Bạn đọc chắc
còn nhớ “Xóm Bến”… ông bạn già và cũng là sui gia mà tôi có dịp được nói đến
qua các bài viết “Ôi! Cái văn chương!”
và “Viết tiếp về ông bạn già”.
Nhân một lần
đàm đạo chuyện văn chương, tôi có dùng từ ngữ “thời điêu linh” để mô tả những năm tháng sau 1975. Ông bạn già hào
hứng bình luận về cái thời kỳ, tạm gọi là “hậu-giải-phóng”,
có nhiều chuyện để kể mà theo lời ông mỗi khi nghe lại chữ “điêu linh” bỗng thấy
“nổi da gà”!
Người miền
Nam thường biết đến thời điêu linh qua những cái tên lúc đó hãy còn xa lạ như
kinh tế mới, đổi tiền, bao cấp, đốt sách, nhu yếu phẩm, cải tạo công thương
nghiệp và dĩ nhiên phải nhắc đến chuyện cải tạo “ngụy quân, ngụy quyền”! Đó là
những từ ngữ thường được nghe ở thành phố lớn như Sài Gòn nhưng theo ông Xóm Bến,
ở nông thôn, thời điêu linh lại mang một sắc thái khác.
Ông bạn
tôi dẫn chứng bằng truyện “Bản thông báo
và ông quan xã” hay còn có một tựa đề ông đặt một cách ngắn gọn” “Chân dung một ông quan xã”. Ông đặt vấn
đề:
“Có khi nào, bạn về
miền Tây, trên cánh đồng, dưới dòng sông, những đêm trăng phủ đầy sương lạnh.
Ngồi lai rai mà nghe hết câu vọng cổ chưa? Nhất là phần nói lối?”
Miền
Tây gắn liền với 6 câu vọng cổ nhưng dù sao đi nữa trong thời điêu linh bức
tranh toàn cảnh hoành tráng trong vọng cổ có những nét chấm phá với gam mầu tối,
thật đau lòng mỗi khi nhớ lại.
“Trầm xuống và lặng
đi như một nốt nhạc trầm của bản đại giao hưởng… Hình tượng thô thiển là sao lại
có những con chuột ẩn mình trong biển lúa vàng bát ngát. Phải sửa và diệt nó đi
thôi!”
***
Thế là câu
chuyện “văn chương” bắt đầu bằng một thông báo của xã. Nguyên văn như sau:
“Thông báo!
“Chấp hành chủ trương
dà (sic) chính sách của nhà nước. Quán triệt và chấp hành nghị quyết của tỉnh ủy
và ủy ban nhân dân tỉnh. Thực hiện sự chỉ đạo thống nhất của huyện ủy dà ủy ban
nhân dân huyện…
…
“Nay Đảng ủy dà ủy ban nhân dân thông báo dà
ra lịnh cho nhân dân đồng bào trong xã biết.
“Một là: tất cả các hộ nông dân còn thiếu lúa
thuế nông nghiệp dụ (sic) hè thu năm nay phải tích cực dao (sic) nạp vào kho.
“Hai là: lúa guộm (sic) phải thiệt sạch, không
có bui bui (?) bông cỏ dới (sic) đủ thứ khác mới được nộp.
“Ba là: hạn chót để thu kỳ lúa guộm này là
ngày… Nếu quá hạn hoặc không nộp đủ thì giao xã đội, công an đi cưỡng chế.
“Để hoàng (sic) thành xuất sắc nhiệm dụ (sic)
trên giao, Đảng ủy, ủy ban nhân dân xã yêu cầu mội (sic) từng lớp nhân dân chấp
hành chủ trương của xã.
“Đề nghị thi hành lệnh này liền.
“Nay thông báo.
“Chủ tịch xã
Đã
ký và đóng dấu.
(hết
trích)
***
Một
nhân vật trong truyện phân tích về bản thông báo của xã:
“Đây là một nồi xà bần
sau đám giỗ. Cái tay này phong kiến hổng ra phong kiến. Tề ngụy không ra tề ngụy.
Cách mạng nửa mùa, mà lại nửa mùa ăn theo. Một cái thông báo mà đủ thứ lỗi
chính tả. Văn thư không ra văn thư. Thông báo không ra thông báo.
- Một là: chữ nghĩa
thì cái đầu là cách mạng, khúc giữa là điền chủ và khúc đuôi là tề ngụy. Sau
khi xài hết ba cái chữ của cách mạng, vì hắn xài sang quá, ba bốn xôi nhồi một
chõ nên đến khúc giữa bí quá vì hắn ăn theo cách mạng mà. Khúc giữa hắn sai,
thay vì đề nghị chấp hành đường lối chính sách, thuế nông nghiệp, v.v… hắn lại
tuôn ra nào là lúa ruộng mà chỉ có bọn điền chủ, phong kiến, tề ngụy mới xài.
- Hai là: một cái
thông báo chỉ có nội dung kêu gọi các hộ nông dân chưa nộp đủ thuế hoặc chưa nộp
thuế nông nghiệp phải tích cực thực hiện nghĩa vụ. Vậy mà hắn viện đủ cả bốn cấp
chánh quyền như 4 ông cọp ra hù nhân dân. Mà đâu có riêng nông dân đâu, cả mọi
tầng lớp nhân dân nữa mới ớn chớ.
“Cha mẹ ơi! Thầy cô giáo, mà ngay cả các quan
xã như hắn thì làm gì có nghĩa vụ nộp thuế nông nghiệp, lại còn huy động cả xã
đội, công an để đi cưỡng chế. Vậy mới oai chớ! Hổng biết thằng cha Hai D… chủ tịch
khi ký và đóng dấu có đọc hay không, hay là cũng bù trất. Chỉ tội cho con dấu của
xã đóng phía dưới.
(hết
trích)
***
Sau khi
“sưu tra lý lịch” của Chủ tịch xã, ông Xóm Bến, tác giả bài viết, cho biết về
“thân thế” và “sự nghiệp” của người đã ký tên và đóng dấu bản thông báo như
sau:
“Quá trình bản thân: còn nhỏ, đi học hết lớp
ba trường làng. 20 tuổi đến 35 tuổi: là loong tong cho nhà việc, làm quản điền
cho giáo Trĩ, làm quản điền cho huyện Nghĩa và làm trưởng ấp cho tề ngụy. Từ
30-4-1975 đến nay: làm thư ký xã, làm ủy viên kinh tế xã, phụ trách nông nghiệp.
…
“Nếu lấy trái dưa
gang, mổ cộ, dựng ngược cuống lên, cặm vào hai chiếc đũa thì hình dung được
hình hài gã. Đầu hớt cua, đỉnh đầu nhọn hoắc, hai lỗ tai ép sát vô hai gò má,
phì phị búng ra mỡ dưới cái trán ngắn ngủn như dán vô cái đầu miếng kẹo da
trâu. Miệng rộng toang hoác, mép này tới mép kia dính mang tai, hàm răng vàng ệch
mầu nhựa thuốc rê.
“Hắc cao tới 1m50 cho nên cái thân mập ú nhìn
như ngắn ngủn, được đặt trên hai cái chưn ốm nhách mà còn đi gọng kiềng nên lúc
nào cũng lạch bạch như vịt xiêm mái. Trang bị bên ngoài cái thân dưa mổ cộ thì
như con tắc kè, sáng màu xanh, trưa màu vàng, chiều màu đỏ, tối màu nâu. Nghĩa
là vào thời điểm nào màu sắc đó.
“Trước kia, khi còn công tác với chế độ cũ, hắn
lúc nào cũng xúng xính với bộ quần áo lính bảo an, rồi địa phương quân. Kể cả
khi hắn qua làm trưởng ấp… Đầu hắn đội cái mũ vải rộng vành, chìa hai con mắt,
nếu gỡ cặp kính màu ra thấy nó ti hí như hai con cuốn chiếu ở chân đống rơm
đang nằm ngủ nhưng lại quên không cuốn.
“Sau này, khi hắn về phục vụ cách mạng, hắn lại
nghiêm chỉnh với cái nón cối trên đầu, bộ đồ bộ đội màu xanh của rừng và đôi
dép râu để lội trên đường làng. Và bây giờ, cả xã đều thấy hắn là cán bộ cách mạng
từ đầu tới chân. Còn cái bụng hắn thì cách mạng cỡ nào chỉ có hắn và trời biết.
May ra còn có thêm một người: vợ hắn! Bây giờ cũng ra vẻ vợ cán bộ lắm, thấy mà
ham!
“Sở thích ăn uống: cứ nhìn hắn ăn với cái mâm
dành cho hắn ở đám tiệc thì chết thôi cũng liên tưởng tới bức minh họa về bài học
“Tân ăn giỗ” của quyển Quốc văn Giáo khoa thư. Thô bỉ cùng cực. Ngặt một nỗi
món hắn thích toàn mỡ, thịt kho tàu phải hai phần mỡ một phần thịt nạc, Thịt hầm
măng cũng vậy. Hắn cắn, nhai ngồm ngoàm, mỡ chảy tràn ra khóe miệng, nhểu xuống
bàn. Hắn mặc kệ, bưng nguyên tô húp cái rột. Cúi xuống kéo lai quần lên chùi, ý
chừng sợ dơ tay áo, dù ngay giữa đám tiệc.
“Vậy mà hắn là ông quan xã nắm tay hòm chìa
khóa của ngân sách xã. Vậy mà hắn lên như diều, mà đố ai dám đụng tới hắn dù hắn
lòi đuôi là tên cơ hội, đón gió trở cờ. Chỉ tội mấy anh cán bộ có lòng với bà
con, tận tụy hy sinh hết lòng công tác để góp phần xây dựng quê hương đã đổ nát
nhiều vì chinh chiến.
(hết
trích)
***
Chuyện
không chỉ có vậy. Thật ra đó chỉ là đoạn đầu nói về bản thông báo của ông quan
xã. Đoạn kế tiếp tác giả dẫn người đọc đến hậu quả của bản thông báo. Một trong
những nạn nhân của nó lại chính là tác giả, ông bạn già và cũng là sui gia với
tôi. Nhân vật đó tự xưng là “lão”.
“Lão xỉn quắc cần
câu, xuồng chìm tại bến. Gần sáng lão chống xuồng dìa. Mới thấy mặt, bà vợ đã cằn
nhằn: ‘Thuế má đòi tới đít, hổng lo, lo ăn nhậu, thiệt hết biết ông, phen này
chắc chết quá!’
Thì ra lão đã tính kỹ
lắm rồi nên mới lai rai vài sợi. Bạn “nối khố” của lão góp ý: “Bận này câu kéo
cũng trớt quớt, lũ cá út hình như thấy cái xứ mình nghèo quá, mà các quan của
mình cũng khó quá, nên trốn biệt, không còn héo lánh tới nữa. Cái xuồng cũng bỏ
không. Ông kéo lên, mua mấy kí dầu chai lắp dò lại. Kiếm thêm mấy nhánh mù u
thiệt già cập vô mấy cây chèo, quơ một ít lưỡi hái rồi lên Đồng Tháp gặt mướn
mươi bữa nửa tháng kiếm bậy vài chục giạ lúa về đóng thuế là khỏe ru bà rù. Thấy
đã hôn?”
Tính thì dễ nhưng lúc
thực hiện kế hoạch mới thấy trần ai. Riêng việc vắng mặt tại địa phương cả
tháng cũng không dễ. Đi mà không xin giấy phép lỡ chính quyền hỏi thì ở nhà biết
trả lời sao? Xin phép mà nói là đi gặt mướn cũng chẳng dễ gì vì quan bí thư xã
rất “sĩ diện”. Có nghèo thì cũng ở nhà cạp đất mà ăn chứ đi làm thuê, gặt mướn
thì mang tiếng dân Đồng Khởi lắm.
Cuối cùng xã không cho đi nên đành phải trốn.
Lão lý luận: đi kiếm lúa về đóng thuế chớ có đi làm giặc đâu. Tới chừng có lúa
mang về nạp bất qúa xã phạt năm ba bữa lao động hay chửi cho một trận chứ không
lẽ nhốt vào tù? Mà có ở tù thì có cơm ăn… khỏi lo đói!
Cuộc
hành trình đi gặt mướn được tác giả kể lại từng chi tiết như sau:
“Xuồng ra khỏi vàm
Giòng Luông, qua được trạm kiểm soát, ráng chèo tới rạch Cả Bần. Lấy chiếc chiếu
làm bườm rồi chạy vát qua cồn Ốc. Vậy là khỏe re – tới Sóc Sãi qua Cà Nứa, tới
Vàm Mao là qua sông Hậu.
“Ôi sông Hàm Luông ơi, muôn đời ta gắn bó. Ôi
Đồng Tháp ơi, hãy dành cỏ cho trâu ăn… Lão tức cảnh làm thơ. Lão và người bạn hẳn
là hai con trâu đang đói. Qua hai đêm, một ngày xuồng của lão và hắn tới Tam
Nông, lão kiếm chỗ đậu nấu cơm còn hắn lên bờ tìm mối gặt mướn.
…
“Đây là thửa thứ nhứt,
5 mẫu. Gặt hết bao nhiêu tính bầy nhiêu: 2 giạ một công tầm phóng, 1 giạ rưỡi một
công tầm cắt. Cứ như vậy tính, chọn tầm nào. Hắn chọn tầm phóng. Không nói
không rằng, ông chủ nâng cây sào vác theo – nhắm và phóng thẳng về phía trước.
Cả bọn bước theo và cứ phóng đủ 5 công. Cắm sào, vậy thôi. Ai lo chuyện nấy. Chỉ
giao ước một lời. Khỏi dài dòng.
***
Chuyện đi
gặt mướn để lấy lúa về đóng thuế cứ tưởng là “ngon ăn” nhưng lại không ngờ…
“khó nuốt”. Nhân vật chính của chúng ta bị bệnh hết 10 ngày trong chuỗi ngày đi
gặt khiến người bạn “nối khố” phải “cà rỡn”:
“Sao, khoái làm dân Đồng
Tháp hả? Định kiếm cớ nằm vạ chắc. Cái mặt của ông chỉ có bà vợ già của ông nó
mê, chớ còn các bà Đồng Tháp miệng nói, tay làm, chân chạy… ai mà dám rước cái
thây ông. Ông mà có gì, tui dập ông xuống. Ba ngày sau đỉa nó rỉa không còn miếng
thịt. Thôi, dậy mà đi kiếm lúa về đong lúa ruộng, cha nội!
“Ngày thứ 11, để quen công việc, ông chủ ruộng
cho lão đi gom lúa cho máy tuốt lúa ăn. Công việc nhẹ nhàng, cúi lên cúi xuống,
đi tới đi lui chớ cắt lúa dễ bị chóng mặt, té nằm một đống, ai mà lo cho công tử
nữa. Vậy đó, thương và kính biết bao nhiêu ở những tấm lòng”.
***
Đấy
chưa phải là đoạn kết. Đoạn kết của ông Xóm Bến còn ly kỳ và bất ngờ đến độ người
đọc cứ tưởng ông thêm mắm, thêm muối cho câu chuyện có vẻ “giật gân”. Ông nói với
tôi, đây là kết cuộc mà chính ông cũng không tài nào “sáng tác” nổi. Tin hay
không là quyền của người đọc nhưng bản thân tôi, tôi tin chắc chắn là ông kể hết
sự thật.
“Hai mươi gia lúa được vô bao cột chặt, chất
xuống xuồng trước một cuộc nhậu chia tay. Cuộc chia tay như những người ruột thịt
nhớ nhau vì ở mỗi người một phương trời, về thăm nhau rồi lại ra đi.
“Ngoài vàm chỗ cặm
cây cờ đó là Trạm. Sau trao đổi với các cán bộ Trạm và vẫy tay chào lão và hắn,
ông chủ ruộng bơi xuồng trở lại. Ra khỏi vàm, ngoài lưu luyến còn thầm cảm phục
cái ân cần, chu đáo khi tạo điều kiện để lão và hắn chở lúa qua trạm dễ dàng của
ông chủ ruộng.
Nhưng
phước bất trùng lai mà họa thì vô đơn chí, tránh vỏ dưa dẫm phải vỏ dừa khi xuồng
bị bắt tại vàm Măng Thich – Vĩnh Long sau một ngày một đêm êm xuôi, trót lọt.
Chúng ta đang đi vào đoạn kết mà ờ trên tôi đã nói là ly kỳ và bất ngờ.
“Không một biên bản,
không một tờ giấy lộn. Với nét mặt đằng đằng sát khí, vị quan trưởng trạm chỉ
phán một câu: ‘Buôn lậu, tịch thu. Chống cự giam ghe, nhốt người!’.
“Hai ông già với
gương mặt xạm đen hốc hác. Ông thì nước mắt lưng tròng, ông thì cúi mặt bậm
môi, nuốt nghẹn vào lòng. Vầy mà đi buôn lậu? Buôn lậu? Buôn lậu?
Với
phương tiện là chiếc xuồng trống trơn, chỉ còn cái cà ròn làm bếp với 2 cái
xoong nồi, 2 đôi đũa và 2 cái chén. Hai cái mền rách và một cái mùng. Với hai
cái nóp cũ mèm và chiếc chiếu rách teng beng vì gió bọc thay buờm.
“Hai mươi giạ lúa mồ hôi, lẫn trong đó là bao
nhọc nhằn, bao mơ ước nhỏ nhoi, thậm chí suýt mất một mạng người nơi xứ lạ. Để
trả nợ nhà nước, để bảo toàn cho một kiếp người, một gia đình lâm vào cảnh quẫn
bách.
“Khóc lớn đi, lão già thất cơ lỡ vận mà đường
về xa lắc. Bặm môi mạnh nữa đi anh Năm Cà Nhõng, cho máu trào lên miệng, cho thấm
đậm tủi hờn. Để máu và nước mắt sẽ rớt xuống, hòa vào giòng sông Cổ Chiên ra biển.
***
Chiều
hôm đó xuồng của ông bạn tôi ghé mũi vào bến nhà. Má ông đang nằm trên võng, vợ
con ông chắc đang ở ngoài giồng. Chiếc tủ thờ đã biến mất. Thấy con về tay
không, má ông chắc cũng hiểu. Và đây là câu cuối cùng trong truyện:
“Nước mắt người Mẹ Việt
Nam lại chảy dài sau bao nhiêu lần đã chảy”
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét