Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2018

Singapore hồi đó & bây giờ




Dạo này người ta thường nhắc đến Singapore. Chuyện cái anh đại gia Vũ “Nhôm” bỏ Việt Nam, trốn qua Sing rồi lại bị bắt đưa về đã chiếm không ít bài viết trên mạng xã hội. Anh Vũ xuất cảnh với 3 passport nên cái nào là thật, cái nào là giả trở thành lý do để Việt Nam “dẫn” anh về vi phạm luật lệ! Đó không phải là “dẫn độ” vì hai nước VN-Sing chưa hề có thỏa thuận về luật dẫn độ.

Cách đây khoảng 10 tháng Singapore cũng được nhắc đến như là một tấm gương để Sài Gòn noi theo. Quan chức mong mỏi thành phố này, một ngày nào đó, sẽ trở thành một Singapore thứ hai.

Một mơ ước thật kỳ lạ. “Lạ” vì ngày xưa Sài Gòn đã từng được tặng danh hiệu “Hòn ngọc Viễn Đông” trong khi cái anh đảo quốc tí hon lúc đó chỉ là một làng chài, không hơn không kém!

Trong “Một cơn gió bụi”, sử gia Trần Trọng Kim kể lại ông được người Nhật đưa đến Singapore ngày 1/1/1944 bằng tàu thủy để gặp Kỳ ngoại hầu Cường Để và cũng tránh được sự dòm ngó của người Pháp.

Khi đó đất nước Singapore được người Nhật gọi là Chiêu Nam Ðảo ngoài cái tên quen thuộc là Tân Gia Ba. Những tưởng Singapore là một vùng đất thịnh vượng nhưng khi đến đây vào thập niên 40 ông Trần Trọng Kim mới ngỡ ngàng trước sự thật:

“Ngờ đâu khi đến Chiêu Nam Ðảo rồi, mới biết cái đảo khi xưa thịnh vượng bao nhiêu, thì bây giờ tiều tụy bấy nhiêu. Ngoài cảng chỉ có lơ thơ vài chiếc tàu vận tải của Nhật, ở trong thành thị, những nhà cửa phố xá không hư hỏng mấy nhưng sự buôn bán đình trệ, sự sinh hoạt mỗi ngày một nghèo ngặt, lúa gạo mỗi ngày một khan, các thực phẩm đắt đỏ không thể tưởng tượng được. Sự đi lại với các xứ ngoài, người Nhật kiểm soát nghiêm mật, thành ra không giao thông được với đâu cả”.

Học giả Trần Trọng Kim còn giới thiệu chi tiết thêm về Singapore thời đó:

“Chiêu Nam Ðảo là Nhật đặt ra để gọi tên đảo Singapour (Làng Sư Tử) sau khi quân Nhật đã chiếm được cả bán đảo Mã Lai. Ðảo ấy có cái hải cảng rất hiểm yếu ở giữa đường hải đạo từ tây phương sang các xứ bên Thái Bình Dương. Dân cư ở đảo ấy có đến 75% là người Trung Hoa, còn lại là người Mã Lai, người Ấn Ðộ và người Nhật.

“Việc điều khiển, phòng bị và cai trị trước đã ở tay người Anh, sau ở cả người Nhật. Việc buôn bán và những công nghệ phần nhiều ở tay người Trung Hoa, còn người bản xứ chỉ làm những nghề nhỏ mọn như chài lưới và trồng trọt rau khoai phía ngoài thành thị.

Phố xá trong thành thị chia làm hai khu: một khu là nơi bình thời buôn bán phồn thịnh có nhà cửa rộng lớn, người đông đúc, chỉ ở gần bến tàu và ven bờ biển; một khu ở phía trong có đường xá sạch sẽ, hai bên có những biệt thự của những phú thương người Anh hay người Tàu. Những biệt thự ấy thường làm ở sườn đồi có cây cối sầm uất và vườn tược đẹp đẽ. Ngoài một vài nơi có phong cảnh khả quan, còn là những nơi buôn bán và ăn chơi chứ không có di tích gì đáng xem.”

(hết trích)

***

Nhân vật thứ hai (sau Vũ “Nhôm”) được nhắc đến trên mạng là ông phó chủ tịch quận 1 vừa nộp đơn xin “cởi áo về vườn” chỉ vì không dành được vỉa hè để biến Sài Gòn thành Singapore. Bài viết này không có ý phê bình hay ủng hộ ông Hải với cách làm của ông Hải “Cẩu” cũng như không bình luận gì về chuyện anh Vũ “Nhôm” trốn qua Sing được vài ngày rồi lại được dẫn về.

Ông Đoàn Ngọc Hải ước Sài Gòn như Singapore

Tôi mới ở Singapore về ngay hôm đầu năm 2018, chỉ tiếc một điều là không cùng chuyến bay với anh Vũ “Nhôm”. Giá mà về Việt Nam chậm thêm vài ngày biết đâu tôi lại có dịp “diện kiến” một khuôn mặt “nổi đình nổi đám” trên mạng xã hội. Nhưng thôi, với câu “giá mà…” thì ai cũng có thể bỏ cả Paris vào trong một cái chai!

Tôi chỉ muốn viết về Singapore “ngày ấy” và “bây giờ” sau 4 lần đến đây trong suốt một đời người với tư cách vừa là một người đến vì công việc và cũng đến để du lịch. Lần đầu tiên tôi đến Sing là năm 1995, trạm dừng chân trên đường đến Sydney trong một chuyến công tác.

Không có dịp khám phá đầy đủ về đất nước này trong một thời gian ngắn ngủi nên chỉ quanh quẩn ở Orchard, con đường shopping sầm uất nhất đảo quốc. Ấn tượng đầu tiên là tiêu chuẩn “Xanh, Sạch, Đẹp” được thể hiện rõ ràng nhất ngay trên đường mua bán cộng thêm với các phương tiện giao thông công cộng đa dạng trong thành phố quốc gia nhỏ bé này. 
 

Singapore 1995, đường Orchard

Những tòa nhà tuy không cao bằng New York hay Chicago nhưng vẫn mang một sắc thái riêng biệt của Singapore với những kiến trúc tân kỳ phảng phất một chút Phương Đông pha trộn một chút Phương Tây. Người Singapore cho đến nay vẫn tôn sùng Thủ tướng đầu tiên Lý Quang Diệu. Ông được coi là “người khai sinh” một nước Singpore ngày nay với vị trí thứ 3 trong danh sách “The Richest Countries in the World”.  

Lãng tử lạc bước giữa phố Orchard (1995)

Năm 1996 tôi trở lại Singapore để dự cuộc hội thảo “Rock the World” do Tập đoàn Máy tính & Máy in Hewlett Packard tổ chức cho báo giới thuộc khu vực Đông Nam Á. Ngoài những buổi thuyết trình về chuyên môn, HP còn tổ chức các buổi “field trips” để giới thiệu về đất nước và con người Singapore. 

Hội thảo “Rock the World” của HP tại Singapore, 1996

Đây cũng là dịp tìm hiểu kỹ hơn về đảo quốc nhỏ bé nhưng thuộc loại “bé hạt tiêu”. Năm 1996, Việt Nam hãy còn ở “ngoài vùng phủ sóng” của Internet nên trong một lần ghé quán “cafe@boatquay” tại Sing tôi đã trải nghiệm cảm giác thế nào là lướt Web, thế nào là Facebook và thế nào là email trong không gian mạng.

Sau này, mỗi khi gặp các sinh viên Singapore tại Việt Nam tôi vẫn thường nhắc đến những cảm giác đầu tiên của một người được hòa mình vào “thế giới ảo” dù chỉ chậm hơn các nước trong khu vực có một năm nhưng đó là một kỷ niệm khó quên! Trong vai trò giảng viên thỉnh giảng về báo chí cho sinh viên người nước ngoài, tôi cũng thẳng thắn nhìn nhận mãi đến năm 1997 Việt Nam mới tiếp cận Internet... nhưng cũng may, số người sử dụng Internet ngày càng gia tăng một cách ngoạn mục.

Một tiệm cà phê Internet tại Singapore, 1996

Boat Quay cũng là khu giải trí của người Singapore vào những buổi chiều tối, sau một ngày làm việc. Nằm trên bờ sông Singapore, Boat Quay ngày xưa chỉ là những dãy nhà kho chứa hàng bốc dỡ từ các tàu buôn. Ngày nay, Boat Quay có hai dãy hàng quán với lối đi lát gạch ở giữa chạy dọc ven sông.

Tuy không rộng lớn như khu vực Bờ Kè của Sài Gòn ngày nay nhưng Boat Quay được tổ chức một cách khoa học pha chút lãng mạn. Các quán rượu thiếu hẳn tiếng “dzô dzô…”, không có cảnh lấn chiếm lối dành cho người đi bộ và, trên tất cả, là bầu không khí văn minh, lịch sự của cả du khách lẫn người bản xứ.

Đó là điều ông Đoàn Ngọc Hải đã không làm được với hy vọng biến Sài Gòn thành Singapore. Ông chỉ biết dẹp ngay những cái chướng tai, gai mắt mà không hề có một chính sách căn cơ cho một kế hoạch lẽ ra phải được tính từ mấy chục năm trước. Phải có sự phối hợp đồng bộ ngay từ lãnh vực quy hoạch xây dựng những khu dân cư kết hợp với việc giải quyết những vấn đề xã hội.


Khu giải trí Boat Quay

Phần trên là hai lần đến Singapore năm 1995 và 1996 với tính cách “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng ở phần dưới đây là những cái nhìn tương đối kỹ hơn vì có nhiều thì giờ hơn, chi tiết hơn và nhất là chính xác hơn.

Năm 2013 tôi trở lại Singapore với vai trò của một du khách trước khi đi Melbourne thăm gia đình con gái. Để tìm cảm giác lạ và cũng để trải nghiệm phương tiện giao thông công cộng nổi tiếng của Singapore, tôi đã đi tàu điện ngầm (Mass Rapid Transport – MRT) từ phi trường Changi về khách sạn.

Đó là một trải nghiệm thú vị nhưng đối với du khách cần phải bỏ ra chút thì giờ để nghiên cứu lộ trình qua các trạm và các tuyến. Người Sing luôn sử dụng xe bus và MRT trong sinh hoạt hàng ngày vì các phương tiện này phục vụ khách một cách nhanh chóng: xe bus có tuyến riêng trên đường, xe điện ngầm có khi chạy dưới đất hoặc trên cao. Hình thức giao thông này giúp giảm áp lực kẹt xe, nhất là vào những giờ cao điểm.

Đón xe điện ngầm từ phi trường Changi về khách sạn

Chúng tôi chọn một khách sạn ở khu Chinatown để tìm hiểu thêm về lối sống của người Hoa. Trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), rất nhiều người Trung Hoa từ tỉnh Phúc Kiến (Hokkien) đã đến Singapore dưới dạng di dân và họ nói tiếng Phúc Kiến. Những người Hoa nói tiếng Quan Thoại, hay còn gọi là tiếng Phổ Thông (Mandarin), chiếm khoảng 23% trong khi tiếng Anh chiếm 19% và tiếng Malay 14%.

Điều nghịch lý là tiếng Malay lại được chọn làm một trong những ngôn ngữ chính tại Singapore. Tuy nhiên, đó cũng là điều dễ hiểu vì Singapore vốn là một phần của Malaysia và tách rời khỏi Mã Lai để trở thành Cộng hòa Singapore kể từ ngày 9/8/1963. Trong số 5,5 triệu người sinh sống tại Singapore còn có cộng đồng người Ấn Độ, họ thành lập Little India bên cạnh Chinatown của người Hoa.

Một góc sinh hoạt tại Chinatown, Singapore, 2013

Chúng tôi cũng viếng chùa “Buddha Tooth Relic Temple” ở Chinatown. Ngôi chùa được gọi là Chùa Răng Phật vì nơi đây còn lưu giữ Xá Lợi Răng Phật được lấy từ bảo tháp đổ nát ở ngọn đồi Bagan, Miến Điện (Myanmar). Chùa được xây dựng vào năm 2005 và khánh thành năm 2007, có 5 tầng nổi và 1 tầng hầm. Vào bên trong, du khách sẽ bắt gặp chánh điện rộng và 3 bức tượng Phật. Trang trí chủ đạo là hai màu đỏ và vàng tạo bầu không khí uy nghi đối với du khách.

“Buddha Tooth Relic Temple” (2013)

Đến Little India du khách cảm nhận ngay được xứ sở Ấn Độ bằng khứu giác, vị giác lẫn thị giác. Nhà cửa, quán ăn, các cửa hàng bán đồ lưu niệm.. đều mang phong cách của người Ấn. Và hình như cả thính giác, nếu nghe người Ấn tại đây nói tiếng Anh với giọng… Bollywood!

“Little India”, Singapore, 2013

Chuyến đi năm 2013 thuần túy là một chuyến du lịch nhưng cũng đánh dấu một lần đoàn tụ gia đình vì sau đó chúng tôi về Melbourne ở với con gái và con rể suốt một tháng. Làm cha mẹ ai mà chẳng thấy tự hào lẫn sung sướng khi thấy con cái tìm được một mái ấm riêng tư. Đó cũng là phần thưởng quý giá nhất lúc về già.
   
Bên gia đình con gái tại Merlion Park, 2013

Chuyến thăm Singapore gần đây nhất và cũng dài ngày nhất là vào cuối năm 2017. Con gái út của tôi làm việc tại đây nên dùng 1 tuần nghỉ phép cuối năm để tiếp đón bố mẹ đến Singapore vào Giáng sinh và mừng năm mới 2018. Đây là cũng chuyến du lịch kết hợp thăm gia đình 4 thành viên của cháu nên mang nhiều ý nghĩa nhất.

Với gia đình con gái út, Singapore, 2017

Trong chuyến đi này, nổi bật nhất trong số những điểm hấp dẫn của Singapore là “Gardens by the Bay”. Khu vườn khổng lồ này chiếm một diện tích 101 hecta, được xây dựng từ một khu đất hoang tiếp giáp với vịnh Marina, nơi có khách sạn nổi tiếng Marina Bay Sands. Có thể nói, đây là một công trình ghi lại dấu ấn của Thủ tướng Lý Hiển Long, con trai của vị “khai quốc công thần” Lý Quang Diệu.

Toàn bộ dự án vườn cây lên đến 1.035 tỷ đô la Sing với chi phí điều hành hàng năm khoảng 58 triệu. Theo thống kê, từ tháng 6 đến tháng 10/2012 “Gardens by the Bay” đã thu hút 1,7 triệu du khách. Đó là niềm tự hào của người Sing trong kế hoạch biến Singapore từ một “Thành phố Vườn” đến một “Thành phố Trong Vườn”.

Nhìn từ xa, trước khi vào vườn, du khách đã cảm thấy choáng ngợp với 18 “super trees” cao từ 25 đến 50m sừng sững đón chào. Mỗi cây là một công trình kiến trúc được kết hợp với những cây xanh thiên nhiên, tạo nên một hình ảnh lạ mắt mà có lẽ chỉ ở Singapore mới có.

Ấn tượng ngay từ cổng vào “Gardens by the Bay”

Vườn cây là tổng hợp của 8 khu vườn, mỗi khu mang một chủ đề riêng biệt nhưng vì thời gian có hạn và cũng vì sức khỏe không thể đi thăm hết nên chúng tôi chọn 2 khu nhà kính có mái vòm hình con sò với chủ đề Flower Dome và Cloud Forest.

Chúng tôi khám phá hai khu nhà vòm bằng kính số 3 (Flower Dome) và số 4 (Cloud Forest)

Cloud Forest là một khu vườn nhiệt đới trong nhà với một thác nước nhân tạo, nước đổ xuống liên tục suốt ngày đêm từ một . ngọn núi cao 35mXung quanh ngọn núi là 4 tầng của nhà kính trưng bày các loại cây cối và hoa nhiệt đới từ khắp nơi trên thế giới.

Thác nước nhân tạo cao 35m

Cũng từ các tầng này, du khách cũng có thể ngắm nhìn thác nước qua những góc cạnh khác nhau. Ở tầng trên cùng còn có một đài quan sát (Waterfall View) để khách có thể chụp ảnh kỷ niệm.

Cloud Forest nhìn từ trên đỉnh núi nhân tạo

Sau bữa ăn trưa tại McDonalds, chúng tôi tiếp tục thám hiểm khu vực Flower Dome. Nơi đây là tổng hợp những loài “kỳ hoa dị thảo” được sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới. Bộ sưu tập cây và hoa thật đa dạng, từ những cây Olive có tuổi thọ hàng nghìn năm đến những cây Baobab của vùng khí hậu Địa Trung Hải. Nơi đây cũng trưng bày những thạch nhũ trong hang động và các vườn hoa của Úc, Nam Phi và Châu Âu...

Toàn cảnh Flower Dome

Rải rác trong Flower Dome là những bảng chỉ đường tượng trưng bằng những cây bút chì. Trong số đó có bảng đề “TP. Ho Chi Minh”. Chỉ là tượng trưng nên mũi tên lại chỉ vào… góc tường!



Trang trí bằng bút chì chỉ đường… có cả “TP. Ho Chi Minh” ở dưới cùng

***

Hồi đó Singapore chỉ là một làng chài nghèo ven biển trong khi Sài Gòn được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn đông. Sài Gòn chỉ cách Singapore chưa đến 2 giờ bay, còn gần hơn bay ra Hà Nội. 

Ấy thế mà ngày nay đảo quốc này đã vươn lên nhóm 3 nước giàu nhất thế giới. Tôi không nghĩ đây là “phép lạ” vì chúng ta đang ở vào thế kỷ thứ 21 khi điều kiện để phát triển hoàn toàn lệ thuộc vào hệ thống chính trị và xã hội.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng hiện tượng Singapore là điều cần học hỏi nếu chúng ta muốn đất nước của mình khá hơn. Đừng ước được như Singapore ngày nay mà chỉ cần lấy Singapore làm tấm gương để thay đổi diện mạo của đất nước.


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts