Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Chu Tử: “Sống”… để… “Yêu”


Năm 1963, sau tác phẩm “Yêu” của Chu Tử, Nhà xuất bản Đường Sáng phát hành tiếp cuốn tiểu thuyết “Sống”. Điều đáng nói, “Sống” lại là tác phẩm đầu tiên của Chu Tử, chứ không phải là “Yêu”!

Để giải thích trường hợp “oái oăm” này, vào tháng 11/1963,  trong phần Lời Nhà Xuất Bản, có đoạn:

“Sở dĩ “Yêu” được phát hành trước “Sống” không phải vì giá trị của “Yêu” hơn “Sống”, nhưng chính vì tác giả cũng như người xuất bản nhận thấy cái nhan đề “Yêu” dễ hấp dẫn hơn “Sống”. Lý do kể trên là lý do duy nhất khiến “Yêu” được phát hành trước “Sống”.

Cũng cần phải nhắc lại, những tác phẩm của Chu Tử luôn chỉ vỏn vẹn một chữ: từ “Sống” đến “Yêu”, từ “Huyền” đến “Loạn”, rồi lại từ “Tiền” đến “Nắng”… Thế cho nên, người viết cũng chọn hai chữ “Sống” và “Yêu” làm chủ đề cho bài viết này.

Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại Học Huế, nhận xét về tác phẩm “Sống” như sau:

“Sống” quả là một tác phẩm “sống” rất linh động, sâu sắc, mà gần mười năm nay, mới thấy xuất hiện trên mảnh đất văn-nghệ hời hợt, giả tạo của chúng ta.

“Tôi thường tự hỏi, thời đại chúng ta đầy những quằn quại, bi thương hoặc hùng tráng, mà tại sao chưa có một “chứng nhân” nào ghi chép, diễn tả một cách trung thực những băn khoăn của lớp người đang sống. Chu Tử chính là “chứng nhân” mà ta đang tìm kiếm.

“Không biết Chu Tử là một “chứng nhân” trung thực đến mực nào, nhưng ít nhất Chu Tử là một “chứng nhân” có tâm hồn! Một tâm hồn ngang trái như thời đại ngang trái! Một tâm hồn quằn quại, đầy mâu thuẫn, tàn bạo mà tha thiết, ngổ ngáo mà thâm trầm, cay độc mà vẫn xót thương đời, trào lộng mà cười ra nước mắt…

“Và nhất là đau khổ! Vì, cũng như văn hào Keats có thể sờ mó thấy sự đau khổ của nhân loại, Chu Tử là nhà văn của Đau Khổ. Tất cả những nhân vật trong “Sống”: từ Huyền, Tuyết, Phi-Yến v.v… đến nhà trí thức chống Cộng, thích đàn bà và tiền, giáo sư lừng khừng Văn, thanh niên theo Việt-Cộng Thịnh v.v… tất cả đều là những kẻ đau khổ, đáng thương, nạn nhân của hoàn cảnh, hay của chính họ…

“Dưới ngòi bút của Chu Tử, cả tội lỗi cũng đáng thương… Tuy nhiên, Chu Tử cho ta niềm an ủi là, với Chu Tử, sự đau khổ không phải sự tuyệt vọng, và cái bi quan của Chu Tử bắt nguồn từ lòng tha thiết yêu đời, chứ không phải cái bi quan tuyệt vọng của kẻ không tìm thấy sự cứu rỗi, ở bất cứ đâu…

(hết trích)

Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã so sánh Chu Tử với J. P. Sartre và Dostoievsky, nhưng theo nhận định của Linh mục Cao Văn Luận, “những nhân vật của Chu Tử không phải là những kẻ tuyệt đối phủ nhận luân lý theo thái độ “buồn nôn” của J. P. Sartre, hoặc hư vô “nihiliste” như các nhân vật của Dostoievsky”’.

Những nhân vật của Chu Tử không thừa nhận nền luân lý hiện tại, nhưng vẫn tin là có thể có một nền luân lý - “une morale est possible” - như lời Camus. Những nhân vật của Chu Tử chưa tìm thấy sự cứu rỗi, nhưng vẫn tin là có sự “cứu rỗi”… Cũng như “Sống” không đề ra một triết lý nhân sinh, nhưng buộc người đọc phải tự tìm cho mình một nhân sinh quan.

Tác phẩm “Sống”

Ngay ở Chương đầu viết về mối tình của Huyền và Thịnh, bạn học cùng lớp nhưng Huyền vẫn coi mình là “chị” của Thịnh. Huyền con nhà nghèo nên đi học muộn, luôn coi mình là “đàn chị” của các bạn học. Cũng vì nghèo nên Huyền phải đi dạy kèm cho con ông Kha, một nhà kinh doanh triệu phú góa vợ, và ông Lưu, giám đốc trường Huyền học, đã có “nhã ý” miễn học phí nhưng kỳ thật đang tìm cách tán tỉnh nàng.

Chỉ trong vòng mười lăm ngày, một gã giáo sư, một nhà kinh doanh, một thiếu niên si tình đã lần lượt tìm cách lợi dụng hoặc tỏ tình yêu với nàng. Huyền có cảm giác như một con nai cô đơn, bị đàn chó săn hung hăng bổ vây tứ phía. Cuộc đời đã dậy cho Huyền một thứ triết lý bi quan: “Đàn ông thật đểu cáng!”.

Nhân vật thứ hai xuất hiện trong Chương kế tiếp là giáo sư Văn, anh họ của Huyền. Chàng vẫn coi Huyền như một người em ruột, và thương yêu Huyền không kém Thu, con gái của chàng, vì Huyền nghèo, lại thông minh, kín đáo. Chu Tử đã phác họa chân dung của Văn qua những dòng dưới đây:

“Văn vừa làm giáo sư vừa quen đủ hạng người, từ ông đại trí thức tới ông phu xe xích lô; từ vị linh mục nghiêm nghị, đạo đức đến người bạn nghiện nặng, sống vất vưởng nay xin tiền người này, mai xin tiền người nọ.

“Văn không chơi bời trác táng, không uống rượu, hút thuốc phiện, nhưng chàng chỉ thích những ông bạn hư hỏng, trụy lạc, ăn tục nói phét, có nhẽ vì gần họ, Văn có cái ảo tưởng là mình vẫn chưa đến nỗi xấu như ai, còn lương thiện hơn kẻ khác.

(hết trích)

Một người bạn nghiện hút nhận xét về Văn với những lời lẽ “thẳng như ruột ngựa” nhưng cũng đau tựa… bò đá:

“Ông vẫn chạy rông như chó dái, có làm được gì hơn bọn nghiền này, ngoài cái thành tích nợ hơn Chúa Chổm? Ông cần nghiện mới lập được sự nghiệp, tôi nói vậy là chí lý lắm. Đây nhé, sở dĩ từ trước đến giờ, ông vẫn chưa thành cái “thá” gì, là vì ông chưa dứt khoát tư tưởng, xấu không ra xấu, tốt không ra tốt, muốn xấu mà vẫn không dám xấu, nhưng nếu ông hút thuốc phiện thì ông sẽ tự coi là đồ bỏ, đồ bất lương, đồ hư hỏng. Và khi ông yên tâm sống với cái bất lương, thì ông sẽ hết băn khoăn, tư tưởng của ông lúc đó mới thống nhất, có đường lối rõ rệt, và ông mới lập được sự nghiệp!

Triết lý của Văn về tình yêu cũng… “kỳ cục” khi nhớ lại những kỷ niệm thời còn thanh niên mới lớn, cũng tựa như Huyền và Thịnh:

“Người ta chỉ yêu cái gì người ta không có. Khi người ta còn trẻ, người ta coi những người cùng lứa tuổi như con nít và chỉ để ý đến người già dặn, nhiều kinh nghiệm hơn, cũng như khi người ta đã có tuổi thì người ta lại để ý đến những người trẻ...”

***

Cũng chính giáo sư Văn đã có nghi ngờ về cậu Thịnh, người bạn học nghèo cùng lớp si mê Huyền đã dám “cả gan” tặng nàng cây bút máy “Parker 61” đắt tiền. Văn giải thích suy luận của mình:

“… Tôi biết tính nết thằng Thịnh. Tôi nghe luận điệu nó nói chuyện, theo dõi hành tung nó, tôi rất ngại là chưa biết chừng nó đã bị Cộng sản lôi cuốn rồi... Nhà nghèo, chưa có kinh nghiệm cuộc đời, lại hăng tiết vịt, bất mãn, thì tránh sao chẳng thành cái mồi ngon cho Cộng sản...”

Nhân vật Kha, một triệu phú trong kinh doanh, rõ ràng đóng tròn vai “phản diện” trong “Sống”. Giáo sư Văn đã có lần vạch trần bộ mặt “chỉ biết đền tiền” khi anh nhắc lại vụ Huyền nghỉ dạy nhưng chưa nhận được tiền lương dạy học cho con của Kha. Ấy thế mà Kha lại sẵn sàng dùng tiền để “mua chuộc” mẹ Huyền. Trong một bức thư gửi cho Văn, Huyền tiết lộ:

“Thưa anh ,

“Hai hôm nay, em phải trở lại nhà ông Kha dạy học.

“Không hiểu ông Kha đã được ai mách địa chỉ nhà em, mà ông ấy tìm đến nhà lúc em đi vắng, làm quen với mẹ em, cho mẹ em mượn 10.000$ tiền lương trước của em. Em không lên dạy học ở nhà ông Kha, cũng không yên được với mẹ em. Vì không vâng lời mẹ em, thì chỉ có việc bán sới khỏi nhà.

“Cho nên em nhờ Thuận nó cầm thư này, lên thưa với anh làm cách nào xoay cho em xin số tiền 10.000$ trả lại ông Kha, vì mẹ em đã dùng món tiền của ông ta trả nợ hết rồi. Nhất là lên nhà ông Kha, em thấy thái độ ông ta rất lạ, lịch sự không ra lịch sự, tử tế không ra tử tế. Em linh cảm hình như ông ta thù cái chuyện em tố cáo hành vi của hắn với anh, khiến ông ta đang tính chuyện trả “đũa” ghê gớm lắm.

“Em thưa vậy để anh biết mà đề phòng, và nhất là cố gắng cho em xin số tiền trả lại ông ta. Nếu lúc nào, anh có tiền thì hãy xuống nhà em, nếu chưa có tiền thì có nói với mẹ em cũng vô ích. Anh nhớ giúp em kẻo em lo lắm! Còn phải lên dạy học buổi nào, em càng cảm thấy cực tủi và đầu hàng hắn một cách nhục nhã quá.

“Em,

“Huyền

Kha lại còn “phỗng tay trên” vụ buôn bán thuốc phiện của bạn bè Văn. Trong “affair” này cũng có phần tham gia của Văn khi dùng uy tín của mình để “móc nối” những người tham gia trong “phi vụ”.

Văn lại còn phải giải quyết vụ học trò của mình là Tuyết vì nghe đâu cô học trò này ngoài việc đi học lại còn… “làm gái”. Tuyết là con một ông già đạp cyclo để nuôi con ăn học. Chu Tử mô tả những suy nghĩ của Văn khi gặp Tuyết:

“Nhìn Tuyết đẹp khêu gợi, trong khung cảnh tồi tàn nhà Tuyết, Văn thấy bao nhiêu lời chàng định dùng để thuyết phục Tuyết thật là thừa, thật là ngớ ngẩn. Văn tự nhủ: “Giá đức Khổng Tử có sống lại, mang lời đạo đức chân thành để khuyên Tuyết an thân, an phận sống với hoàn cảnh nghèo nàn, bần tiện của gia đình mình, thì chắc cũng hoàn toàn là nước đổ lá khoai”.

Văn nhìn cô học trò rồi nhìn người cha già và thấy tất cả cái thảm kịch của một người cha: ông đã mất hết, mất tất cả quá khứ lẫn tương lai, chỉ còn trông mong vào một người con gái. Người con gái ấy cũng hoàn toàn xa lạ với bố, sắp sửa hay đang làm đĩ mà ông không biết, không can ngăn nổi. Đó là một khía cạnh bi kịch của cuộc sống, Văn chỉ có thể nói:

“Tôi đến đây chỉ có một mục đích là bảo Tuyết phải trở lại trường, học hành cho ngoan, thầy sẽ liệu cách giúp đỡ. Nhất là đừng có đua chúng, đua bạn... Mình nghèo thì cam phận nghèo, phải không Tuyết? Nghèo thì có gì xấu hổ? Mà ông cụ làm nghề đạp xe xích lô lại càng không có gì đáng xấu hổ!”

Tuyết, cô nữ sinh 19 tuổi, có một câu trả lời khiến người thầy phải lạnh người sửng sốt:

“Cha mẹ thường không chịu tìm hiểu con, cứ cho con mình là không biết gì... Nhất là vào trường hợp con: không mẹ, không anh em quyến thuộc. Chỉ còn có một mình cha con, thì thầy thoáng trông, thầy cũng thừa hiểu đó là hai thế giới. Cha con có bao giờ hiểu cho những ý nghĩ của con. Con bị vất ra đời từ năm 15 tuổi. Trong bốn năm nay, con đã hiểu đời nhiều lắm, hiểu hơn là thầy tưởng. Con phải kèn cựa mà sống. Chả ai thương, chả ai cứu giúp mình cả! Đàn bà chúng con lại nhiều lòng tự ái, không chịu thua kém ai, cho nên nếu có hư hỏng, thì âu cũng là chuyện tất nhiên...”

Trước mặt Văn, Tuyết không còn là một nữ sinh, hoặc một “gái điếm” như chàng nghi ngờ lúc đầu. Tuyết chỉ là một tâm hồn quằn quại trong gió bụi cuộc đời... Từ trong “tháp ngà” Văn đã thấy “cuộc sống thật sự” như nó đã và đang diễn ra, trần truồng như một vũ nữ sexy trên sân khấu.

***

Cuốn truyện “Sống” của Chu Tử còn dài với những tình tiết oái ăm như trong tiểu thuyết, nhưng không thuộc loại “tiểu thuyết có chìa khóa” (roman à clef). Người viết tạm dừng ở đây và hẹn các bạn vào một dịp khác.

***


* Tham khảo thêm bài viết "Trong thế giới "Yêu" của Chu Tử" tại https://chinhhoiuc.blogspot.com/2018/08/trong-gioi-yeu-cua-chu-tu.html.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts