https://www.youtube.com/watch?v=K0XMW0wDW
Đó là video clip mang tên “Đoạn nhạc Trung Quốc trong chương trình ‘Khát vọng đoàn tụ’ VTV”. Ngay từ phần mở đầu, sau lời giới thiệu trang trọng của cô nữ xướng ngôn viên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đứng dậy, cài nút áo vest và một bản nhạc hùng tráng được cử lên trong bầu không khí trang nghiêm của chương trình “Khát vọng đoàn tụ” nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2015 tại Hội trường Bộ Quốc Phòng, Hà Nội.
Phần nhạc nền chào đón ông Trương Tấn Sang lên sân khấu khai mạc chương trình bắt đầu vào phút thứ 4’16’’ và, sau những lời chào mừng của ông, cũng bản nhạc đó đưa ông về chỗ ngồi vào phút thứ 4’30’’. Quả thật, đây là một khúc nhạc hoành tráng khiến người nghe cảm thấy phấn khích…
Ngày xưa, thời VNCH cũng có loại “khai quân hiệu” trong các buổi lễ chính thức khi Tổng thống hoặc các viên chức cao cấp đến chủ tọa một buổi lễ, thường thì các ban quân nhạc tấu lên những đoạn nhạc hùng để buổi lễ thêm phần long trọng. Ở các nước khác cũng vậy cho nên lễ nghi nhạc nền cho các buổi lễ trở thành một phần không thể thiếu của một buổi lễ có tầm vóc quốc gia.
Chuyện đáng nói ở đây là phần nhạc nền trong buổi lễ mang tên “Khát vọng đoàn tụ” đã bị dân cư cộng đồng mạng phát hiện là bài nhạc mang tên “Ca ngợi tổ quốc” của Cộng hòa Nhân dân Trung hoa, ra đời từ ngày kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên năm 1950 [1].
Cộng đồng mạng lập tức giấy lên những bình luận bất lợi cho chính phủ và vào ngày 02/08/2015, Tuổi Trẻ Online, một tờ báo “lề phải”, đưa tin: “Xử lý sai sót đưa nhạc nước ngoài vào chương trình “Khát vọng đoàn tụ”:
“Kịch bản chương trình đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 và các cơ quan chức năng thẩm định, thông qua và được tiến hành sơ duyệt, tổng duyệt. Đây là chương trình có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc mang đậm tính nhân văn, khơi dậy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Chương trình được tổ chức công phu, gây xúc động đối với khán giả xem truyền hình.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp đã không kiểm soát được nội dung để xảy ra sai sót là sử dụng một đoạn nhạc nước ngoài trong chương trình.
Cơ quan cấp trên có thẩm quyền đã tiến hành kỷ luật: Khiển trách đối với Ban Giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội và chỉ đạo xử lý nghiêm túc kíp thực hiện chương trình…”
Trước đó, ngày 31/7, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà báo Thiếu tá Tùng Lâm, người dẫn chương trình “Khát vọng đoàn tụ” tối ngày 27/7 cho biết: “Việc có một đoạn nhạc nước ngoài trong chương trình chỉ là những sơ suất rất đáng tiếc xảy ra trong một chương trình rất tốt và không nằm trong kịch bản lúc đầu”.
“Một đoạn nhạc nước ngoài” là chữ của nhà nước ám chỉ Trung Quốc, một danh xưng đã quá quen thuộc với người miền Nam kể từ sau 1975 để thay thế cho tên gọi Trung Cộng. Nhưng, kể từ khi Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực biển Đông của Việt Nam ngày 1/5/2014 thì hình như cái tên Trung Quốc lại biến mất. Tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam được gọi là “tàu lạ” và đến nay nhạc của Trung Quốc được nói là “nhạc nước ngoài”…
Người Việt Nam hình như bị “phong tỏa” bởi vòng kim cô “4 tốt, 16 chữ vàng” của nước láng giềng Đại Hán. Hơn thế nữa, còn bị “kềm chế” về mặt kinh tế-xã hội, từ những dự án xây dựng cho đến cái ăn, cái mặc hàng ngày đổ vào từ phương bắc.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định: "... những ai vẫn nói tới ‘4 tốt 16 chữ vàng’ thì những người ấy chắc là đã bị ăn ‘bùa lú’ mất rồi". Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đặng Ngọc Tùng, đề cập tới Vụ giàn khoan HD-981 một cách chua xót: "Đây là bài học cho những ai còn mơ hồ về 16 chữ vàng, về 4 tốt".
Trên blog của mình, nhạc sĩ Tuấn Khanh viết: “Những lần tránh né gọi thẳng tên kẻ gây ra các vụ xung đột, cướp bóc và giết ngư dân Việt trên biển, thay thế bằng “tàu lạ, kẻ lạ”, khiến khoảng cách của ý thức phân định ta – giặc bị mù mờ. Thậm chí ngay cả sách lịch sử giáo khoa Việt Nam cũng ngại việc gọi tên Trung Quốc là giặc xâm lược, thì âm nhạc ca ngợi ta hay nhạc ca ngợi “nước lạ” cũng mù mờ vậy thôi. Thời gian bào mòn ý thức và sự tỉnh táo về dân tộc và ngoại bang mới đáng sợ làm sao!”.
Giàn khoan HD 981 tại Biển Đông
Trở lại với chuyện “sai sót” dùng nhạc của “kẻ thù” trong chương trình “Khát vọng đoàn tụ”. Một trong những người chịu trách nhiệm trực tiếp là “tổng đạo diễn”, “Nghệ sĩ Nhân dân” Lê Hùng. Ông tuyên bố với báo chí:
“Đoạn nhạc đó chỉ có mười mấy giây, và không có lời, dùng làm nhạc hiệu để Chủ tịch nước đi lên bục phát biểu thôi và đã được chỉnh sửa ở những lần phát lại sau đó”.
Điều này có nghĩa là phần phát lại trên Youtube của VTV đã được “chỉnh sửa”, người ta khi xem đoạn clip phát lại sẽ không còn nghe tiếng nhạc “Ca Ngợi Tổ Quốc” từ phương bắc. Chữa cháy kiểu này cho thấy việc giải quyết “khủng hoảng truyền thông” được áp dụng quá muộn trong thời đại truyền thông kỹ thuật số của thế giới Internet có độ lan tỏa rất nhanh. Nhưng thôi, thà có còn hơn không!
Điều đáng quan tâm là những lời giải thích của những người trong cuộc chỉ mang tính cách “chữa cháy” trong cơn “dầu sôi lửa bỏng”. Trách nhiệm chính trị đã không nêu đích danh một ai trong khi chế độ kiểm duyệt nói chung rất gắt gao, “không để lọt một sơ xuất” nào! Người ngoài cuộc đâm ra suy nghĩ – có thể đúng, có thể sai – là “sự cố” đã được “nhất trí” của những người trong cuộc!
Bản thân đạo diễn Lê Hùng xem ra cũng chỉ là một con tốt trên bàn cờ, dù ông được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” (NSND), một cái đích tột bậc của những nghệ sĩ phục vụ chế độ. Thời nay có rất nhiều mỹ từ nhân danh “Nhân dân” như “nhà giáo nhân dân”, “thầy thuốc nhân dân”, “anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”… theo gương của các nước như Liên Xô cũ, Đông Âu…
Cũng xin nói thêm về NSND Lê Hùng. Nhắc đến ông, người ta phải nhớ đến tên tuổi của một vị đạo diễn bậc nhất ở thể loại kịch hiện nay tại Việt Nam. Ông là người sở hữu nhiều nhất các vở kịch kinh điển và được mệnh danh là con “sói già” của sân khấu kịch.
Một NSND khác, Lan Hương, nhận xét về ông một cách khôi hài nhưng lại thâm thúy: "Anh Lê Hùng giống vị "hoàng đế cởi truồng" trong truyện cổ tích, cứ nghĩ là mình đang mặc quần mà không ai dám nói".
NSND Lê Hùng
Có thể Lê Hùng đã được các đồng nghiệp và báo chí nhà nước “ca tụng” quá nhiều nên không còn… biết mình là ai nữa. Trước khi “sự cố” nhạc Tầu xuất hiện trong một chương trình chính thức của Việt Nam, Lê Hùng đã tâm sự qua một cuộc phỏng vấn:
“Trong số tử vi của tôi nói rằng, vào đúng tháng ấy, năm ấy thì tôi sẽ bị nạn thị phi và rơi vào cung nô, tức là cung của các học trò, nô bộc. Tôi không bất ngờ vì biết trước rồi. Bạn bè tôi nhiều người giỏi việc đó. Họ khuyên tôi nên im lặng. Và đúng là tôi cũng không nói nhiều, không thanh minh, giải thích gì cả. Tôi vẫn an toàn mà. Chuyện đó không ảnh hưởng gì đến lương thưởng hay chế độ hưu trí cũng như tiếng tăm của mình. Vì mình có làm gì sai đâu”.
Tuy nhiên, kể từ khi tổng đạo diễn Lê Hùng để lọt bài nhạc Tầu trong chương trình “Khát vọng đoàn tụ” ông đã làm một việc “sai hoàn toàn” dù đoạn nhạc đó theo như lời ông… “chỉ có mười mấy giây”. Vâng, “chỉ có mười mấy giây” nhưng cũng đủ làm tiêu tan danh hiệu NSND mà ông đã được nhà nước ban thưởng.
Điều quan trọng hơn cả, “chỉ có mười mấy giây”, dù vô tình hay cố ý, đã biến ông từ một NSND thành một “nghệ sĩ thân Tầu”. Người ta lý luận, phải thân Tầu mới dùng nhạc Tầu trong một chương trình kỷ niệm thương binh, liệt sĩ, trong đó có cả những người đã nằm xuống trong cuộc chiến biên giới Việt – Trung năm 1979.
Xét cho cùng, trách nhiệm chính trị còn vượt quá tầm vóc của một NSND, nó nằm ở những người đã trao tặng ông Lê Hùng danh hiệu “cao quý” này.
***
Chú thích:
[1] Ca Ngợi Tổ Quốc (Ode to the Motherland - 歌 唱 祖 国) Nhạc và lời của Vương Tân (王 莘).
Ngày 01/10/1949, Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với một rừng cờ đỏ năm sao tung bay ở Quảng trường Thiên An Môn. Đó là khoảnh khắc cảm hứng nhất cho hàng triệu người yêu nước Trung Hoa, trong đó có nhạc sĩ Vương Tân (Wang Xin).
Vương Tân bắt đầu viết bài hát này vào cuối tháng 9/1950, ngay sau khi ông nhìn thấy một rừng cờ đỏ năm sao tung bay tại Quảng trường Thiên An Môn một lần nữa, trong giai đoạn chuẩn bị cho lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên. Lời bài hát và sáng tác âm nhạc của nó đã được công bố chính thức vào ngày 15/9/1951 trên báo People's Daily (Báo Nhân Dân) của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Chúng tôi xin đưa thêm một video clip khác, cũng sử dụng bài “Ca Ngợi Tổ Quốc” của nhóm làm phim người Hồng Kông làm nhạc nền cho khúc phim tài liệu về cuộc biểu tình tại Thiên An Môn, Trung Quốc. Cùng một bản nhạc nền nhưng có sự khác biệt quá lớn về ý nghĩa chính trị giữa Việt Nam và Hồng Kông:
https://www.youtube.com/watch?v=bOc4LQPzS94&feature=youtu.be
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng: Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét