Khác với đa
số mọi người, thay vì đi hớt tóc vào những ngày cuối năm để ăn Tết, năm mào tôi
cũng đợi đến ra giêng mới đi hớt tóc. Đơn giản chỉ vì người ta đua nhau đến tiệm
hớt tóc để “o bế” cái đầu đón xuân
cho có vẻ lịch sự, chải chuốt. Cũng vì thế, đến tiệm hớt tóc trước Tết bao giờ
cũng phải ngồi chờ!
Ngay từ thời
còn bé, đầu tóc tôi đã có những sợi “vô kỷ
luật”, cứ đòi vươn lên dù đã cố tình chải ép chúng nằm xuống, nhất là phía
sau gáy. Cũng vì thế bạn bè ngay từ thời tiểu học đã gọi tôi là “Gà Gô” chỉ vì những sợi tóc cứ tự do vểnh
lên “trêu ngươi” như… cái đuôi con gà
gô!
Ngày còn ở Đà Lạt, ở đoạn nối đường Lê Thái Tổ với Trần Hưng Đạo có một khu được mệnh danh “Garage Martinet” (gara của người Pháp) sau đổi thành Ty Dụng Cụ dưới thời VNCH. Đối diện với gara là một dãy những “kiosk” nhỏ nhưng trong số đó có một quán mà sau này nổi tiếng với cái tên cho cả khu: “Xóm Bà Thái”.
Bà Thái vốn là người kinh doanh “thân thể phụ nữ” từ Sài Gòn lên Đà Lạt lập nghiệp. Hồi đó, nhạc Mỹ đang thịnh hành, trong đó có bản nhạc “Summertime” cho nên “giới hảo ngọt” mới đặt chết tên khu này là “Xóm Bà Thái”.
Trở lại với
đề tài râu tóc. Trong “Xóm Bà Thái”
có một “kiosk” dành cho nam giới ghé
vào để hớt tóc (chứ không phải để “tìm
hoa thơm cỏ lạ”). Tôi đã nhiều lần ngồi trên ghế hớt tóc, chứ không phải là
“tìm hoa” vì tuổi còn “ngây thơ trong trắng”, chưa từng biết đến
“cái thú” của các bậc thanh niên đa
tình!
Hớt tóc cũng có cái thú là được trò chuyện cùng các anh thợ sử dụng “tondeuse”. Hồi xưa thợ hớt tóc còn dùng loại “tông-đơ” điều khiển bằng tay, ngày nay được thay bằng điện nên “hiện đại” nhưng cũng “hại điện” hơn nhiều! Có nhiều anh (hay bác) thợ hớt tóc tỏ ra là người theo dõi rất nhiều chuyện thời sự thường ngày.
Ít ra thì các anh cũng biết một anh thợ hớt tóc sau này là “Ông Hoàng nhạc Việt”. Đàm Vĩnh Hưng đã khuấy động “showbiz” với những chuyện động trời, nổi bật nhất là vụ kiện hàng trăm triệu đô la khi anh biểu diễn bị té trong một bữa tiệc tại nhà của một tỷ phú người Mỹ có vợ Việt.
Ngày nay còn
có dịch vụ “hớt tóc thanh nữ” có
nghĩa là các bà, các cô đứng hớt tóc cho các bậc “tu mi, nam tử” tại các tiệm “đứng
đắn” nhưng cũng có những nơi phái nam đến để hớt tóc là phụ còn chuyện “kia” mới là chính.
Nói chuyện giết thì giờ trong khi hớt tóc cũng là một cái thú, nhất là gặp những “thợ cạo” hiểu biết chuyện thời sự đăng trên mạng. Chẳng hạn như chuyện dài về “drama” của CEO Đại Nam Nguyễn Phương Hằng, chuyên gia “bốc phốt” đủ mọi hạng người trong xã hội!
Lại cũng có chuyện mới đây một khách nữ từ chối thanh toán tiền sau khi đã ngồi để thợ làm tóc suốt nửa ngày trời. Lý do khách đưa ra thật đơn giản: thợ đã không nhuộm tóc theo đúng ý! Thật tội nghiệp cho người thợ đã bỏ ra công sức để làm đẹp cho vị khách khó tính này!
Tôi cũng đả
có lần tham gia câu chuyện bằng cách đặt ra câu hỏi các anh “thợ cạo” có biết ngày nay nghề nghiệp
có thể chiếm một vị trí “quan trọng”
là nghề gì không? Đa số các anh đều có vẻ còn đang suy nghĩ về câu hỏi, tôi bèn
tự trả lời một cách… bất ngờ:
“Một trong những nghề uy tín nhất cũng như danh giá nhất là…những người thợ hớt tóc. Này nhé, những vị vua chúa ngày xưa cũng như Tổng thống ngày nay khi ngồi trên ghế hớt tóc đều phải răm rắp nghe theo sự điều khiển của “các bác phó cạo”. Thậm chí còn có lúc họ được phép thản nhiên “đè đầu, vặn cổ” khách (dù là vua chúa hay những vị quyền cao, chức trọng) theo ý của mình trong lúc hành nghề…”
Bác phó cạo cười ngụ ý đồng tình với nhận xét đó nhưng cũng nói thêm… “chỉ lúc hành nghề thôi chứ bình thường mà làm như vậy thì đâu có được! Nhiều khi lại còn bị… chém đầu nữa là đằng khác”.
Tiếp xúc với
những người thuộc ngành nghề đặc thù này, tuy chỉ có tính cách “làm đẹp” cho khách hàng, tôi thấy thế
giới của họ thật thú vị vì có cơ hội gần gũi, dù chỉ trong giây lát, nhưng cũng
đủ để làm phong phú “kinh nghiệm nghề
nghiệp” của họ!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét