Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

National Geographic: “Những cái đầu tiên”

Tiêu đề của bài viết này không phải là “những phút đầu tiên” thường gặp trong các đề tài về tình cảm ướt át mà là “những cái đầu tiên” của con người và trái đất trong lĩnh vực  khoa học và khảo cổ học.

Đây là một đề tài được tạp chí National Geographic [1] chọn làm chủ đề cho ấn bản đầu tiên trong năm 2015, số Tháng 1/2015. Số báo này xoay quanh “những cái đầu tiên”… từ thời tiền sử cho thời đương đại.


National Geographic, số Tháng 1/2015

Có thể nói, khi cầm nguyệt san National Geographic trên tay, người đọc dù khó tính đến đâu cũng cảm thấy hài lòng. Nếu không thích chủ đề nào đó của tạp chí, người ta vẫn có thể được ngắm nhìn những hình ảnh sinh động, quý giá có liên quan đến bài viết.

Tuy nhiên, tôi nghĩ số báo đầu năm 2015 sẽ đáp ứng cả hai sở thích: (1) tìm hiểu “những cái đầu tiên” của thế giới và con người cũng như (2) chiêm ngưỡng những bức hình minh họa đi kèm bài viết. Ngay từ những trang đầu tiên của số Tháng 1/2015 National Geographic giải thích:    

“Mọi vật đều có “những cái đầu tiên”. Thật ra thì chúng ta bị tràn ngập về điều đó đến nỗi không còn nhận ra được “những cái đầu tiên” thực sự xảy ra vào thời điểm nào… Chẳng hạn như việc sinh con qua phẫu thuật (cesarean) [2] đã thành công lần đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 1794 do chính người chồng của sản phụ thực hiện… Hay sự kiện mặt trăng được con người vẽ ra nhiều thế kỷ trước khi biết đến đáy đại dương”.

Điểm lại lịch sử của con người và trái đất người ta cũng đã khám phá ra những “Ý tưởng sớm nhất” (Earliest Ideas), khoảng 500 năm trước Thiên Chúa Giáng sinh (B.C). Một trong số những sự kiện lâu đời nhất là con người đã học được cách chế ngự lửa từ cả triệu năm trước.

9.000 B.C người ta đã biết chăn nuôi gia súc, trong đó có loài cừu và dê tại Trung Đông, sau đó là heo và các loài gia súc khác. 3.500 BC đã chế tạo được bánh xe trong việc dùng nó làm bàn xoay khi chế tác đồ gốm và sau đó là bánh xe để vận chuyển hàng hóa trên những chiếc xe di chuyển trên mặt đất.

776 B.C là năm có “Thế vận hội” (Olympic Games) đầu tiên với các cuộc tranh tài kết hợp với các hoạt động lễ hội vinh danh thần Zeus, thần cai quản các vị thần và là thần của bầu trời trong thần thoại Hy Lạp. Thần Zeus được coi tương đương như thần Jupiter trong thần thoại La Mã.


“Những ý tưởng sớm nhất”

Thời kỳ Trung Cổ (Middle Ages), kéo dài từ năm 400 đến 1400, với phát minh về thuốc súng vào thế kỷ thứ 9 tại Trung Quốc. Khi đó người Tầu đang mầy mò trong việc tìm ra “thuốc luyện đan trường sinh bất tử” (immortality elixir). “Giả kim thuật” đã có lịch sử hàng mấy nghìn năm. Nó là tiền thân của môn hóa học cận đại và có ảnh hưởng sâu sắc đến khoa học kỹ thuật thời cổ cũng như đời sống loài người.

Năm 859 đã có “trường đại học” đầu tiên tại Qarawlyyin, Ma Rốc, do một phụ nữ, bà Fatima al Fihri sáng lập. Được mệnh danh là "mẹ của những đứa trẻ", bà thành lập “madrasa”  tại Fes. Đây là một trong những tổ chức giáo dục đáng chú ý nhất, còn được gọi là "trường đại học lâu đời nhất thế giới".

Năm 1010 đánh dấu một công trình văn học lớn với Murasaki Shikibu, biệt hiệu của một nữ văn sĩ cung đình thời Heian, Nhật Bản. Bà là tác giả của cuốn tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại, kiệt tác Truyện kể Genji (The Tale of Genji), được viết bằng tiếng Nhật.

Tiền giấy được lưu hành từ thế kỷ 12 qua việc cải tiến của các nhà lái buôn người Trung Quốc. Ho dùng tiền giấy để thay thế cho tiền kim loại quá cồng kềnh và nặng nề khi phải di chuyển. Kính đeo mắt đầu tiên được ra đời vào thế kỷ thứ 13 tại Ý.

Thời kỳ Phục hưng (Renaissance) từ 1350 đến 1650, bắt đầu với sự ra đời của máy in năm 1439. Chiếc máy in của Johannes Gutenberg, người Đức, được phát triển và đã tạo ra cuộc cách mạng in ấn rộng khắp thế giới. Nhờ phát minh này, việc in ấn một cuốn sách dày đã trở thành điều đơn giản.

Năm 1507 bản đồ thế giới được hoàn chỉnh, trong đó phía Tây bán cầu xuất hiện lần đầu tiên. Năm 1519 sô-cô-la (chocolate, cocao) của người Aztec ở Trung Mỹ du nhập vào Âu châu thông qua Hermán Corté, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha.

Ý tưởng vè tầu ngầm được kỹ sư người Hòa Lan, Cornelis Drebbel, thực hiện vào năm 1620 với một chiếc tầu bằng gỗ bọc da, có tráng một lớp mỡ. Đến năm 1650, Otto von Gueriche, người Đức, sáng chế máy bơm chân không để nghiên cứu ánh sáng và âm thanh trong môi trường chân không.




Thời kỳ Khai sáng (Enlightement) 1650-1800: Vào năm 1679 Giovanni Cassini, người Ý, vẽ một bản đồ khoa học về phong cảnh của mặt trăng nhìn qua viễn vọng kính. Năm 1691 Edmond Halley (người Anh và sau này được đặt tên cho sao chổi Halley) đã đăng ký bản quyền về việc sáng chế chuông lặn (diving-bell) dùng trong việc khám hiểm dưới nước.   

Chiếc đàn piano ngày nay đã được Barttolomeo Cristofori người Ý tạo ra khoảng năm 1700 trong khi chiếc la bàn đầu tiên được phát minh vào giữa thập niên 1700. Đây là thiết bị hàng hải để tìm kinh độ bằng cách đo lường “khoảng cách góc” (angular distance) giữa mặt trăng với một ngôi sao gần nhất.

Năm 1752, tại Hoa Kỳ, Benjamin Franklin và con trai đã thiết kế cột thu lôi nhằm bảo vệ những tòa nhà khi bị sét đánh. Và, như đã nói ở trên, ca mổ cesaren thành công tại Mỹ được thực hiện năm 1794. Thai phụ, bà Elizabeth Bennet, và con được “mẹ tròn con vuông” qua bàn tay của một bác sĩ và cũng là chồng bà!

Trong thời kỳ Cách mạng Công nghệ (Industrial Revolution) 1760-1900, “ngôn ngữ bằng cử chỉ” (sign language) được Abbé Charles Michel de l’ Épée soạn vào thập niên 1770. Ông là một giáo viên người Pháp có ảnh hưởng rất quan trọng trong việc giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu của cộng đồng người khiếm thính.

Tại Paris con người đã có thể bay bằng loại khí cầu lên đến độ cao 500 feet được thực hiện vào năm 1783. Cũng tại Pháp, bức hình chụp bằng máy ảnh đầu tiên có tiêu đề “Nhìn từ cửa sổ ở Le Gras” (View From the Window at Le Gras) được thực hiện vào năm 1826, bức hình được đánh giá là thành công đầu tiên trong lịch sử nhiếp ảnh thế giới.

Tem bưu chính đầu tiên xuất hiện tại Anh năm 1840, trên tem là hình bán thân chụp nghiêng của Nữ hoàng Victoria đề giá 1 penny. Đến năm 1876, tại Mỹ, Alexander Graham Bell cho ra đời chiếc điện thoại đầu tiên với câu nói qua điện thoại: “Ông Watson, đến đây, tôi muốn gặp ông”.

Aspirin với tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm được chế tạo đầu tiên bởi nhà hóa học người Đức, Felix Hoffmann, vào năm 1897. Chỉ hai tuần sau, Heroin (bạch phiến) cũng được tổng hợp trong phòng thí nghiệm!

Bước qua Thời kỳ Chiến tranh & Hậu chiến (War & Postwar) từ năm 1914 đến 1954 có những phát minh về y học, đáng kể nhất là sự xuất hiện của băng dán (adhesive bandage) xuất hiện vào năm 1920, người phát minh là ông Earle Dickson, người buôn bông vải. Dickson vốn có một người vợ thường hay gặp tai nạn.

Năm 1928, bác sĩ người Scotland, Alexander Fleming, trở nên nổi tiếng với thuốc Penicillin. Chất kháng sinh này được tìm ra qua một sự tình cờ khi phát hiện một loại nấm mốc có màu xanh nhạt.

Năm 1951, nhà hóa học người Áo, Carl Djerassi, đã thành công trong việc tạo ra thuốc tránh thai bằng cách tổng hợp chất hormone từ một loại khoai lang (yam). Năm 1953, George Klein sáng chế chiếc xe lăn chạy bằng điện để hỗ trợ những cựu quân nhân bị thương tật do chiến tranh. Năm 1954 đánh dấu sự thành công trong việc cấy ghép nội tạng. Ca thành công đầu tiên là việc cấy ghép thận từ một trong hai người sinh đôi.




Thời đại Không gian (Space Age) 1957-1980. Khởi đầu là việc đưa vệ tinh vào không gian năm 1957, qua đó Liên Xô đã phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 lên quỹ đạo của trái đất. Năm 1961 nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin, người Nga, đã bay trong quỹ đạo 108 phút, đánh dấu bước đầu tiên của con người trong không gian.

Năm 1969 con người lần đầu tiên đổ bộ lên mặt trăng. Phi hành gia người Mỹ, Neil Armstrong, tuyên bố khi ông đi bộ trên mặt trăng: “Đó là bước nhỏ đối với một người nhưng lại là bước nhẩy vọt khổng lồ của nhân loại”.

1969 là năm mở đầu cho thời đại Internet. Dữ liệu được truyền đi giữa các viện đại học ở California, đánh dấu bước đầu tiên cho việc phát triển mạng. Năm 1977, qua sự tài trợ của National Geographic, các nhà khoa học đã hoàn chỉnh “bản đồ địa hình” (topographic map) dưới đáy biển.

Thời đại Thông tin (Information Age) bắt đầu từ năm 1971 cho đến ngày nay. Năm 1971, lập trình viên (programmer) người Mỹ, Ray Tomlinson, đã gửi một tin nhắn được xem như một hệ thống email (email system) trên mạng ARPANET với nội dung chỉ gồm toàn những ký tự ở hàng trên cùng của bàn phím, tình từ trái qua phải: “QWERTYUIOP”.

Trước đó, người sử dụng máy tính chỉ có thể gửi tin nhắn cho những người trên cùng một máy tính. Để phân biệt người nhận tin trên cùng một máy, Ray Tomlinson dùng ký hiệu @ để tách họ và ngày nay như chúng ta thấy, trên địa chỉ email luôn xuất hiện ký hiệu @.

Năm 1982 cũng đánh dấu một thành tựu y học: trái tim nhân tạo được gắn vào cơ thể con người. Trái tim đó mang tên “Jarvik-7” đã hoạt động trong cơ thể giúp bệnh nhân sống thêm được 112 ngày!

Điện thoại thông minh (smartphone) xuất hiện năm 1993. IBM’s Simon là chiếc điện thoại cầm tay (cellular phone) đầu tiên do công ty International Business Machines Corp. (IBM) sản xuất. Đó là chiếc điện thoại có “sự hỗ trợ kỹ thuật số cá nhân” (personal digital assistant - PDA) để phục vụ những chức năng kỹ thuật số như email.

Năm 1996 được đánh dấu bằng một tiến bộ sinh học: Dolly là con cừu cái được nhân bản thành công tại Scotland. Dolly ra đời ngày 5/7/1996 và chết vì bệnh phổi 5 tháng sau khi được nhân bản. Dolly đã nhận danh hiệu “Cừu mổi tiếng nhất thế giới”!




Với nhiều chủ đề nổi tiếng về phong cảnh, lịch sử, khoa học và địa ý trên khắp thế giới, National Geographic giữ vị trí “tạp chí hàng đầu” cả về nhiếp ảnh cũng như bài vở. Vì đòi hỏi tiêu chuẩn cao, hình ảnh phóng sự của tạp chí này được sánh với những ấn phẩm cao nhất về nghệ thuật cũng như kỹ thuật trên thế giới. Ngay từ đầu thế kỷ 20 khi kỹ thuật còn kém, National Geographic đã in hình màu.

Kỹ thuật in ấn của National Geogarphic đã đạt đến trình độ tuyệt hảo với những trang đặc biệt bao gồm 4 trang mà độc giả có thể mở rộng trong một trang báo. Khi thì dàn trải từ trang bên phải, khi thì từ hai trang trái – phải mở rộng thành 4 trang.

4 trang National Geographic trải dài từ một trang bên phải
(Số Tháng 1/2015)


4 trang National Geographic trải dài từ 2 trang trái – phải
(Số Tháng 1/2015)

Cũng vì những lý do đó, National Geographic hiện có 32 phiên bản dùng nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Tổng số phát hành hàng tháng là gần 9 triệu số báo với hơn 50 triệu độc giả. Đó là những con số mà những người làm báo khắp thế giới phải ngưỡng mộ và khao khát! Thế cho nên, độc giả của tạp chí thường giữ lại các số báo cũ để cả gia đình cùng xem và tham khào.


Một bộ sưu tập National Geographic

***

Chú thích:

[1] Hiệp hội Địa lý Quốc gia hay Hội Địa dư Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic Society, viết tắt NGS) là một hiệp hội tư nhân, được thành lập ngày 27/1/1888, bởi 33 thành viên với mong muốn "thành lập một hiệp hội nhằm nâng cao và phổ biến kiến thức địa lý".

Tạp chí National Geographic có ấn bản lần đầu tiên ra mắt 9 tháng sau khi hội được thành lập. Tạp chí này đã trở thành một trong những tạp chí nổi trên tiếng giới. Thiết kế trình bày của tạp chí có khung viền vàng đặc trưng trên bìa ngoài. Ký hiệu khung vàng này đã được đăng ký là nhãn hiệu riêng cho National Geographic.

Tạp chí phát hành 12 ấn bản một năm, mỗi tháng một số. Ngoài ra, tạp chí còn đôi khi có những đặc bản chuyên đề. National Geographic còn được biết đến nhiều vì những phụ bản địa đồ chi tiết. Các tài liệu lưu trữ của hội thậm chí còn được chính phủ Mỹ sử dụng, khi mà khả năng vẽ bản đồ của chính phủ còn hạn chế.

Năm 2001, Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ phát hành một bộ tám đĩa CD-ROM ghi chi tiết tất cả các tấm bản đồ từ năm 1888 tới năm 2000. Trong phần tin về cuộc chạy đua khoa học vũ trụ, National Geographic tập trung vào các thành tựu khoa học.  

[2] Trong y học, “cesarean” là thật ngữ chỉ sự sinh con không theo hình thức bình thường (natural, vaginal, regular birth). Sinh con qua việc mổ lấy thai (cesarean delivery, cesarean section hay C-section) nhằm lấy thai nhi, nhau, màng ối bằng một vết mổ qua thành bụng.

Thuật ngữ “cesarean” có xuất xứ từ Julius Caesar, Hoàng đế La Mã được cho là ra chào đời theo phương pháp sinh mổ. Trên thực tế, hình thức mổ lấy thai đã có từ trước thời của Julius Caesar.

***
Bình luận từ Facebook:





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts