Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Du xuân Xứ Quảng: Câu chuyện ẩm thực

Ai đó đã từng nói: “Đường ngắn nhất để đến trái tim của mọi người là con đường mang tên… ẩm thực”. Quả là chí lý. Ngày xưa các cụ cho rằng: “Có thực mới vực được đạo”… Xem ra câu chuyện ẩm thực luôn luôn đồng hành cùng du ký mỗi khi khách phương xa đến thăm một vùng đất lạ.

Bàn về chuyện ăn uống ở Xứ Quảng người ta thường nhắc đến câu “Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay ăn…”. Về chuyện ẩm thực ở Quảng Ngãi, có lẽ điểm nổi bật nhất là tỏi ở huyện đảo Lý Sơn. Tỏi ở đây chỉ nhỏ hơn đầu ngón tay, hình bầu dục, chứa nhiều tinh dầu, có vị thơm, cay nhưng đặc biệt không gây hôi miệng như những loại tỏi trồng ở nơi khác.

Quan trọng hơn cả, mỗi củ tỏi ở Lý Sơn chỉ có một tép nên người ta còn đặt tên là “tỏi cô đơn” hay “tỏi mồ côi”, những cái tên đầy thi vị để gọi một loại tỏi được trồng trên đảo. Tại các thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội, “tỏi mồ côi” hay “tỏi cô đơn” của Lý Sơn được các bà nội trợ mua với giá trên dưới 100.000 đồng một ký. “Đắt như vàng” nhưng chưa chắc đã có nguồn gốc “chính hiệu” Lý Sơn, trừ khi bạn đến tận nơi và mua tận tay những tép tỏi của người dân huyện đảo.


Người Phương Tây có một câu nói dí dỏm với ý chê việc ăn tỏi khiến cho hơi thở bốc mùi khó chịu, “One garlic a day, keep your friends away”… Mỗi ngày một tép tỏi khiến cho bạn bè tránh xa, đó chỉ là nhại lại một câu có ý ca tụng việc ăn táo: “One apple a day, keep the doctors away”. Có lẽ Tây chưa ăn tỏi Lý Sơn nên mới chê tỏi hôi miệng? Thật ra thì chính các thầy thuốc cũng phải thừa nhận tỏi trị được rất nhiều bệnh.

Tỏi Lý Sơn


Đức Phổ là huyện đồng bằng, nằm về phía đông nam tỉnh Quảng Ngãi, nơi tiếp giáp với tỉnh Bình Định. Nơi đây có các nghề “phục vụ ẩm thực” như nghề làm bún, làm bánh tráng… đặc biệt là nghề nấu đường theo phương pháp thủ công với sản phẩm mang thương hiệu “Đường Đức Phổ”.

Một nét hấp dẫn khác của Quảng Ngãi là những món ăn không giống bất cứ ở vùng nào trên cả nước, đó là cá bống sông Trà, chim mía, kẹo gương, mạch nha, đường phổi và món “don”… tất cả rất đậm đà hương vị của một miền quê vốn dĩ rất nghèo.

Xin có đôi lời về món don. Hình như chỉ ở Xứ Quảng mới có con don vì chúng xuất hiện tại sông Trà và sông Vệ vào mùa khô. Don sống dật dờ, vùi mình trong cát nên việc cào don cực kỳ khổ sở và công phu. Lỡ hôm nào xui gặp nước lớn, người cào don có ngâm mình hàng giờ cũng không đủ cho cả nhà ăn chứ chưa nói đến chuyện mưu sinh bằng nghề cào don.

Cũng vì vậy, nếu có một lần đến Xứ Quảng vào mùa khô bạn hãy thử món don, trái lại vào dịp Tết người ta thay don bằng… con hến. Dù don và hến cùng họ hàng với nhau nhưng nếu trong tô không phải con don có màu  vàng và những tua màu hồng xung quanh thì món ăn chẳng thể nào đúng vị… món don.

Don phải ăn với bánh tráng, đổ nước don vào rồi cho con don đã chín vào theo, rắc thêm hành tây, hành lá, ớt xiêm và vài hột tiêu xay nhuyễn. Bẻ bánh tráng nướng vào, cộng với tép tỏi Lý Sơn và mùi cay thơm của ớt hiểm, thế là bạn có món don “cực kỳ ngon miệng” cho những ngày hè nắng nóng.

Món don Xứ Quảng


Có 5 món ngọt mà khách phương xa thường mua về làm quà hay thưởng thức ngay tại chỗ là bánh thuẫn, kẹo gương, mạch nha, đường phèn, đường phổi và hàng loạt các món mặn như cá bống sông Trà, don, gỏi cá cơm, mắm “nhum”, chim mía, mắm cái…

“Địa chí Quảng Ngãi” viết: “Tiểu thủ công nghiệp Quảng Ngãi có nghề làm đường mía, nghề nấu đường phèn, nghề làm đường phổi, nghề làm kẹo gương, nghề làm mật nha [mạch nha], hầu hết đều là đặc sản địa phương..” .

“Phủ biên tạp lục” bổ sung thêm: “…Ở xã Ái Tử thuộc huyện Hương Trà cũng biết làm đường phèn, ở Điện Bàn cũng biết làm đường phổi, nhưng không nổi tiếng bằng Quảng Ngãi...”.

Tôi thắc mắc, phải chăng câu “Quảng Ngãi hay ăn…” là một lối ám chỉ những đặc sản phục vụ ẩm thực của vùng đất này? Hơn nữa, câu nói người Quảng Ngãi “hay ăn” có phần gượng ép cho hợp vần với “Quảng Nam hay cãi…”. Lại nhớ đến cách phát âm đặc thù của Xứ Quảng qua câu “Eng không eng tét đèng đi ngủ” khiến người ta liên tưởng đến chuyện ăn uống tại vùng đất duyên hải miền Trung. 

Mía được chế biến thành các món ngọt


“Gỏi cá Nam Ô” gắn liền với tên làng biển Nam Ô. Cá để chế biến là cá mòi, cá tớp, cá cơm... nhưng ngon nhất là cá trích. Trước khi ướp, cá được ép lấy nước để làm món nước chấm. Rau ăn kèm với gỏi cá Nam Ô rất đa dạng và chỉ mọc trên đèo Hải Vân như cóc rừng, tim lan, lành ngạnh, lá trâm, lá dừng...

Cẩm Lệ thuộc phường Khuê Trung, quận Hải Châu, có món bánh khô mè nổi tiếng trong đó người đi "tiên phong" là bà Huỳnh Thị Điểu, thường gọi là bà Liễu. Bánh khô mè được làm từ bột gạo, bột nếp, đường kính, gừng và mè. Bột gạo pha với bột nếp được cho vào khuôn, hấp cách thủy, nướng khô, "tắm" đường, "tắm" mè... Ruột bánh xốp giòn, đường dẻo, mè chín thơm, thường được người dân dâng cúng ông bà tổ tiên trong những ngày giỗ tết.

Ngoài ra ở Đà Nẵng còn có nhiều món ăn ngon tuy không gắn liền với tên một địa danh cụ thể nhưng vẫn mang những nét đặc trưng riêng như món mì quảng Đà Nẵng, bánh xèo Đà Nẵng, bánh tráng cuốn thịt heo, bún thịt nướng, bún chả cá, bún mắm, mít trộn, ốc hút, bò né, nem lụi, thịt bê thui...

Xin nói riêng về món bê thui, đặc biệt là bê thui Cầu Mống ở Đà Nẵng. Thành phần quan trọng quyết định đến sự thành công của món bê thui Cầu Mống là nước chấm và rau sống. Nước chấm phải được pha từ loại mắm cái thượng hạng làm từ cá cơm, cá nục đánh bắt ven biển miền Trung. Mắm cái sau khi gạn ép xác, lọc lấy nước mới cho thêm tỏi ớt, gừng xay, mè rang, chanh… cho vừa miệng.

Rau sống để cuốn bánh tráng cùng lát bê thui cũng khá cầu kỳ. Ngoài 3 loại rau chính là giá sống (loại cọng dài và mảnh), chuối chát và khế chua, trong đĩa rau còn có nhiều loại rau thơm (húng, quế, ngò…) và cải chìa non. Bánh tráng để cuốn bê thui phải là bánh tráng nhỏ, mỏng và dai được sản xuất từ trong các lò bánh danh tiếng ở Điện Bàn. Ngoài ra, một vài miếng bánh tráng nướng giòn điểm xuyết vào bữa ăn vốn là thói quen từ bao đời nay của người Xứ Quảng.

Bê thui Cầu Mống


Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình du xuân Xứ Quảng vào ngày mùng 4 Tết. Máy bay đáp xuống phi trường quốc tế Đà Nẵng khoảng 3 giờ chiều và từ sân bay, con gái đề nghị một bữa ăn “xế” vì thấy mọi người ai cũng có vẻ đói bụng.

Sáu người chúng tôi trực chỉ Madame Lân, một vila được sửa sang thành nhà hàng, bày biện theo phong cách của quán Ngon trên đường Pasteur ở Sài Gòn và cũng dùng bàn gỗ, ghế gỗ… Chúng tôi gọi các món thuần túy Việt Nam như canh chua cá bông lau, cá bống kho tộ, thịt kho tàu và một món… hơi lạ: rau mồng tơi xào tỏi!

Tôi chỉ biết món canh cua nấu với rau mồng tơi, rau đay và đây là lần đầu trong đời tôi được thử món rau mồng tơi xào tỏi (chắc là tỏi Lý Sơn!). Xem ra thì món rau xào này không hợp với khẩu vị của những người đã quen ăn rau muống xào tỏi như tôi. Các cụ ta vẫn nói, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, nhờ du xuân Xứ Quảng tôi mới biết đến món… rau mồng tơi xào tỏi!  

Chez Madame Lân


Nhà hàng thứ 2 tại Đà Nẵng chúng tôi đến có tên Restaurant Đông Dương. Khi con gái đề nghị đến đây thì cháu ngoại Seoul nói ngay: “Con sợ ở đó hơi ồn!”. (Bích Hằng được tập đoàn Total đài thọ chi sinh hoạt và hai cháu Seoul và Hana cũng được tài trợ việc học hành tại trường Quốc tế Singapore, còn con rể Vũ Bảo lo việc kinh doanh ở Sài Gòn nhưng cứ đến cuối tuần lại “bay” ra Đà Nẵng với vợ con).

Restaurant Đông Dương lại cũng là một vila có nhiều phòng được sửa sang thành một nhà hàng, thức ăn tại đây không có gì đáng nói nhưng quả đúng như lời Seoul, không khí tại đây… “hơi ồn”.

Tiếng ồn xuất phát từ một nhóm thực khách họp mặt nhân dịp đầu năm. Hình như họ là những cựu học sinh của một trường nào đó nên chuyện trò, cuời nói rôm rả với âm lượng “trên mức bình thường”. Thỉnh thoảng lại có tiếng hô… “một, hai, ba…dzô!”, một điệp khúc khá phổ biến ngày nay tại xứ mình trước khi mọi người nâng ly.

Tôi đi dạo một vòng nhà hàng và phát hiện có những phòng trưng bày… đồ cổ. Đối với tôi, đó là điều “ấn tượng nhất” về Restaurant Đông Dương, không phải là món ăn nhà hàng phục vụ mà là một collection đồ cổ.

Trước mắt thực khách là những vật xưa như máy đánh chữ Olympia Carina 3 của Đức, radio bọc vải bố thuộc loại “một đèn” Philips từ Hà Lan, náy hát mang nhãn hiệu “La voix de son maître” với logo con chó đứng nghe nhạc của Pháp bên cạnh dàn tape recorder hiệu Akai xuất xứ từ xứ Phù Tang. 

“La voix de son maître’ bên cạnh dàn máy Akai


Dĩ nhiên là có cả một bộ sưu tập xe cổ với những kiểu xe xưa như Mobylette, Vespa, Lambretta, Simson… Hóa ra đến Restaurant Đông Dương lại được thưởng thức một “bữa tiệc đồ cổ thú vị” chứ không phải là một bữa ẩm thực theo đúng nghĩa của nó.

Nếu đánh giá nhà hàng theo kiểu cho điểm bằng sao thì Restaurant Đông Dương xứng đáng nhận 2 sao cho việc trang trí độc đáo, 1 sao cho thức ăn phục vụ và “không-sao-nào” cho bầu không khí nhà hàng!

Xe cổ


Sẽ là một thiếu sót lớn khi đến Xứ Quảng mà không thưởng thức một tô mì quảng, “đặc sản” của Quảng Nam – Đà Nẵng. Hồi trẻ khi còn đi học trên Đà Lạt tôi vẫn thường ăn mì quảng ở một quán gần xi-nê Ngọc Hiệp. Mì ở đây có sợi màu vàng nghệ, cũng đủ cả thịt heo, tôm, thịt gà và đặc biệt là mấy miếng bánh tráng được xếp trên cùng. Ngon tuyệt vời đối với một cậu học sinh mới lớn…

Ở Sài Gòn cũng có quán mì quảng tôi thường lui tới, quán này có vẻ bình dân, sập sệ… nằm gần bờ kè khu Đa Kao, quận nhất… Mì quảng ở đây là người chủ nói giọng Xứ Quảng, ăn khá ngon. Tô mì được chan một ít nước dùng đặc sệt, lại có cả lòng heo, tiết, trứng cút, vài cục thịt viên, thịt gà và cua biển. Ăn kèm có bắp chuối xắt nhỏ, rau thơm nhưng không có giá hay xà lách.

Đến Đà Nẵng lần này tôi quyết phải ăn một tô mì quảng ngay tại xứ sở của nó để còn so sánh với những mì quảng “lai” đã từng được ăn. Tôi gợi ý đi ăn điểm tâm mì quảng, đề nghị đó được các cháu vui vẻ đáp ứng dù hình như tụi nhỏ cũng không mặn mòi với món này cho lắm.   

Chúng tôi đến quán Bà Mua trên đường Trần Bình Trọng, tiệm Bà Mua còn một chi nhánh nữa ở đường Đống Đa. Seoul có máu “tiếu lâm” (giống ông ngoại) nên cứ gọi là quán “Bà Bán” chứ không phải là Bà Mua! Cũng có lý, quán bà mở ra là để “bán” cho khách chứ nào phải là để “mua”.

Cả nhà gọi những món điểm tâm khác, chỉ mình tôi nhất quyết phải ăn một tô mì quảng ngay tại Xứ Quảng, Đà Nẵng. Cứ tưởng mì quảng chính hiệu phải là sợi mì màu vàng như hồi xưa ăn trên Đà Lạt. Nhưng tôi đã lầm to.

Sợi mì của Bà Mua lại là màu trắng đục làm từ bột gạo, hình như có trộn ít bột mì, xay mịn rồi được tráng thành từng lớp mỏng. Sau đó, lớp bánh được sắt theo chiều ngang để thành những sợi mì khoảng 2 mm.

Người Quảng ca tụng: chỉ cần ăn sợi mì cũng cảm thấy độ dòn vừa phải, độ dai cũng có và cả độ béo cũng không thiếu! Bí quyết là những phụ gia đi kèm khi trộn bột và đó là “bí mật gia truyền” của người làm sợi mì!

Như vậy, phần đặc sắc là sợi mì còn những thứ khác như thịt heo nạc, thịt gà thái nhỏ, tôm, cua trong tô mì thì ở đâu cũng có. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ...

Thêm một điều cần lưu ý là mì quảng không bao giờ chan nước lõng bõng như phở. Có thể nói, nước của mì quảng tựa như nước sốt chứ không trong như nước phở. Bánh tráng nướng là điều không thể thiếu trong một tô mì quảng.

Cũng phải mở ngoặc nói thêm, nghệ thuật làm bánh tráng ở Xứ Quảng rất tinh vi và hầu hết các món ăn đều thấy có sự xuất hiện của bánh tráng nướng dòn hoặc bánh tráng cuốn.

Một “sao” cho ẩm thực Đà Nẵng là suốt các bữa ăn, thực khách không bị quấy rầy bởi những người bán vé số, đánh giầy hay ăn xin. Như vậy, những “quyết sách” của Đà Nẵng đã thành công trong khi Hà Nội hay Sài Gòn vẫn chưa thể nào đuổi kịp (1).   
 
Dĩ nhiên là người Đà Nẵng phải tự hào về món “ruột” của mình nên nghe nói thành phố cũng làm một tô mì để tạo… kỷ lục. Đó là tô mì khổng lồ có thể phục vụ 600 người ăn được chế biến từ 105 kg mì, 18 kg thịt ba chỉ, 25 kg tôm đất, 5 kg cua đồng…

Cũng nghe nói, cái tô để đựng mì được làm theo mẫu của làng Phú Chiêm (Điện Bàn, Quảng Nam), bên trong tráng men, bên ngoài khảm sành. Tô mì có đường kính 3,6 m, cao 1,5 m và phần đế dày 0,156 m. Ngoài ra, kèm theo tô mì “kỷ lục” còn có đĩa rau sống đường kính 4,1 m, cao 0,6 m được khảm sành kiểu thời nhà Nguyễn cộng thêm với đôi đũa dài 1,8 m bằng gỗ mun.

Trước đó, vào năm 2012, một tô mì quảng làm từ 10 con gà, 50 kg mì đựng trong chiếc bát rộng tới 0,9 m và dành cho 250 người ăn đã được Tổ chức Kỷ lục xác nhận là “tô mì quảng lớn nhất Việt Nam”.

Ngoài thành phần chính là mì và thịt gà, các đầu bếp còn dùng đến 10 kg rau sống, 5 búp chuối, 4 lít dầu phụng, 2 quả trứng đà điểu… Tất cả nguyên liệu đều được mua tại vườn nhà ở Quảng Nam. Đi kèm là hai chiếc đĩa, mỗi đĩa có đường kính 1 m để đựng rau sống, bánh tráng nướng và 4 đôi đũa tre dài 1,2 m.

Tô mì quảng lớn nhất VN năm 2012


Năm nay, Đồng Tháp có tô hủ tiếu lớn nhất có thể phục vụ cho 1000 người ăn với 100 kg thịt heo và 600 lít nước súp… Nhưng có lẽ Đồng Tháp không được hài lòng cho lắm vì tác phẩm “kỷ lục” của họ phải đổ bỏ vì bị hư, không ai ăn được miếng nào! 

Trước đó, tỉnh Sóc Trăng có chiếc bánh pía (2) lớn nhất Việt Nam với đường kính 1,3 m, dày 22 cm, trọng lượng 306 kg để chào mừng Festival đua ghe ngo của đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bánh pía Sóc Trăng


Tại Sài Gòn vào dịp Tết Vào Giáp Thân (2004), có cặp bánh tét khổng lồ tại Công viên Đầm Sen. Mỗi đòn dài 3,5 m, đường kính 0,8 m; được làm bằng 750 kg nếp ngỗng, 100 kg đậu xanh, 70 kg nhân thịt và khoảng 400 kg lá chuối và dây buộc.

Bánh được nấu từng chiếc trong một lò nấu tự chế với kích thước 1,6 m x 1,6 m x 4,7 m trong thời gian 36 tiếng, sử dụng khoảng 50 m3 củi, 50 m3 nước, sau khi nấu xong mỗi chiếc bánh cân nặng 2.000 kg.

Chiếc bánh chưng khổng lồ đã được ra mắt trong lễ hội Mẫu Tổ Âu Cơ tại xã Hùng Cường, Hưng Yên. Chiếc bánh có kích thước 2,5 m x 2,5 m x 80 cm và nặng khoảng 4,3 tấn được làm từ 3 tấn gạo nếp, 3 tạ đường, 3 tạ đỗ, 5 tạ lá dong và 1,5 tạ lạt buộc. Chiếc bánh chưng này cũng đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là chiếc bánh chưng lớn nhất Việt Nam.

Cùng với chiếc bánh chưng khổng lồ, 1 chiếc bánh dày lớn, nặng khoảng 500 kg cũng chính thức được ra mắt  đông đảo thực khách gần xa, tạo thành cặp bánh chưng - bánh dày lớn nhất dâng lên cúng tổ tiên, các vua Hùng trong dịp lễ hội diễn ra trong các ngày từ 6 đến 8/4, tức từ 7 đến 9/3 Âm lịch.

Bánh chưng & Bánh giầy


Nước mình hình như đang mắc căn bệnh “thành tích” nên địa phương nào cũng cố nghĩ ra một kỷ lục để phá. Chỉ nói riêng về ẩm thực, danh sách các món ăn kỷ lục càng ngày càng dài ra theo thời gian, chỉ tiếc một điều nếp sống văn hóa lại càng ngày càng “xuống cấp”, càng tệ hại.

Gần đây người ta thường nhắc đến các lễ hội. Theo Wikipedia, "Lễ" là những hành vi, động tác nhằm biểu hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện. "Hội" là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống.

Xem ra ngày nay thì phần” lễ” chỉ là thứ yếu còn phần “hội” mới được các địa phương chú ý vì mang tính cách nửa xã hội, nửa kinh tế với số người từ các địa phương khác đổ về tham gia. Cả nước hiện có đến gần 8.000 lễ hội và các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương và Phú Thọ.

Có những lễ hội bị “biến tướng”, bị “trần tục hoá”, được tổ chức một cách tràn lan, “vô tổ chức”. Có những lễ hội như “đâm trâu”, “chém lợn” một cách dã man. Có những lễ hội lại đề cao bạo lực trong việc cướp ấn, cướp bùa, cướp hoa tre… Và có lẽ không ít người bất bình với lời giải thích là “cướp có văn hóa” của một quan chức địa phương.

Trên trang blog của nhạc sĩ Tuấn Khanh tôi bắt gặp một đoạn:

“Từ tô hủ tíu lớn nhất, cái bánh chưng lớn nhất… cho đến tháp truyền hình cao nhất, tượng đài lớn nhất… Người Việt đang bước vào thời kỳ chạy đua niềm vui với cái “nhất”. Cuộc đời trần tục hầm hập phả hơi nóng của cái “nhất” từ miếng ăn đến tận linh hồn tín ngưỡng, khiến mọi thứ phải là “nhất”: người ta chen nhau giật lá bùa, giật cái ấn, cướp cái phết… đến vật vã để mình được là “nhất”.

Đó là một điều đáng báo động đối với những người yêu đất nước Việt Nam. Nếu có tâm huyết, những quan chức phụ trách văn hóa phải làm một cái gì đó để cứu vãn lối sống của cả một đất nước vẫn thường tự hào là có hơn bốn nghìn năm văn hiến. 

Thần thánh nào phù hộ cho những đồng tiền vấy máu lợn?


***

Chú thích:

(1) Đọc thêm bài viết “Du xuân Xứ Quảng: Thành phố Đà Nẵng”

(2) Bánh pía: Bánh pía là một trong những đặc sản của Sóc Trăng, do người Hoa di cư vào miền Nam sáng tạo ra. Bánh pía được làm bằng bột mì, sầu riêng, lòng đỏ trứng. Đôi khi bánh pía còn được gọi là bánh lột da.

Vì lý do thương mại, người sản xuất thường dùng phẩm đỏ in tên hoặc nhãn hiệu của nơi làm bánh trực tiếp lên mặt bánh. Ngoài ra, thành phần nhân bánh, nguồn gốc xuất xứ cũng thường được in trực tiếp lên bánh.

Bánh pía thực chất có nguồn gốc từ bánh trung thu kiểu Tô Châu (loại bột bánh có nhiều lớp mỏng và nhân bánh có trộn mỡ). Bánh do một số người Minh Hương di cư sang Việt Nam từ thế kỷ 17 mang theo. Trước đây, việc làm bánh pía hoàn toàn mang tính thủ công và phục vụ cho nhu cầu của từng gia đình. Các lò bánh pía tập trung nhiều ở xã Phú Tâm, huyện Mỹ Tú.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

1.         Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2.         Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3.         Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4.         Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5.         Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6.         Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7.         Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8.         Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9.         Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts