Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Năm cún nói chuyện cầy tơ

Mê tín dị đoan một chút: nhiều người cho rằng ăn “thịt cầy” vào những dịp đầu năm sẽ gặp những điều không hay… nhưng nếu gặp chuyện không hay thì cứ “cố đấm ăn… cầy” để xua cái vận đen ấy đi. Chẳng biết đâu mà rờ!  

Thôi thì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”… Để dung hòa, bài viết này chọn thời điểm tất niên khi con gà nhường chỗ cho con cún ngự trị với hy vọng 365 ngày tới sẽ gặp toàn chuyện lành theo ý muốn.

Thêm nữa (cũng lại mê tín), các bạn cầm tinh con chó sẽ gặp “năm tuổi”, thường hứa hẹn một năm đầy bất trắc, xui xẻo… Cún con thì lận đận trên đường học vấn, tình duyên… cún lớn thì không biết chừng bị “hóa kiếp” chào mừng các đệ tử làng nhậu!

Món ăn khoái khẩu của một số người tại Việt Nam

“Nói có sách, mách có chứng”. Theo thống kê không chính thức năm 2014, trên toàn thế giới có đến khoảng 25 triệu con chó bị con người giết lấy thịt. Đặc biệt là tại 3 nước ở Châu Á: Việt Nam, Đại Hàn và Trung Quốc (kể cả Đài Loan). Riêng ở xứ ta, mỗi năm có khoảng 5 triệu con cún xếp hàng lên bàn nhậu. Không hiểu sao kiếp làm cún lại… “chó má” đến thế!

Tại Thế vận hội 1988 ở Seoul và Giải bóng đá vô địch thế giới 2002, chính phủ Đại Hàn phải ra lệnh đóng cửa các nhà hàng bán thịt cầy để tránh bị những người phương Tây yêu động vật kêu gọi tẩy chay.

Một cửa hàng bán thịt chó tại chợ Gyeongdong, Seoul, Hàn Quốc

Trước khi Thế vận hội Bắc Kinh 2008 diễn ra, chính phủ Trung Quốc cũng phải yêu cầu bỏ món “khoái khẩu” này ra khỏi thực đơn của các nhà hàng để không gây khó chịu cho du khách nước ngoài.

Một nồi lẩu thịt chó ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Trong khi đó, Đài Loan trở thành nước Châu Á đầu tiên chính thức cấm tiêu dùng thịt chó và thịt mèo cũng như phạt tù đối với những người giết và tra tấn thú vật từ kể từ tháng 4/2017. Chỉ còn lại Việt Nam… vẫn chưa thấy động tĩnh gì về mặt pháp lý đối với vấn đề ăn thịt cầy.

Lẩu chó !!!

Ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, thịt chó được nhiều người ưa chuộng. Những vùng thịt chó nổi tiếng đến độ đã trở thành “thương hiệu” như Nhật Tân, Vân Đình (Hà Nội), Việt Trì (Phú Thọ), Tiên Lãng (Hải Phòng), Cầu Vòi (Nam Định).

Tại miền Nam, hiện tượng ăn thịt chó mãi đến năm 1954 mới “di cư” vào Nam cùng một số đồng bào gốc Bắc. Nhiều vùng có đông người Công giáo di cư như Hố Nai, Gia Kiệm, Biên Hòa... có nhiều quán thịt chó. Ngay tại Sài Gòn, người ta dễ tìm thấy các quán thịt chó ở Ông Tạ (quận Tân Bình) hay quận Xóm Mới (Gò Vấp)...

Suy cho cùng, cũng dễ hiểu tại sao thịt cầy lại phổ biến đến như vậy. Theo đông y, “thịt chó có vị mặn, tính nóng, chua, không có độc. Thịt có tác dụng bổ dưỡng, trợ dương, ích khí trừ hàn. Thịt chó vừa là thực phẩm bổ dưỡng vừa là vị thuốc tốt cho người có máu hàn”.

Rõ ràng là đông y “cổ súy” cho việc ăn thịt cầy. Về dinh dưỡng, thịt chó giàu protid, lipid, Ca, P, Fe. Bình quân 100g thịt cung cấp 348 calo. Xương chó có canxi dưới dạng phosphat, carbonat.

“Thịt chó” có rất nhiều tên. Sở dĩ gọi là “thịt cầy” có lẽ vì con chó trông rất giống với con cầy (danh pháp khoa học là Viverridae) mặc dù cầy và chó chỉ có quan hệ họ hàng xa. Lại còn có tên “cầy tơ” (cún con) rồi sau đó lại biến thể, nói lái thành “cờ tây” vì không muốn dùng đến danh từ bình dân như “thịt chó, cầy tơ”.

Họ hàng nhà cầy

Năm 1942, nhà văn Nam Cao (1) có viết một truyện ngắn về thịt cầy với nhan đề “Trẻ con không được ăn thịt chó”. Nam Cao trước đó đã nổi tiếng với nhân vật Chí Phèo (năm 1941), một người nông dân nghèo, lương thiện nhưng lại bị tha hóa trong xã hội làng quê miền Bắc. Anh chửi trời, chửi đời; rồi chuyển sang chửi tất cả làng Vũ Đại, cuối cùng anh chửi thằng cha con mẹ nào đẻ ra cái thằng Chí Phèo. Không ai chửi lại anh, vì rất đơn giản: không ai coi anh là con người cả.

Trong “Trẻ con không được ăn thịt chó” cũng là một nhân vật điển hình của vùng quê Bắc Bộ với nhân vật chính là “hắn”, một nông dân với đầy đủ “phẩm chất” của một nhà nông nghèo khó vùng đồng bằng sông Hồng. Ngay đầu truyện Nam Cao đã để cho hắn hút một lần 3 điếu thuốc lào say túy lúy:

“Người ta đâm chúi đầu vào bức vách hoặc xều dãi ra như một con chó trước khi hóa dại! Còn cái gì thô tục bằng? Đằng này những cơn say rất chóng qua. Người hút, vừa hút xong, đã bị muốn hút luôn điếu nữa. Hút bằng nào cũng không biết chán. Hút đi, hút lại mà vẫn còn thấy ngon…”
 
Ngoài việc hút thuốc lào, hắn còn có một cái thú đam mê là đi đánh xóc đĩa trong làng. Cuộc sống hàng ngày của hắn thì chỉ có một mộng ước: được ăn uống thỏa thuê. Trong ăn uống thì chỉ có hai cái “thú” thường đi đôi với nhau như hình với bóng:

“Rượu... Thịt chó... Rượu... Thịt chó... Óc hắn cứ luẩn quẩn nghĩ đến hai thứ ấy. Sắc vàng bóng của một cái mông chó thui nhầy nhầy mỡ với sắc xanh nhạt của một chai Văn-điển đầy ăm ắp cứ lần lượt hiện ra…”

Nghèo quá nên hắn không đủ tiền để ra quán của Mụ Tam, mà mụ ấy lại không tha thiết gì đến những khách… ăn chịu. Hắn sực nhớ ra rằng: nhà hắn có một con chó vện, con chó vện ấy hay trông gà hóa cuốc, nên lắm khi chực đớp cả chân người nhà.

Đó là một cái tật không thể tha thứ được. Bởi không ai nuôi chó để nó cắn què chân chủ. Cơm gạo vào thời đó còn quý như hạt ngọc, thế mà đến bữa ăn, phải tính đầu để “nhường cơm sẻ áo” cho chó nữa ư? Cứ tình hình ấy, thì phải “dở hơi” lắm lắm mới nuôi một con chó để chẳng có việc gì cho nó làm!

Thế là tàn đời con vện. Khi vợ hắn đi chợ về đến nhà, thị đã toan hỏi nhưng lại nín, vì có cả mấy người anh em bạn chồng đang bận rộn với dao thớt bên con vện đã bị thui, đang được kỳ cọ bằng rơm ngoài bờ ao.

Khốn nạn cho thị lắm! Cái số thị chẳng ra gì nên vớ phải một thằng chồng không biết lo, biết nghĩ, mà chỉ thích ăn, thích uống. Ăn hoang, ăn hại. Ăn uống thế, có khác gì ăn thịt con không, hở trời? Con vện đã trờ thành một bữa đại tiệc:

“Con chó hơi gầy. Nhưng gầy thì cũng tốt. Hai bát tiết canh đông lắm. Ấy là cái điềm lành báo rằng cuộc vui sẽ hoàn toàn. Những miếng thịt ngon thái tái trộn ngay vào hai cái bát chậu thật to cho khỏi lôi thôi. Vẽ vời đơm vào đĩa hẳn hoi thì biết bằng nào đĩa cho xuể? Nồi xáo bốc hơi thơm lựng, chẳng cần múc làm gì cho rếch bát”.

Cún lêm mâm

Mãi đến đoạn kết người đọc mới hiểu tại sao truyện ngắn của Nam Cao lại có tựa đề “Trẻ con không được ăn thịt chó”. Đó không phải là lời khuyên mà là lời giải thích. Hắn và ba người bạn đã đánh chén no say và sau đó hắn ra lệnh cho 4 đứa con đói meo đang bắt chấy cho mẹ dưới bếp để chờ… được ăn những miếng thịt chó còn thừa.

Đứa con gái lớn nhanh nhẩu bưng mâm xuống đất bảo các em ăn đi… nhưng nó lại cất tiếng cười the thé. Người mẹ xịu ngay mặt xuống vì trong mâm, chỉ còn bát không. Thằng cu Con khóc òa lên. Nó lăn ra, chân đập như một người giẫy chết, tay cào xé mẹ. Người mẹ đỏ mũi lên và mếu xệch đi, rưng rưng khóc. Cái Gái, cu Nhớn, cu Nhỡ cùng khóc theo.

Cắn răng chịu đựng thân phận… “chó má”

Thế cho nên truyện mới mang tên “Trẻ con không được ăn thịt chó”. Truyện của Nam Cao cũng giống như của nhà văn O. Henry tận bên Mỹ (2). Cả hai đều có những đoạn kết bất ngờ nhưng lại không thiếu cái triết lý ẩn chứa bên trong. Ngòi bút của họ dùng một thứ mực “lạnh lùng” nhưng đượm chất sâu sắc.

Tôi nghĩ, trẻ con không được ăn thịt chó vì trước đó người mẹ đã nói một câu thật thâm thúy: “Ăn uống thế, có khác gì ăn thịt con không, hở trời?” .

Nhiệm vụ của người kể chuyện đã xong. Tôi xin nhường phần suy nghĩ cho người đọc trước khi kính chúc quý vị một năm mới Mậu Tuất với 365 ngày tràn trề hạnh phúc.

Bạn nghĩ gì khi nhìn tấm hình này?

***

Chú thích:

(1) Nam Cao (1915-1951) là nhà báo, nhà văn hiện thực, với nhiều đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20. Ông sinh ra tại tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao.

Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Năm 18 tuổi vào Sài Gòn, ông nhận làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết truyện ngắn gửi in trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Có thể nói, các sáng tác của Nam Cao thời kỳ đầu còn chịu ảnh hưởng của trào lưu văn học lãng mạn đương thời.

Trở ra Bắc, sau khi tự học lại để thi lấy bằng Thành chung, Nam Cao dạy học ở Trường tư thục Công Thành, Hà Nội. Năm 1941, tập truyện đầu tay “Đôi lứa xứng đôi”, tên trong bản thảo là “Cái lò gạch cũ”, với bút danh Nam Cao được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Sau này khi in lại, Nam Cao đã đổi tên là “Chí Phèo”.

Nam Cao trên tem Việt Nam năm 2001

(2) Về nhà văn Mỹ, O. Henry, đọc thêm bài viết “Chuyện Giáng sinh” tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2014/12/qua-giang-sinh.html


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts