Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Báo chí miền Bắc thời Pháp thuộc: Từ Nguyễn Văn Vĩnh đến Phạm Quỳnh

Sau khi ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ - Biên Hòa, Gia Định, Định Tường - bị nhượng cho Pháp qua hòa ước năm 1862, Gia Định báo phát hành tại Sài Gòn ngày 15/4/1865 là tờ báo quốc ngữ đầu tiên trên toàn quốc. Đây là một nguyệt san ra vào ngày 15 mỗi tháng.

Nam kỳ lần lượt xuất hiện những tờ Nhật trình Nam Kỳ (1883), Phan Yên báo (1898), Nông Cổ Mín Đàm (1901), Nhật Báo Tỉnh (1905), Lục Tỉnh Tân văn (1907), Nam Kỳ Địa phận (1908), Tân Đợi Thời báo (1916, sau đổi thành Công Luận báo), Nam Trung Nhật báo (1917), An Hà Báo (1917, ở Cần Thơ), Đại Việt Tạp khí (1918, ở Long Xuyên), Nữ Giới chung (1918)…

Riêng tại miền Bắc, mãi đến năm 1893 mới thấy xuất hiện tờ Đại Nam Đồng văn Nhật báo (Tờ báo hàng ngày của nước Đại Nam chung một văn tự). Đây là tờ công báo do người Pháp cung cấp kinh phí để đăng các thông báo, nghị định của chính quyền bảo hộ nhằm vào giới nho sĩ miền Bắc nên được in bằng Hán văn và về sau có cả phần quốc ngữ.

Đại Nam Đồng văn Nhật báo gồm 8 trang, giá bán 2 nguyên (2 xu) và phạm vi phát hành bao gồm Bắc kỳ và Trung kỳ. Năm ra số báo đầu tiên chưa được xác định rõ vì theo Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu, báo phát hành năm 1892, trong khi đó, Trần Huy Liệu trong Giới thiệu lịch sử báo chí Việt Nam lại cho là năm 1893. Nếu căn cứ theo số báo xưa nhất còn lưu trữ đến ngày nay (số 171, ngày 27/1/1895) tính ngược trở về trước thì Đại Nam Đồng văn Nhật báo có thể ra đời từ năm 1891, tức năm Thành Thái thứ 3.    

Theo Bách khoa thư (Hà Nội, tập 13), Đại Nam Đồng văn Nhật báo từ số 273, ngày 2/1/1897 có 2 trang dạy chữ quốc ngữ, đến số 793 ngày 28/3/1907 đổi tên là Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo (Tập báo khêu đèn gióng trống) cho đến số báo cuối cùng (số 826, ngày 14/11/1907).

Chủ nhiệm báo là F. H. Schneider (người Pháp gốc Đức), chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh [1] phụ trách phần tiếng Việt; Đào Nguyên Phổ và Phan Kế Bính lo phần chữ Hán.

Tên “Đại Nam Đồng văn Nhật báo” (số báo 793, ngày 28/3/1907) vẫn còn giữ ở giữa
khi báo được đổi thành “Đăng cổ Tùng báo” phía bên phải

Tờ báo thuần túy quốc ngữ đầu tiên ở Bắc Kỳ là tuần báo Đông Dương Tạp chí (1913 - 1919), ra mắt ngày 15/5/1913, cũng do F. H. Schneider làm giám đốc và Nguyễn Văn Vĩnh giữ chức chủ bút. Thực ra, đây là một phụ bản của tờ Lục tỉnh tân văn xuất bản ở Sài Gòn. Tính ra, Đông Dương Tạp chí tồn tại được 6 năm 4 tháng thì đình bản.

Đông Dương Tạp chí ra đời nhằm mục đích “đem văn chương học thuật, đem ân huệ văn minh của nhà nước Lang Sa mà khua sáo cho lấp được những lời gây loạn”. Quan điểm của Soái phủ Nam Kỳ cũng được ghi rõ trong số báo đầu tiên: “Đã đến lúc cần mở mang giáo dục, truyền bá học thuật và tư tưởng Pháp, tạo cho việc đưa chữ quốc ngữ vào quỹ đạo xâm lăng văn hoá đánh bạt chữ Nho”.

Bài viết Cẩn cáo trên Đông Dương Tạp chí số ra mắt đã xác định: “Bản báo vì có việc nguy-biến phải vội-vàng in ra, cho nên kỳ đầu này không kịp trình duyệt-báo chư quân tử, chủ-nghĩa báo này thế nào, và lối in, lối soạn chương mục báo có những gì, không kịp nói cho rõ được. Đến kỳ sau bổn-quán xin kể minh bạch chương-trình, chủ- nghĩa. Nay hãy nói đại cương để các ngài biết. Mỗi kỳ sẽ có một bài tổng thuật các việc trong tuần-lễ, một bài đại luận về thời-sự, các điện- báo- hoàn-cầu, các điều nên biết về buôn bán…”

Số báo đầu tiên cũng nêu ra vấn đề: “Cổ động cho dân An-nam lấy văn Quốc-ngữ làm quốc văn, làm gốc nghề học… Bổn quán lại mở ra một chương đề là Đăng-văn cổ để lấy ra nhờ sở-ước thực và lẽ phải của dân an-nam mà dâng lên cho chánh-phủ biết và đem những ý cao Nhà-nước mà tỏ cho dân hay”.

Bên cạnh đó, Đông Dương Tạp chí còn có một mục đích chính trị là tuyên truyền cho chính sách bảo hộ của người Pháp. Một số nhà nghiên cứu nhận định có hẳn hai phía trong  Đông Dương Tạp chí: (1) Đối với người sáng lập Schneider và những người Pháp đứng sau tờ báo thì mục tiêu chính trị là quan trọng nhất; (2) Đối với những người Việt Nam cộng tác, đứng đầu là Nguyễn Văn Vĩnh, cũng muốn dùng tờ báo để tuyên truyền cho việc duy tân đất nước và xây dựng một nền văn học mới.

Bìa ‘Đông Dương Tạp chí’

Về hình thức, ở đầu trang nhất, dưới tên Đông Dương Tạp chí có dòng chữ “Edition spéciale du ‘Lục tỉnh tân văn’ Pour le Tonkin et L’ Annam” (ấn bản đặc biệt của Lục tỉnh tân văn ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ), tiếp đó là dòng chữ Đông Dương Tạp chí bằng chữ Hán, theo sau là phần mục lục được đặt ở phía lề bên trái.

Sau gần 5 năm tồn tại, người ta có thể tóm lược những giai đoạn phát triển của tờ báo gồm:

(1) Hai năm đầu 1913-1914, Đông Dương Tạp chí cung cấp nội dung khá phong phú về mọi mặt trong đời sống xã hội lúc bấy giờ và đồng thời xây đắp một nền quốc văn mới qua các mục như Thời sự tổng thuật, Điện báo, Quan báo lược lục, Đông Dương thời sự, Nhời đàn bà, Tự do diễn đàn, Việc buôn bánSách dạy tiếng An-nam.

(2) Năm 1915 trở đi, tờ báo đã có một bước ngoặt lớn với nội dung dịch thuật và đăng tải các tư tưởng học thuật và đặc biệt chú trọng đi sâu vào đề tài văn chương với các tiết mục như Gương phong tục, Chuyện Hoa tiên, Kim Vân Kiều, Bình phẩm sách mới, Văn Nôm cổ Văn Nôm đàng trong.

Đông Dương Tạp chí

Chủ bút Đông Dương Tạp chí, Nguyễn Văn Vĩnh, bút hiệu Tân Nam Tử, là một học giả nổi tiếng với câu nói: “Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ” (trong lời tựa cuốn Tam quốc chí của Phan Kế Bính, xuất bản năm 1909). Ban biên tập gồm nhiều cây bút có tâm huyết như Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Phạm Duy Tốn… tờ báo còn có tham vọng truyền bá tư tưởng Âu Tây qua những tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài, phần đông là của nước Pháp.

Để ghi nhớ công lao xây dựng văn hóa Pháp-Việt, chính phủ Pháp đã hai lần ban tặng cho Nguyễn Văn Vĩnh Bắc đẩu Bội tinh. Tuy nhiên, cả hai lần ông đã từ chối, Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên khước từ danh hiệu này. Tuy nhiên, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông vẫn bị Việt Minh kết tội “làm tay sai cho Pháp”, “bồi bút”, “bán nước”… 

Có giai thoại kể rằng khi bị gán cho cái tội “bán nước”, Nguyễn Văn Vĩnh đã trả lời: “Nước mất từ khi tôi chưa ra đời thì sao lại có tội… bán nước!” Nguyễn Văn Vĩnh được coi như là Thủy tổ Nhà báo Bắc Kỳ, ông còn là người sáng lập nhà in đầu tiên ở Hà Nội, xuất bản cuốn Truyện KiềuTam Quốc Chí

Cũng trong năm 1913, Schneider còn phát hành tờ Trung Bắc Tân văn và cũng giao cho Nguyễn Văn Vĩnh phụ trách. Lúc đầu, ra hàng tuần vào ngày Chủ nhật; từ tháng 10/1915 ra một tháng 2 kỳ, sau đó nâng lên 3 kỳ và cuối cùng là tờ báo ra hàng ngày duy nhất phát hành rộng khắp Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

Chính quyền bảo hộ khai thác tờ Trung Bắc Tân văn như một diễn đàn chính trị-xã hội phục vụ cho chế độ thuộc địa, nhưng nó cũng trở thành một môi trường hoạt động văn hóa thu hút nhiều cây bút nổi tiếng đương thời. Tờ báo tồn tại đến tháng 4/1941 mới đình bản, tổng cộng 7.265 số, được coi là một trong những tờ báo ra được nhiều số nhất. Sau khi Nguyễn Văn Vĩnh mất năm1936, người kế tục là Nguyễn Văn Luận và Phạm Huy Lục.

Trung Bắc Tân văn

Với chủ trương “trực trị”, Nguyễn Văn Vĩnh ra mặt chống chính phủ Nam triều và cực lực phản đối chủ trương “lập hiến bảo hoàng” của Phạm Quỳnh [2] với tờ Nam Phong tạp chí. Đây là một nguyệt san, kích thước 19 x 27,5 cm, với số ra mắt ngày 1/7/1917 và đến tháng 12/1934 thì đình bản, tổng cộng kéo dài 17 năm và 210 số.

Việc thành lập tạp chí Nam Phong là chủ trương của chính phủ Liên bang Đông Dương do Toàn quyền Albert Sarraut đề xướng với mục tiêu đẩy mạnh vai trò văn hóa và chính trị của nhà nước bảo hộ nên kinh phí của báo là do chính phủ trang trải.

Tạp chí Nam Phong ra đời với sự giám sát của Louis Marty, Giám đốc Phòng an ninh và chính trị Đông Dương, Thượng Chi (Phạm Quỳnh) vừa đứng tên Chủ nhiệm lẫn Chủ bút, khi đó ông mới 25 tuổi, ngoài ra còn có Tiêu Đẩu (Nguyễn Bá Trác) làm Chủ biên phần chữ nho.

Phải nhìn nhận đây là tạp chí đã góp phần vào việc truyền bá chữ quốc ngữ trong buổi giao thời tại miền Bắc. Nam Phong cũng là một trong những tạp chí Việt Nam đầu tiên đăng nhiều bài văn, thơ, truyện ngắn, phê bình văn học, và tài liệu lịch sử bằng quốc ngữ.

Bìa 'Nam Phong Tạp chí'

Phạm Quỳnh đã để lại một câu nói hàn súc, không những đánh giá giá trị nhân bản và nghệ thuật mà còn nói lên một tinh thần yêu nước cao độ của một học giả: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Ngay trong số 1 (tháng 7/1917) Nam Phong Văn học-Khoa học tạp chí, Phạm Quỳnh đã viết Mấy nhời nói đầu giới thiệu nội dung tạp chí mới xuất bản, ông cảm xúc thốt lên: “Ôi! trong sách có câu: Gió phương nam ấm áp, khá lấy giải được cái lòng hờn giận của dân ta! Ước gì bản báo cũng khiến được các bạn đọc báo có cái cảm giác như cái cảm giác gió Nam Phong! Bởi thế, đặt tên báo.”

Phạm Quỳnh đã đặt tên báo dựa vào bài phong dao Nam Phong ca tương truyền do vua Thuấn sáng tác trong Kinh Thi:

Nam Phong chi huân hề        
Khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề.         
Nam phong chi thời hề           
Khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề

Dịch:

Gió Nam mát mẻ vậy thay
Giải tan sầu muộn bao ngày của dân
Gió Nam thổi đúng lúc cần
Sẽ mang phú quí cho dân lâu dài.

Trong bài viết Quốc học và chính trị trên báo Nam Phong (số 165, năm1921) ông nói rõ hơn: “Gầy dựng, tổ chức một nền tản văn thích hợp với đời nay, và có cốt cách An Nam, vừa có thể cách tân thời đủ dùng để diễn được các tư tưởng mới, đó là cái cấp vụ hiện nay, mà là cái đường thứ nhất trong việc gầy dựng một nền quốc học sau này vậy… Nhà văn muốn thờ nước không có cái phương tiện nào hay bằng giúp cho nước nhà có một nền quốc văn xứng đáng. Đó là chủ nghĩa của tôi bấy lâu nay, mà là cái tín điều thứ nhất trong đạo quốc gia của tôi vậy”.

Nam Phong Tạp chí

Bút hiệu Thượng Chi của ông, theo giáo sư Tôn Thất Quy, là trích từ ba câu trong bài thơ “Trữ”, thiên Tề Phong, Kinh Thi, cũng nói lên cái ý trên:

Thượng chi dĩ quỳnh hoa hồ nhi
(Lại có thêm đá quỳnh hoa che khuôn mặt (xinh đẹp của cô gái)
Thượng chi dĩ quỳnh vinh hồ nhi
(Lại có thêm đá quỳnh vinh che mặt)
Thượng chi dĩ quỳnh anh hồ nhi
(Lại có thêm đá quỳnh anh che mặt)

Như vậy, bút hiệu Thượng Chi với ý “lại có thêm, cần có thêm tức thu nhập thêm những cái hay đẹp của các nền văn minh khác (các loại quỳnh – Quỳnh cũng là tên của ông, một cách chơi chữ tế nhị) bên cạnh bản sắc dân tộc đáng quý của chúng ta (khuôn mặt xinh đẹp của cô gái)”.

Nam Phong Tạp chí
(Được đóng thành tập – Quyển 1, từ số 1 đến 6)

Tạp chí Nam Phong có giá 4 hào tiền Đông Dương, in tại Đông Kinh Ấn quán số 14-16 Rue du Coton, Hà Nội. Tiền thân của Nam Phong Tạp chí chính là Âu châu chiến sử viết bằng Hán tự được phủ Toàn quyền Pháp xuất bản và phát không tại Trung Hoa nhằm chống lại thế lực và tố cáo tội ác của phát xít Đức. Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Trác đã viết cho báo này. Về sau phủ Toàn quyền bàn với ông mở ra một bản tiếng Việt nên Nam Phong mới xuất hiện.

Nam Phong Tạp chí có sự góp mặt của một số cây bút nổi tiếng như Tiêu Đẩu (Nguyễn Bá Trác), Đông Hồ (Lâm Tấn Phác), Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu), Mân Châu (Nguyễn Mạnh Bổng), Tung Vân (Nguyễn Đôn Phục), Đông Châu (Nguyễn Hữu Tiến), Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Tương Phố, Dương Quảng Hàm… Báo phát hành tổng cộng hơn 210 số, mỗi số hơn 400 trang và đó là một số lượng tư liệu văn học đồ sộ cho những nhà nghiên cứu.

Ba nhà báo Bắc Kỳ: Phạm Duy Tốn, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh
(Hình chụp tại Paris, 1922)

***

Chú thích:

[1] Ngyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) là nhà báo, nhà văn, dịch giả đồng thời là nhà chính trị vào đầu thế kỷ 20. Khi viết bài, ông ký nhiều bút danh: Tân Nam Tử, Quan Thành, Tông Gia, Lang Gia, Mũi Tẹt Tử, Đào Thị Loan....

Ông sinh ngày 15/6/1882 tại Hà Nội trong một gia đình nghèo nên phải đi chăn bò từ nhỏ và sau đó làm công việc kéo quạt làm mát cho một lớp dạy làm thông ngôn, nhờ đó học lóm được tiếng Pháp. Được hiệu trưởng D’Argence chú ý và nâng đỡ, đến kỳ thi tốt nghiệp, ông được phép dự thi cùng với 40 học sinh khác, và đã đỗ thứ 12 khi mới 10 tuổi. Ông được cấp học bổng để theo học trường thông ngôn (Collège des Intreprêtes) niên khóa 1893-1896, và đã đỗ thủ khoa.

Năm 1896, Nguyễn Văn Vĩnh làm thông ngôn ở Tòa sứ Lào Cai khi mới 15 tuổi. Năm 1902-1905, ông chuyển về Tòa sứ Hải Phòng và Bắc Giang. Thời gian này ông làm cộng tác viên cho tờ Courrier d’Hai Phong (Thư tín Hải Phòng) và tờ Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương).

Được Công sứ Bắc Giang Hauser đánh giá rất cao về tài mẫn tiệp và khả năng nói tiếng Pháp nên đặc cách cho ông làm Chánh văn phòng. Khi viên quan này được cử làm Đốc lý Hà Nội, ông cũng được đi theo. Dưới thời Toàn quyền Beau, nhờ sự giúp đỡ của Hauser, Nguyễn Văn Vĩnh cùng với các bạn đồng chí hướng, lần lượt làm đơn xin thành lập Hội Trí Tri (Hà Nội), Hội Dịch sách, Hội giúp đỡ người Việt đi sang Pháp du học, Đông Kinh nghĩa thục (ông là người thảo điều lệ, viết đơn xin phép, và sau đó là giáo viên tiếng Pháp của trường).

Lo ngại đường lối hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục, người Pháp ra lệnh đóng cửa trường vào tháng 11/1907. Sau đó, họ bắt giam Phan Chu Trinh, là một trong số giáo viên của trường. Nguyễn Văn Vĩnh cùng với bốn người Pháp đồng ký tên đòi thả Phan Chu Trinh. Việc làm này cùng với việc cho đăng báo bài Đầu Pháp chính phủ thư của Phan Chu Trinh (dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, rồi cho đăng ở phụ trương tờ Đăng cổ tùng báo), khiến Nguyễn Văn Vĩnh bị chính quyền thực dân gọi lên đe dọa.

Năm 1908, ông được bầu vào Hội đồng thành phố Hà Nội. Cùng năm này, ông xin ra tờ Notre Journal (Nhật báo của chúng ta). Năm 1910, ông xin ra tờ Notre Revue (Tạp chí của chúng ta). Báo này ra được 12 số. Cùng năm đó, ông vào Sài Gòn vào làm cố vấn cho tờ Lục tỉnh tân văn.

Năm 1932, ông đi dự họp Đại Hội đồng Kinh tế Tài chính Đông Dương tại Sài Gòn. Trong một buổi họp, ông đã thay mặt giới doanh nghiệp phản đối việc chuyển đồng tiền Đông Dương từ ngân bản vị sang kim bản vị, vì có lợi cho ngân hàng Pháp, nhưng lại có hại cho nền kinh tế Đông Dương. Khi đang họp thì Nguyễn Văn Vĩnh nhận được trát của tòa án đòi tịch biên toàn bộ gia sản. Tháng 3/1936, Nguyễn Văn Vĩnh quyết định đi tìm vàng để trả nợ, ông sang Sê Pôn (Lào) với một người Pháp có tên là A. Climentte cũng đang ngập nợ vì làm ăn thua lỗ.

Ngày 1/5/1936, người ta tìm thấy thi thể Nguyễn Văn Vĩnh trên con thuyền độc mộc, một tay cầm bút và tay kia cầm quyển sổ ghi chép Một tháng với những người tìm vàng tại dòng sông Sê Băng Hiêng (tên một nhánh của sông Sê Pôn, Lào). Nhà cầm quyền loan báo: Nguyễn Văn Vĩnh chết ngày 2/5/1936 (lúc ấy, ông 54 tuổi). Sau đó, thi hài Nguyễn Văn Vĩnh được đưa về Hà Nội để cử hành tang lễ trong 3 ngày, từ 6 đến 8/5/1936. Tại buổi lễ tang, đông đảo giới báo chí của cả ba kỳ đã đến tiễn đưa ông dưới dòng chữ: “Kính viếng Ông Tổ của nghề báo”.

Đám tang Nguyễn Văn Vĩnh, ngày 8/5/1936

Những tác phẩm nổi bật của Nguyễn Văn Vĩnh:

  • Xét tật mình (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 6)
  • Phận làm dân (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 48)
  • Chỉnh đốn lại cách cai trị dân xã (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 61)
  • Nhời đàn bà (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 5)
  • Hương Sơn hành trình (Hành trình thăm chùa Hương, đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 41 đến 45)
  • Một tháng với những người tìm vàng (viết dở dang). 
Dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt:

  • Thơ ngụ ngôn của La Fontaine (Fables de La Fontaine)
  • Truyện trẻ con của Perrault (Les contes de Charles Perrault).
  • Mai nương Lệ cốt (Manon Lescaut), tiểu thuyết của Abbé Prévost.
  • Ba người ngự lâm pháo thủ (Les trois mouquetaires), tiểu thuyết của Alexandre Dumas.
  • Những người khốn khổ (Les Misérables), tiểu thuyết của Victor Hugo.
  • Miếng da lừa (La peau de chagrin), tiểu thuyết của Honoré de Balzac.
  • Guy-li-ve du ký (Les voyages de Gulliver), truyện của Jonathan Swift.
  • Tê-lê-mặc phiêu lưu ký (Les aventures de Télémaque), truyện của Fénélon.
  • Bốn vở kịch của Molière: Trưởng giả học làm sang (Le Bourgeois Gentilhomme), Giả đạo đức (Le misanthrope), Người bệnh tưởng (Le malade imaginaire), Lão hà tiện (L'avare).

Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp:

  • Kim Vân Kiều tân dẫn Pháp văn (tức Truyện Kiều của Nguyễn Du). Đăng từng kỳ trên Đông Dương tạp chí' từ số 18 trở đi. 
Dịch từ chữ Hán sang tiếng Pháp:

  • Tiền Xích BíchHậu Xích Bích, đăng trên Đông Dương tạp chí, lớp mới, số 66-68.

Nguyễn Văn Vĩnh

[2] Phạm Quỳnh (1892 - 1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân.

Ông quê ở làng Lương Ngọc, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nhưng sinh ở Hà Nội. Mồ côi mẹ từ 9 tháng tuổi, mồ côi cha từ khi lên 9 tuổi. Sau khi đỗ đầu bằng Thành chung, tốt nghiệp Trường trung học Bảo hộ (tức trường Bưởi, còn gọi là trường Thông ngôn), năm 1908, Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội.

Ông làm chủ bút Nam Phong tạp chí từ năm 1917 đến năm 1932, tuyên truyền cho tư tưởng Pháp Việt đề huề. Cũng trong thời kỳ 1924-1932, ông còn là giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội. Ông còn là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến đức mà ông tham gia sáng lập và Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ. Năm 1922, ông đã sang Pháp dự Hội chợ triển lãm Marseille rồi diễn thuyết ở cả Ban Chính trị và Ban Luân lý Viện Hàn lâm Pháp.

Cuối năm 1932, ông vào Huế tham gia chính quyền Bảo Đại, thời gian đầu làm Ngự tiền Văn phòng, sau đó làm Thượng thư Bộ Học và cuối cùng giữ chức vụ Thượng thư Bộ Lại (1944-1945).

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, ông về sống ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường bên bờ sông đào Phủ Cam. Ông bị bắt ngày 23/8/1945 và giam ở lao Thừa Phủ, Huế và bị Việt Minh giết sau đó cùng với nguyên Tổng đốc Quảng Nam Ngô Đình Khôi (anh ruột Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi). Di hài ông được tìm thấy năm 1956 trong khu rừng Hắc Thú, và được cải táng ngày 9/2/1956 tại Huế, trong khuôn viên chùa Vạn Phước.

Gần đây, tại Việt Nam bắt đầu có sự đánh giá công bằng hơn. Từ điển Văn học bộ mới (2004) coi ông là người có tinh thần dân tộc, ôm ấp một chủ nghĩa quốc gia theo xu hướng ôn hòa, lấy việc canh tân văn hóa để làm sống lại hồn nước. Kể từ năm 2000, nhiều tác phẩm của Phạm Quỳnh đã được xuất bản tại Việt Nam.

Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, con trai của học giả Phạm Quỳnh, vào mùa thu năm 1945, Hồ Chí Minh đã nói với hai người chị của ông là Phạm Thị Giá và Phạm Thị Thức rằng: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng” [!]

Một số tác phẩm chính:

  • Văn minh luận
  • Ba tháng ở Paris
  • Văn học nước Pháp
  • Chính trị nước Pháp
  • Khảo về tiểu thuyết
  • Lịch sử thế giới
  • Lịch sử và học thuyết Voltaire
  • Phật giáo đại quan
  • Cái quan niệm của người quân tử trong Đạo Khổng
  • Thượng Chi Văn tập (gồm 5 quyển, Nhà xuất bản Alexandre de Rhodes, Hanoi, ấn hành năm 1943).
Phạm Quỳnh, 1930

(Còn tiếp)

***
 (Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

5 nhận xét:

  1. Cứ vững tâm theo cách mạng. Thành công cách mạng sẽ vắt Chanh bỏ vỏ. Nghe lời ông cụ chỉ có chết.

    Trả lờiXóa
  2. cháu chào chú!
    thưa chú, cháu đang làm tiểu luận dịch thuật trên báo chí giai đoạn cuối thế kỷ XIX - 1945. Ở trên bài viết chú có nói Trung bắc tân văn tồn tại đến tháng 4-1941 thì đình bản.
    cháu có xem những tài liệu khác có ghi: Khi Trung Bắc tân văn đóng cửa, tuần báo này đổi tên là Trung Bắc chủ nhật, người đứng chủ trương là Nguyễn Doãn Vượng;
    chú cho cháu hỏi giữa hai tờ này có phải là một không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về Trung Bắc Tân văn, Trung Bắc Chủ nhật và Nguyễn Doãn Vượng cháu có thể tham khảo thêm hồi ký "Bốn mươi năm nói láo" của Vũ Bằng tại:
      http://4phuong.net/ebook/12475232/15759287/p3-3-trung-viet-tan-van.html

      http://lmvn.com/truyen/index.php?func=viewpost&id=BitzAhwHzVkiyj2CRuCMDKDEXMdeMsfu

      Xóa
  3. Chú ơi cho cháu hỏi chú có nguồn nào về dịch thuật trên Nam Phong tạp chí không ạ? Cháu đang tìm hiểu mà thấy họ ít nghiên cứu quá.

    Trả lờiXóa
  4. Xin phép anh Chính cho tôi đăng lại loạt bài này ở: https://nuocnha.blogspot.com

    Trả lờiXóa

Popular posts