Tôi
làm báo chỉ mới có hơn chục năm, từ 1991 đến 2004. Tôi chỉ là tay ngang nên chẳng
qua trường lớp báo chí.
Ngày
“Đổi Mới”, Việt Nam cần một tờ báo tiếng Anh để giúp các nhà đầu tư nước ngoài
hiểu được phần nào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Đó cũng là lý do tờ “Vietnam
Investment Review” (VIR) ra đời năm 1991 dưới hình thức “hợp đồng hợp tác kinh
doanh” (business cooperation contract) giữa Ủy ban Nhà nước về Hợp tác & Đầu
tư (State Committee for Co-operation & Investment – SCCI, tiền thân của Bộ
Kế hoạch & Đầu tư) và một tập đoàn báo chí của Úc.
Hershel Gober, Thứ trưởng Bộ Cựu Chiến binh Hoa Kỳ (1994)
Thế
là từ một anh Giảng viên trường Sinh ngữ Quân đội Sài Gòn, đã qua trường lớp “cải
tạo”, tôi được mời về viết cho VIR, lương lậu do phía nước ngoài trả chứ không
phải là “biên chế” của nhà nước. Cũng may, tờ VIR chỉ dành cho các nhà đầu tư
nước ngoài, chuyên về kinh tế nên làm báo tiếng Anh khác hẳn báo tiếng Việt do
nhà nước “quản lý”.
Phỏng vấn nhà thầu xây dựng Cầu Mỹ Lợi, Úc (1999)
Tôi
biết các bạn đồng nghiệp báo “lề phải” sợ nhất là phải viết về chuyện chính trị
- nội chính… “nhạy cảm”. Đối với các nhà báo “chân chính”, khi phải viết về đề
tài này rất khó, cũng tựa như “làm dâu trăm họ”. Viết sao cho ông Tổng Biên Tập
(TBT) không phải mất công giải trình cho Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương. Nhưng
cũng phải viết thế nào cho người đọc không có cảm giác đọc một bài báo tuyên
truyền về chính sách, đường lối của nhà nước.
Kỷ niệm 1 năm thành lập báo VIR (1992)
Người
làm báo “chân chính” lúc nào cũng ở trong thế gọng kìm, nói một cách “tả chân”
là họ viết “giữa hai lằn đạn”, sơ sẩy là… “chết oan” vì ngòi bút của mình.
Không
muốn làm nhà báo “chân chính” cũng dễ thôi. Thứ nhất, tránh xa chuyện chính trị.
Thứ nhì, “viết theo yêu cầu” của TBT. Thứ ba, viết về những chuyện xã hội “4T”:
Tình, Tiền, Tù, Tội. Thứ tư, viết theo gợi ý của “khách hàng” là những doanh
nghệp đang cần PR. Bảo đảm nhà báo sẽ an toàn mà lại có thêm phong bì bồi dưỡng
của các “mạnh thường quân”.
Bãi bỏ cấm vận (1994)
Có
một hiện tượng rất ít người không phải “trong nghề” để ý đến. Kể từ ngày có
Internet, có Facebook… số nhà báo “chuyển lề” ngày một đông. Họ nhường đất dụng
võ “lề phải” cho lớp trẻ mới vào nghề, họ chuyển sang “lề trái” và trở thành
“những anh hùng bàn phím”, hiểu theo cả nghĩa tốt lẫn nghĩa xấu!
Chuyến bay thẳng đầu tiên của Hãng Hàng không Singapore
Airlines đến Sài Gòn (1991)
Họ
là “những nhà báo tự do” có nghĩa là không có Thẻ Báo Chí, không thuộc biên chế
nhà nước. Họ tham gia “báo mạng” với tính cách của một “cộng tác viên”, hưởng lương
theo “sản phẩm”.
Họ
cũng có thể là “nhà báo độc lập”, không làm việc cho một cơ quan báo chí nhà nước
hoặc một trang mạng nào. Đất dụng võ của họ là các trang Blog, trang Facebook…
Công việc này không đem lại cho họ một khoản lương nào, có chăng chỉ là… “lương
tâm”.
Cúp FIFA World Cup đến Sài Gòn (2002)
Nhân
ngày Báo chí Việt Nam, xin gửi đến các bạn nhà báo – “lề phải” cũng như “lề trái”
– những lời chúc tốt đẹp nhất của một đồng nghiệp nay đã gác bút về hưu. Chúc các
bạn “chân cứng đá mềm” và với đôi chân đó, các bạn sẽ là những người làm báo
“chân chính”, không hổ thẹn với lương tâm.
***
(Trích Hồi ức một đời người – Chương 10: Thời xuống
lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh
thổ)
Tác giả còn
dự tính viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
***
Phỏng vấn nhà thầu xây dựng Cầy Mỹ Lợi, Úc (1999)
Trả lờiXóaHt coi lại cầy hay cầu
Đã sửa lại. Thanks.
Trả lờiXóa