Photo
album này là sự kết hợp giữa những hình ảnh tư liệu sưu tầm trên internet và
phóng sự bằng hình mới nhất trong chuyến đi BMT của 3 cựu học sinh trường Trung
học Ban Mê Thuột (Nguyễn Ngọc Chính từ Sài Gòn; Trần Hữu Thịnh (Đà Lạt) và Phan
Thái Lập từ Hoa Kỳ).
Ba đồng môn Phan Thái Lập, Nguyễn Ngọc Chính, Trần Hữu Thịnh
hội ngộ tại Sài Gòn trước ngày lên đường đi Ban Mê Thuột
Khởi
hành từ phi trường Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, ngày 18/12/2017, chúng tôi đến BMT
vào lúc trời chạng vạng tối để cảm nhận cái lạnh của đất Ban Mê mùa Giáng sinh.
Đồng môn Nguyễn Phụng Hoàng Thành là người đầu tiên chúng tôi gặp tại khách sạn
Cát Phú trên đường Hai Bà Trưng.
Đồng môn Nguyễn Phụng Hoàng Thành
Tên đường ngày xưa là Ama Trang Long… nay đổi lại thành
Nơ Trang Long
Nơi này, góc đường Lý Thường Kiệt – Ama Trang Long ngày
xưa là Nhà hàng Mỹ Cảnh… nay đã trở thành Nhà thuốc tây
Bốn
anh em nay đều đã bước vào lứa tuổi “cổ lai hy” đi dạo phố đêm BMT để thấy thấm
thía cái lạnh cộng với gió Lào trên vùng đất mà ngày xưa dưới thời Bảo Đại được
gọi là “Hoàng triều Cương thổ”. Vùng đất của nhà vua ngày nay khác hẳn với BMT
mà ngày xưa chúng tôi gọi là Buồn Muôn Thuở, Bụi Mùa Trời hay… Bánh Mì Thịt.
Đó
là những cái tên thân mật mà chúng tôi gọi khi còn đi học tại trường Trung học
BMT. Và đó cũng là một trong những lý do những người con xa xứ tìm về với nhóm
bạn bè niên khóa 1958-1965 còn “cố thủ” tại cao nguyên.
Ôm cột chỉ đường để tìm về quá khứ
Ngơ ngác giữa thành phố lạ… mà quen
Ngày
19/12/2017 khởi đầu là bữa ăn sáng do Hàn Vĩnh Minh dẫn đến và dành… trả tiền.
Theo Minh, quán ăn này có trước 1975 và bà chủ quán cũng kể lại “lịch sử hình
thành quán”. Mới sớm đã đông khách đến điểm tâm và dĩ nhiên thực khách là những
khuôn mặt mới. Ngồi nói chuyện tại đây không hợp với những khuôn mặt già từ “7
bó trở lên” nên Minh rủ về café “cóc” gần nhà.
Minh
lần lượt gọi các “chiến hữu” còn sót lại tại đất Ban Mê đến café. Tôi chụp được
một số hình chân dung các “lão tướng”. Chuyện trò rôm rả, có lúc nhắc đến những
tên “cúng cơm” như Lập “đen”, Tuấn “café noir”, Thành “dẹo”, Thể “mexico”, Vinh
“cà-tông”, Lạc “lùn”, Bốn “lù”, “Ô Mã” Thăng… Rồi thì đủ các nickname để phân
biệt với tên Chính như Chính “hô”, Chính “cái”, Chính “ghèn”, Chính “lé” (may
mà bản thân người viết bài này chưa có nickname!). Các “bà nội, bà ngoại” bây
giờ cũng được nhắc đến như Dung “tóc thề”, “Minh “vi thể” hay Lụng “trời wươi”
cũng được nhắc đến dù không có mặt.
Bên ly cà phê sáng với các bạn cũ
Những
cái tên thời học trò đó bây giờ có người đã “từ bỏ cuộc chơi” để về bên kia thế
giới, có người đang nằm trên giường bệnh chờ “gọi tên lên đường”… nhưng cũng có
những người lưu lạc tha phương khắp nơi tận trời Âu, trời Mỹ xuống đến Úc châu.
Cũng vì thế, nhân dịp hội ngộ, tôi đã tạo một group trên Facebook để các đồng
môn thắt chặt hơn sợi dây liên lạc lấy tên “BMT”.
Sau
chầu café do Minh chi, ba chúng tôi được Văn Hữu Nghĩa lái xe đi thăm một vài
chốn xưa. Dĩ nhiên địa điểm đầu tiên là trường Trung Học BMT. Rủi là cổng trường
đã khép vì học sinh đang thi học kỳ 1 nên chỉ quanh quẩn vòng ngoài chụp hình kỷ
niệm. Trường xưa nay hoàn toàn khác hẳn… không còn thư viện tự xây theo sáng kiến
của GS Bùi Dương Chi, không còn ký túc xá “Kinh-Thượng kết đoàn” và nhất là
“quán của anh Kiếm”, nơi gặp nhau trong những giờ ra chơi để “ăn hàng”. Tất cả
đã biến mất!
Thăm trường xưa
Cổng trường ngày xưa
Biệt
điện Bảo Đại vốn là một di tích lịch sử của BMT. Tiền thân của Biệt điện là Tòa
Công Sứ được xây dựng từ thời Pháp thuộc, năm 1926. Tiếng là dân BMT nhưng mãi
tới bây giờ tôi mới được vào trong khuôn viên Biệt điện để thấy tận mắt quang cảnh
bên trong. Hai cây long não nằm ngay cổng vào thuộc loại cổ thụ, chỉ tiếc một
điều là cây nằm phía bên trái đã bị chết khô, chỉ còn lại thân cây không lá.
Nhưng đó lại là một cảnh đẹp khi lên hình. Cây già nhưng… vẫn còn duyên!
Toàn cảnh Biệt điện Bảo Đai với 2 cây long não ngay cổng
vào
Biệt điện nhìn toàn cảnh từ bên ngoài
Địa
điểm cuối cùng Nghĩa chở chúng tôi đến là chùa Khải Đoan, ngôi chùa đầu tiên được
xây dựng ở Cao Nguyên và cũng là ngôi chùa cuối cùng được phong Sắc tứ của triều
Nguyễn.
Khải
Đoan là ghép từ tên vua Khải Định và hoàng thái hậu Đoan Huy. Chùa được xây dựng
từ năm 1951 với với cổng Tam quan, điện Quan Âm và tòa chánh điện nhưng kể từ
năm 2012 chùa đã trải qua nhiều đợt trùng tu và xây dựng thêm với tổng kinh phí
nghe đâu lên đến 54 tỷ đồng.
Tôi
đã có dịp thăm Nan Tien Temple của người Đài Loan ở Wollongong (Úc châu) và thấy
chùa Khải Đoan ngày nay có kiến trúc, khuôn viên có nhiều nét tương tự. Đặc biệt
là cả hai đều có cả một rừng tượng rải rác khắp sân chùa. Khải Đoan còn có bức
phù điêu rất lớn, mô tả những giai đoạn trong cuộc đời tu luyện của Đức Phật
nhưng lại thiếu hồ sen như Nam Tien Temple.
Toàn cảnh chùa Khải Đoan
Toàn cảnh chùa Khải Đoan
Chánh điện chùa Khải Đoan
Kiến trúc chùa Khải Đoan
Bức phù điêu trên sân chùa
Chùa Khải Đoan khi đang còn xây dựng (năm 1969)
Sau
một buổi sáng “cưỡi ngựa xem hoa”, chúng tôi gặp nhau tại nhà hàng Tuấn Đạt để
ăn trưa. Nhà hàng cũng có sân rộng và trang trí cả ông già Noel để chào mừng
khách. Thế là vừa lên chùa gặp Phật rồi lại đến gặp người của Chúa! Bữa ăn lại tiếp
tục rôm rả với những câu chuyện kỷ niệm của xứ Ban Mê. Người chiêu đãi cũng vẫn
là Minh!
Hình chụp tại Nhà hàng Tuấn Đạt với bức tượng Ông Già
Noel
Bữa tiệc trưa thân mật với các đồng môn
Về
khách sạn nghỉ ngơi vài tiếng rồi Nghĩa lại tiếp tục đến chở “ba chàng ngự lâm
pháo thủ” để đi thăm cơ sở của “đại gia” Minh nằm cách thị xã hơi xa. Minh làm ăn
theo mô hình chăn nuôi heo kết hợp với vườn cà phê và các loại cây ăn trái như
mít, tiêu, sa-bô-chê, thanh trà.
Trại
heo của Minh có đến 500 con, nuôi theo kiểu công nghiệp, mỗi con một khoang và
có hệ thống cống để rửa chuồng trại và ủ phân để bón cây. Quy trình gần như
khép kín trong nông trại, rất tiếc vào buổi tối nên chúng tôi không đi thăm vườn
chiếm một diện tích rất lớn, cả ở bên này lẫn bên kia đường.
Trại heo của Hàn Vĩnh Minh
Trước
khi ăn tối, chúng tôi còn được viếng nơi mà Minh gọi là “lầu gác heo” đặt trên
một bể nước. Mang tiếng là “lầu” nhưng thực ra đó là một căn nhà gạch, gồm hai
phòng với đầy đủ tiện nghi, có TV, bàn làm việc, có cả máy vi tính… nói chung
là khá “hiện đại” nhưng cũng… hại điện. Vì tuổi tác ngày một cao, Minh đang từ
từ chuyển giao cơ sở làm ăn cho người em vợ, một Việt kiều từ Úc về để quản lý.
Trên “lầu gác heo” của chủ trại
Bữa
ăn tối ngay giữa sân giữa khung cảnh sân vườn với các món chính là “heo” nhà
nuôi, còn có thịt gà trông tựa “gà ác” được gọi là.. Gà Mông. Anh em gọi đùa là
“gà hở mông” trên bàn tiệc. Chỉ có 2 người uống rượu còn lại các “bô lão” đều uống
bia và nước ngọt.
Bữa ăn tối trong khung cảnh sân vườn
Sáng
hôm sau chúng tôi lại gặp nhau tại quán cà phê “cóc” và, thật bất ngờ, chủ đề
là một buổi học “cấp tốc” về… điện thoại thông minh. Đa số các ông già đều có
smartphone nhưng thật ra rất lờ mờ về cách chụp ảnh hoặc lướt facebook. Thế là
một khóa vài giờ về các thủ thuật lướt web đã diễn ra. Chẳng là tôi đã loan báo
về Group BMT đã được mở trên Facebook Messenger để gửi hình ảnh và bình luận…
Thế cho nên, ông nào chưa biết cách truy cập vội vàng học ngay, không học thì
chẳng được coi hình!
Sau
chầu café là bữa ăn sáng với món cơm tấm ngay tại nhà Minh, cách café vài căn.
Buổi họp mặt cuối cùng thật cảm động với quà của các bạn như cà phê Ban Mê, trà
gừng, lạp xưởng sản xuất tại bên Lào. Ba người khách cảm thấy áy náy trong lòng
vì đã được tiếp đón nồng hậu, được ăn uống mà lại còn được… “gói mang về”!
Trong khi đó, lúc đi BMT gấp quá nên chẳng ai nghĩ đến việc mua quà cho các bạn.
Chúng tôi rất áy náy trong lòng nhưng không ai dám nói ra.
Bữa ăn sáng tại nhà Minh
Thịnh
về Đà Lạt bằng xe đò vào buổi trưa ngày 20/12, Lập đi Dốc Lết, Nha Trang, thăm
người anh cũng bằng xe đò… còn lại mình tôi mãi đến tối mới ra phi trường Phụng
Dực để về Sài Gòn.
Về
đến nhà đã là nửa đêm, lên giường ngủ vẫn chưa chợp mắt được vì những kỷ niệm nồng
ấm của xứ Ban Mê với các bạn đồng môn, tuy tuổi đời ngày một cao nhưng tình bạn
đã được “hâm nóng” qua chuyến đi… “dối già”!
“Ban Mê đi dễ khó về?
Tuổi già chồng chất
không hề chùn chân
Bạn bè tứ xứ nhưng gần
Chỉ cần một phút xuất
thần về thăm!”
***
Hình ảnh Ban Mê Thuột
ngày xưa
Quán kem Chi Cao góc Lý Thường Kiệt-Quang Trung (1969)
Khách sạn Kinh Đô
(ngã tư Quang Trung - Hai Bà Trưng, chéo góc với rạp Tường
Hiệp)
Nhà thờ chính tòa Ban Mê Thuột
(còn gọi là Nhà thờ Cột đèn ba ngọn)
Không ảnh Ban Mê Thuột xưa
BMT tiễn chào quý khách
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét