Bài viết này không có
tham vọng “chẻ làm tư” một sợi tóc vì đó thuộc phạm trù nghiên cứu của các nhà
khoa học. Người viết chỉ xin được bàn về những sợi tóc và những mái tóc… đã đi
vào văn chương nghệ thuật, từ bình dân cho đến hàn lâm, từ ca dao cho đến tục
ngữ và từ thơ cho đến nhạc.
***
“Tóc mai sợi vắn sợi
dài
Lấy nhau chẳng đặng,
thương hoài ngàn năm…”
Từ
hai câu ca dao trên, nhạc sĩ Phạm Duy đã lấy cảm hứng sáng tác “Tóc mai sợi vắn sợi dài” theo phong
cách dân ca. Chuyện tình bắt đầu từ “…thuở
ấy, em vừa thôi kẹp tóc…” của một nàng thơ “…còn non mùi sữa”, nàng yêu một chàng nhạc sĩ mà “.. tiếng đàn nghe vụng quá…”.
Thời
gian trôi qua, chuyện tình thơ dại đi đến đoạn kết buồn giống như lời mẹ ru ngày
còn bé: “Lan huệ sầu ai lan huệ héo / Lan
huệ sầu đời trong héo ngoài tươi”. Nàng đã lập gia đình với một người khác
để chàng nghệ sĩ thấm thía câu “Tóc mai sợi
vắn sợi dài…” [1]
Khác
với Phạm Duy khai thác ca dao đưa vào nhạc, ta bắt gặp Trịnh Công Sơn đưa tóc vào
tình ca với thiên hình vạn trạng của sợi tóc. Chỉ tiếc một điều, cuộc đời sáng
tác của nhạc sĩ họ Trịnh trải qua hai giai đoạn chính, trong đó nhạc tình làm
người hát ngưỡng mộ bao nhiêu thì những loại nhạc khác của ông khiến nhiều người
phải cau mày bấy nhiêu.
Ca
từ về tóc trong nhạc Trịnh Công Sơn rất phong phú, mang nặng chất thơ quyện với
chất nhạc khiến người ta không phân biệt được đó là thơ hay nhạc. Họ Trịnh đã sử
dụng một bút pháp lãng mạn trong lời ca đậm chất thơ trong bài “Còn tuổi nào cho em”: “… Tay măng trôi trên vùng tóc dài…” giữa một Sài Gòn náo nhiệt để rồi tự hỏi với
lòng… “Tuổi nào lang thang thành phố tóc
mây cài…” [3]
Còn
rất nhiều cách dùng chữ “xuất thần” trong nhạc Trịnh Công Sơn.
“…Tóc em từng sợi nhỏ
Rớt xuống đời làm sóng
lênh đênh”
“…Gió sẽ mừng vì tóc
em bay
Cho mây hờn ngủ quên
trên vai”
(Như
cánh vạc bay)
“…Tóc nào hãy còn
xanh, cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên,
ta rêu rao đời mình…”
“…Có đường phố nào
vui, cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay
trong trí nhớ nhỏ nhoi…”
“….Đôi khi nhớ trong
tóc em mùi cây trái thơm tho...” (Rồi như đá ngây ngô)
“…Thương nụ cười và
mái tóc buông lơi...” (Thương một người)
“…Mây và tóc em bay
trong chiều gió lộng...” (Tuổi Đời Mênh Mông)
“…Ôi tóc em dài đêm
thần thoại…” (Gọi
tên bốn mùa)
“…Sợi tóc em bồng,
trôi nhanh trôi nhanh như dòng nước hiền…” (Tuổi đá buồn)
“…Lùa nắng cho buồn
vào tóc em…”
(Nắng Thủy Tinh)
Chất
Huế cũng bàng bạc trong nhạc Trịnh khi “Nhìn
những mùa thu đi” với niềm nuối tiếc khôn nguôi… “gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè và gió hôn tóc thề… rồi mùa
thu bay đi…” Người ta hiểu ngay, đó là mùa thu trên đất Thần Kinh với mái
tóc thề muôn thuở [4]
Xứ
Huế có câu ca dao “Bớ cô tóc xoả kề bề /
Cô mặc áo trắng, tóc thề ngang vai”… Nhiều người tự hỏi, tại sao gọi là
“tóc thề”? Một giải thích cho rằng những cô gái miền Sông Hương – Núi Ngự để
“tóc thề” để nói lên sự ngây thơ, khép kín. Rồi mái tóc thề xuông đuột xỏa kín
bờ vai đó sẽ có ngày biến mất khi nàng thơ sang ngang để lại một nỗi buồn man
mác trong lòng kẻ tình si!
Kho
tàng ngôn ngữ Việt Nam rất giàu những thuật ngữ liên quan tới tóc. Thơ Nguyên
Sa xuất hiện với “tóc mây”, một từ ngữ khi đọc lên người ta mường tượng một làn
mây trôi lơ lửng trên mái tóc người yêu:
“Anh sẽ cầm lấy đôi
bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là
mây
Ngày sau hai đứa mình
xa cách
Anh vẫn được nhìn mây
trắng bay”
Nét
độc đáo lãng mạn của Nguyên Sa nằm ở chỗ hình tượng hóa tóc là mây vì biết đâu
một ngày nào đó “tóc mây” không còn là của riêng mình nên mỗi lần nhìn mây bay
vẫn cảm thấy người yêu xưa dõi theo bên mình trên bầu trời. Hóa ra xa cách mà lại
rất gần gũi!
Không
phải chỉ có “tóc mây”, thơ Nguyên Sa lại có cả “người yêu tóc ngắn” qua bài “Áo
lụa Hà Đông” với những câu thật tình tứ [2]:
“…Anh vẫn nhớ em ngồi
đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở
xung quanh…”
“…Em ở đâu hỡi người
yêu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa
Hà Đông…”
Tuy
nhiên, theo tôi, (một người chỉ thích tóc dài tha thướt buông lơi trên bờ vai),
tóc ngắn kiểu ngày xưa người ta thường gọi là “demi garçon”, làm sao hấp dẫn bằng những sợi tóc dài buông thả
trên nền áo lụa Hà Đông giữa nắng Sài Gòn?
“Demi
garçon” là kiểu tóc ngổ ngáo của những nàng “tomboys” muốn có một cái đầu giống
như con trai… nhưng quả thật, tóc của con trai “thứ thiệt” thì hầu như chẳng một
thi nhân nào để mắt đến.
Thế
nhưng, thơ Nguyên Sa khiến ta ngạc nhiên khi gặp bài “Cắt tóc ăn tết” của quý ông với đoạn mở đầu theo trường phái “thơ
tự do”:
“Cắt cho ta, hãy cắt
cho ta
Cắt cho ta sợi dài
Cắt cho ta sợi ngắn
Cắt cái sợi ăn gian
Cắt cái sợi nói dối
Sợi ăn cắp trên đầu
Sợi vu oan dưới gáy
Sợi bè phái đâm ngang
Sợi ghen tuông đứng dọc…”
Cứ
thế là cắt cho bằng hết… rồi lại cắt luôn cả những cảnh tượng chiến tranh
khốc liệt, huynh đệ tương tàn của Sài Gòn thời chiến:
“…Sợi xích chiến xa,
sợi dây thòng lọng
Sợi hưu chiến mỏng
manh, sợi hận thù buộc chặt
Sợi nấp trong hầm
Sợi ngồi trong hố
Sợi đau xót như dây
dù chẳng mở
Sợi treo cổ tình yêu,
sợi trói tay hy vọng…”
Mái
tóc đàn ông còn bị cắt nhiều lắm trong một xã hội bị phân hóa vì chiến tranh ý
thức hệ giữa Hà Nội – Sài Gòn với những lưỡi lê, dây thép gai, dùi cui, khẩu hiệu…
“…Cắt cho ta, hãy cắt
cho ta
Sợi Hà Nội khóc trong
mưa
Sợi Sài Gòn buồn
trong nắng
Sợi dạy học chán phè
Sợi làm thơ thiểu não
Sợi đặc như dùi cui
Sợi rỗng như khẩu hiệu
Sợi nhọn như lưỡi lê
Sợi cứng như dây thép
gai
Sợi dầy như hỏa lực…”
Nguyên
Sa là một nhà giáo nhưng cũng có thời gian bị động viên vào Thủ Đức nên đã trải
qua những ngày sinh viên hoan hô, đả đảo… cũng như biết đến bom, đạn, chông,
mìn, liên thanh, đại bác. Để ăn Tết, ông muốn cắt hết những sợi tóc chứng tích
của chiến tranh:
“…Sợi mệt mỏi sau những
tháng ngày hoan hô đả đảo
Sợi cháy đen như rừng
núi Chu-prong
Sợi thở dài trong đêm
cúp điện tối om
Sợi sát vào nhau đánh
sáp lá cà
Sợi cắt non sông
thành Bắc Nam, thành khu chiến
Sợi lên
thẳng trực thăng
Sợi xuống ngầm địa hạ
Sợi đặt chông
Sợi gài mìn
Sợi bóp cò liên thanh
Sợi kéo xe đại bác
Sợi xót xa trên mặt
nhăn tuổi trẻ
Sợi trên trán thơ
ngây nằm im phục kích…”
Có
lẽ tôi đã trích thơ Nguyên Sa hơi nhiều nhưng quả thật bài thơ tự do về chuyện
cắt tóc cứ cuốn hút người đọc về những sợi tóc cần phải cắt…
“…Cắt cho ta, hãy cắt
cho ta
Sợi bạc, sợi vàng, sợi
tiền, sợi gạo
Sợi nhục, sợi lo, sợi
đau, sợi chán
Sợi phản trắc đui mù,
sợi đam mê cuồng vọng
Sợi chảy xuống má cha
Sợi vắt ngang trán mẹ
Sợi cắt đứt tim chồng
Sợi chặt đôi ruột vợ
Sợi nhố nhăng như cuộc
đời
Sợi ngu si như lịch sử
Sợi đợi những ngón
tay đi qua
Sợi đợi những ngón
tay chẳng đến…”
Để
rồi bài thơ về tóc đi đến đoạn kết vừa đằm thắm nhưng cũng không kém phần bão
táp:
“Hãy cắt cho ta
Hãy cắt cho anh
Hãy cắt cho em
Hãy cắt cho vợ
Hãy cắt cho chồng
Hãy cắt cho con
Cho buổi tối quạnh
hiu, cho mối tình sắp cũ
Cho đồng bào, cho người
thân, người sơ
Cho ruột thịt
Cho cả những thằng sa
đích phê bình văn nghệ rẻ tiền
Cho cả những thằng xẻo
thịt non sông
Từ
xa xưa, Nguyễn Du đã có những câu ca tụng nét đẹp của Thúy Vân, em gái Thúy Kiều
trong “Đoạn trường Tân thanh”. Nét đẹp
“cổ điển” bao gồm “khuôn trăng đầy đặn,
nét ngài nở nang”. Nhưng cũng từ ngàn xưa người ta đã quan niệm “Cái răng cái tóc là góc con người” nên
nhất định phải nói đến nụ cười và mái tóc:
“Vân xem trang trọng
khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn
nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt
đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết
nhường màu da”
Lại
có hẳn cả một trường phái “tóc xanh”. Hữu Loan hồi tưởng… “Khi tóc nàng xanh xanh...”. Phạm Duy lại than thở… “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh...”. Hóa
ra trong thơ và nhạc lại có loại “tóc xanh” để thi vị hóa tuổi thanh xuân tràn
trề sức sống.
Lưu
Trọng Lư nổi tiếng với bài “Tiếng Thu”
nhưng ông cũng có những vần thơ ám ảnh vì “mái
tóc mây”:
“Vầng trăng lên mái
tóc mây
Một trời thu lạnh mơ
say hương nồng…”
Rồi
lại quay qua “tóc hương nồng” với những
vần thơ của… “con nai vàng ngơ ngác”:
“Nghiêng nghiêng mái
tóc hương nồng
Thời gian lặng rót một
dòng buồn tênh…”
Có
một kiểu tóc rất “bình dân” mà Nguyễn Nhược Pháp nói đến trong bài đi chùa
Hương:
“Khăn nhỏ đuôi gà cao
Em đeo dải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao”
Chả
là trong bài ca dao “Mười thương” thì
tóc đuôi gà đứng hàng đầu theo “tiêu chuẩn” về người đẹp của thời tiền chiến:
“Một thương tóc bỏ
đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn
mà có duyên,
Ba thương má lúm đồng
tiền,
Bốn thương răng
nhánh, hạt huyền kém thua…”
Sang
đến thời chiến, miền Nam xưa cũng còn rất nhiều nhà thơ viết về tóc. Nguyễn Tất
Nhiên có những câu thơ ca tụng tóc dài rất… tự nhiên:
“Tay ta đôi bàn tay
Vuốt lưng em tóc dài
Những trưa ngồi quán
vắng
Chia nhau tình phôi
phai…”
Rồi
những câu thơ hồn nhiên của tuổi học trò mà tôi không rõ tên tác giả:
“…Ngày xưa đằng ấy
tóc thề
Ta thời tóc ngắn nên
về tương tư…”
Hay
cả những lời mộc mạc kể chuyện một thời sinh viên:
“Ngẩn ngơ kìa suối
tóc nào
Mượt mà chảy suốt bờ
vai thon gầy
Ai ngồi trước mặt tôi
đây
Tóc ai xoã dịu thơm đầy
sách tôi
Nhoà lời thầy giảng bồng
trôi
Bảng đen đâu giữa
khung trời tóc mây
Ôi giảng đường những
phút giây
Tái tim tôi đã phủ đầy
tóc ai
Thế rồi có một sớm
mai
Vào thi tôi biết làm
bài ra sao?
Lòng buồn cắn bút nghẹn
ngào
Lẽ chăng, trách sợi
tóc nào vướng tim…”
Dạo
trên Facebook ngày nay ta cũng thấy dân mạng “xôn xao” vì tóc. Thôi thì đủ thứ,
tóc “muối tiêu” (tiêu nhiều hơn muối), tóc “muối pha tiêu” với phần muối nhiều
hơn tiêu, đó là những… “sợi tóc hai màu”. Rồi lại có tóc rối, tóc phai. Tôi
thích bài “Tóc phai” trên FB của TTM:
“Tóc xanh, xưa gởi
bên trời
tóc phai, nay quấn phần
đời của ta.
Đêm về, nhớ sợi phôi
pha
cuộn trong chăn gối gọi
ta, rất gần
Sợi vương dưới gót,
bao lần
cuốn ta, trôi tuột
vào vầng trăng trong
Sợi vương bên gối,
hoài mong
cuốn ta, trôi mãi vào
trong, tận cùng…”
Rồi
lại chuyển qua “Tóc rối” với những lời
tự sự vừa cảm động nhưng cũng không kém phần thơ mộng:
“Tóc em rối lắm, lười
không chải
vắt ở trên đầu, mấy
màu phai
Thời gian trôi dạt,
qua miền tóc
nửa rớt bên thềm, nửa
quấn vai
Tóc em rối lắm, như
mây cuộn
giữa giông, giữa bão,
giữa mưa tuôn
Vùi trong sợi tóc,
tay gầy guộc
***
Chú
thích:
[1]:
“Tóc mai sợi vắn sợi dài”, nhạc Phạm
Duy qua tiếng hát Thái Thanh: http://nhac.hay365.com/bai-hat-41538/toc-mai-soi-van-soi-dai.html
[2]:
“Áo lụa Hà Đông”, thơ Nguyên Sa, nhạc
Ngô Thụy Miên qua tiếng hát Tuấn Ngọc:
[3]
“Còn tuổi nào cho em”, nhạc và lời Trịnh
Công Sơn qua tiếng hát Ngọc Lan:
[4]
“Nhìn những mùa thu đi”, nhạc và lời
Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Lệ Thu:
***
(Trích
Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi
Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà
Lạt)
2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và
Ban Mê Thuột)
3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng
viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng
Táo, Gia Huynh)
6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện
tình cảm)
8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề
báo, thập niên 80)
9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những
chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác
giả đang viết tiếp Chương cuối cùng: Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày
xuống lỗ)!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét