Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

Một ngày tại Vatican

Dù là kẻ… ngoại đạo nhưng tôi đã đã dành một ngày để đến Vatican nhân chuyến du lịch nước Ý qua các thành phố Romes, Florence, Venice, Pisa… Đối với một số người, tôn giáo là một trong những vấn đề ‘gai góc’ nhất mỗi khi bàn đến, nhưng đến ‘vùng đất thánh’ Vatican không thể không đả động đến đức tin của con người.

Karl Marx nói “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân” (1) nhưng Francis Bacon lại cho rằng “Chủ nghĩa vô thần thường ở trên môi hơn là trong trái tim con người” (2) còn Benjamin Franklin lại tự hỏi “Nếu con người có tôn giáo mà còn hung ác, họ sẽ như thế nào nếu không có nó?” (3).
  
Tôi đã ngồi rất lâu giữa Quảng trường Piazza San Pietro chỉ để nhìn người qua lại và cảm nhận bầu không khí thiêng liêng của Vatican. Khách du lịch khắp thế giới đổ về đây, họ có thể là tín đồ Công giáo hành hương về vùng đất thánh tựa như người Hồi Giáo tìm về La Mecque. Tuy nhiên, cũng có không ít những người ngoại đạo như tôi đến Vatican chỉ để chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc và nghệ thuật.

Piazza San Pietro

Piazza San Pietro, nơi tụ họp của các tín đồ, được kiến trúc sư Gian Lorenzo Bernini thiết kế từ thế kỷ thứ 17. Quảng trường mang hình dạng hai cách cung với đường kính 240m được vây quanh bởi 140 hàng cột khổng lồ. Trên đỉnh cột là tượng của các thánh trong giáo hội La Mã.

Tại trung tâm quảng trường là một ngọn tháp hình cây kim Aguglia đứng sừng sững giữ trời từ thời Trung Cổ cho đến ngày nay. Đối xứng qua tháp là hai bồn phun nước hai tầng hình tròn được xây dựng từ năm 1677.

Bồn hoa phun nước trên Piazza San Pietro

Đứng giữa Piazza San Pietro, khách tham quan cảm thấy mình như bị choáng ngợp trước khung cảnh đồ sộ và thiêng liêng khiến người ta phải quay trở về với thế giới tâm linh. Hằng năm, vào các dịp lễ Phục sinh và Giáng sinh, đích thân Giáo hoàng đứng chủ lễ tại đây. Tôi đã ngồi tại quảng trường gần một tiếng đồng hồ, chỉ để chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc giữa dòng người từ khắp nơi trên thế giới đổ về.

Mọi ngả đường trên quảng trường đều dẫn vào vương cung thánh đường Basilica San Pietro. Nơi đây, tiền thân là mộ của Thánh Phêrô (San Pietro) được Hoàng đế Constantine xây dựng thành một ngôi thánh đường đồ sộ nhưng không kém phần nguy nga. Công trình xây dựng phải mất 150 năm mới hoàn chỉnh vào triều đại Constantius, người kế vị Constatine. Cũng chính tại ngôi thánh đường này, rất nhiều hoàng đế La Mã – trong đó có Charlemagne, Lothair, Louis II và Frederick III – đã cử hành lễ đăng quang.

Basilica San Pietro

Trong suốt hơn 1.000 năm, Basilica San Pietro đã trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử để có được kiến trúc hiện tại. Lòng nhà thờ có sức chứa 60.000 người nổi bật với mái vòm hùng vĩ được trang trí bằng những tác phẩm nghệ thuật pha trộn tôn giáo của các thiên tài Michelangelo và Raphael.

Bàn thờ chính tòa được đặt ngay trung tâm thánh đường, nơi đây đức Giáo hoàng cử hành các nghi thức tôn giáo vào những dịp lễ trọng. Những cuộc khai quật năm 1940 cho thấy bộ xương của một người to con, lớn tuổi trong nấm mộ bên dưới bàn thờ chính tòa. Đức Giáo hoàng Paul VI đã khẳng định bộ xương đó chính là của Thánh Phêrô.

Bên trong Basilica San Pietro

Trong lòng thánh đường còn có rất nhiều bàn thờ và tượng các thánh nhưng vốn là người ngoại đạo nên tôi không thể nào biết hết tên các thánh. Khách hành hương cũng như du khách xếp thành hàng dài để được xoa tay mình vào chân những bức tượng với hy vọng điều an lành sẽ đến với bản thân.

Người Công giáo tin tưởng rằng nếu có dịp đến đây và được rờ vào chân những bức tượng sẽ mang lại nhiều may mắn. Thật tình, tôi không tin tưởng vào những chuyện thần bí nhưng nghĩ đã có dịp đến đây thì tại sao không thực hiện đúng như lời khuyên của người xưa: “In  Rome do like Romans”.

Để được ‘xoa chân tượng thánh’ cũng là một ‘công trình’ đòi hỏi sự kiên nhẫn: khách thập phương phải xếp hàng chờ đến lượt. Mỗi bức tượng chỉ có hai chân nên mỗi đợt chỉ có hai người được đứng để chụp hình. Tới phiên tôi, phần chân còn lại của bức tượng có một bà người châu Á, không biết từ nước nào, đứng cạnh. Quả là duyên hạnh ngộ!

Xoa chân tượng thánh

Thư viện Vatican và những bộ sưu tập của Viện bảo tàng Vatican có tầm quan trọng rất lớn về lịch sử, khoa học và văn hóa. Vì những lý do đó, năm 1984, Vatican được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

Basilica San Pietro và Nhà nguyện Sistine là nơi tập hợp nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới, trong đó có những tác phẩm của những nghệ sĩ lừng danh như Botticelli, Bernini và Michelangelo. Dấu ấn của Michelangelo tỏa khắp các công trình nghệ thuật tại Vatican, trong đó nổi bật nhất là những bức bích họa mang tên Sự sáng tạo loài người; Sự phán xét cuối cùng; Sự sáng tạo Adam; Adam và Eve bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng; Trận đại hồng thủy… được sáng tác trong thời gian từ 1508 đến 1512.

Sự sáng tạo loài người
(The Creation of Man)

Trong giai đoạn 2, năm 1547, Michelangelo đảm nhận công việc trang trí mái vòm tại trung tâm vương cung thánh đường với chiều cao 119m. Khi đó ông đã 72 tuổi. Chỉ riêng tại Nhà nguyện Sistine (Sistine Chapel), nơi có bức tranh Sự phán xét cuối cùng, Michelangelo đã phải mất 4 năm trời làm việc trên giàn giáo để thực hiện bức bích họa để đời này.

Sự phán xét cuối cùng
(The Last Judgement)

Một chi tiết lý thú: khởi thủy, nguyên tác bức tranh Sự phán xét cuối cùng Michelangelo và các bức khác đã mô tả các nhân vật của mình trần trụi nhưng sau này, do những phê phán của dư luận, đức Giáo hoàng Pius IV quyết định để họa sĩ Daniela da Volterra, học trò của Michelangelo, vẽ thêm lá nho và khố cho các nhân vật trong tranh.

Tác phẩm của Michelangelo trên trần Nhà nguyện Sistine

Năm 1929, Vatican trở thành một quốc gia do Giáo hoàng đứng đầu với đầy đủ chủ quyền – hành pháp, lập pháp và tư pháp – ngay trong lòng Roma, thủ đô của nước Ý. Với diện tích chỉ vỏn vẹn 44 hécta, Vatican là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới, dân số chính thức chưa đầy 1.000 người nhưng lại đại diện cho khoảng 1 tỷ người thuộc Giáo hội Công giáo trên trái đất.

Những công dân khác của Vatican, như nhân viên các tòa đại sứ, thường sống ngoài bức tường thành bao bọc Vatican. Cũng vì thế Vatican còn có tên gọi là Thành quốc Vatican (Status Civitatis Vaticanae trong tiếng La Tinh và Stato della Città del Vaticano trong tiếng Ý).

Quân đội Vatican rất đặc biệt vì đó là đội quân chính quy nhỏ nhất nhưng lại lâu đời nhất thế giới với tên gọi Đội cận vệ Thụy Sĩ. Đội quân này được Giáo hoàng Julius II thành lập từ năm 1506 gồm toàn những thanh niên tuyển từ Thụy Sỹ. Họ là những trai trẻ, tuổi từ 19 đến 30, có chiều cao không dưới 1m74, độc thân và là người Công giáo sùng đạo được các họ đạo địa phương giới thiệu.

Đội cận vệ Thụy Sĩ

Sở dĩ người Thụy Sỹ được lựa chọn vì từ thời Trung cổ đến Phục hưng, họ đã nổi tiếng là những chiến binh dũng cảm và trung thành. Trước đây, lính Thụy Sỹ cũng tham gia bảo vệ nhiều Hoàng gia châu Âu khác. Tuy nhiên, từ năm 1848, hiến pháp mới của Thụy Sỹ cấm các công dân nước mình phục vụ quân đội ở nước ngoài, chỉ có một ngoại lệ duy nhất dành cho Vatican.

Đội cận vệ Vatican mặc đồng phục thời trung cổ, sọc màu vàng, xanh, đỏ và đội mũ sắt có chóp nhọn đính lông đỏ. Bộ đồng phục này được một đội trưởng đội cận vệ thiết kế cách đây hơn 100 năm. Đội cận vệ Vatican không chỉ đứng gác ở cổng mà nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ nơi ở của Giáo hoàng, các nhà thờ mà Giáo hoàng thường làm lễ hay đến thăm.

Cận vệ gác cổng

Từ năm 1970, tổ chức vũ trang duy nhất của Vatican có quân số…100 người, bao gồm một đội trưởng, 24 sĩ quan và 75 binh sĩ. Những đội viên cận vệ chủ yếu xuất thân từ những vùng nói tiếng Đức có truyền thống Công giáo. Các đội viên cận vệ được ký hợp đồng không dưới 2 năm và sau 3 năm phục vụ họ được phép lấy vợ. Mức lương của lính cận vệ khá khiêm tốn: chỉ vào khoảng 1.400 USD/tháng. Cũng vì thế, ngày nay số lượng ứng cử viên vào đội cận vệ Vatican ngày một giảm do mức lương thấp so với mặt bằng chung ở châu Âu.

Khi đứng bên cạnh một người cận vệ Vatican, tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé trước những người khổng lồ trong quân phục thời Trung cổ với những vũ khí giáo mác thô sơ. Phải chăng đó cũng là nét hấp dẫn của Vatican đối với phần còn lại của thế giới trần tục?

===

Chú thích:

(1) Karl Marx: “Religion is the opium of the people
(2) Francis Bacon: “Atheism is rather in the lip than in the heart of man
(3) Benjamin Franklin: “If men are so wicked with religion, what would they be without it?

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 9: Thời hội nhập)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ) 
Tác giả còn dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

***

2 Comments on Multiply

ktran92126 wrote on Jan 9, '11
Cám ơn anh đã đăng bài viết rất linh động và thú vị này. Đang mơ có một ngày được qua Ý để viếng thăm các thành phố ở đây nhất là Vatican nơi mà anh đã đi qua. :-)
Muốn mua cuốn sách "Hồi Ức Một Đời Người" chắc chắn là chưa có Chương 10: Thời xuống lỗ rồi! :-) nhưng không biết phải làm sao, anh có thể giúp? Thanks :-)

nguyenngocchinh wrote on Jan 9, '11
ktran92126 said “Muốn mua cuốn sách "Hồi Ức Một Đời Người" chắc chắn là chưa có Chương 10: Thời xuống lỗ rồi! :-) nhưng không biết phải làm sao, anh có thể giúp? Thanks :-)
"Hồi Ức Một Đời Người" chỉ được viết để bạn bè và con cháu trong gia đình đọc, tác giả hoàn toàn không có mụch đích xuất bản. Xin chân thành cám ơn bạn đã chia sẻ với những gì người viết gửi gấm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts