Tôi đã đến phố cổ Hội
An năm 2000 trong chuyến xuyên Việt với đoàn sinh viên Mỹ (1). Trong chuyến đi
đó, tôi đã có dịp chiêm ngưỡng Hội An duới ánh sáng ban ngày. Chuyến du xuân Xứ
Quảng 15 năm sau, năm 2015, lại diễn ra vào ban đêm, qua ánh sáng lung linh từ
các lồng đèn giăng đầy phố. Hội An dưới ánh đèn và phố cổ ban ngày là hai thế
giới, dù cùng một địa điểm, nhưng lại mang nhiều sắc thái khác biệt…
Có
thể nói, Hội An ban ngày mang đậm nét của một vùng đất với nhiều dấu tích thời
xa xưa trên 3.000 năm như Bãi Ông thuộc thời tiền sử hay còn gọi là nền văn
minh “Tiền Sa Huỳnh”, bên cạnh đó là những di tích còn lại đều trên dưới 2.000
năm của giai đoạn “Hậu Sa Huỳnh”.
Những
đồ vật được thu thập từ các di tích khảo cổ là các công cụ sinh hoạt, lao động,
sản xuất, chiến đấu, trang sức, tín ngưỡng... bằng các chất liệu gốm, đồng, sắt,
đá, thuỷ tinh. Đặc biệt còn có cả những tiền đồng Trung Hoa hay hiện vật bằng thủy
tinh có gốc từ Nam Ấn Độ, Sri Lanka, Trung Đông….
Dân
cư Sa Huỳnh cổ là người Chàm mà ngày nay được gọi bằng cái tên “Chămpa” (2). Người Chàm đã từng có nền văn hoá rực rỡ với thời
kỳ vàng son của một bến cảng quốc tế. Những cái tên “Chiêm Bất Lao” (Cù Lao
Chàm), “Đại Chiêm Hải Khẩu” (Cửa Đại), với những tượng đá, giếng gạch và dấu vết
nền tháp cổ. Đặc biệt trong các di chỉ khảo cổ học gốm sứ Chàm, Ả Rập, Trung Quốc;
các đồ trang sức từ Trung Đông, Ấn Độ và nhiều tài liệu, thư tịch cổ Trung Quốc,
Ả Rập, Ấn Độ, Ba Tư xác nhận vùng Cửa Đại xưa kia là hải cảng chính của Chiêm
quốc.
Bãi biển Cửa Đại
(Hình tác giả chụp năm 2000)
Tiếp
nối thời kỳ Chiêm quốc, đến cuối thế kỷ 15, Hội An đã có dân cư Đại Việt tới
sinh sống. Trong buổi đầu cùng với việc khai hoang, lập làng, người Việt còn
sáng tạo ra một số ngành nghề phù hợp với điều kiện thiên nhiên và xã hội nơi
đây. Từ cuối thế kỷ 16 - 17, có thêm nhiều người Hoa và người Nhật đến định cư,
giúp thương nghiệp Hội An phát triển trong nhiều thế kỷ.
Đến
giữa thế kỷ 19, nền kinh tế Hội An bước vào suy thoái do nhiều nguyên nhân
trong đó có sự bồi cạn, sông chuyển dòng, chính sách kinh tế hạn chế của triều
đình nhà Nguyễn. Cách Hội An chừng 30 km, người Pháp đã xây dựng thương cảng Đà
Nẵng nên Hội An đã mất hết vai trò chủ lực của nền kinh tế Xứ Quảng. Thay vào
đó, Hội An với những phố cổ lại nổi lên như một di tích lịch sử, thu hút khách
du lịch trong cũng như ngoài nước (2).
Điều
ấn tượng nhất đối với tôi trong chuyến thăm Hội An năm 2000 không phải là phố cổ
mà là con sông Cổ Cò lững lờ nằm dọc theo đường bờ biển. Ngày xưa, đây chính là
con đường huyết mạch nối liền sông Hàn của Đà Nẵng và sông Thu Bồn của Hội An. Sông
Cổ Cò xưa kia có sự giao thương tấp nập với cảnh “trên bến dười thuyền” nhưng
ngày nay trở thành một dòng sông thơ mộng mà du khách đến Hội An ít người biết
đến!
Cách
đây hơn 60 năm, sông Cổ Cò bị tàn phá, vùi lấp sau một cơn bão lớn, giao thông
đường thủy giữa Đà Nẵng và Hội An trở nên bế tắc. Đó cũng là một trong những lý
do khiến Hội An vốn đã từng là một thương cảng lớn dần lui vào dĩ vãng. Và đó
cũng là lý do Hội An trở thành phố cổ với lớp rêu xanh của thời gian phủ lớp
ngói nhà.
Sông Cổ Cò, một nét đẹp của Hội An rất ít người biết đến
(Hình tác giả chụp năm 2000)
Chúng
tôi, 6 người thuộc 3 thế hệ, rời Đà Nẵng vào lúc xế chiều để đến Hội An khám
phá phố cổ về đêm. Đường bộ đi Hội An rất tốt, chỉ khoảng 30 km, nên chỉ chừng
hơn nửa tiếng đã đến nơi. Chỉ có điều hơi phiền khi con rể lái xe lòng vòng tìm
chỗ đậu vì phố cổ chỉ dành cho người đi bộ.
Biển cấm xe cộ đặt ngay đầu phố cổ (2015)
Về
đêm, Hội An không có những âm thanh nhộn nhịp của ban ngày, phố cổ như chìm đắm
trong bầu không khí thư thả của một ngày gần tàn. Trên đường đi dạo, hầu hết là
du khách, cả trong lẫn ngoài nước. Đèn lồng xanh đỏ giăng mắc khắp nơi, đủ để
thắp sáng những con đường và những cửa hàng.
Tận hưởng những giây phút thư giãn trên phố cổ (2015)
Người
mua sắm không nhiều nhưng những nhà hàng, hàng ăn chỗ nào cũng có khách. Có lẽ
việc mua sắm dành cho ban ngày còn ban đêm mọi người chỉ đi dạo để tận hưởng những
giây phút thư thái, yên bình của khu phố cổ và cuối cùng họ vào các quán ăn.
Cửa hàng về đêm thưa thớt khách (2015)
Ăn
uống là nhu cầu tất yếu của cuộc sống, không phân biệt ngày đêm. Chúng tôi ăn tối
tại một nhà hàng mang tên “Faifo Xưa” trên đường Nguyễn Thái Học. Trước khi bàn
về chuyện ăn uống xin có đôi dòng về cái tên Faifo mà người Pháp dùng trên bản
đồ chính thức của chính quyền Đông Dương để chỉ Hội An
Xuất
xứ của cái tên Faifo tồn tại nhiều giả thuyết. Người ta cho rằng cho rằng Faifo
xuất phát từ tên “Hội An Phố”, một cái tên mà sử sách và địa chí Việt Nam và
Trung Hoa đều nhắc tới. Theo một thuyết khác, sông Thu Bồn trước kia có tên là
sông Hoài, nên Hội An còn được gọi là “Hoài Phố”, sau Hoài Phố biến thành “Phai
Phố”, từ đó xuất hiện cái tên Faifo.
Trong
cuốn Từ điển Việt-Bồ-La (gồm 3 thứ tiếng Việt, Bồ Đào Nha, La Tinh) của
Alexandre de Rhodes in tại Roma năm 1651, chữ “Hoài Phố” được định nghĩa là một
làng trong xứ Cochinchine (Đông Dương) mà người Nhật sinh sống, họ đặt tên là Faifo.
Ngày nay, Hội An là điểm đến của nhiều du khách Nhật. Chắc hẳn họ muốn tìm lại
nơi các thương nhân người Nhật đã bôn ba sang xứ Giao Chỉ.
Dấu
ấn đậm nét nhất của người Nhật tại Hội An là Chùa Cầu được các thương nhân người
Nhật góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17. Cũng vì thế Chùa Cầu còn được gọi
là cầu Nhật Bản dù kiến trúc mang đậm sắc thái Việt Nam. Theo truyền thuyết,
ngôi chùa được coi như là một thanh kiếm đâm xuống lưng con quái vật “mamazu”,
khiến nó không quẫy đuôi, gây ra những trận động đất.
Năm
1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa
cầu, từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu
thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là “Lai Viễn Kiều”, với ý nghĩa "Cầu
đón khách phương xa".
Theo
niên đại được ghi lại ở xà nóc và văn bia còn lại ở đầu cầu thì chiếc cầu đã được
dựng lại vào năm 1817. Ngôi chùa có lẽ cũng được dựng lại vào thời gian này. Chùa
được trùng tu vào các năm 1817, 1865, 1915 và 1986.
Chùa Cầu
(Hình tác giả chụp năm 2000)
Chùa
Cầu dài khoảng 18 m, có mái che, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn.
Mái
chùa lợp ngói âm dương, trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi
3 chữ Hán “Lai Viễn Kiều”. Chùa và cầu đều bằng gỗ, sơn son và chạm trổ rất
công phu. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một
đầu là tượng khỉ, (có người giải thích cây cầu xây từ năm Thân, hoàn tất năm Tuất).
Một số khác lại cho rằng khỉ và chó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ
tự từ cổ xưa.
Tuy
gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa (gọi là
chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh
phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm
cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp.
Bên trong Chùa Cầu (2015)
Chúng
tôi dừng chân tại Faifo Xưa để ăn tối. Nhà hàng là một căn nhà hai tầng, kiến
trúc theo kiểu kết hợp giữa tường gạch và cột gỗ. Lên hết cầu thang hẹp bằng gỗ
là không gian rộng của một phòng ăn được trang trí với những tô, chén, đĩa cổ gắn
trên tường. Chưa biết các món ăn như thế nào nhưng nhà hàng có một lối trang
trí độc đáo và lạ mắt.
Không gian phòng ăn
Trang trí trên tường
Ngoài
balcon nhìn xuống dưới đường là hai chiếc bàn nhỏ. Có một cặp vợ chồng (hay
tình nhân) người nước ngoài đang ngồi bên nhau. Quả thật họ đã chọn một bàn lý
tưởng để vừa thưởng thức bữa ăn tối, vừa ngắm nhìn phố cổ lung linh dưới ánh
đèn lồng. Tôi nghĩ họ sẽ còn nhớ đến Hội An, không phải qua bữa ăn mà là những
gì đang diễn ra trong khung cảnh tĩnh mịch và lãng mạn.
Phố cổ nhìn từ balcon nhà hàng Faifo Xưa
Hội
An có món “cao lầu”, đó là món tôi dùng tại Faifo Xưa. Xin nhắc lại, chữ “lầu”
có dấu huyền chứ không phải “cao lâu” thường dùng để chỉ nhà hàng của người Tầu.
Người ta giải thích sở dĩ có tên “cao lầu” vì thời xưa các thương nhân buôn bán
ở Hội An thường ngồi trên lầu cao của quán (như balcon của nhà hàng Faifo Xưa)
để vừa ăn vừa trông hàng.
Cách
giải thích này, theo tôi, có phần gượng ép. Tuy nhiên, ngồi trên lầu cao ngắm cảnh
đẹp và thưởng thức món ngon như cặp tình nhân ngồi trên balcon nhìn xuống đường
tại Faifo Xưa ngày nay chắc chắn là rất lãng mạn.
Mới
thoạt nhìn, cao lầu trông giống như mì quảng nhưng khác ở chỗ sợi mì có màu
vàng. Trong khi mì quảng xuất hiện khắp Xứ Quảng thì cao lầu chỉ có ở Hội An. Nhiều
người cho rằng cao lầu là của người Hoa, nhưng Hoa kiều ở đây lại không công nhận
nó. Người Nhật thì cho rằng nó giống mỳ “Udon” của họ nhưng khi ăn lại hoàn
toàn có hương vị khác vì cách chế biến.
Cũng
như mì quảng, cốt lõi của món cao lầu là sợi mì. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm
vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, cách Hội An 16 km. Sau
đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ của người
Chàm đào cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh.
Người
ta thường ăn cao lầu với giá trụng nước sôi, thêm ít rau sống, được lấy ở làng
rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên
trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tóp mỡ, một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò
nước. (Nghe qua thì thấy ngon nhưng những người có cholesterol cao nên dè chừng!)
Khi
ăn cao lầu người ta cảm thấy sự dai dai, sừn sựt của sợi mì, mùi vị chua, cay,
đắng, chát, ngọt của rau sống. Tất cả được hòa trộn với hương vị của mắm, bột
thơm, nước tương và tóp mỡ. Hỗn hợp đó hòa tan trong miệng, thấm dần xuống bao
tử. Cao lầu Hội An là thế đó.
Thật
tình, đối với tôi, cao lầu dù ăn tại nhà hàng Faifo Xưa nhưng vẫn chỉ là món mì
quảng mà tôi đã từng ăn tại nhiều nơi khác không phải là Hội An! Ấn tượng được
ghi nhận chỉ là khung cảnh chứ không phải là món ăn.
Cao lầu, Hội An
Rời
Faifo Xưa chúng tôi tiếp tục tản bộ dọc theo phố cổ và bất ngờ khám phá một sinh
hoạt đặc thù của Hội An về đêm. Từ xa người ta đã có thể nghe tiếng hô bài chòi
giữa khung cảnh tĩnh mịch của ánh đèn lồng.
Bài
chòi được chính thức xuất hiện như một lễ hội văn hóa tại Hội An kể từ năm
1988, năm mở đầu “Đêm Phố Cổ”… Trước đó hàng trăm năm, phạm vi nghệ thuật dân
gian của bài chòi trải dài khắp Xứ Quảng, từ Quảng Bình, Quảng Trị xuống đến
Ninh Thuận, Bình Thuận.
Lễ
hội này trước đây thường được tổ chức ở làng quê vào dịp tết Nguyên Đán. Người
ta dựng 9 hoặc 11 chòi, chia thành 2 bên, mỗi bên 5 chòi, mỗi chòi cao độ 2-3 m,
rộng đủ vài ba người ngồi và một chòi trung tâm (chòi mẹ) ở giữa dành cho các vị
chức sắc địa phương. Cái tên Bài Chòi được xuất phát từ đây.
Bộ
thẻ để đánh bài chòi là bộ bài tam cúc cải tiến, gồm 33 lá, với những tên chuyển
thành nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Thằng Bí, Lá Liễu v.v.. vẽ trên
giấy rồi được dán vào thẻ tre. Bộ bài chòi lại gồm có 3 “pho”: Văn, Vạn, Sách giống
như bộ bài tổ tôm hay chắn ở miền Bắc. Để giúp vui cho cuộc chơi còn có một ban
nhạc cổ gồm đờn cò, kèn, sanh, trống hòa tấu lên khi có chòi "tới".
Ở
miền Nam có trò chơi lô tô thì miền Trung có bài chòi. Tuy nhiên, hình thức
chơi bài có phần khác nhau, nhất là cách “xướng” những con bài được bốc ra từ
“anh hiệu” (một dạng MC) qua những “câu thai” hoặc câu ca dao khiến người chơi
hồi hộp trước khi con bài được “xướng”.
Chẳng
hạn, “anh hiệu” bốc ra cây bài Ông Ầm nhưng anh không “xướng” ngay mà lại đọc một
câu thơ như:
“Nửa đêm gà gáy le te
Muốn đi rón rén đụng
nghe cái ầm”
Người
chơi bài chòi hiểu ngay đó là con bài… Ông Ầm! Bài chòi ở Hội An ngày nay đã cải
tiến hơn xưa. Tôi đã cẩn thận quay một video clip bài chòi, về nhà nghe đi nghe
lại cả chục lần mới viết lại đoạn ca như sau nhưng vẫn chưa tin mình viết đúng.
Người Xứ Quảng vốn có cách phát âm đặc biệt mà lại ca theo điệu bài chòi nên rất
khó nhận biết chính xác từng chữ:
“Con gì nó ra đây…
Nó lên rừng gặp cua trong
đá
Nó xuống biển thấy cặp
cá đang bơi
Và thương nhau duyên
kiếp trọn đời
Ai mà phụ rẫy ông Trời
ổng phạt cho
Đã thương nhau thì đừng
có đắn đo
Sang hèn mặc kệ sao
cho duyên vầy
…
Dây tơ hồng, em trồng
anh bợ
Phải duyên phải nợ
mình vẫn bám dây
Ơ ban hiền ơi là con…
Tám Dây”
Ca bài chòi tại phố cổ
Hội
An còn nhiều điều kỳ thú để khám phá. Phố cổ về đêm cũng là một đề tài mang nhiều
màu sắc đặc thù. Chỉ tiếc một điều bài viết này đã hơi dài. Tác giả xin hẹn vào
một dịp khác trong chuỗi du ký “Hồi ức một
đời người”.
***
Chú
thích:
(1)
Đọc thêm về Hội An qua bài viết “Những
cái tên bình dị về Núi & Đèo (4)” tại: http://chinhhoiuc.blogspot.com/2013/01/nhung-cai-ten-binh-di-ve-nui-eo-4.html
(2)
Đọc thêm về người Chàm qua bài viết: “Người
Chàm trong mắt tôi” tại: http://chinhhoiuc.blogspot.com/2014/08/nguoi-cham-trong-mat-toi.html
(3)
Ngày 4/12/1999, Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO)
đã ghi tên Hội An vào danh mục các Di sản Văn hóa thế giới.
Biểu tượng Hội An
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời
xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà
Lạt)
2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và
Ban Mê Thuột)
3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng
viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng
Táo, Gia Huynh)
6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện
tình cảm)
8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề
báo, thập niên 80)
9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những
chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp
một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống
lỗ)!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét