Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Điển cố văn học: Thạch Sùng

Trong các tác phẩn văn học xưa của ta, rất nhiều truyện nhắc đến một nhân vật giàu có thuộc loại “nứt đố, đổ vách”. Đó là Thạch Sùng với một gia tài đồ sộ, dinh cơ tráng lệ, tiền bạc như nước. Ngày nay, người ta thường dùng chữ “đại gia” để ám chỉ những kẻ giàu sang nhưng dùng trong một ngữ cảnh khác, từ ngữ này lại là một “trọc phú” với bản chất tham lam.

Sự tích con thạch sùng là truyện cổ tích dân gian kể về một nhân vật nghèo khổ bỗng phát tài giàu có, khi chết hoá làm con thạch sùng. Có hai vợ chồng một người nghèo khó tên là Thạch Sùng, sống bằng nghề ăn xin và góp nhặt được một số vốn.

Một hôm Thạch Sùng nhìn điềm trời đoán biết sẽ mưa lụt to, nên dồn tiền vào việc tích trữ gạo. Quả nhiên, tháng Tám năm ấy trời làm một trận lụt lớn, giá gạo tăng vọt, Thạch Sùng đem số gạo tích trữ ra bán, trở nên giàu có và thôi nghề ăn xin.

Thạch Sùng trở thành một phú ông, lại nhờ tài buôn bán và cho vay lãi, gia tài của ông ngày càng lớn, và mua được địa vị, vua phong tước cho ông tước Quận công. Em hoàng hậu họ Vương cũng là tay cự phú và tiêu tiền phí vào bậc nhất, khi gặp Thạch Sùng trong một bữa tiệc hai bên đều muốn khoe của. Ai cũng khoe mình nhiều tiền của và tự cho mình là giàu hơn. Các quan thấy vậy bèn nói:

“Hai ngài cãi nhau như thế không ích gì cả. Cần phải có chứng cớ thì chúng tôi mới tin. Hai ngài hãy trưng của cải ra cho chúng tôi xem. Ai thua phải nộp cho bên được mười thúng vàng. Chúng tôi sẽ làm chứng cho...”

Hai bên nhận lời và ký vào giấy giao ước, nếu ai thua cuộc thì mất toàn bộ gia sản. Cả hai bên mang đủ thứ tài sản trong nhà ra khoe: gấm vóc, sừng tê, ngói thuỷ tinh, đá lát nhà, san hô, ngựa thiên lý, ngọc, bạc, vàng... Tuy nhiên vẫn không ai chịu kém ai.

Hoàng hậu lo cho em mình thua cuộc, có phái mấy viên hoạn quan nhiều mưu trí đi theo để giúp sức bày kế cho Vương Khải nên thách Thạch Sùng đưa ra “mẻ kho”. Vì “mẻ kho” là thứ nồi đất mẻ mà chỉ nhà nào cùng khổ lắm mới dùng để nấu thức ăn, mà lúc đó Thạch Sùng đã quá giàu có, bỏ đi từ lâu không dùng nữa, không có nên đành thua cuộc.

Thạch Sùng cay đắng nhìn thấy tất cả gia sản cho đến vợ con, nàng hầu, nô tỳ... đều chạy sang tay họ Vương, ông tắc lưỡi tiếc cho cơ nghiệp tự tay mình gây dựng trong bao năm đến nay lại hoàn tay trắng. Rồi ông chết, hóa thành con thạch sùng. Thạch sùng thỉnh thoảng lại chắt lưỡi kêu lên mấy tiếng chép miệng vì tiếc của.

Thạch sùng (Hemidactylus frenatus) săn mồi vào ban đêm, thường hoạt động ở những khu vực có ánh đèn là những nơi thu hút côn trùng. Đôi khi người ta thấy thạch sùng "ăn vụng" thức ăn hoặc nước uống không được đậy kỹ trong nhà, nên mặc dù là loài động vật rất có ích nhưng chúng vẫn gây ác cảm đối với một số người. Cũng có khi phân của thạch sùng làm nhiều người khó chịu.

Thạch sùng là hình tượng giản dị gần gũi với người dân Việt Nam, bắt nguồn từ tiếng kêu "chách chách" của thạch sùng nghe giống như người than thở "tiếc của". Ở miền Nam, thạch sùng được gọi là thằn lằn. Tuy nhiên tên gọi này có thể khiến chúng bị nhầm lẫn với một vài loài thằn lằn khác.

Thạch sùng săn mồi

Chuyện về “đại gia” Thạch Sùng được Phan Thế Roanh giải thích một cách chi tiết hơn trong cuốn “Điển Cố” về truyện và thơ do nhà xuất bản Nam Sơn (63 Hàng Giấy, Hà Nội) phát hành. Đây là cuốn sách xuất bản năm 1954 do thân phụ tôi để lại với nhiều bút tích ghi chép bên lề.

“Điển Cố” – Nhà xuất bảm Nam Sơn, Hà Nội (1954)

Trong “Điển Cố”, Thạch Sùng được nhắc đến qua truyện thơ Nôm “Trinh Thử” [1]. Truyện thuộc loại ngụ ngôn, kể lại chuyện con chuột đực tán tỉnh con chuột bạch góa chồng rồi bị chuột cái ghen tương nên quyết liều chết để bảo toàn chữ Trinh nên mới có tên là “Trinh Thử”.

“Thạch Sùng tắc lưỡi lắc đầu.
Nhân sinh rất mực hóa dầu hóa sang”

Hơn thế nữa, tác giả còn nhắc đến Thạch Sùng qua tác phẩm thơ Nôm “Quan Âm Thị Kính” [2] với hai câu lục bát:

“Trong làng có một phú ông,
Gia tư đọ với Thách Sùng kém đâu”

Theo Phan Thế Roanh, Thạch Sùng vốn sinh ở Thanh Châu, đời Tây Tấn. Thạch Sùng có bố tên là Thạch Bào, lúc lâm chung ông chia của cho các con, Thạch Sùng là người được phần ít nhất. Người mẹ hỏi tại sao không chia đều, Thạch Bào giải thích: “Về sau nó sẽ có nhiều hơn những đứa kia”.

Sau Thạch Sùng làm quan được phong tước An Dương Hầu nhưng lại thường kết bè kết đảng với lũ cường đạo, ăn cướp của những thương khách nên trở thành “đại phú”. Thạch Sùng có một biệt thự ở lũng Kim Cốc rất tráng lệ là nơi thường họp các bạn bè để ăn uống, chơi bời. Phan Thế Roanh viết về sự xa hoa của Thạch sùng:

“Càng ngày càng giàu có, lâu các nguy nga, cao đến trăm trượng, trăng toàn gầm vóc, trạm lộng rất công phu, các đồ trân quý không biết bao nhiêu mà kể. Kể về tài sản thì thực là thiên hạ vô song”.

Thời bầy giờ có quan Hậu Tướng Quân, tên Vương Khải, em hoàng hậu, nhà cũng rất giàu, xa xỉ cũng vào bậc nhất. Một hôm hai người cạnh tranh nhau về sự giàu có. Vương Khải nói: “Tôi lấy đường làm tro”, Thạch Sùng đáp: “Tôi lấy nến làm củi”. Vua thấy thế bèn phán: “Lời nói không lấy gì làm bằng. Muốn biết ai hơn ai kém, phải lấy những thứ quý nhất đem ra, hễ ai nhiều thì được”

Vương Khải lấy trướng lụa rải đường được 40 dặm, Thạch Sùng lại trải được 50 dặm. Vương Khải dùng phấn đá đỏ quét vôi nhà, Thạch Sùng lại dùng hồ tiêu. Vương Khải đem cây san hô cao 2 mét, Thạch Sùng lấy ngọc như ý đập cây ấy vỡ tan.

Đến khi vua Vũ Đế băng hà, thái tử là Huệ Đế lên ngôi. Vị vua nhu nhược nên quyền chính về tay Thân Vương tranh quyền thành ra nội loạn. Gian thần Tôn Tú nghe nói Thạch Sùng có một ái cơ tên Lục Châu, nhan sắc lạ thường, cầm kỳ thi họa vào hàng tuyệt kỷ.

Tôn Tú khiến sai nha đến bắt Lục Châu nhưng Thạch Sùng phản đối. Tôn Tú cả giận tâu vua: “Thạch Sùng có ý làm phản, ỷ thế giàu có, lập mưu làm loạn, nếu không trừ khử, sau hối không kịp”.

Triệu Vương nói nếu thế thì cứ giết. Tôn Tú được lệnh đem 200 quân đến vây nhà Thạch Sùng, khi đó đang cùng Lục Châu ngồi trên lầu Kim Cốc. Thạch Sùng nói với Lục Châu: “Tôi vì nàng mà bị tội”. Lục Châu đáp: “Quân hầu đã vì thiếp mà phải tội thì thiếp cũng vì Quân hầu mà chết”. Nói rồi nhảy từ trên lầu cao mà chết. Thế là Thạch Sùng bị đem ra xử trảm, gia sản bị tịch biên.

Trang “Điển Cố” viết về Thạch Sùng

Sự tích Thạch Sùng theo Phan Thế Roanh là vậy. Phải chăng “việc soi gương kim cổ” cũng là một bài học muôn đời cho hậu thế? Phương Đông có câu “Của phi nghĩa không bền” và Phương Tây đáp lại “Trả lại cho Cesar những gì thuộc về Cesar”.

Thời nào cũng vậy. Điển cố văn học về Thạch Sùng cũng là một bài học cho người đương thời!   

*** 
Chú thích:

[1] “Trinh Thử” là một truyện thơ nôm,  dài 850 câu lục bát kể chuyện con chuột đực quyến rũ chuột bạch. Theo bản in năm Đinh Tỵ (1875) kể rằng vào năm Long Khánh (niên hiệu của Trần Duệ Tông), đời Trần ở miền Lộc Đỗng có người Hồ sinh, học rộng biết nhiều, lại nghe được tiếng chim muông, dã thú.

Nhân ra chơi kinh thành, chàng ngụ ở gần nhà Thừa tướng Hồ Quý Ly. Đêm nằm bỗng nghe tiếng chó sủa. Chó sủa làm cho một con chuột bạch góa chồng đang đi kiếm ăn bên nhà Hồ Quý Ly kinh hãi chạy vào nấp ở hang chuột đực. Bị chuột đực tán tỉnh nhưng chuột bạch nhất định cự tuyệt và quyết liều chết để bảo toàn chữ trinh.

Đang khi ấy, vợ chuột đực là chuột cái về, ngờ rằng chồng mình và chuột bạch có tình gian, tỏ ý giận dữ. Chuột Bạch giãi bày, biện bạch rồi từ biệt ra về. Nhưng Chuột Cái không tin, nổi ghen, đay nghiến chồng, rồi còn đến nhà Chuột Bạch để xỉ vả. Mèo ở đâu chợt đến. Chuột Bạch chạy thoát vào cong gạo, còn Chuột Cái chạy lạc đường sa xuống ao. Hồ sinh thấy thế, bèn đuổi mèo đi, vớt Chuột Cái lên, rồi lấy lời lẽ phải trái nói rõ lòng trinh tiết của Chuột Bạch và khuyên nhủ Chuột Cái về đạo cư xử trong gia đình.

Trinh thử nghĩa là con chuột có lòng trinh tiết. Theo một số nhà nghiên cứu trước đây như Dương Quảng Hàm, Bùi Kỷ thì đây là một câu chuyện ngụ ngôn, Hồ Huyền Quy mượn chuyện của loài chuột để tán dương lòng trinh tiết và chỉ trích lòng dâm tà của người đời. Cũng có ý kiến cho rằng Hồ Huyền Quy mượn chuyện con chuột để châm biếm Hồ Quý Ly và hoàn cảnh chính trị đương thời.

Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh xác định thì truyện Trinh Thử thoát thai từ một tác phẩm văn xuôi chữ Hán tên là "Đông thành trinh thử truyện" (Truyện con chuột trinh tiết ở tường thành phía đông) vào nửa sau thế kỷ XIX. Cũng theo ông, thì tác giả có thể là một danh sĩ lúc bấy giờ.

Một số người lại cho rằng truyện này do Nguyễn Hàm Nghi (em ruột Nguyễn Hàm Ninh) ở Quảng Bình viết vào thời thực dân Pháp mới sang xâm lược Việt Nam, và có ý ám chỉ thời thế. Sách "Từ điển văn học" (bộ mới) ghi tác giả là khuyết danh. Trong khi chưa xác định được tác giả chính xác, ở đây tạm xếp truyện này vào tác giả Hồ Huyền Quy.

* Nhà nghiên cứu Triêu Dương bình luận:

“Trinh thử” đề cao lối sống trong sạch, chỉ trích những kẻ keo bẩn ky cóp làm giàu một cách không chính đáng. Tác phẩm cũng chĩa mũi nhọn vào bọn quyền thần, và phản đối lối sống tùy thời của những kẻ chuyên luồn cúi. Luân lý ở đây có phần hợp với nhân dân lao động, nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của lễ giáo phong kiến chính thống...”

* Giáo sư Thanh Lãng nhận xét:

“Đây là cuộc đấu tranh xoay quanh vấn đề giá trị của đạo đức và ý nghĩa của cuộc sống. Chuột Đực phản đối trinh tiết, mỉa mai đời sống thanh bần, chê cuộc sống theo nề nếp. Về lý thuyết, Chuột Đực chủ trương thuyết vị lợi, sống là hưởng thụ, và hoài nghi mọi giá trị đạo đức luân lý.

“Chuột Bạch bảo vệ trinh tiết, phản đối bội bạc, coi khinh giàu sang bất chính... “Trinh Thử” là hình ảnh của hạng người trong xã hội đương thời, một bên là trọng nghĩa khinh tài, một bên là phường giá áo túi cơm...”

* Xét về lời văn, nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm viết:

“Lời văn truyện Trinh thử bình thường giản dị mà vẫn chải chuốt thanh tao. Và có một điều đặc sắc là dùng nhiều câu phương ngôn, tục ngữ một cách khéo léo”.

[2] “Quan Âm Thị Kính”, còn có tên là “Quan Âm Tân Truyện” là một truyện thơ Nôm. Từ lâu, truyện thơ vẫn được xem là của tác giả "khuyết danh", nhưng hiện nay lại có hai giả thuyết:

1. Theo nghiên cứu của Hoa Bằng (1902-1977), thì tác giả của truyện thơ này là Nguyễn Cấp, một nhà văn sống vào nửa đầu thế kỷ 19. Ông là người ở thôn Thượng, xã Nguyên Khiết, huyện Thọ Xương; nay thuộc thành phố Hà Nội.

2. Theo Gia phả họ Đỗ ở Bắc Ninh do Dương Xuân Thự cung cấp, thì truyện thơ “Quan Âm Thị Kính” do Đỗ Trọng Dư (1786 - 1868) sáng tác. Ông là người xã Đại Mão, huyện Siêu Loại, xứ Kinh Bắc; nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đỗ Hương cống năm 1819, ông được bổ chức quan, lần lượt trải đến chức Tri phủ Quốc Oai.

Theo văn bản của Giáo sư Dương Quảng Hàm giới thiệu tại lần xuất bản duy nhất cho đến nay của Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, ấn hành năm 1961 thì truyện này gồm 786 câu lục bát. Tập truyện gồm 5 hồi: (1) Thị Kính mắc tiếng oan giết chồng; (2) Thị Kính đi tu; (3) Thị Kính mắc tiếng oan với Thị Mầu; (4) Thị Kính nuôi con Thị Mầu; và (5) Thị Kính rửa sạch tiếng oan và thành Phật.

* Theo Giáo sự Thanh Lãng:

“Tư tưởng trong “Quan Âm Thị Kính” là tư tưởng Phật giáo. Đời là một bể khổ mà mỗi người là một con thuyền vô trạo, một cánh bèo trôi giạt ở bến mê. Đời Thị Kính là một thí dụ. Đời buồn là thế, chúng sinh muốn hết khổ thì phải tìm đến con đường tu hành. Do vậy, luân lý của truyện có thể tóm lại ở câu:

“Nhân sinh thành Phật dễ đâu,
Tu thân, cứu khổ, rồi sau mới thành”

* Giáo sư Phạm Thế Ngũ nhận xét:

“Truyện Quan Âm Thị Kính chính là một lời cảnh báo cho những người chọn con đường thanh nhàn khi đi tìm tới đạo Phật. Để đắc đạo, người ta phải chỉ chịu khổ hạnh, mà còn phải chịu những oan ức bất công nữa...Như Thị Kính, oan uổng đến vậy mà không hề oán trách trời và số phận, chỉ lấy từ tâm mà chiến thắng cảnh ngộ...

“Chữ rằng nhẫn nhục nhiệm hòa,
Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu”.

“Ngoài ra ở truyện, ta cũng có thể nhận ra cái thuyết "tài sắc phong trần". Thị Kính bị oan ức, bị quấy rầy, chẳng qua vì nàng có tài sắc hơn người:

“Trời sinh tài sắc làm chi,
Hoa thơm bướm cũng có khi bận lòng...”

“Về hình thức, tình tiết truyện có chỗ gò ép, như việc hiểu lầm của Thiện Sĩ, đã gây ra cái oan thứ nhất. Cái oan thứ hai với Thị Mầu được xây dựng khéo hơn... Văn của truyện thường mộc mạc, giản dị, chịu ảnh hưởng của văn Kiều”.

***

* P/S: Bản sao đồng kính gửi các vị “quan tham” để… “chiêm nghiệm”.

***

Bình luận trên Facebook

Bình luận trên Facebook

Bình luận trên Facebook


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts