Riêng về
miền Trung được xác định ranh giới từ Thanh Hóa xuống đến Thừa Thiên - Huế. Kéo
dài suốt một giải đất hẹp này, người ta thấy xuất hiện nhiều phương ngữ phổ biến
tại các địa phương mà những người miền Bắc và Nam thường dùng từ ngữ “trọ trẹ”, một lối nói theo kiểu kỳ thị.
Nói như
vậy, sự kỳ thị mang tích cách chủ quan và “coi thường” miền Trung mà người ta
thường ví von đó là dải đất “khô cằn sỏi
đá” với cuộc sống khăn, cơ cực đến độ…
“chó ăn đá, gà ăn muối”. Tuy nhiên,
phương ngữ Trung bộ có những cái hay của nó mà người ta ít để ý đến một cách tường
tận.
Có thể
nói, trung tâm của phương ngữ miền Trung là vùng Thừa Thiên-Huế. Một số nhà
ngôn ngữ học mệnh danh đó là vùng “mô,
tê, răng, rứa” trong khi hai miền Nam-Bắc hiểu là “đâu, kia, sao, vậy”.
Văn học
miền Nam trước 1975 đã có những cây bút nữ xuất thân từ miền Sông Hương – Núi
Ngự, trong đó phải kể đến những cây bút đã nổi tiếng một thời là Nhã Ca, Túy Hồng
và Nguyễn Thị Hoàng. Xem ra trong 5 “nữ hổ
tướng” của nền văn học miền Nam trước đây chỉ còn Nguyễn Thị Thụy Vũ (người
gốc miền Nam) và Trùng Dương (gốc Bắc).
Giữa hai
nhà văn Nhã Ca và Túy Hồng người ta thấy có nhiều điểm chung. Thứ nhất, cả hai
đều sinh trưởng tại Huế và thành công trong văn nghiệp tại Sài Gòn. Thứ nhì, cả
hai đều có chồng trong giới văn nghệ: Nhã Ca kết hôn với Trần Dạ Từ, có 5 người
con trong khi Túy Hồng lập gia đình với Thanh Nam (mất tại Seattle năm 1985) với
4 người con.
Tuy vậy,
giữa họ cũng có một điểm khác biệt lớn: truyện của Nhã Ca dựa vào bối cảnh chiến
tranh với ngôn từ “rặc Huế” trong khi
Túy Hồng lại dựa vào tính dục của con người với bút pháp mang đậm nét hiện sinh
của Jean-Paul Sartre, Francoise Sagan.
Nguyển
Thị Hoàng lại là một ngoại lệ. Nhà văn này thành công trong tiểu thuyết tự sự “Vòng tay học trò” khi xa Huế. Trước khi
vào Sài Gòn, Nguyễn Thị Hoàng lại là một nhà thơ với những lời thơ “rặc chất Huế”. Chúng tôi sẽ trích một trong
những bài thơ này ở phần cuối của bài viết.
Thực ra
thì ba “nữ hổ tướng miền Trung” đã
chuyển vào Sài Gòn và cũng chính tại đây họ đã bước vào văn đàn. Nổi bật hơn cả
là Nhã Ca và nổi tiếng nhất là “Giải khăn
sô cho Huế” được viết 2 năm sau biến cố Tết Mậu Thân 1968.
Ngay từ
đoạn đầu trong “Giải khăn sô cho Huế”
ta đã nghe hàng loạt tiếng súng nổ và mọi người chui xuống gầm giường tránh đạn
trong hốt hoảng. Đó là những ngày đầu năm của tết Mậu Thân. Có tiếng của bà mẹ
Nhã Ca hốt hoảng:
"Còn đứa mô nữa?
Vô hết đi. Vô một chỗ”
…
“Tôi nghe tiếng rục
rịch trong chuồng gà ở đàng sau tấm vách tường lọt vào nhờ hai cánh cửa sổ đã bật
tung cùng với tiếng súng đạn hỗn loạn. Thái, tên đứa em họ tôi, đã bình tĩnh ngồi
dựa vào tường, và phì phà trên môi điếu thuốc lá lúc nào. Tôi lần tay, nắm chặt
tay nó:
- Thái, liệu có yên
được không?
- Em làm răng biết
được, cái nớ thì chịu...
Tôi lại hỏi anh
tôi, lúc đó đã nằm trên giường vì không chịu nổi sự chen lấn dưới đất:
- Anh, sáng mai chắc
yên há anh?
- Làm răng biết được,
anh cũng chịu.”
…
- Má sợ chi mà sợ dữ
rứa. Chị Vân [Nhã
Ca], sáng ra chị với em đi thăm trận đánh
nghe. Coi chừng về Sài Gòn viết một phóng sự chiến trường đầu năm đầy gay cấn.
- Giỡn chi mà giỡn
vô hậu tế đợi rứa. Mấy chuyện đó đừng có ham.
(hết
trích)
Từ Sài
Gòn, vợ chồng con cái Nhã Ca chuẩn bị đầu năm về ăn Tết ở Huế thì được tin ông
thân sinh hấp hối. Leo lên một chiếc máy bay quân sự chở thực phẩm cho lính ở
tiền đồn, gia đình tác giả về tới vừa kịp những giờ cuối cùng của người cha trước
khi lâm chung.
Nhã Ca
cố nhón gót nhìn lên miệt núi, nơi có ngôi mộ mới chôn của thân phụ nhưng không
thấy được gì. Cậu em họ hỏi: “Chị nhìn
chi rứa?”. Tác giả chỉ còn biết thở dài buồn bã: “Chắc đêm qua trên núi mồ mả bị chân đạp lung tung, mộ bác mới chôn”.
Một
toán lính Mỹ đang đi lùng Việt Cộng. Hai người lính đi ngang qua sân, chĩa súng
vào trong nhà. Cả nhà cố giữ vẻ mặt thật thản nhiên, họ dừng lại, rồi đưa mắt
cho nhau, đi vào bậc thềm, hất hàm ra hiệu cho tất cả ra ngoài cửa. Một người
lính Mỹ nói hai tiếng gì đó không phải tiếng Mỹ.
“Chúng tôi ngơ ngác
nhìn nhau, người lính Mỹ lộ vẻ tức giận, nạt lớn:
- Kên cượt.
Anh tôi hỏi một câu
tiếng Anh, nhưng người Mỹ vẫn la:
- Kên cượt.
Má tôi là người hiểu
ra đầu tiên, bà nói lớn:
- Ông Mỹ hỏi thẻ
căn cước.
(hết
trích)
Cả gia
đình Nhã Ca chạy lên Dòng Chúa Cứu Thế vì nghĩ rằng nơi đây có đông người, an
toàn hơn ở nhà. Cũng tại nhà thờ, người đọc có dịp nghe phương ngữ Huế một cách
đầy đủ nhất qua đối thoại của những người chạy loạn.
“Nhận ra giọng nói
của Thu, cô em họ, tôi vẫn chưa hoàn hồn. Nhưng tôi đã mở miệng được:
- Nói nho nhỏ. Sợ
chi vậy?
Thu thì thầm:
- Em nằm bên cạnh
cái bà mà khi chiều mình thấy đó. Bà đó ôm cái bọc nhỏ trước ngực. Nằm mà cũng
ôm khư khư không rời...
- Thì kệ bà nớ. Có
chi mà sợ chớ.
- Em ngửi thấy mùi
hôi, hôi lắm.
Tôi nạt nhỏ:
- Nhiều chuyện. Chạy
cả ngày, có người sợ đái trong quần. Hôi chớ răng không hôi. Mai mốt em cũng
hôi như cú.
- Không phải. Em nằm
sát bên cạnh, thấy ghê ghê. Bà cứ khóc rỉ rả như con dế kêu, rồi cứ nói lầm bầm
trong miệng như điên, mà cái mùi... nó kỳ kỳ... Em sợ lắm.
(hết
trích)
Thì ra
mùi hôi phát ra từ cái bọc nhỏ có… xác con bà đã chết từ mấy ngày nay! Người mẹ vẫn ôm xác con trong tiếng ru: “À... ơi! Con ngủ đi con... À ơi... Ru hời
ru hỡi là ru... Bên cạn thì chống, bên su [sâu] thì chèo... Ngủ đi con... Con ngoan... con ơi là con!”
“Chị đàn bà bật
khóc. Tôi không hiểu tại sao chị ru con mà khóc? Chắc hôm qua nhà chị bị cháy,
chồng chị chết rồi, chị bồng đứa con chạy thoát? Thái nằm day mặt về phía chị
đàn bà, hỏi:
- Con chị đó há?
Chị đàn bà gật đầu.
Gật tới mấy cái liên tiếp.
- Nó mần răng mà chị
khóc? Nó đau ốm chi không?
Chị đàn bà ôm chặt
cái bọc vải hơn, hơi quay người như sợ người ta giành mất:
- Không răng. Không
răng hết.
- Gia đình chị mô hết
rồi?
- Chết. Chết hết.
Chết. Chết hết, còn mô nữa...”
(hết
trích)
“Giải khăn sô cho
Huế” dẫn người
đọc đến đoạn “bà bầu chuyển dạ” tại
nhà thờ. Cha sở kêu gọi người đến
giúp người đàn bà đang rên la trong cơn đau đẻ. Người ta khiêng người đàn bà
chuyển bụng lên căn gác lửng nơi dành cho ban nhạc trong các buổi lễ hoặc buổi
giảng.
Nơi này
hoàn toàn trống, nó gần mái nhà và được coi là nơi nguy hiểm nhất, không ai có
can đảm lên đó để núp bom đạn. “Lên đó dễ
sợ lắm, dễ ăn bom...”, một giọng nói xì xầm của ai đó cất lên không chút
xót thương mà gần như lại còn mừng cho mình kiếm được chỗ tốt hơn.
“Trên căn gác lửng,
tiếng rên la của người đàn bà bắt đầu thảm thiết hơn, rền rĩ hơn. Con Thu bạo dạn
nghểnh đầu nghe ngóng, nó phê một câu:
- Chị ơi, cái bà ni
không biết dị chi hết. Ðẻ mà la quá trời...
“Con Thu chưa làm mẹ,
nó làm sao hiểu được cảnh người đàn bà qua biển mồ côi một mình. Tôi đã sinh đẻ,
tôi biết cơn đau đẻ hành hạ người đàn bà như thế nào, nhưng lúc này tôi cũng
không thể chia sẻ gì được cho bà ta. Tôi đã mệt quá, cơn đau đẻ của bà làm cho
tôi càng mệt thêm.
“Không khí như từ
đâu tràn vào, xông tới và tôi thở phào, nhẹ nhõm khi nghe tiếng con nít khóc oa
oa chào đời. Tiếng khóc mạnh mẽ, bất chấp, không biết có đem sự tin tưởng, hy vọng,
sức lực tiếp cho ai không, nhưng với tôi thì có. Cám ơn tiếng khóc chào đời
trong cảnh khốn cùng tuyệt vọng…
(hết trích)
Bên kia
cầu Trường Tiền, lính Việt cộng đang canh giữ. Một người chay giặc qua cầu kể lại:
“Thấy chúng tôi, họ
đuổi trở lại nhà. Chúng tôi chạy đại bất kể, họ đưa súng lên nhắm bắn. Rứa là tụi
tôi chạy bán sống bán chết. Họ còn bắn đuổi theo dọa làm chúng tôi chạy té xấp
té ngửa...
…
- O ơi là o. Tan nát hết rồi o ơi...
Người đàn bà lớn tuổi
mắt rưng rưng, nhưng cố gắng an ủi hàng xóm:
- Khóc chi tào lao
rứa. Có người ta có mình chớ. Mấy đứa nhỏ mô mà không thấy?
…
- Bác ở mô chạy về
đây?” Thái hỏi.
- Tui ở trên Phú
Cam. Trên đó tụi nó còn đông lắm.
- Rứa răng bác chạy
được?
- Liều. Liều cậu
ơi. Nhờ Chúa che mắt nên mới thoát được tới đây. Tụi nó đông lắm, chỗ mô cũng
thấy tụi nó...
- Bác có nghe tin tức chi không?
- Bác có nghe tin tức chi không?
- Cũng có nghe sơ
sơ. Họ nói tụi giải phóng chiếm hết thành phố Huế rồi. Vài ba bữa nữa ông Hồ vô
thăm ăn mừng chiến thắng. Họ nói ông Hồ mà vô đây, bà con được Bác phát gạo ăn
không hết...
- Ở đó mà có gạo. Cứt
khô cũng không có. Từ bữa qua tới chừ gia đình tui mười một mạng chưa có hột
cơm hột cháo mô trong bụng nì... Phách tấu...
Nhà văn
– Nhà thơ Nguyễn Thị Hoàng theo học trường Đồng Khánh, năm 1957 vào Nha Trang,
1960 vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa và Luật; bỏ dở, đi làm, dạy học ở Đà Lạt.
Đây cũng là nơi cuốn tiểu thuyết gây chấn động dư luận miền Nam “Vòng tay học trò” được sáng tác trong bối
cảnh trường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt.
Trước
khi trở thành một trong những nhà văn nữ nổi tiếng tại miền Nam, Nguyễn Thị
Hoàng còn là một nhà thơ khi còn ở Huế. Trong phạm vi bài viết về phương ngữ
Trung bộ, chúng tôi trích lại bài thơ “Chi
lạ rứa”. Bài thơ xử dụng những ngôn từ đặc biệt của cố đô Huế:
Chi lạ
rứa, chiều ni tui muốn khóc
Nhìn
chi tui - đồ cỏ mọn hoa hèn
Ngó chi
tui - đồ đom đóm trong đêm
Cho
thêm tủi bên ni bờ cô tịch
Tui ao
ước có bao giờ tuyệt đích
Tui van
xin răng mà cứ làm ngơ
Rồi ngó
tui, chi lạ rứa: hững hờ
Ghép
yêu mến, vô duyên và trơ trẽn
Tui đã
tắt nỗi ngại ngùng bẽn lẽn
Bởi vì
răng? Ai biết được người hè!
Nhưng
mà chiều đã rủ bóng lê thê
Ni với
nớ có khi mô mà gần gũi
Chi lạ
rứa! Răng cứ làm tui tủi
Tàn nhẫn
chi với một đứa thương đau
Cảm
tình câm nên không sắc không màu
Và vạn
thuở chẳng nên tình luyến ái
Chi lạ
rứa? Người cứ làm tui ngại
Biết
sông sâu hay cạn giữa tình đời
Bên ni
bờ vẫn trong trắng chơi vơi
Mà bên
nớ trầm ngâm mô có kể
Tui
không muốn khóc chi những giọt lệ
Đọng
làn mi ấp ủ mối tâm tình
Bên ni
bờ hoa thắm hết tươi xinh
Mà bên
nớ huy hoàng và lộng lẫy
Muốn
lên thuyền mặc sóng cuồng xô đẩy
Nhưng
thân đau nên chẳng dám đánh liều
Đau chi
mô! Có lẽ hận cô liêu...
Mà chi
lạ rứa hè? Ai hiểu nổi!
Tui
không điên, cũng không hề bối rối
Ngó làm
chi cho tủi nhục đau thương
Tui biết
tui là hoa dại bên đường
Không
màu sắc, chi lạ rứa hè, người hí
Tui
cũng muốn có một người tri kỷ
Nhưng
đường đời như rứa đó, biết mần răng?
Tui muốn
kêu, muốn gọi, muốn thưa rằng
Chờ tui
với! A, cười chi lạ rứa?
Tui
không buồn, răng mắt mờ lệ ứa!
Bởi vì
răng tui có hiểu chi mô
Vì lòng
tui là mặt nước sông hồ
Chi lạ
rứa, bên ni bờ tui khóc...
Có thể
nói Nhã Ca, Túy Hồng và Nguyễn Thị Hoàng là những hình ảnh gợi đến phương ngữ
Trung bộ một cách đậm nét nhất. Dĩ nhiên là chúng ta còn nhiều các nhà văn thuộc
“trường phái Huế” nhưng thiết nghĩ,
ba nhà văn nữ này cũng đủ để giới thiệu những nét đặc sắc của văn chương – ngôn
ngữ tại vùng đất mà ngày xưa được gọi là đất… Thần Kinh.
Cuộc
hành trình ngôn ngữ qua văn chương xin chấm dứt tại đây sau khi đã qua cả 3
vùng Bắc – Trung – Nam.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét