Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Báo Tết ngày xưa

“Nam Phong Tết Mậu Ngọ”, xuất bản năm 1918 tại Hà Nội, là tờ báo Xuân (hay còn gọi là báo Tết) đầu tiên của làng báo Việt Nam. Tính đến đến nay, truyền thống làm báo Tết của ta đã được hơn 100 năm.

Với ấn bản đặc biệt, Nam Phong Tạp Chí nổi danh khắp trong Nam ngoài Bắc lúc bấy giờ, số báo mừng Xuân đã bắt đầu cuộc hành trình suốt một thế kỷ để trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về.

 

Nam Phong Tạp Chí, trang bìa, ấn bản số 1, năm 1917

Nam Phong Tạp Chí chỉ là dạng nguyệt san do L. Marty, một người Pháp rất thông thạo tiếng Việt sáng lập, chủ bút là học giả Phạm Quỳnh đã ra mắt “Số Tết 1918” (và cũng là số Tết duy nhất của tạp chí này) với lối trình bày khác biệt, không đánh số thứ tự theo thường lệ.

Xuân Nam Phong chí có 126 trang, bìa màu vàng cam nhạt, có vẽ hình hai ông cụ già tay cầm cành đào, tượng trưng cho hai vị “Hành khiển phán quan Mậu Ngọ” (cầm nhánh đào tươi) và Đinh Tỵ (cầm nhánh đào không có bông) bàn giao “ấn tín” cho nhau. Trong số Tết này, tất cả các bài viết đều nằm trong khung hoa, có nhiều tranh minh họa và không có quảng cáo.

 

Nam Phong Tết Mậu Ngọ, xuất bản năm 1918

 

Lại cũng có ý kiến cho rằng tờ báo Xuân đầu tiên xuất hiện vào năm 1908, đó là tờ Lục Tỉnh Tân văn, số ra năm Đinh Tỵ, ngày 30/1/1908 tại Sài Gòn. Với số báo thứ nhất ra ngày 15/1/1907, tờ báo viết bằng chữ quốc ngữ với tiêu đề được viết bằng cả chữ Quốc ngữ lẫn chữ Hán.

Lục Tỉnh Tân Văn sử dụng khá nhiều từ Hán-Việt trong các bài báo, ngoài ra các câu châm ngôn chữ Hán cũng được sử dụng nhiều, thậm chí có khi liên tục. Chẳng hạn như trong bài Đạo Tặc, số 3, ngày 18/1/1907, có câu:

“Quân côn đồ cường thạnh, đứa đạo tặc lăng loàn, cướp phá tứ phương, coi dường như không ai trị. Sao vậy? Là vì tại các ông chức việc trong làng hay sợ nó oán trách... Tại các sự tham sanh húy tử, và cái điều tư kỷ, chết ai nấy chịu, cho nên mới loạn ra như vậy”.

 

Lục Tình Tân Văn

 

Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, tờ Lục Tỉnh Tân Văn số năm Đinh Tỵ chỉ là tờ báo ra vào dịp Tết chứ không phải là báo Xuân vì phần hình thức tờ báo này không khác gì tờ báo ra ngày thường.

Tiếp theo tờ Nam Phong tạp chí số Tết 1918, tờ Đông Pháp Thời Báo cũng cho ra mắt số báo Xuân với hai mầu đen, đỏ bán rất chạy vào năm 1927 hoặc tờ Thần Chung, báo của Diệp Văn Kỳ, cũng cho ra mắt số Xuân vào năm 1929.

Phong trào làm báo Xuân thật sự nở rộ trong thập niên 30 của thế kỷ trước với sự ra đời của hàng loạt tờ báo Xuân, như Loa (Hà Nội, 1935), Chơi Xuân (Hà Nội, 1935), Đuốc Nhà Nam (Sài Gòn, 1936), Quà Tết (Sài Gòn,1937), Sách Xuân (Sa Đéc, 1937). Nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến hai tờ báo của nhóm Tự Lực Văn Đoàn là Phong Hóa và Ngày Nay.

 

Bức tranh 2 nhân vật Lý Toét và Xã Xệ của họa sĩ Mạnh Quỳnh trên bìa tạp chí Indochine số Xuân năm 1944

 

Trong giai đoạn này, một số tờ báo ra số Xuân chỉ nhằm để kỷ niệm dấu ấn chứ chưa thật sự có mục đích làm báo Xuân như sau này. Rõ ràng là Lục Tỉnh Tân văn số Xuân 1908 và Nam Phong tạp chí số Tết 1918 là sự mở màn, đặt nền móng cho việc làm báo Xuân. Và báo xuân đã trở thành nét văn hóa ngày Tết của người Việt ngoài thịt mỡ-dưa hành-câu đối đỏ.

Thời xưa, khi kỹ thuật in và công nghệ hình ảnh chưa phát triển như hiện nay, người họa sỹ chính là những người trau chuốt để tạo ra “bộ mặt” đẹp nhất, ấn tượng nhất cho mỗi ấn phẩm. Vào dịp gần Tết, người ta thường thấy Báo Xuân bày trên các sạp báo giống như một cuộc thi hoa hậu với những cô gái như mời gọi người đọc bằng những hình vẽ hấp dẫn...

 

Số báo mùa Xuân, Phụ Nữ Tân Văn, 1932

 

Các họa sỹ nổi tiếng trong lĩnh vực vẽ bìa Báo Xuân thường được nhắc đến như những người làm nên “linh hồn” cho những trang báo Xuân xưa. Và dường như cũng vì vậy, tờ báo Xuân xưa mang trong mình một hồn cốt, một phong vị đặc biệt mà có lẽ những tờ báo hiện đại không thể nào có được.

Ngày nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, việc làm báo liên tục cải tiến về nội dung và hình thức để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của độc giả. Tuy nhiên vẫn có thể nhận thấy những nét tương đồng với tinh thần làm Báo Xuân ngày xưa. Đó là phần nào phản ánh diện mạo tâm hồn của con người trước thời cuộc.

 

Số mùa xuân Phong Hóa, 1934

 

Báo Xuân thường là sự huy động tư duy sáng tạo đến từ người thiết kế nội dung, trình bày cho đến người viết. Những tờ Báo Xuân thường là nơi tập hợp những tên tuổi quan trọng làm nên giá trị hay thương hiệu của các tờ báo, những cây bút có sức ảnh hưởng với công chúng và có khả năng thực hiện những chủ đề chuyên sâu về lối sống, văn hóa xã hội, thời thế...

Đối với giới làm báo, Báo Xuân là một cuộc chơi thăng hoa và lắng đọng trí tuệ trong nghề nghiệp sau một năm quanh quẩn với thời sự khô khan. Nhu cầu thưởng thức Báo Xuân càng ngày càng đòi hỏi tính chuyên nghiệp, các đối tác quảng cáo trong thời thị trường cũng đánh giá tờ Báo Xuân là nơi quảng bá hình ảnh hiệu quả nhất.

Còn đối với bạn đọc, thói quen mua Báo Xuân để “đọc chậm” trong mấy ngày Tết dù ít nhiều hãy còn được lưu giữ. Đó cũng chính là lý do những số Báo Xuân có số trang dày hơn số thường vẫn được người ta sẵn lòng mua để đọc trong những ngày đầu xuân năm mới.

 

Số Tết, Ngay Nay, Kỷ Mão, 1939

 

Có thể nói, trải qua 100 năm, trên những tờ Báo Xuân đặc biệt, mọi thứ ồn ào, tranh cãi, lộn xộn của đời thường được tạm gác qua một bên, nhường chỗ cho những cảm xúc sâu lắng, chiêm nghiệm, nhìn lại năm đã qua và hy vọng cho năm tới tốt đẹp hơn.

Chúng ta đang ở vào thời đại Internet, ngày nay làm báo chỉ cần đánh máy vi tính, cho lên máy in, chạy ra luôn ba, bốn, năm màu và hàng chục ngàn số trong một vài giờ, được đóng sẵn sàng đưa ra thị trường.

 

Saigon Mới, Xuân Canh Dần, 1950

 

Thời đại “in typo” của ngày xưa thì khác hẳn. Muốn đưa một tấm hình vào trang báo, phải làm bản kẽm, Cliché Dàu là nơi cung cấp những bản kẽm cho các nhà in và các báo. Khuôn khổ bức hình ra sao để nó nằm gọn lỏn trong trang báo phải được tính toán trước hết. Đến lúc thợ lên khuôn mới đưa vào bài báo được.

Trước khi in, thợ nhà in phải làm một bản vỗ, tức là lấy tờ giấy thấm nước như loại giấy bản, đặt lên khuôn trang có dính chút mực, vỗ nhẹ để mực thấm vào giấy, gọi là “morasse”.

Người làm việc sửa morasse được gọi là “thầy cò”. Thường morasse phải sửa đến lần thứ hai thứ ba, lần cuối cùng do Tổng Thư Ký tòa soạn sửa và ký vào tờ “dernière morasse” chịu trách nhiệm nếu có sai sót.

 

Báo Thần Chung, Xuân Giáp Ngọ, 1954

 

Nói sơ qua như thế để bạn có thể hình dung ra phần đầu của công việc làm báo, đấy là báo thường chưa nói đến số Tết còn “ly kỳ rùng rợn” hơn. Đúng là một công việc bỏ ăn bỏ ngủ chứ không phải là chuyện đùa.

Nhân năm hết, Tết đến xin có vài dòng về Báo Xuân ngày xưa để chúng ta nhìn lại quá khứ, một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong những ngày Tết. Hình như không có báo Tết trong những ngày xuân người ta cảm thấy như thiếu một “cái thú” mà các bản in trên Internet ngày nay không thể nào thay thế được.

Tất cả mọi thứ trên đời này đều có cái giá của nó!

 

Phổ Thông, Xuân Nhâm Dần, 1962

 

Chiến Sĩ Cộng Hòa, Xuân Nhâm Tý, 1972
 

***

 * Tham khảo thêm: “Báo Xuân… Báo Tết…” tại:

https://chinhhoiuc.blogspot.com/.../01/bao-xuan-bao-tet.html

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts