Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

Một thời làm báo tiếng Anh: “Quan hệ Công chúng” và Quảng cáo

(Tiếp theo)

Ngày nay, nhiều người không để ý đến cụm từ “Quan hệ Công chúng”… nhưng nếu dùng từ ngữ PR thì lại hình dung ngay đó là gì. PR xuất phát từ thuật ngữ “Public Relations” và một doanh nghiệp hoặc thậm chí một bà bán hàng trong chợ cũng không ít thì nhiều đều áp dụng hình thức PR để gây sự chú ý của khách hàng.

Hơn 20 năm về trước, “Vietnam Investment Review” (VIR) đã biết cách PR cho tờ báo bằng những buổi “Friday Review” vào ngày Thứ Sáu cuối cùng mỗi tháng. Ý tưởng về “Friday Review” xuất phát một cách đầy bất ngờ đến độ… khó tin.

VIR là tuần báo nên công việc của tòa soạn kéo dài suốt một tuần để chuẩn bị cho số báo phát hành vào ngày Thứ Hai. Đến ngày Thứ Sáu thì công việc viết lách đã xong và chuyển cho nhà in nên “chủ báo” Nick Mountstephen nghĩ đến chuyện… vui chơi, xả stress cuối tuần cho nhân viên.

Người Phương Tây vẫn thường nói “Cám ơn Trời vì đã đến ngày Thứ Sáu”… (TGIF - Thanks God It’s Friday). Thế là cứ đến Thứ Sáu, VIR tạm quên mọi chuyện tất bật để nhâm nhi ly bia ngồi “đấu láo” ngay tại tòa soạn. Các quan chức thường có những phiên họp để rút tỉa kinh nghiệm nhưng đối với VIR, họp mặt ngày Thứ Sáu chỉ hoàn toàn vui chơi, quên hẳn công việc! 

Thế rồi Friday Review đang từ hình thức vui chơi trong nội bộ của tòa soạn bỗng trở thành một “hình thức PR” cho tờ báo trên quy mô của cộng đồng doanh nghiệp. Nick quả là một “bực thầy” trong việc làm báo ở Việt Nam, hồi đó thường được coi là “Biên giới Cuối cùng” (The Last Frontier) trong lãnh vực đầu tư của khu vực!

Nick đã biến những buổi họp mặt cuối tuần của các phóng viên thành Friday Review cho cả cộng đồng nước ngoài cũng như trong nước ở Sài Gòn. Cuộc họp mặt mỗi tháng chỉ một lần và số người đại diện các doanh nghiệp đến dự mỗi kỳ một đông.

Khách mời đến với VIR cảm thấy hoàn toàn thoải mái vì mục đích của những buổi họp mặt là vui chơi nhưng qua đó các các công ty quen biết nhau nhờ cầu nối của VIR. Để tham dự Friday Review khách chỉ cần nhận được “Giấy Mời”, mới đầu chỉ khoảng hơn chục công ty nhưng những năm sau con số này lên đến hàng trăm. Thậm chí một số doanh nghiệp phải xin “giữ vé” từ trước để được tham dự.

Việc tổ chức Friday Review rất “bài bản” và chuyên nghiệp. Địa điểm họp mặt là các khách sạn liên doanh lớn tại thành phố như Saigon Floating Hotel, New World, Caravelle, Omni, Equatorial… Bên cạnh đó là những khách sạn của quốc doanh như Rex, Majestic, Bông Sen cũng nằm trong danh sách ghi tên “đăng cai”.

Điểm “son” của VIR là việc tổ chức những buổi Friday Review hoàn toàn không hề tốn kém, tòa soạn chỉ bỏ ra công sức để tổ chức với sự tham gia rất nhiệt tình của các nhà tài trợ. Từ địa điểm đến các chi phí khác đều do các khách sạn và những công ty kinh doanh dịch vụ đài thọ dưới danh nghĩa “sponsors”.

Nước uống có Bia Sài Gòn, Foster, Tiger, San Miguel… nước ngọt khi thì Coca Cola, khi thì Pepsi Cola đảm nhận việc chiêu đãi khách. Các doanh nghiệp kinh doanh đã nhận thấy đây là một dịp để PR cho sản phẩm của mình với các công ty trong và ngoài nước khi họ đứng ra tài trợ. Họ tham gia một cách nhiệt thành vì họ biết đây cũng là một dịp để quảng cáo cho công ty của mình.

Với mục đích chính là để các doanh nghiệp gặp gỡ trong những buổi sinh hoạt cuối tháng, VIR chỉ đóng vai trò của người tổ chức một cách khiêm tốn. Thường chỉ là những lới giới thiệu ngắn khi bắt đầu Friday Review, phần chính là để các doanh nghiệp gặp gỡ nhau và biết đâu đó có thể mở ra những cơ hội hợp tác trong những phút trò chuyện. Lại còn có cả chương trình văn nghệ giúp vui…

Về sau, chúng tôi lại thêm sáng kiến mời Tổng lãnh sự một số nước có công ty đang kinh doanh tại Việt Nam đến dự. Những quan chức ngoại giao các nước như Hoa Kỳ, Singapore, Đại Hàn, Đài Loan, Ấn Độ… tham dự các buổi tiếp tân và làm tăng thêm uy tín của Friday Review. Chúng tôi sẵn sàng dành cho các vị đó có những phát biểu ngắn với cử tọa. Tuy nhiên, vui vẫn là chính.

Ngôn ngữ chính trong các buổi Friday Review là tiếng Anh. Khách mời rất thoải mái khi gặp nhau, trao đổi name cards và chuyện trò về những đề tài mình thích. Nói chung, mọi người đều thích đến với Friday Review và VIR đứng ra tổ chức định kỳ một cách thành công vượt bực.

Phải thành thật nhìn nhận ý tưởng về Friday Review là một bước đột phá trong hoạt động báo chí thời mở cửa cho các công ty nước ngoài. Trong khi báo tiếng Việt thực chất chỉ là những cơ quan nhà nước, VIR là tờ báo duy nhất về kinh tế qua hình thức hợp đồng với đối tác Úc châu là một bước hoàn toàn mới mẻ trong hoạt động báo chí.

Một lần nữa, công đầu phải thuộc về “chủ báo” Nick Mountstephen và những người kế nhiệm trong suốt thời gian 10 năm thực thi hợp đồng hợp tác kinh doanh trong lãnh vực báo chí.

Một buổi Friday Review

Friday Review tại Khách sạn Rex

Các nhà tài trợ cung cấp nước giải khát cho khách

Gặp gỡ giữ các doanh nghiệp trong và noài nước

Khách tham dự Friday Review

Phút thư giãn tại Friday Review

Văn nghệ giúp vui

Có cả những màn trình diễn thời trang

Cũng xin nói thêm về lãnh vực quảng cáo của tờ báo theo phong cách Phương Tây mà người đầu tiên thực hiện là anh Nguyễn Cường với vai trò người đứng đầu bộ phận quảng cáo của VIR. Anh Cường trước năm 1975 là giảng viên dân sự của trường Sinh ngữ Quân đội. Quả là một sự tình cờ đáng ngạc nhiên khi chúng tôi gặp lại nhau trong lãnh vực báo chí.

Anh Cường đã bỏ ra nhiều công sức để xây dựng phòng quảng cáo. Bước đầu, những mẫu quảng cáo đều được gửi về Úc hoặc Hồng Kông để thiết kế và khi nhận được design khách hàng luôn tỏ ra hài lòng vì ý tưởng cũng như hình thức thiết kế.

Chỉ tiếc một điều là anh Cường ra đi quá sớm và VIR đã cam kết sẽ tài trợ con anh trong việc học hành. Một thành viên khác của VIR, phóng viên Alex McKinnon, cũng đã ra đi khi anh trở lại Việt Nam để mở một công ty truyền thông. R.I.P Nguyễn Cường và Alex McKinnon, những người tiên phong của VIR.

Luật báo chí của Việt Nam giới hạn phần quảng cáo chỉ được chiếm 30% số trang báo nên đã có hiện tượng khách hàng quảng cáo phải chờ trong “stand-by list” vì VIR không thể vượt định mức trong việc in quảng cáo. Thế cho nên, được quảng cáo trên tờ báo tiếng Anh là một niềm tự hào với các doanh nghiệp trong nước.

Đây là một hiện tượng tương đối lạ vì quảng cáo trên báo tiếng Việt vốn thường là một “ân huệ” mà khách hàng dành cho  tờ báo. Trên thực tế, nhiều khi doanh nghiệp xét thấy không cần quảng cáo nhưng vì “cả nể” hoặc muốn duy trì sự liên lạc “tốt đẹp” với báo chí nên vẫn ký hợp đồng một cách… miễn cưỡng.

Đó là sự khác biệt quá lớn giữa hai làng báo tiếng Việt và tiếng Anh. Nhìn chung, báo Việt bị ràng buộc vì “cơ chế”, cộng thêm sự sáng tạo mà những người làm báo hầu như bị hạn chế.

Quảng cáo của công ty quảng cáo tại Hong Kong xuất hiện ngay từ số báo đầu tiên

Quảng cáo của Công ty may mặc Legamex trên VIR

Quảng cáo của Công ty thực phẩm Vissan

Quảng cáo của Saigon Vegfruco về trái thanh long

Quảng cáo của công ty sơn mài Thành Lễ

Bài viết này chỉ đưa ra hai vấn đề chính trong sự sống còn của một tờ báo: PR và Quảng cáo. Còn nhiều vấn đề vĩ mô quan trọng hơn thuộc về những khái niệm, ý thức hệ chính trị và kỹ năng điều hành một tờ báo. Những điều đó trong thế giới tư bản ngày nay vẫn đang chuyển động và tiến bộ không ngừng.

Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách nhìn về việc làm báo nếu không muốn bị lạc hậu.

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts