Mấy
hôm nay Sài Gòn đang bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Trời âm u với những
cơn mưa rào, chợt đến rồi chợt tạnh một cách bất ngờ. Nhưng có lẽ bất ngờ hơn cả
là đêm hôm qua có một cuộc điện thoại từ Mỹ, báo tin phu quân của cô bạn học
đang nằm bệnh viện. Bạn phương xa cho biết tình trạng rất nguy kịch của anh chồng
chị bạn.
Anh
Quang ngày xưa là thiếu tá, vừa lên lon Trung tá nhưng chưa kịp “rửa lon” thì
biến cố 1975 ập đến. Chị vốn là một học sinh trường Trung học Ban Mê Thuột
nhưng lại giã từ tuổi học trò rất sớm để lập gia đình với anh. Chị rất “điệu
đà” và có vẻ người lớn hơn tất cả bọn học sinh chúng tôi khi đó còn “ngờ nghệch”.
Thế là chị giã từ tuổi thơ để làm vợ, rồi làm mẹ.
Điều
chúng tôi nhớ mãi cho đến ngày hôm nay là giọng hát học trò của chị. Nổi bật nhất
là bài “Tôi yêu” của Trịnh Hưng:
“Tôi yêu quê tôi yêu
lũy tre dài đẹp xinh,
Yêu con sông xanh
dâng cát hoe vàng bên đình,
Yêu trăng buông lơi
trên má cô nàng dệt tơ,
Và yêu cánh đồng vời
xa ngàn tay đang dựng mùa hoa.
“Tôi yêu đơn sơ qua
mái tranh nghèo mẹ quê,
Yêu duyên nên thơ
trong tiếng khoan hò ước thề,
Yêu con đê xưa đưa lối
qua chợ làng quê,
Và yêu mấy nhịp cầu
tre là đây anh chờ em về.
“Kìa cùng đùa chơi trẻ
thơ ca hát say đời,
Dù nghèo mà vui hỏi
ai không hé môi cười,
Mưa nắng ơn trời luống
cày thắm đẹp lúa ngời,
Xóm làng đón mùa
chiêm mới,
Ấm no ấp ủ lòng tôi.
“Tôi yêu quê tôi yêu
mãi bây giờ càng yêu,
Yêu chim bay qua mang
đến tin mừng thái hòa,
Yêu anh yêu em yêu nước
yêu trời gần xa,
Và yêu mối tình nở
hoa… ngàn năm không hề phai nhòa...
Hình
như là bài hát “Tôi yêu” đã vận vào chị… Chị yêu rất sớm khi đám nam sinh chúng
tôi hầu như chẳng biết yêu là gì.
Chị
là Như Mai… Chị như một nụ hoa mai với mái tóc đen, dài rất điệu… Tôi cùng một
người bạn (anh Hưởng) hẹn nhau đến bệnh viện thăm anh Quang đang trong cơn bệnh
ngặt nghèo. Địa chỉ và số điện thoại của chị được người bạn từ Mỹ nhắn về và tối
hôm trước tôi có liên lạc với chị.
Chị
nói không muốn làm phiền bạn bè cho nên dấu kín chuyện anh đau… nhưng tôi tình
thật nói với chị là chúng tôi là nhóm làm sách và số tiền bán sách là quỹ tương
trợ bạn học cũ tại trường Trung học Ban Mê Thuột và những cựu giảng viên trường
Sinh ngữ Quân đội hiện còn sống tại Việt Nam.
Gần
9 giờ sáng hai đứa chúng tôi trực chỉ Bệnh viện Ung bướu Gia Định. Điện thoại
báo trước và chị nói để cho con xuống đón tại cổng cấp cứu đường Ngô Quyền. Lần
đầu tiên đến đây tôi không thể hình dung được bệnh nhân và người thăm nuôi lại
đông đến như vậy. Bệnh nhân và thân nhân, đa số là người ngoại tỉnh đổ về đây.
Họ ngồi kín hành lang và trên cả cầu thang, thật tình mà nói còn đông hơn một
cái chợ để chờ khám bệnh hay vào nuôi bệnh.
Chúng
tôi tìm không ra đường Ngô Quyền nên hẹn đứng tại nhà thuốc bệnh viện đường Nơ
Trang Long… Sau nhiều cuộc điện thoại chúng tôi mới hiểu ở Gia Định làm gì có
đường Ngô Quyền và thông tin từ bên Mỹ lại cho lầm địa chỉ, thay vì Bệnh viện
Pham Ngọc Thạch, quận 11, lại báo là Bệnh viện Ung bướu, Gia Định. Thế là hai
“ông già” chở nhau lên đường từ Gia Định sang Quận 11. Trời lại đổ mưa…
Tới
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tìm ngay được đường Ngô Quyền và con gái chị Như Mai
đón sẵn. Bệnh viện PNT khác hẳn UB, khang trang, tĩnh lặng không có cảnh người
nằm, ngồi la liệt. Chúng tôi gặp lại chị Như Mai sau gần một nửa thế kỷ. Anh Hưởng
có gặp anh Quang và chị Như Mai gần đây nhưng tôi thì đã gần nửa đời người mới
gặp lại người bạn thời học trò. Mừng mừng, tủi tủi…
Anh
Quang nằm trên giường, tay đang truyền nước biển nhưng anh vẫn tỉnh táo và thỉnh
thoảng góp lời vào câu chuyện của chúng tôi. Người anh xanh xao có lẽ vì bộ đồng
phục màu xanh của bệnh viện. Chị Như Mai rơm rớm nước mắt trong câu chuyện…
Chúng
tôi nhắc lại chuyện bài hát “tủ” của chị từ thời còn đi học cho bầu không khí bớt
ảm đạm… “Tôi yêu quê tôi…” của Trịnh
Hưng ngày nào.
Trước
khi chia tay ra về, chúng tôi đưa chị chiếc phong bì với dòng chữ “Chúc anh mau
bình phục – Nhóm bạn TH BMT”. Hai trăm Mỹ kim là tiền quỹ hỗ trợ bạn bè trong
cơn hoạn nạn của nhóm làm sách. Của ít lòng nhiều…
Trời
lại đổ mưa… Cơn mưa như mừng cho một chuyến thăm bạn, dù có trục trặc nhưng cuối
cùng mọi sự cũng xuông xẻ. Một lần nữa “Chúc
anh mau bình phục”.
***
*
Lời cuối: Anh Quang, chồng chị đã ra đi chỉ sau vài ngày chúng tôi gặp tại bệnh
viện. Vẫn biết cuộc đời này chỉ là “cõi tạm” nhưng làm sao không buồn cho người
vợ và 4 đứa con còn ở lại?
***
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét