Đây là bài cuối cùng
tôi viết về chuyến đi Singapore. Đúng ra, bài viết này chỉ là những chuyện vụn vặt
bên lề của một du khách được nghe và thấy trong những ngày ở Đảo quốc Sư tử.
***
Chúng
tôi đến trung tâm mua sắm Jewel ở phi trường Changi và ăn trưa tại một tiệm ăn
Việt Nam có tên “So Phở… So Good”. Có
lẽ đây là restaurant duy nhất phục vụ các món ăn Việt tại Jewel. Cách trang trí
của nhà hàng rất “bắt mắt”, có cả một đoạn quảng cáo về phở trên tường:
Trên tường tiệm “So Phở”
Thật
tình mà nói, tô phở ở đây, theo đánh giá của tôi, là “trung bình” chứ không được
“xuất sắc” cho lắm. Phở ngoài thịt bò tái chỉ có vài cọng giá, một lá rau, nước
không béo… Ấy thế mà có nhiều chuyện để nói về tô phở này!
Trước
nhất, cái tô đựng phở. Không hiểu tại sao tô lại không được tròn trĩnh như bình
thường mà lại có vòi như để… rót nước. Diễn tả như vậy chắc khó mường tượng nên
mời các bạn xem hình dưới đây:
Tô phở… “không được bình thường” của “So Phở”
Cũng
trong hình này, chỗ “vòi nước” là một cái muỗng. Khi cầm lên mới thấy lạ, muỗng
trông giống như cái vá múc canh (người miền Bắc gọi là “cái môi”)… chứ không phải
là cái muỗng ăn phở! Vốn tính cẩn thận nên tôi nhờ con gái chụp hình mình đang cười
với… cái vá để ăn phở:
Cười khoái chí với những phát hiện lạ…
Chuyện
vun vặt trong tiệm “So Phở… So Good”
vẫn chưa hết. Nhân viên phục vụ ăn mặc rất lịch sự… thậm chí có 2 người mặc áo
thun có “sao vàng” thật lớn trước ngực. Chúng tôi hỏi một cô phục vụ áo đỏ có
nói được tiếng Việt không, cô bẽn lẽn lắc đầu. Nhờ cô chụp giùm một tấm hình kỷ
niệm 4 người… và trong khi cô chụp, tôi chụp lại hình cô đang đứng bấm máy:
Cô bé phục vụ đang chụp hình nên… bị chụp lại
Tấm hình do cô phục vụ áo đỏ chụp và tôi cũng chụp cô!
Trên
bàn của tiệm phở có đầy đủ “phụ tùng” như nước mắn, chanh, ớt và cả chai tương ớt.
Nhìn kỹ thì là tương ớt của Việt Nam, hiệu Cholimex chứ không phải Chinsu. Mới
đây rộ tin 18.000 chai tương ớt Chinsu bị thu hồi ở Nhật vì đã vi phạm vệ sinh
an toàn thực phẩm!
Chai tương ớt Cholimex “made in Vietnam”
***
Hình
như trào lưu của lớp trẻ ngày nay là uống trà sữa! Ở vào thế hệ của tôi, thức uống
thịnh hành là Coca-Cola nhưng bây giờ ở Sài Gòn các quán “trà sữa trân châu” lúc nào cũng đông bạn trẻ xếp hàng.
Ở
Singapore cũng vậy. Đến Jewel, việc đầu tiên của tụi nhỏ là trực chỉ “Alley
Milk Tea” mặc cho ông ngoại và mẹ đi lòng vòng ngắm cảnh. Tôi thuộc loại “cổ
lai hy” nên chưa từng uống trà sữa.
Lát
sau hai đứa cháu xuất hiện với 4 ly trà sữa Alley với lời giới thiệu: “Ông ngoại uống thử trà sữa Singapore… ngon
lắm!”. Thế là lần đầu tiên trong đời, tôi uống trà sữa. Có lẽ khác thế hệ
nên cái gout trà sữa không hấp dẫn đối với tôi. Gì mà trong trà lại có cả những
hột ngòn ngọt phải nhai trước khi nuốt!
Bị đám nhỏ dụ uống trà sữa
***
Ngoài
các tiệm ăn Tầu (Sing là đất của đa số người Hoa), chúng tôi cũng đã có lần đi
ăn tại một tiệm của Nhật với phong cách phục vụ rất mới: trên bàn có iPad để
khách bấm vào các món mình chọn. Mỗi món đều có hình ảnh minh họa để có thể hình
dung món mình ăn sẽ trông như thế nào.
iPad để order trong tiệm ăn Nhật
Nói
cho ngay, tôi không hợp lắm với phong cách ẩm thực của người Nhật (nói vậy là
hơi quá… vì biết đâu có thể là chưa gặp được món hợp với khẩu vị).
Món mì Ramen sợi nhỏ
Mì Udon sợi lớn
Hôm
ở Clarke Quay, trước khi lên tầu ngoạn cảnh Singapore về đêm, chúng tôi cũng đến
một tiệm ăn Nhật. Cháu gái order một món bánh mà người ăn phải tự làm. Nguyên
liệu để làm bánh bầy đầy trên bán: từ bếp gaz, khuôn bánh… đến bột làm bánh và
các nguyên liệu khác.
Nhà
hàng còn đưa thêm một bảng hướng dẫn cách “nấu nướng”… Khách cứ theo đó mà làm
mới có cái để ăn. Ôi… sao chuyện ăn uống lại “nhiêu khê” đến vậy?
Món bánh tự làm trong tiệm
***
Chuyện
ăn uống ở Sing là như vậy… bây giờ chuyển sang chuyện hút thuốc của những người
ghiền thuốc như tôi (các bạn không hút thuốc có thể bỏ qua phần này!).
Tin
buồn cho những đệ tử của thuốc lá: kể từ ngày 1/1/2019, khu vực Orchard, con đường
mua sắm nổi tiếng nhất Singapore, có những thông báo ngay trên mặt lề đường về việc
“cấm hút thuốc”. Quan trọng là mức phạt được ấn định là từ $S 200 lên đến $1.000.
Căng thật!
Bảng “Cấm hút thuốc” ngay trên vỉa hè của đường Orchard
Thế
nhưng, Orchard vẫn còn “nhân đạo” và “thông cảm” với dân hút thuốc qua các bảng
chỉ dẫn đến khu vực được phép hút thuốc. Dĩ nhiên là ở những nơi ít người qua lại
nhưng không nằm trên đường Orchard.
Tôi
nghĩ, Singapore vì mục tiêu duy trì bầu không khí trong lành nơi công cộng cho
đa số nên thiểu số hút thuốc phải chịu “hy sinh” quyền tự do của mình. Cũng tốt
thôi!
Mũi tên chỉ đường lên “thiên đàng” cho những người hút thuốc ở
Orchard Road
Ngày còn được hút thuốc trên đường Orchard (chụp năm 2017)
***
Trước
khi về Sài Gòn tôi có mua một iPad Mini giá $S 599… Tại phi trường Changi tôi
làm thủ tục hoàn thuế cho du khách trước khi rời Singapore. Thủ tục tương đối
đơn giản nhưng điều chính là phải scan passport vào máy. Sau nhiều lần thử vẫn
không scan được nên nhân viên quan thuế phải tự scan… bằng tay.
Lúc
đến Singapore cũng gặp trục trặc ở cửa Immigration nên cứ tưởng mình là “nhân vật quan trọng… có vấn đề”. Lần về
mới biết không phải mình có vấn đề mà là passport của mình có vấn đề! Chụp hình
biên nhận vào điện thoại rồi đến quầy hoàn tiền thuế, chưng hình cho nhân viên
trả tiền và cuối cùng được hoàn lại 30 đôla.
Chứng nhận đã xong thủ tục hoàn thuế lưu trong điện thoại
Ngày
nay mọi chuyện đều được giải quyết qua điện thoại, kể cả việc mua vé máy bay.
Chỉ cần đưa điện thoại có hình ảnh vé máy bay là hãng hàng không làm thủ tục
lên tầu…
Đó
là điều mà người ta gọi là “paperless”, tiết giảm mọi thủ tục trên giấy tờ để
“enjoy life”. Kết thúc bài viết này tôi chỉ biết… hô khẩu hiệu:
“HOAN HÔ THỜI ĐẠI
CÔNG NGHỆ THÔNG TIN”
***
P/S:
·
Các
bạn có thể xem video clip tản mạn về chuyến đi Singapore do con gái tôi làm tại:
www.facebook.com/kate.nguyen.50746/videos/10157416225938459/?notif_id=1557588097510813¬if_t=feedback_reaction_generic_tagged
·
Đến
Singapore vào tháng 4/2019 bạn sẽ không được thấy Merlion là tượng đầu sư tử có
mình cá đứng phun nước bên bờ sông. Merlion đang bị quây kín để trùng tu! Đây
là biểu tượng của đảo quốc Singapore, khởi nguồn từ một làng đánh cá nghèo nàn.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét