Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Bóng ma Nhà hát Opera


* Lời nói đầu:

Gần đây, chính quyền thành phố đã biểu quyết về việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng tại Thủ Thiêm với kinh phí 1.500 tỷ (chính xác là 1.508 tỷ đồng). Theo quan điểm của người dân, Đúng hay Sai là điều đã rõ về cả mặt Tình lẫn Lý.

Tuy nhiên, Hội đồng Nhân dân Thành phố cũng có lý của họ trong “Quyết Tâm” này. Đó là vấn đề mà ít người dân hiểu được, đó là việc “chạy chi ngân sách” như FB của luật sư Trần Vũ Hải đã phân tích:

“… Dù vậy, cũng thông cảm cho TPHCM khi bị trung ương lấy 82% doanh thu ngân sách để chi cho Trung ương và các địa phương khác, chỉ 18% doanh thu ngân sách được chi lại cho địa phương.

“Các ông bà hội đồng có lẽ phải tự trách chính mình, trước cơn thịnh nộ trách mắng của mạng xã hội! Họ cư xử như những robot bỏ phiếu trước những nhóm lợi ích, chứ không phải quyền và lợi ích thực sự và cấp thiết của dân chúng. Nhưng các robot này vẫn nguỵ biện bỏ phiếu vì “nhu cầu của dân”!

Trong bài  viết này, chúng tôi sẽ không bàn đến chuyện xây Nhà hát Opera ở ta… Thay vào đó, mời các bạn cùng đến Paris để thăm Nhà hát Opéra Garnier qua tác phẩm “Le Fantôme de l'Opéra” (Bóng ma trong nhà hát), tiểu thuyết của Gaston Leroux.

Tác phẩm “Le Fantôme de l'Opéra” của Gaston Leroux

Nhà hát lớn Paris có ma? Câu hỏi được đặt ra vì những “tai nạn rùng rợn” liên tiếp xảy ra từ khi các ngài Moncharmin và Richard làm Giám đốc nhà hát. Cái chết của trưởng bộ phận dàn dựng sân khấu trong tư thế treo cổ dưới tầng hầm, những bức thư nặc danh đe dọa hai tân giám đốc, ca sĩ Carlotta bỗng “hát như cóc kêu” trên sân khấu, đèn chùm trong khán phòng rơi đè chết người...

Cùng lúc đó, Christine, nữ ca sĩ vô danh với giọng hát “như mèo hen” bỗng như thoát xác, cất tiếng hát làm rung động công chúng. Tất cả chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên hay có bàn tay một thế lực thần bí nào?

Đó là những vấn nạn của Gaston Leroux khi ông viết tác phẩm “Le Fantôme de l'Opéra” vào năm 1909, vốn là tiểu thuyết dài kỳ in trên tờ “Le Gaulois” từ tháng 9/1909 đến tháng 1/1910.

“Bóng ma trong Nhà hát” được nhà xuất bản Pierre Lafitte in thành sách lần đầu tiên năm 1910 và từ đó đến nay vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho hàng chục tác phẩm điện ảnh, nhạc kịch, phim truyền hình và ca khúc ở Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Leroux, tác giả nổi tiếng trong thể loại trinh thám và giả tưởng của Pháp, viết:

“Con ma Nhà hát đã tồn tại. Nó hoàn toàn không phải như từ lâu người ta vẫn tin, một cảm hứng nghệ sĩ, thói mê tín của các đời giám đốc, trò sáng tạo vô vị từ những bộ óc quá khích của đám con gái trong vũ đoàn ba lê, của mẹ chúng, của các chị xếp chỗ, của những người làm trong phòng gửi đồ và của cả bà gác cổng”.

Gaston Leroux (1868-1927)

Tác phẩm viết về một con người khốn khổ, Erik, với khuôn mặt biến dạng đã trốn chạy khỏi xã hội phù hoa, đầy giả dối, ích kỷ của nước Pháp vào thế kỷ 19. Nơi anh chọn để trú ẩn an toàn là trong mê lộ những tầng hầm và kho chứa bên dưới nhà hát Opera tại Paris.

Từ đó trở đi, nhà hát Opera bắt đầu xuất hiện những tin đồn về một bóng đen thoắt ẩn thoắt hiện bên trong nhà hát.  Những đồ vật trong nhà hát cũng thường bị mất một cách bí hiểm, không rõ nguyên nhân.

Một thời gian sau, khi vô tình nhìn qua một lỗ nhỏ về phía sân khấu, Erik thấy Christine Daaé, một diễn viên phụ trẻ đẹp và trái tim anh lập tức bị hạ gục bởi nàng. Erik có kỹ thuật hát Opera hoàn hảo do học lỏm được từ những giọng ca hay nhất châu Âu thường đến biểu diễn tại đây.

Cuối cùng, Erik đã xuất hiện trước mặt cô ca sĩ trẻ đẹp người Thụy Điển và dạy cô hát. Nhờ đó, cô diễn viên phụ Christine nhanh chóng được nhận vai chính và trở nên nổi tiếng khắp nước Pháp.

Bóng ma và người ca sĩ

“Bóng ma” Erik vẫn thường ôm trong lòng một giấc mơ tình ái: Christine sẽ đáp lại tình cảm của mình. Nhưng nàng lại phải lòng một chàng quý tộc trẻ tuổi đẹp trai, Tử tước Raoul de Chagny, người bạn thời thơ ấu của Christine và cũng là tình nhân của cô.

Đau khổ và tức giận, Erik bắt cóc Christine về nơi ẩn náu của mình, cạnh một chiếc hồ ngầm ở tầng hầm thứ bảy. Khi thấy chàng quý tộc trẻ bất chấp tất cả để chạy tới cứu người yêu và chứng kiến cảnh Christine có chết cũng không chọn mình, Erik lồng lộn vì ghen tức.

Erik đã có thể giết cặp tình nhân trẻ nhưng khi thấy đám đông kéo xuống hầm để tìm, Erik buộc phải từ bỏ người mình yêu, chạy vào nơi tối tăm nhất của tầng hầm để ẩn nấp.

Và kể từ đó, người đàn ông bất hạnh mang tên Erik với con tim tan nát đã biến khỏi cõi đời. Người ta không bao giờ nhắc đến “bóng ma” ấy nữa.

Erik – Christine (họa phẩm của Claude Verlinde)

“Le Fantôme de l'Opéra” của Gaston Leroux khiến người đọc liên tưởng đến tác phẩm “Nhà thờ Đức Bà Paris” (Notre-Dame de Paris, 1831) của Victor Hugo. Nhân vật chính của cả hai tác phẩm đều lả những người có số phận hẩm hiu nhưng lại ẩn chứa một mối tình nồng nàn.

Người kéo chuông nhà thờ Đức bà, Quasimodo, kẻ dị hình, dị dạng, vừa mù, vừa thọt của Victor Hugo và “bóng ma” Erik của Gaston Leroux đã cùng nhau bước vào thế giới văn chương Pháp. Đó là những thiên tình sử cay đắng của những kẻ tình si, xấu số.

Cô gái du mục Bohémien xinh đẹp Esméralda làm nghề múa rong ngoài phố trên quảng trường trước nhà thờ Đức bà cũng có nhiều nét giống với Christine của Leroux. Cả hai tuy không yêu người “dị dạng” nhưng vẫn có một thứ tình mà ta gọi đó là “tình người”. Đó là tính nhân bản giữa con người với con người.

Tuy không xuất sắc như Victor Hugo nhưng Gaston Leroux cũng đã tạo nên một tác phẩm với cốt chuyện hấp dẫn không kém, bằng chứng là nó đã, đang và sẽ sống mãi trong lòng chúng ta. Không chỉ là trong tiểu thuyết, mà còn qua rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như thơ văn, hội họa và ngay cả triết lý.

Erik là “ma” theo đúng nghĩa. Anh sinh ra với một khuôn mặt dị dạng, méo mó, thậm chí ngay cả bố mẹ cũng không chút yêu thương. Suốt đời anh khao khát một “nụ hôn yêu dấu”. Và 3 tuần trước khi chết, Erik đã được toại nguyện với nụ hôn của Christine. Đó không phải là nụ hôn của tình yêu mà là… nụ hôn của tình người.

Nụ hôn đầu tiên và cũng là nụ hôn cuối cùng

Trong khi Victor Hugo chọn Notre-Dame de Paris làm bối cảnh, Gaston Leroux lại lấy  Opéra de Paris làm nền cho tiểu thuyết. Nhà hát này còn có tên là Opéra Garnier hay Grand Opera House. Người ta thường được gọi đó là Paris Opéra, một nhà hát opera 2.200 chỗ tại thủ đô Paris.

Sở dĩ có tên Opera Garnier vì là một công trình nổi bật được kiến trúc sư Charles Garnier thiết kế theo phong cách Tân Baroque. Nhà hát còn được xem là một trong những kiệt tác kiến trúc thời đó.

Lúc khánh thành năm 1875, nhà hát Opera đã được chính thức mang tên “Académie Nationale de Musique - Théâtre de l'Opéra”. Nhà hát đã giữ tên này cho đến năm 1978 và được đổi tên thành “Théâtre National de l'Opéra de Paris”.

Palais Garnier (năm 1889)

Sau khi công ty Opera chọn Opéra Bastille làm nhà hát chính của họ khi hoàn thành năm 1989, một lần nữa, nhà hát này đã được đổi tên thành Palais Garnier, dù tên chính thức hơn vẫn là "Académie Nationale de Musique".

Dù được đổi tên và công ty đã dời đi chỗ khác đến Opéra Bastille, Palais Garnier vẫn được nhiều người biết đến với tên là Paris Opéra. Nhà hát được khởi công xây dựng năm 1862 và khánh thành năm 1875 với chiều cao 73,6 mét tại Quận 9, Paris.

Paris Opera ngày nay

Đó là chuyện con ma ở nhà hát Garnier, một “bóng ma” của nghệ thuật ngự trị ngay dưới tầng hầm của nhà hát nổi tiếng nhất Paris. Lại nghĩ đến Nhà hát Giao hưởng một ngày nào đó Sài Gòn cũng có… cho “bằng chị, bằng em”.

Mong sao đừng có những bóng ma “dân oan Thủ Thiêm” ám ảnh nhà hát như Paris Opera với câu chuyện “bóng ma” của Erick.

Viết đến đây tôi thấy mình nên tự gác bút. Có viết thêm nữa cũng chỉ là sự lập lại lập luận của những người khác lâu nay đã bình luận “trái chiều” về tương lai của Nhà hát Giao hưởng Sài Gòn.


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts