máy bơm người ta cũng đặt thêm bát nhang để hương khói cho những người đã bỏ xác tại đây. 

Hồ Halais (ngày nay gọi là hồ Thiền Quang) được bao quanh bởi 4 con phố đầy cây xanh và bóng mát: Nguyễn Du, Trần Bình Trọng, Trần Nhân Tông và Quang Trung. Halais cũng chính là tên con đường mà ngày nay gọi là Nguyễn Du.

Một hình ảnh không kém phần ‘ấn tượng’ về Hà Nội mà tôi còn nhớ từ thời thơ ấu: cảnh ‘đổ thùng’. Hà Nội vào thời đó vốn không có nhà vệ sinh tự hoại theo hệ thống cống ngầm như ngày nay nên mỗi gia đình có một thùng đựng phân trong ‘chuồng chồ’ (cầu tiêu) và đến tối có những người đi ‘đổ thùng’... Giai cấp thấp nhất thời đó có lẽ là những người phu đổ thùng nên bố mẹ thường răn đe con cái: “Bé mà không học thì lớn lên... đi đổ thùng!”.

Trường học đầu đời của tôi là trường dòng Puginier ở Hà Nội. Trường mang tên Giám mục Puginier (1868-1892), có tên Việt là Bảo Lộc Phước, phụ trách giáo phận Hà Nội và người thay thế ông là Giám mục Gentreau đứng ra xây dựng một ngôi trường năm 1897 lấy tên người tiền nhiệm Puginier với số học sinh ban đầu khoảng 400, gồm cả học sinh người Pháp lẫn người Việt.

Puginier là một cái tên rất được kính trọng vào thời Pháp thuộc. Quảng trường Ba Đình trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có tên là "Quảng trường Tròn Puginier" (Rond Point Puginier) hay còn gọi là "Quảng trường Puginier" mang tên vị Giám mục địa phận Hà Nội.

Cũng như Hà Nội nói chung, ký ức của tôi về ngôi trường Puginier nói riêng rất mờ nhạt vì khi đó tôi còn quá nhỏ. Tôi học ở Puginier theo chế độ "bán trú" (demi-pension), ăn trưa tại trường và đến chiều trở về nhà. Tôi còn nhớ, nhà ăn của Puginier có một mùi thật đặc biệt, đến bây giờ mới có thể giải thích được đó là mùi chiên xào thức ăn bằng bơ, khác hẳn với mùi dầu mỡ ở nhà.

Trường được điều hành bởi các tu sĩ dòng La San, thành phần giảng dạy gồm cả các sư huynh (frère) người Pháp lẫn người Việt. Buổi sáng trước khi bắt đầu học phải đọc kinh, buổi trưa trước khi ăn cũng phải đọc kinh, đến lúc bắt đầu học vào buổi chiều cũng lại đọc kinh. Nào tôi có hiểu gì lời kinh, miệng thì ê a, lầm bầm theo những âm thanh mình nghe bên tai.

Bạn bè tại trường có những đứa nghịch như qủy sứ, nhất là tụi ‘Tây lai’ mà chúng tôi thường nhạo: “Tây lai ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột”! Chúng ngang ngược không kém gì các ông bố Tây thuộc địa của chúng cộng thêm tính tinh ma từ dòng máu của mẹ là các Me Tây người bản xứ. Sự kết hợp dị chủng này đã tạo ra một dòng sản phẩm ‘lai’ cá biệt của thời Pháp thuộc.

Bây giờ ngồi nghĩ lại, ngày xưa còn bé mình chê Tây lai ‘ăn khoai cả vỏ’ đến khi trưởng thành trong ‘thời điêu linh’ sau 1975, đi học tập cải tạo về, chính mình cũng ‘ăn khoai cả vỏ’, thậm chí còn không có vỏ mà ăn! Ghét của nào trời trao của nấy là vậy.

Puginier là trường đạo nên nổi tiếng về kỷ luật và chính tôi cũng đã từng một lần trải qua một hình thức kỷ luật của nhà trường một cách oan uổng. Một hôm, tôi còn nhớ, sau buổi học tôi thấy có một cái kéo của học sinh nào đó để quên, thay vì giao chiếc kéo đó cho các sư huynh, tôi giữ lại cho mình. Đến khi chủ nhân của chiếc kéo thấy tôi sử dụng liền báo cho thầy, thế là tôi bị kết tội... ‘ăn cắp’. Ngoài việc bị đòn roi của các sư huynh, tôi còn bị báo cáo về nhà cho phụ huynh, lại thêm một trận đòn nên thân, nhớ đời!   

Tôi vào Nam từ năm 1953 nên sớm gĩa từ Puginier, trường học đầu đời dù chỉ theo học tại đây chưa đầy một năm. Đến năm 1954, tất cả các trường La San ở miền Bắc được chuyển vào Nam, học sinh các trường này tùy vị trí định cư mà theo học các trường đang có trong Nam. Riêng học sinh các trường Puginier ở Hà Nội, trường Thánh Giu-se ở Hải Phòng được theo học ở trường Taberd, Sài Gòn.

Tôi còn qúa nhỏ để biết công việc của bố, chỉ biết đại khái bố tôi làm việc tại bót Hàng Trống trong ngành cảnh binh tại Hà Nội. Bố tôi là một ông ‘cẩm’ (commissaire) tại đây. Cho đến ngày gia đình tôi chuẩn bị vào Nam năm 1953, khi đó theo tôi biết, bố tôi đã chuyển từ ngành cảnh binh sang Ngự Lâm Quân (NLQ) tức lực lượng bảo vệ Đức Quốc Trưởng Bảo Đại tại Đà Lạt, nơi được mệnh danh là Hoàng triều Cương thổ.

Bố tôi tại bót Hàng Trống
   
Sau khi bị thất thủ ở mặt trận Điện Biên Phủ, Pháp phải ngồi vào bàn hội nghị ở Genève và kết quả là hiệp định chia đôi đất nước ra đời. Trong hiệp định này Pháp và Việt Minh đã đồng ý lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới giữa 2 nước Việt Nam. Hiệp định Genève được ký kết ngày 20/7/54. 

Việt Minh tiếp thu bót Hàng Trống

Tại miền Nam, Chính phủ của ông Ngô Đình Diệm, được Quốc Trưởng Bảo Đại cử làm Thủ tướng, ra thông cáo: ai muốn di cư vào Nam thì đi ghi tên và sẽ được giúp đỡ để đi.  Người Hà Nội xôn xao hẳn lên. Cuối tháng 7/54 một số bàn giấy ghi tên di cư được đặt ở các góc đường phố chính Hà Nội.

Chợ trời nhan nhản mọc ra tại Hà Nội. Người ta bán tống bán tháo những cái gì mà họ không muốn mang theo, những thứ mà họ nghĩ là không cần thiết ở nơi định cư mới: sách cũ, quần áo cũ, chén bát, giường tủ, bàn ghế... lỉnh kỉnh đủ thứ, từ "thượng vàng" đến "hạ cám".

"Chợ trời" Hà Nội những ngày trước khi di cư vào Nam 

Theo Hiệp định Genève, người dân có một thời gian 100 ngày để chọn cho mình miền Nam hay miền Bắc. Nhưng lúc ấy, không có ai tự nguyện từ miền Nam chạy ra miền Bắc, trừ những thành phần được mệnh danh là ‘tập kết ra Bắc’. Trong khi đó, hàng triệu người dân đã gồng gánh vào Nam để lại mồ mả ông bà. Vào đến Sài Gòn, những người di cư được phát 12 đồng một ngày, trong khi một tô phở ở Sài Gòn lúc đó khoảng 5 đồng, đĩa cơm gà cũng đến gần 10 đồng!

"Tàu  Há Mồm" (LST) chở người di cư vào Nam

Gia đình chúng tôi vào Nam từ cuối năm 1953, trước đợt di cư chính thức sau tháng 7/1954. Bố tôi chuyển vào miền Nam trước và gia đình tôi sau đó mới vào Đà Lạt bằng phi cơ quân sự cùng với những gia đình khác trong lực lượng NLQ. Sau này tôi mới hình dung ra được tình hình chính trị vào giai đọan kết thúc chiến tranh với trận Điện biên phủ giữa thực dân Pháp và lực lượng kháng chiến của Việt Minh.

Hải quân Mỹ giăng biểu ngữ trên tàu
chào đón những người di cư vào Nam

Điện biên phủ là một cuộc chiến kéo dài suốt 56 ngày đêm tại lòng chảo nằm giữa cánh đồng Mường Thanh bồi đắp bởi con sông Nậm Rốm với các địa danh đã đi vào lịch sử như Đồi A1, hầm De Castre... 

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được người Pháp chia làm 3 phân khu: (1) Phân khu Bắc gồm đồi Him Lam, đồi Độc Lập, bản Kéo; (2) Phân khu Nam gồm có trận địa pháo và sân bay Hồng Cúm; (3) Phân khu trung tâm nằm giữa cánh đồng Mường Thanh, đây là phân khu mạnh nhất, tập trung 2/3 lực lượng. Có hầm De Castre, sân bay Mường Thanh, các cứ điểm đồi: A1, E1, C1, D1... tên các đồi được đặt lúc bấy giờ là chữ đầu tên các cô gái đẹp, hoa hậu của Pháp thời bấy giờ.

Bộ đội Việt Minh tại Điện biên phủ

Mỗi cứ điểm là một hệ thống hoả lực nhiều tầng, có hàng rào thép gai, có bãi mìn, có hầm cố thủ. Riêng hầm De Castre và đồi A1 còn có đường hầm xuyên qua lòng sông Nậm Rốm để có thể tiếp viện cho nhau khi cần. Hầm gần sân bay Mường Thanh còn có mục đích để phòng khi thất trận tướng De Castre có thể nhanh chóng rút lui bằng máy bay.

Tổng số lực lượng Pháp ở Điện Biên Phủ lên tới 16.200 quân nhưng yếu điểm của Pháp là chủ quan, các cứ điểm đều bị cô lập, hơn nữa, đường vận chuyển tiếp tế duy nhất chỉ bằng đường hàng không. Người Pháp mắc sai lầm vì cho rằng Việt Minh không thể vận chuyển đạn dược lên Điện Biên vì không có lực lượng không quân.

Thu Đông 1953-1954, công việc chuẩn bị cho chiến dịch đã hoàn tất và Việt Minh huy động toàn dân tham gia phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Dân công từ các hướng tiến về Điện Biên Phủ như thác nước, họ thồ lương thực, đạn dược lên Điện Biên. Vận chuyển một quãng đường dài, khó khăn và gian khổ, đường núi đèo dốc hiểm trở, dân công khoẻ nhất cũng chỉ thồ được khoảng một tạ gạo, khi lên đến nơi thì đã ăn hết một nửa và lại quay về thồ tiếp.

Bom đạn của Pháp trút xuống, biết bao người đã hy sinh. Khó khăn nhất là công việc kéo pháo, những khẩu pháo nặng đến vài tấn do Trung Cộng viện trợ đã được kéo lên Điện Biên vượt qua bao đèo cao, vực thẳm khiến Pháp phải đi từ bất ngờ đến thất bại. Việt Minh hy sinh, tổn thất cũng rất nhiều nhưng đã thành công trong việc thu hẹp vòng vây, sân bay Mường Thanh bị bao vây khiến đường hàng không của Pháp không thể hoạt động.

Sân bay Mường Thanh bị vô hiệu hoá, đường vận chuyển duy nhất của Pháp không còn và nguy cơ thất bại đến gần. Pháp chỉ còn cách hỗ trợ Điện Biên bằng các cánh quân  quân nhảy dù, trong khi đó lương thực, thuốc men, đạn dược cũng được tiếp tế bằng cách thả dù. Tuy nhiên, phi cơ không dám bay thấp vì hỏa lực dưới đất khiến việc thả dù không chính xác.

Trong đợt tấn công này, Việt Minh lần lượt chiếm được các đồi E1, D1, C1... trừ đồi A1. Việt Minh chuyển từ chiến thuật ‘đánh nhanh thắng nhanh’ sang chiến thuật ‘đánh chắc tiến chắc’. Người Pháp chủ quan nên không thể nào ngờ pháo binh Việt Minh đã bố trí những khẩu pháo 105 ly trên các sườn đồi nhìn xuống thung lũng. Pháo 105 ly góp một phần không nhỏ cho chiến dịch Điện Biên tuy có nhược điểm là rất nặng và bắn một thời gian là nòng pháo nóng đỏ, phải chờ cho nguội rồi tiếp tục bắn tiếp.

Pháo binh Việt Minh trên đường vào Hà Nội

Cuối cùng Việt Minh quyết định cho nổ tung cả quả đồi bằng một tấn thuốc nổ. Họ đào hầm vào giữa đồi A1 để đặt bộc phá với khoảng 500m tiến đến đồi A1. Đào đường hầm cũng vô cùng khó khăn, bộ đội phải đứng hàng dài từ ngoài vào trong để quạt không khí từ ngoài vào. Không khí rất thiếu, có người chỉ vào xúc được vài xẻng rồi bị ngất nên phải đưa ra ngoài.

Đào đến đồi A1, đến nơi có thấy đá và nghĩ đã đến tâm của quả đồi nhưng lại là móng nhà của một người Nhật đã từng xây dựng trên đó trước khi Pháp đến. Số bộc phá dự trù phải 1 tấn nhưng dù có 500 kg thuốc nổ lấy được từ Pháp nhưng vẫn chưa đủ số lượng. Tuy nhiên, tướng Giáp vẫn quyết định đánh.

Các đơn vị Việt Minh sẵn sàng chuẩn bị để sau khi nổ sẽ ồ ạt xuông lên. Tuy tất cả đã không đúng như dự định, hố bộc phá cách hầm cố thủ đến 30m, hầm vẫn còn nguyên vẹn nhưng Việt Minh cũng đã chiếm được đồi A1 vào 4 giờ 30 phút chiều ngày 6/5/1954.

Chiều ngày 7/5/1954 Việt Minh vượt qua cầu Mường Thanh, tiến đến hầm De Castre, bịt kín 2 cửa hầm. Tướng De Castre đã hạ lệnh cho tất cả đầu hàng, tiến ra khỏi hầm với chiếc cờ trắng giữa hai hàng súng của Việt Minh. Hai ngày sau, toàn bộ quân Pháp còn lại ở Điện Biên đều trở thành tù binh.

Lễ hạ cờ "Tam Tài" tại Hà Nội

Một lần nữa, binh thư ‘lấy thịt đè người’ đã trở thành một bài học lịch sử trong cuộc kháng chiến. Quân Pháp ở Điện Biên Phủ chỉ có 16.200 người, trong khi lực lượng Việt Minh gồm bộ đội và dân công có số lượng vượt trội nên đã tràn ngập chiến trường.

Về mặt quân sự, người Pháp đã hoàn toàn thất bại ở Đông Dương nhưng, xét về khía cạnh nhân bản, hàng trăm ngàn sinh mạng người Việt đã phải nằm xuống tại Điện Biên. Chiến tranh, dù thất bại hay thành công, đều có những cái giá quá đắt của nó.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 1: Thời thơ ấu)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

2 Comments on Multiply

linalol wrote on Nov 27, '11
Cám ơn anh. Bài viết đã giúp hiểu hơn về những năm tháng cũ.

130353 wrote on Dec 21, '11
Cám ơn tác giả

7 nhận xét:

  1. Bài hay nhưng dài quá ! Tìm mãi mới thấy cửa để viết com.... Chỉ cho mình cách tạo : blogspot nhé, cảm ơn nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. Hôm qua mình đã Còm....cho bài này rồi mà nay biến đâu mất tiêu rồi ?
    Mình đã tạo đựoc blog nhưng chưa biết cách sử dụng, mong các bạn xa gần giúp đỡ .

    Trả lờiXóa
  3. Xin anh cho phép được làm Hồi Ức Một Đời Người thành audio và sẽ phổ biến trên các audio truyện forum .
    Xin anh cho biết ý kién .
    Cảm ơn anh .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật tình tôi vẫn chưa hiểu rõ cách làm audio Hồi Ức Một Đời Người như thế nào về phía tác giả. Anh có thể nói rõ hơn về chi tiết được không?

      Xóa
    2. Đọc toàn bộ 9 chương của anh . Chia ra làm 9 files mp3 upload bằng host như Mediafire, lấy ̣9 links post vào diễn đàn audio: http://www.hotmit.com/diendan/viewforum.php?f=17 , tạo 1 thread tương tự như vầy http://www.hotmit.com/diendan/viewtopic.php?f=17&t=125756 .
      Ai muốn nghe bấm vào link download về máy để thưởng thức hồi ức của anh.
      Người đọc không phải tôi mà là những cao thủ trong forum, nam nữ với các giọng đ̣oc và kỹ thuật khác nhau , họ phải dùng vài software để làm . Tôi chỉ xin phép rồi mời họ đọc thôi . Nếu anh đồng ý cho luôn chương 7 thêm phần hấp dẫn nha .

      Xóa
    3. Trên nguyên tắc, tôi đồng ý việc anh (chị) làm audio Hồi Ức Một Đời Người. Khi nào xong nhớ báo cho tôi biết để thưởng thức với. Xin cám ơn trước.

      Xóa
  4. Xin anh luôn chương 7 thêm phần hấp dẫn nha .
    Cảm ơn anh

    Trả lờiXóa

Popular posts