Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Du ký xứ… Miệt Dưới (17): Chim cánh cụt… mini


(Tiếp theo)

Australia còn được gọi là ‘Down Under’, tạm dịch là ‘Miệt Dưới’, vì nằm ở phía Nam Bán Cầu. Du ký dưới đây được viết thành nhiều kỳ để ghi lại 45 ngày sống ở phía Nam trái đất.

Ngày 4/4/2013

Trên đường đến bãi biển Summerland để xem Penguin Parade, màn hấp dẫn nhất trên Phillip Island có chim cánh cụt diễu hành sau một ngày kiếm ăn ngoài biển cả, chúng tôi ghé Nobbies Centre ngắm nhìn Seal Rocks nơi tập trung rất nhiều hải cẩu. Theo tập sách hướng dẫn du lịch, Seal Rocks mỗi năm thu hút khoảng 25.000 hải cẩu và có đến 6.000 hải cẩu con ra chào đời tại đây.

Seal Rocks

Cứ tưởng được nhìn hải cẩu tận mắt nhưng không phải vậy. Nơi đây chỉ có những lối đi bằng gỗ có gắn viễn vọng kính để khách du lịch có thể nhìn ra Seal Rocks và thấy hàng bầy hải cẩu lố nhố từ xa.

Tại các sườn vách núi, vách đá còn có những tổ của chim cánh cụt được đóng bằng gỗ. Nhìn những tổ gỗ này tôi thấy hơi… nản, tổ bé tí teo, trông tựa như cái hộp, chẳng có gì hấp dẫn. Nơi đây chim cánh cụt cũng có mặt nhưng không đông bằng bờ biển Summerland.

Dàn viễn vọng kính để xem hải cẩu.
Phía trước là những cái tổ của chim cánh cụt đóng bằng gỗ

Giờ này những “ngôi nhà hộp” của chim cánh cụt hoang vắng vì chủ nhân của chúng còn bận săn bắt cá ngoài đại dương. Cứ tưởng thế nhưng lại lầm to. Một vài căn nhà vẫn có sự hiện diện của chủ, những chú chim cánh cụt nhỏ tí không hiểu vì sao hôm nay không ra khơi… mà ở lại để tiếp khách đến thăm nhà?

Thế là hàng loạt máy ảnh chĩa vào “ngôi sao sáng chói” nhưng không cần flash vì lúc này còn đầy đủ ánh sáng. Mọi người đều biết phải tranh thủ chụp ngay vì tại Penguin Parade ngoài bờ biển lúc trời sụp tối quy định không được chụp ảnh, quay phim để…  “bảo vệ chim”.

Chụp bằng điện thoại di động cũng không được phép, nếu cần hình ảnh hoặc slide có thể mua tại cửa hàng lưu niệm với giá cả hợp lý (nguyên văn: Slides and photographs can be purchased at a reasonable price in the souvenir shop).



“Tiểu cánh cụt” hay “cánh cụt mini” (little penguin)
(Hình chụp tại Seal Rocks)

“Tiểu cánh cụt” hay “cánh cụt mini” (little penguin, tên khoa học: Eudyptula minor) là một “loài chim không bao giờ bay” chỉ có ở Úc và Tân Tây Lan, thuộc phía Nam Bán Cầu. Chim cánh cụt ở đây chỉ cao khoảng 40 cm, nặng 1 kg trong khi loài chim cánh cụt “Hoàng Đế” (Emperor penguin, tên khoa học Aptenodytes forsteri) có thể cao đến 1 m và cân nặng 35 kg ở tại các vùng băng giá Nam Cực.  

Chin cánh cụt Hoàng Đế (Emperior penguin)
(Nguồn Wikipedia)

Nói chung, loài chim cánh cụt nào có kích thước lớn hơn thì cũng có khả năng giữ nhiệt tốt hơn, và vì thế sinh sống trong khu vực lạnh hơn như ở Nam Cực. Các loài chim cánh cụt nhỏ chủ yếu tìm thấy trong khu vực có khí hậu ôn đới như Úc, Tân Tây Lan hay thậm chí tại vùng nhiệt đới.

Một trong những điểm đặc biệt của loài chim cánh cụt là cuộc sống tình cảm kỳ lạ nhất trong số các động vật hoang dã. Chim cánh cụt sống thành đôi như một cặp vợ chồng, cũng có lúc chúng “li dị” nhau để tìm bạn mới theo mùa giao phối. Chim cánh cụt mẹ, vì một lý do nào đó bị mất con, lại có ý đồ làm “mẹ mìn”, đi ăn trộm con của đồng loại. Điều này làm các nhà khoa học kinh ngạc nhưng chưa tìm được lý do để giải thích. 

Chim cánh cụt “mini” lúc mới sinh
(Nguồn Flickr)

Người ta còn phát hiện những trường hợp chim cánh cụt… đồng tính. Hai con chim trống cặp đôi với nhau và khi chúng ấp trứng thì trứng lại là những… hòn đá. Những cuộc tình thuộc loại “gay” này không nhiều nhưng đã được các nhà khoa học ghi nhận. Không biết lối sống “biến thái” này của chim cánh cụt là bản năng thiên nhiên hay nhiễm tính từ con người?

Hai con chim cánh cụt gặp nhau cũng có thể dùng “ngôn ngữ cơ thể” (body language) để chào hỏi tựa như con người bắt tay nhau. Chúng cũng tán tỉnh, ghen tương và chia tay nhau như một cặp tình nhân. Nhìn vào những con chịm cánh cụt người ta liên tưởng đến sự lạnh lẽo nhưng thật ra chúng luôn cảm thấy nóng trong cơ thể. Bằng chứng là khi ra nắng chúng thường vỗ đôi cánh cụt để làm mát thân thể giữa môi trường băng tuyết.   

Chim cánh cụt vỗ cánh để giảm sức nóng trong người

Chúng tôi đến Penguin Parade khi nàn hình Countdown tại Visitor Centre báo còn 1 tiếng 53 phút chim cánh cụt sẽ trở về bãi biển Summerland. Màn hình cũng cho biết tối hôm qua chim về lúc 19:44 và tối nay dự báo chim sẽ về vào lúc 19:40. Trên vé vào cửa cũng dặn dò kỹ lưỡng: khách đến bãi biển phải mặc đồ ấm vì tại đó không có chỗ tránh rét.

Màn hình Countdown báo giờ chim cánh cụt về tổ

Thời gian chim cánh cụt diễu hành kéo dài khoảng 50 phút, du khách phải có mặt tại bãi biển 15 phút trước đó. Sẽ không có thông báo trên loa phóng thanh vì cần phải giữ yên lặng trong buổi “diễu hành”! 

Còn rất nhiều thì giờ nên cánh phụ nữ miệt mài mua sắm đồ kỷ niện với chủ đề quay quanh chim cánh cụt như những chiếc áo T-shirt, những vật dụng trang trí. Phước, con rể, tìm một chỗ ngả lưng lấy sức để chuẩn bị cho việc cầm vô-lăng lái xe gần 200 km đường trở lại Melbourne. Tôi vào phòng chiếu, xem một phim ngắn về chim cánh cụt  rồi lang thang trong Visitor Centre, nơi đây có rất nhiều thông tin bổ ích nếu muốn tìm hiểu về loài chim kỳ lạ này.

Visitor Centre

Thông tin từ Trung tâm tiết lộ, về mặt tình cảm, loài chim này không “kết bạn với nhau suốt đời”. Chúng sẽ tìm bạn mới một khi tỷ lệ sinh sản với người bạn tình không cao, thì cũng giống con người! Tỷ lệ “ly dị” ở loài chim nhỏ này là từ 18 đến 50%, điều này vượt xa hẳn con người!


Tôi đứng chụp chung một bức hình với chim cánh cụt… trưng bày trong tủ kính. Đến lúc xem lại mới thấy người và chim sao trông giống nhau quá. Cũng gầy gầy, dài dài… Hai cánh chim của chim cụp lại ôm lấy thân trong khi tôi thì bỏ hai tay vào túi, co ro vì lạnh nên trông cũng chẳng khác gì chim!

Người và chim cũng chẳng khác gì nhau!

Cũng giống như boardwalk tại Kaola Conservation Centre, đường ra bãi biển là một lối đi rộng bằng gỗ dẫn đến hai khu vực khán đài có ghế dài ngồi hướng ra biển. Hà & Phước đã đến đây nột lẩn nên chuẩn bị đồ ăn, thức uống chu đáo cho bữa ăn tối ngay tại bờ biển trong khi chờ đợi chim cánh cụt từ đại dương về tổ.

Nhìn quanh cũng thấy nhiều gia đình quây quần ăn uống, người nào cũng chuẩn bị quần áo ấm, khăn quàng cổ, mũ len, thậm chí cả chăm mền để đón những luồng gió lạnh từ biển thổi vào… Tôi làm một ly mỳ, nước sôi từ bình thủy đổ vào, khói bốc lên nghi ngút nhưng sao thấy ấm áp như một cái lò sưởi cầm tay. Răng chưa ăn mà đã đánh vào nhau cồm cộp.

Màn đêm đã bắt đều bắt đầu buông xuống cùng gió lạnh. Tôi nghĩ thật buồn cười, mất tiền mua vé để được hưởng cái lạnh run người như trời đầy… Cuộc đời nhiều lúc thấy thật trớ trêu.

Đúng như màn hình Countdown đã dự báo, 19g40 đã thấy thấp thoáng qua ánh đèn vài chú chim cánh cụt đang bơi vào bờ. Hình dáng nhỏ bé của chim có lúc bị mất hút qua những đợt sóng nhồi liên tiếp xô vào bờ… vài chú hình như lại đùa với sóng bằng cách bơi ngược ra biển như để đón những người bạn trên đường về. Có chú đứng lại trên cát, vỗ đôi cánh cụt như thể vỗ tay chào mừng những người anh em.

Có chứng kiến những đợt sóng nhận chìm cánh chim nhỏ bé mới thấy khả năng chịu đựng để sinh tồn ngoài biển cả của chim cánh cụt. Tôi thấy hình như chúng vui nhiều hơn là buồn, yêu đời biển cả hơn là than thân trách phận cho một kiếp làm chim. Ngoài biển chim còn phải đương đầu với bao kẻ thù sẵn sàng cướp đi sinh mạng của chúng chứ không phải hoàn toàn tự do trong cuộc mưu sinh bơi lặn suốt ngày.

Cuộc đổ bộ vào bờ bắt đầu
(Nguồn Internet)

Kỷ lục của loài chim cánh cụt nhỏ này là có thể lặn trong vòng 1 phút 56 giây, càng lặn sâu, ánh sáng dưới nước càng yếu đi, tầm nhìn càng hạn chế và đó cũng là điểm yếu trước kẻ thù đồng thời cũng là cơ hội tốt hơn để săn mồi. Cuộc cạnh tranh sinh tồn cứ thế diễn ra hằng ngày ngoài biển khơi.

Bờ biển càng lúc càng đông những cánh chim bơi trở về tổ sau một ngày ra khơi. Chúng họp thành từng nhóm và hình như chỉ về tổ khi các thành viên đã có mặt đầy đủ. Chúng bước những bước lạch bạch tựa như đang diễn hành trước khán đài vì thế nên mới có tên Penguin Parade. Có lẽ chúng cũng chẳng thèm để ý đến khán giả, cứ tiếp tục lạch bạch mà không có nhạc điệu quân hành…

Diễn hành trên đường về tổ
(Nguồn Internet)

Có điều bất ngờ là trên lối đi boardwalk lúc trở ra rất nhiều đứng lại, nhìn xuống ngay dưới chân mình để tận mắt chứng kiến những con chim cánh cụt đang đứng lại chờ bạn hoặc bước đi theo đoàn để về tổ. Có vài người khách Tầu xí xô xí xào chụp hình và nhân viên xuất hiện đúng lúc để nhắc nhở vẫn còn trong khu vực cấm chụp ảnh.

Tôi nghĩ khách du lịch nguời Tầu biết rất rõ điều đó nhưng họ vẫn làm vì ý thức tôn trọng quy định của họ rất kém: chụp thì cứ chụp, nếu bị phát hiện thì chỉ bị nhắc nhở cũng chẳng mất mát gì! “Tinh thần dân tộc” thể hiện rất rõ trong những trường hợp nhỏ nhặt như vậy khi đi du lịch ở nước ngoài.

Cũng cần nói thêm một chút về vấn đề “tinh thần”. Khi ra xe về Melbourne tôi nhớ lại lúc đến Penguin Parade có một tấm bảng nhắc nhở ở bãi đậu xe: “Xin kiểm soát dưới gầm xe trước khi bạn lái đi” (Please check under your car before driving away). Tấm bảng có hình chiếc xe và một chú chim cánh cụt “mini” nằm dưới gầm. Tất cả chỉ có thế nhưng đã thể hiện rõ nét một “tinh thần bảo vệ súc vật” của người Úc.  

Tấm biển báo đầy ý nghĩa

(Còn tiếp)

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
Chương 7: Thời mở lòng (Những chuyện tình cảm)
Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

6 nhận xét:

  1. Trời ạ! đọc xong rồi mà không biết nói như thế nào nữa anh Chính ạ!

    Có con chim cánh cụt nhỏ anh chụp rất đẹp “Tiểu cánh cụt” hay “cánh cụt mini” (little penguin)(Hình chụp tại Seal Rocks) với màu lá màu con chim nhỏ ngóng mỏ chờ.. trong nắng đủ màu sắc thật là đẹp và dễ thương! (đã đẹp còn dễ thương vì không đủ từ để diễn tả đó)

    Và có hình một ông già đứng bên con chim cánh cụt cũng rất lạ (tiếc là người hơi mờ), con chim không than thở (có khi than thở mà ta không biết), nhưng người không than thở thì trong lồng ngực sẽ bị ngộp thở vì bụi đời mất!.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng vậy Gốc Mai ơi. Tấm hình tôi chụp bên con chim cánh cụt là nhờ người lạ bấm máy nên không focus đúng mức. Thôi, cứ tạm hài lòng với những gì có được...

      Xóa
  2. Có một mong muốn nho nhỏ không biết chừng nào thành hiện thực...
    Không bỏ sót bất kì một entry nào của anh từ khi kết bạn trên nhà Mul đến giờ. Mổi entry đều có những giá trị rất riêng về lịch sử, xã hội, con người. Mong anh có thể xuất bản thành sách, em sẽ là một trong những người đầu tiên đăng ký. Một quyển sách như vậy không chỉ có ích riêng cho Già em này đâu, anh Chính ạ. Khoan xuống lổ!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất cảm động vì câu "khoan xuống lỗ". Xuộng hay không là do số trời, gọi ai nấy dạ phải không anh bạn già?

      Xóa
    2. Giời ạ! Dzà em đó còn nhỏ hơn Dzà chị này hai tuổi lận đó! Mà trời có gọi thì trước khi "dạ" cũng phải báo cho nhau biết trước nha!

      Xóa
  3. Anh Chính ơi! M vừa xin hình con chim trong nắng treo ở FB để đố vui rồi. Trừ hai người ở entry này không được giải mã đâu đó nhé!

    Trả lờiXóa

Popular posts