Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019

Chuyện ít người biết về giới âm nhạc

Tôi năm nay đã ngoài 70 nên khi nói về giới âm nhạc thường có chút ít kiến thức về âm nhạc xưa… còn “showbiz” ngày nay thì xin chịu thua vì không theo kịp trào lưu nhạc trẻ.

Trong một bài viết đã đăng trên Blogspot, “Ngọc Lan – tiếng hát loài hoa bạc mệnh” năm 2014 (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2014/01/ngoc-lan-tieng-hat-mot-loai-hoa-bac-menh.html), có đoạn mở đầu đề cập đến hiện tượng “dựa hơi” vào các tên tuổi cũ của các ca sĩ thời bây giờ. Xin trích lại: 

“Ngày nay, giới showbiz trong nước thỉnh thoảng vẫn xuất hiện một vài cái tên quá quen thuộc với người nghe nhạc đứng tuổi, nhưng kỳ thật đó chỉ là việc sử dụng những “nghệ danh” của lớp ca sĩ đi trước. Sự trùng hợp tên tuổi này có thể là vô tình nhưng chắc chắn cũng có những trường hợp “kẻ hậu sinh” cố ý dùng một cái tên nổi tiếng một thời để tiến bước vào làng ca nhạc”.

Chẳng hạn như cái tên Thanh Thúy, một ca sĩ có giọng hát “liêu trai” của Sài Gòn xưa đã một thời khiến nhiều người phải “mê mệt”. Họ bây giờ đã thuộc lứa tuổi U-60, U-70, thích những bài hát do Thanh Thúy hát như “Nửa đêm ngoài phố”, “Phố đêm”, “Phố buồn”...

Giờ chỉ cần gõ hai chữ “Thanh Thúy” trên Google, ta có ngay 3 nhân vật khác nhau:

(1) Thanh Thúy (sinh năm 1943), ca sĩ ở miền Nam vào thập niên 1960 và tại hải ngoại sau năm 1975;

(2) Thanh Thúy (1977), ca sĩ và diễn viên từng đạt Giải nhất Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình năm 1994, Giải nhất Tiếng hát Truyền hình toàn quốc 1997, đồng thời là diễn viên trong một số bộ phim; và

(3) Thanh Thúy (1982), diễn viên truyền hình & sân khấu kịch từng đoạt nhiều giải trong HTV Awards 2008, từng tham gia các phim “Lọ lem thời @” và “Nhiệm vụ đặc biệt”...

Ca sĩ Thanh Thúy và tác giả (hình chụp tại Melbourne, năm 2013) 

Hiện tượng trùng tên cũng được lập lại với Ngọc Lan. Trên Google, gõ tên “Ngọc Lan” tôi nhận được khoảng 1.010.000 kết quả trong vòng 0,55 giây. Trong số những kết quả này, một phần nhỏ dành cho ca sĩ “đương thời” Ngọc Lan, người Hà Nội. Cô thường xuyên biểu diễn và giới thiệu tác phẩm mới của các nhạc sĩ thuộc Hội Âm nhạc Hà Nội trên Đài phát thanh-truyền hình Hà Nội.

Đa số phần kết quả còn lại nói về ca sĩ Ngọc Lan tại hải ngoại. Sẽ có không ít các bạn trẻ ở trong nước chưa được nghe Ngọc Lan hát và không chừng cũng chưa từng biết ngoài cái tên Ngọc Lan (Hà Nội) còn có một cái tên Ngọc Lan ở… hải ngoại.

Ngọc Lan (hải ngoại) tên thật là Lê Thanh Lan, sinh năm 1956, tại Nha Trang. Năm 1980, Ngọc Lan vượt biển đến Laemsing, Thái Lan, và sau đó định cư tại Minnesota, Hoa Kỳ. Hai năm sau, cô thực sự bắt đầu sự nghiệp ca hát ở California.

Lê Thanh Lan bước vào thế giới ca nhạc với cái tên Ngọc Lan vì tên thật của cô trùng với ca sĩ Thanh Lan đã nổi tiếng từ trước 1975 tại Sài Gòn. Đây cũng là quyết định sáng suốt của một nghệ sĩ không muốn tạo một scandal “trùng tên” trong làng ca nhạc. Ngọc Lan qua đời năm 2001 tại Hoa Kỳ khi đang ở vào thời kỳ “vàng son”!

Ca sĩ Ngọc Lan (hải ngoại) 

Trong giới nhạc sĩ cũng xảy ra trường hợp… trùng tên. Người yêu nhạc Sài Gòn xưa chắc không ai không biết đến các bản nhạc như nổi tiếng như “Hoa soan bên thềm cũ”, “Chiếc lá cuối cùng”, “Quán nửa khuya” (viết chung với Hoài Linh), “Nỗi niềm”, “Chiều biên khu”…

Tác giả những ca khúc “để đời” đó là nhạc sĩ Tuấn Khanh, sinh năm 1933, tại Nam Định. Tên thật của ông là Trần Ngọc Trọng, đồng thời ông cũng là ca sĩ Trần Ngọc, người đã giành giải nhất trong cuộc thi hát của Đài phát thanh Pháp Á năm 1953.

Tuấn Khanh di cư vào Nam năm 1955, ông làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn và chơi đàn vĩ cầm (violin) trong dàn nhạc giao hưởng của trường Quốc gia Âm nhạc. Nhạc phẩm đầu tay của ông là bản “Đò ngang”, sáng tác chung với nhạc sĩ Y Vân.

Cũng như một số các nhạc sĩ trước 1975, Tuấn Khanh còn sáng tác nhạc “theo đơn đặt hàng” của nhà xuất bản nhưng với những cái tên khác như Thương Hoài Thương (bài “Lệ Tình”, “Tuy Anh Không Nói”), Trần Kim Phú (bài “Vì Lỡ Thương Nhau”, “Tỉnh Giấc”), Hoàng Mộng Ngân (bài Tình Buồn Em Gái)….


Nhạc sĩ Tuấn Khanh tại Hoa Kỳ 

Năm 1983 Tuấn Khanh từ giã vợ để vượt biên cùng con gái trên chiếc ghe 8,5 mét nhưng rồi cuối cùng cũng đến được Hoa Kỳ. Tại Garden Grove, tiểu bang California, ông mở tiệm phở lấy tên Hoa Soan theo bài hát nổi tiếng “Hoa soan bên thềm cũ” của mình. Tuấn Khanh cũng đã có một lần về thăm Việt Nam năm 2008.


Nhạc sĩ Tuấn Khanh và con gái tại Hoa Kỳ 

Tại Hoa Kỳ, năm 2003, nhạc sĩ Tuấn Khanh phát hành một tập nhạc lấy tên “Tình Khúc Tuấn Khanh - Hoa Soan Bên Thềm Cũ” gồm 30 ca khúc quen thuộc với người yêu nhạc xưa như “Mùa Xuân Đầu Tiên”, “Hoa Soan Bên Thềm Cũ”, “Chiếc Lá Cuối Cùng”, “Nỗi Niềm”, “Nhạt Nhòa”, “Dưới Giàn Hoa Cũ”, “Quán Nửa Khuya”, “Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi”….


Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Trong tập nhạc này, nhạc sĩ Phạm Duy có lời giới thiệu:

“Trong tất cả những nhạc sĩ đã suốt một đời ca hát cho cuộc đời Việt Nam biết bao nhiêu luân lạc, Tuấn Khanh là một nhạc sĩ đã nối tiếp con đường nhạc tiền chiến đó rất thành công…”


Nhạc sĩ Tuấn Khanh

Và hiện nay trong nước cũng xuất hiện một nhạc sĩ tên Tuấn Khanh, sinh năm 1968, tác giả bài hát “Trả Nợ Tình Xa” đã gây sự hiểu lầm khiến có người phải chú thích thêm là của Tuấn Khanh “trẻ” để phân biệt với nhạc sĩ “lão thành” Tuấn Khanh của ngày nào.

Tuấn Khanh “trẻ” học nhạc tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, bộ môn flute (một loại sáo). Anh chơi nhạc trong nhiều ban nhạc trẻ nhưng vào đầu thập niên 1990 anh vào ngành báo chí và là phóng viên cho các tờ báo trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên và Người Lao Động.

Anh hiện là một cây bút được nhiều người ưa thích kể từ khi trở thành “phóng viên tự do” với những bài viết sắc sảo trên Blog và Facebook. Tôi chưa bao giờ gặp anh nhưng qua những bài viết của anh có thể nhận thấy ngay “nội lực” của một cây viết trẻ trước thời cuộc.


Hai nhạc sĩ cùng mang tên Tuấn Anh, một già một trẻ 

Đó có thể là một trường hợp hi hữu trong âm nhạc Việt Nam những năm gần đây mà một số người lầm tưởng… “tuy hai mà một”. Trần Chí Phúc đã tiết lộ một chi tiết khá thú vị trên SBTN (https://www.sbtn.tv/nhac-si-tuan-khanh-chiec-la-cuoi-cung-van-con-bay/): 

“Nhạc sĩ Tuấn Khanh của “Chiếc Lá Cuối Cùng” kể rằng Tuấn Khanh trẻ đã có ghé quán phở Hoa Soan gặp ông và giải thích với ông rằng tên thật của anh là Nguyễn Tuấn Khanh cho nên lấy mới lấy nghệ danh như vậy”.

Bài viết trên SBTN phân tích:

“Giải thích cho sự việc này là Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia khác với nhà nước bây giờ cho nên những di sản văn hóa đã không được công nhận và xảy ra chuyện một người nhạc sĩ thế hệ sau lại lấy trùng tên một người nhạc sĩ nổi tiếng của thế hệ trước. Và cũng có nhìều ca sĩ trẻ trong nước bây giờ cũng lấy cùng tên với những ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn năm cũ”.

Hai nhạc sĩ Tô Vũ & Tuấn Khanh trong một lần hội ngộ tại Việt Nam 

Chuyện văn nghệ “cũ” và “mới” xem ra cũng có nhiều tình tiết “lý thú” mà ít người để ý, đến độ một số tên tuổi của cả người hát lẫn người sáng tác đôi khi khiến ta… bị lầm! 

*** 
Mời nghe lại những nhạc phẩm “để đời” của Nhạc sĩ Tuấn Khanh (già):

1. “Hoa soan bên thềm cũ” – ca sĩ Hà Thanh thu Âm trước 1975:
https://www.youtube.com/watch?v=2mroOpLGroE

2. “Chiếc lá cuối cùng” – ca sĩ Tuấn Ngọc trình bày:
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/chiec-la-cuoi-cung-tuan-ngoc.zFZKuBXlHppx.html

3. “Nỗi niềm” – ca sĩ Thanh Hà trình bày:
https://www.youtube.com/watch?v=jP9MIJ1Ltvs


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts