Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Đọc “Bên Thắng Cuộc” (1) – về tác giả Huy Đức



Bìa sách “Bên Thắng Cuộc”

Khi Sài Gòn thất thủ, tác giả cuốn sách Bên Thắng Cuộc chỉ mới 13 tuổi, lúc đó còn ở tít tận một vùng quê nghèo đói miền Bắc dưới Xã hội Chủ nghĩa. Huy Đức tâm sự trong Mấy lời của tác giả ngay phần đầu trang sách:

“Cuốn sách này bắt đầu bằng những câu chuyện xảy ra trong ngày 30-4-1975. Ngày mà tôi, một cậu bé mười ba, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”. Thay vì tiếp tục ăn thua, chúng tôi buông nhau ra.

Miền Nam, theo như những bài học của chúng tôi, sẽ chấm dứt “hai mươi năm rên xiết lầm than”. Trong cái thời khắc lịch sử ấy, trong đầu tôi, một sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, xuất hiện ý nghĩ: phải nhanh chóng vào Nam để giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối”.

Có thể coi như đó là lời giải thích tại sao cuốn sách vừa xuất bản vào một ngày có những con số rất đẹp, 12/12/12, tại Hoa Kỳ, lại mang tên Bên Thắng Cuộc… Theo ý nghĩ của cậu bé Huy Đức, cần phải “nhanh chóng vào Nam“giáo dục các bạn thiếu niên lầm đường lạc lối”.

Cũng có thể tựa đề của cuốn sách lấy ý từ cuộc vật lộn ở ven đồi giữa những cậu học sinh mà tác giả nói đến ở trên: đánh nhau thì thế nào cũng có kẻ thắng, người thua. Và như vậy là cậu Bắc thắng cậu Nam

Huy Đức viết trên Facebook: “Mình đặt tên sách là Bên Thắng Cuộc, lại còn đề dưới hai câu thơ của Nguyễn Duy, “Nghĩ cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh/Phe nào thắng thì nhân dân đều bại”, vậy mà còn rất nhiều bạn xưng là “bên thắng cuộc”, nhiều bạn xưng là “bên thua cuộc”. Khi viết, tôi cứ tưởng các bạn là nhân dân”

Osin Huy Đức trả lời comments trên Facebook
(ảnh chụp lúc 19g ngày 19/12/12)

Theo ý tôi, tựa đề Bên Thắng Cuộc vẫn mang chút mỉa mai không thể chối cãi. Càng đọc ta càng thấy tính cách mỉa mai ngày càng đậm nét và điều đó cũng khiến người đọc, nhất là những người thuộc “bên thua cuộc”, thấy tính hấp dẫn của từng trang sách. Và đó cũng là lý do khiến sách bị các nhà xuất bản ở Việt Nam từ chối.  

Một số trí thức khoa bảng ở ngoài nước đã lên tiếng ca ngợi Bên Thắng Cuộc, ý kiến của họ được trang trọng đưa lên ở phần đầu cuốn sách.

“Bên Thắng Cuộc của Huy Đức là quyển sách hay nhất về lịch sử Việt Nam sau 1975 mà tôi được biết.” – Trần Hữu Dũng, Đại học Wright, Ohio, USA

“Bên Thắng Cuộc là tác phẩm ‘thực’ nhất, cho đến thời điểm này, ghi lại một giai đoạn lịch sử khốc liệt, thông qua tư liệu, của dân tộc từ biến cố 1975 đến nay.” – Đinh Quang Anh Thái, Nhật báo Người Việt, California, USA

“Cuốn sách phân tích tình hình Việt Nam từ năm 1975 - của một nhà báo sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản - một cách chuyên nghiệp và công bằng hiếm có. Nó là một kho tàng dữ liệu quý báu, có thể làm ngạc nhiên cả những chuyên viên theo dõi chính trị Việt Nam trong nhiều thập niên qua.” – Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason, Virginia, USA

Nhận xét từ trong nước:

“Cuốn sách này nói về những sự thật khốc liệt, nhưng vì rất trung thực nên nó khiến ta bình tĩnh hơn trong thế giới và giữa đất nước khốc liệt ngày nay.” – Nguyên Ngọc, Đại học Phan Châu Trinh, Hội An, Việt Nam

"Huy Đức viết công trình khảo cứu lịch sử đặc sắc này với lương tâm trong sáng và tay nghề lão luyện của một nhà báo chuyên nghiệp có trách nhiệm trước vận mệnh của đất nước. Có công minh lịch sử mới có hòa giải dân tộc thưc sự" – Chu Hảo, Nhà Xuất bản Tri Thức, Hà Nội, Việt Nam

Sẽ là điều bình thường một khi có khen thì cũng xuất hiện những dư luận trái ngược, đặc biệt trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

“Mũ Xanh” Phạm văn Tiền: “Quyển sách ‘Bên thắng cuộc’ của tác giả Huy Đức là những viên thuốc đắng có bọc đường. Người đọc sẽ cảm nhận những tuyên truyền cho một chế độ gian ác, bên cạnh những quả bóng mù mờ, hư hư thực thực dễ dẫn dắt những người non nớt cả tin đi vào những điều không thật để rồi quên đi một quá khứ gian ác, đày đọa Quân, Dân, Cán, Chính QLVNCH qua mỹ từ “Học tập cải tạo”, tác giả kế luận “Hãy cẩn thận khi đọc quyển sách Bên Thắng Cuộc”.

Thanh Thủy viết trong bài Về Quyển Sách “Bên Thắng Cuộc” Tác giả Huy Đức, nêu lên một nghi vấn: “Liệu rằng Huy Đức nầy có gì khác hơn Vũ Thư Hiên, Bùi Tín không?” vì tác giả Bên Thắng Cuộc“một nhân vật Việt cộng có nhiều ‘Dây mơ rễ má’ với nhiều nhân vật số một của Bộ Chánh Trị và Ban Lãnh Đạo Trung Ương của đảng Cộng sản Việt Nam… Nếu một số anh em cho rằng quyển sách của anh ta có ghi lại nhiều điều hữu ích cho sự nghiên cứu lịch sử thì vâng, xin ghi nhận để làm tài liệu tra cứu, nhưng đã chắc gì sự thật đúng như thế”.

Ngô Kỷ trong bài viết Báo Người Việt chính thức làm ‘chó săn’ cho cộng sản tại Việt Nam, kêu gọi: “Xin quý vị quốc gia, phe ta, nhất là các vị cựu quân nhân chú ý, đừng để VC lường gạt. Guồng máy việt gian có tiền đã tung chiến dịch quảng cáo sách Huy Đức mà quý vị hời hợt đã tiếp tay cho họ…  Lại những cái vờ vịt kiểu Dương Thu Hương mà thôi…. phe ta cứ thấy vc thẩy cái gì là vồ lấy khen ngợi và không chú ý bọn chúng chỉ giả vờ ca tụng VNCH 3 điểm nhưng trong đó chúng sẽ mượn lời của những tên khác chửi chúng ta 30 điểm, và có 300 điểm để chúng biện minh những sai quấy của đảng CS!”.


Trang Facebook của Huy Đức thông báo cuốn sách Bên Thắng Cuộc

Chúng ta tiếp tục đi theo dòng suy nghĩ của cậu bé Huy Đức lúc 13 tuổi: “… hình ảnh miền Nam đến với tôi trước cả khi tôi có cơ hội rời làng quê nghèo đói của mình. Trên quốc lộ Một bắt đầu xuất hiện những chiếc xe khách hiệu Phi Long thỉnh thoảng tấp lại bên những làng xóm xác xơ. Một anh chàng tóc ngang vai, quần loe, nhảy xuống đỡ khách rồi đu ngoài cánh cửa gần như chỉ trong một giây trước khi chiếc xe rú ga vọt đi”.

Phi Long là một trong những hãng xe đò có tiếng ở miền Nam thường hay có viết thêm dòng chữ “Chạy Suốt” trên những chuyến xe liên tỉnh với các chú “lơ xe” ngổ ngáo như tác giả mô tả ở trên. Huy Đức hồi tưởng: “Hàng chục năm sau, tôi vẫn nhớ hai chữ “chạy suốt” bay bướm, sặc sỡ sơn hai bên thành xe. Cho tới lúc ấy, thứ tiếng Việt khổ lớn mà chúng tôi nhìn thấy chỉ là những chữ in hoa cứng rắn viết trên những băng khẩu hiệu kêu gọi xây dựng chủ nghĩa xã hội và đánh Mỹ”.

Cuộc chiến vừa qua để lại nhiều hậu quả khôn lường. Theo tôi, quan trọng hơn cả, tàn tích của nó còn ảnh hưởng sâu đậm đến những thế hệ kế tiếp thuộc cả “bên thắng cuộc” lẫn “bên thua cuộc”. Không chỉ một thế hệ kế thừa mà còn cả những thế hệ tiếp nối sau đó. Điều này khiến người đọc rùng mình. Tác giả Bên Thắng Cuộc cũng ý thức được tác động đó qua lời bộc bạch:

“Rất nhiều thế hệ, kể cả con em của những người đã từng phục vụ trong chế độ Việt Nam Cộng hòa, sau ngày 30-4-1975 đã trở thành sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Nhiều người không biết một cách chắc chắn điều gì đã thực sự xảy ra thậm chí với ngay chính cha mẹ mình.

Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ kể lại những gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, và về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để dành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc. Đây là công trình của một nhà báo mong mỏi đi tìm sự thật.”

Huy Đức

Ngày Sài Gòn đổi tên, cậu bé Huy Đức thuộc “bên thắng cuộc” còn tôi lúc đó đang là giảng viên khoác áo lính VNCH đứng về “bên thua cuộc” đang trong tâm trạng hoang mang, rối bời trước một khúc quanh lịch sử quá khắc nghiệt. Xin được tạm gọi Huy Đức bằng anh dù tuổi tác chúng tôi hơn nhau đến gần 20 năm.

Huy Đức, tên thật là Trương Huy San, sinh ngày 20/8/1962 tại Hà Tĩnh, hiện đang có học bổng Nieman Fellowship tại Đại học Havard (Boston). Anh đã từng có 8 năm tham gia trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó hơn 3 năm ở Campuchia, thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam với Khner Đỏ.  

Huy Đức viết văn khi còn khoác áo lính với vài truyện ngắn như Dòng sông cụt, Anh ấy sẽ trở về… ký tên Trương Huy San trên báo Văn nghệ Quân đội. Đồng hương Nguyễn Văn Lập viết về Huy Đức trên Blog Quê Choa: “Nó viết về cái thời duy ý chí làm thủy nông ở Nghệ Tĩnh, nghe lời Trương Kiện đào bới lung tung, giọng văn tưng tửng không hề xốc xỉa nhưng mà đau, đau lắm”.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân (tác giả những vần thơ Quê hương là chùm khế ngọt…) kể lại một giai thoại về Huy Đức qua bài viết Thôi thì đừng“lỡ lời” mãi nhé!:

“Năm 2006, nhà báo Huy Đức [lúc anh đang còn tại chức… nhà báo] ra Côn Đảo cùng hai nhà báo, một gốc Ấn và một Bosnia… Trong buổi sáng ấy có đến hai lần nhà báo Huy Đức kéo người hướng dẫn trẻ, chỉ xấp xỉ 25 tuổi, nhắc: “Em đừng dùng từ Mỹ – Ngụy, hãy dùng từ “Sài Gòn cũ“ hay “Chế độ Sài Gòn…”. Cậu hướng dẫn viên vẫn tiếp tục vấp vào hai từ “Mỹ – Ngụy”. Cậu gãi đầu phân trần: “Chỉ tại em quen miệng, không sửa được”. Tôi biết rõ khi phiên dịch cho hai cô nhà báo nước ngoài, Huy Đức không dùng hai từ ấy, dù anh xuất thân là một người lính của Quân đội Nhân dân - Bắc Việt Nam”.

Sau khi cởi bỏ áo lính, Huy Đúc làm việc ở báo Tuổi Trẻ [1], sau đó là các báo Thanh Niên, Diễn đàn Doanh nghiệp, Nông thôn Ngày nay, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Sài Gòn Tiếp thị.  Người ta biết đến Huy Đức trên báo Tuổi Trẻ khi anh là phóng viên phanh phui vụ Đường Sơn Quán, một địa điểm du hí của nhiều cán bộ cấp cao tại Sài Gòn sau 1975. Loạt bài điều tra về Đường Sơn Quán đã khiến số lượng phát hành của báo Tuổi Trẻ tăng vọt từ vài chục ngàn bản mỗi kỳ lên hơn 100.000 bản, kể từ đó giữ được mốc kỷ lục phát hành.

Sau khi sang làm việc tại Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, anh cũng có rất nhiều bài viết về các chính sách kinh tế của chính quyền, đặc biệt là loạt bài viết To như Bộ giao thông về các PMU (Project Management Unit – Đơn vị Quản lý Dự án) và Bộ giao thông Vận tải trước khi xảy ra vụ án ở PMU-18 vào đầu năm 2006. Kết quả là Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình phải từ chức và Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Việt Tiến bị bắt giam.

Sau thời gian 18 tháng điều tra, cơ quan công an đã truy tố Bùi Tiến Dũng (Tổng Giám đốc Ban Quản lý Các Dự án PMU-18) và 5 thuộc cấp, miễn truy tố trách nhiệm hình sự đối với Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, đồng thời khởi tố một số nhà báo và các cảnh sát viên điều tra vụ án này. Cho đến này, vụ PMU-18 vẫn còn nhiều uẩn khúc.

Cũng trong thời gian này, Huy Đức bắt đầu viết blog lấy tên là Osin, một cái tên mới trong kho từ vựng tại Việt Nam thời hiện đại để chỉ… “người đầy tớ” theo ý nghĩa “nhân dân làm chủ, cán bộ là đầy tớ”. Những vấn đề đặt ra trong blog đều nóng bỏng, nhậy cảm và hấp dẫn mà báo chí “lề phải” không bao giờ dám đụng đến. Blog Osin “ăn khách” đến độ có entry lên tới 400-500 comments [2].

Comments trên Facebook về ‘Bên Thắng Cuộc’

Bài viết Bẫy việt vị của Thủ tướng trên Facebook đã nhận được trên 500 comments (http://www.facebook.com/notes/osin-huyduc/b%E1%BA%ABy-vi%E1%BB%87t-v%E1%BB%8B-c%E1%BB%A7a-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng/454406024582631), được mở đầu bằng đoạn văn dưới đây:

“Ủy ban Tài chính của Quốc hội cần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước công bố danh sách các tổng công ty, tập đoàn nhà nước đã mở tài khoản và ồ ạt chuyển một lượng tiền lớn vào VietCapital Bank ngay sau khi con gái của Thủ tướng, bà Nguyễn Thanh Phượng, thôn tính ngân hàng này từ tên gốc của nó là Gia Định. Những con số ấy có thể là một ví dụ thú vị về “lợi ích nhóm” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới trong đợt kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương Bốn. Nhưng, quan trọng hơn, Quốc hội cần biết công cụ chủ đạo của nền kinh tế đang được sử dụng như thế nào”.

Tô Văn Trường, Blog Người Lót Gạch, bình luận: “Nhiều người hỏi độ tin cậy về bài viết này như thế nào? Tôi biết Huy Đức từ khi 2 anh em còn làm việc với ông Sáu Dân [Thủ tướng Võ Văn Kiệt]. Có thể hiểu anh thuộc típ người có tay nghề cao, tâm huyết, và đầy bản lãnh dù cuộc đời cũng lắm truân chuyên. Huy Đức luôn chịu trách nhiệm với những gì mình viết. Theo nguồn thông tin kiểm chứng riêng của tôi, các sự việc Huy Đức viết ra là đúng với sự thật! Đã làm việc chẳng ai tránh được các khuyết điểm. Đời người thật ngắn ngủi bất cứ ai rồi cũng về với cát bụi”.

Chuyển sang báo Sài Gòn Tiếp thị anh tiếp tục những bài viết phân tích về các chính sách của chính quyền, trong đó nổi bật là Đất đai không phải là chiến lợi phẩm (nói về việc sử dụng đất tại TP. Hồ Chí Minh sau ngày 30/4/1975) và Những chiếc ghế nóng (loạt bài phỏng vấn các bộ trưởng mới nhậm chức năm 2007)…

Tháng 8/2009 anh phải chia tay với Sài Gòn Tiếp thị vì lý do: “…toà soạn không cùng quan điểm với bài viết ‘Bức tường Berlin’ trên Blog Osin”. Bài viết này kể về câu chuyện kỷ niệm 20 năm sau ngày sụp đổ bức tường chia đôi nước Đức, bày tỏ một số nhận định bị cho là trái với quan điểm chính thống ở Việt Nam.

Trong bài viết Bức tường Berlin, Huy Đức đưa ra con số 1.374 người dân Đông Đức bị bắn chết khi trèo qua bức tường Berlin, con số này không dừng lại tại đó vì người ta vừa cho bổ sung vào danh sách này những người không phải là dân “vượt biên” mà là lính biên phòng Đông Đức. Hàng chục lính biên phòng Đông Đức đã tự sát thay vì chấp hành lệnh chính quyền bắn vào nhân dân, những người tìm kiếm tự do.

“Chỉ cần đến Bảo tàng Bức tường Berlin là có thể hiểu vì sao cả Đông Âu, tràn ngập xe tăng Liên Xô, thế mà vẫn đổ; có thể hiểu vì sao Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu lấy ngày “23 tháng Tám là ngày tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa Stalin và Phát xít”.

“Nếu như, chủ nghĩa Hitler chỉ kịp gây tội ác trong những năm tháng chiến tranh thì chủ nghĩa Stalin lại tiếp tục hủy hoại con người ngay cả khi không còn tiếng súng. Sự hy sinh của hơn 20 triệu người Liên Xô, sự anh dũng của các tướng lĩnh, của Hồng quân là vô cùng vĩ đại. Nhưng, sự hy sinh ấy của nhân dân đã bị những người như Stalin tước đoạt. Liên Xô, quốc gia đóng vài trò quyết định trong cuộc chiến chống Phát xít, thay vì được ghi nhớ như là “giải phóng quân” đã trở thành một lực lượng chiếm đóng và đã áp đặt lên Đông Âu một chế độ tước đoạt hết của con người những quyền căn bản”.

Có thể đoạn kết dưới đây của bài viết Bức tường Berlin mới khiến Sài Gòn Tiếp thị, dưới một sức ép nào đó từ bên ngoài, phải đi đến quyết định chấm dứt “hợp đồng lao động” với Huy Đức, mặc dầu bài này viết trên blog cá nhân:  

“Từng là một người lính ở Campuchia tôi hiểu, không có người lính nào sẵn sàng hy sinh nếu không nghĩ, sứ mệnh của mình là giải phóng. Nhưng, không chỉ những người đã nằm xuống, người lính thường kết thúc sứ mệnh sau khi buông súng, mà những việc có ảnh hưởng tới “các giá trị thiêng liêng” khi ấy mới thực sự bắt đầu. Một cuộc chiến không còn được coi là “giải phóng” nếu những gì mà nhân dân cuối cùng được hưởng không phải là độc lập tự do”.

Bức tường Berlin

Ông Trần Công Khanh, tổng thư ký tòa soạn Sài Gòn Tiếp thị, giải thích với đài BBC: “Cơ quan báo chí ở Việt Nam là công cụ, vậy thì làm sao người lao động lại có quan điểm khác với chủ lao động? Blog là quyền tự do, chúng tôi không can thiệp. Những bài anh viết trước đây, bên này không quan tâm. Nhưng khi anh bày tỏ thái độ khác, tờ báo lại là công cụ của nhà nước, hai bên phải thỏa thuận không thể làm việc với nhau nữa”.

Chuyện ngưng hợp đồng lao động của Huy Đức đã gây tranh luận không chỉ về một blogger nổi tiếng, mà còn về vị trí của người làm báo ở Việt Nam. Có người cho rằng hành động của báo Sài Gòn Tiếp thị là hình thức “tự kiểm duyệt” và cản trở quyền tự do phát biểu của nhà báo nói riêng, và người dân nói chung. Nhưng cũng có ý kiến ủng hộ quan điểm của tòa soạn, cho rằng người lao động không nên có những phát ngôn trái với quan điểm của tổ chức.

Điều đáng nói, Huy Đức không được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp về báo chí. Tất cả chỉ là mầy mò, học hỏi và tích lũy qua kinh nghiệm khi vào thực tế nghề báo. Đó cũng là điều người đọc cảm thấy “nể” khi đọc Bên Thắng Cuộc, một tổng hợp khối lượng thông tin và phỏng vấn khổng lồ trên trang sách.

Gữa nhà báo và nhà văn luôn có một khoảng cách. Nhà báo chỉ là người thu thập thông tin để phục vụ bài viết. Tuy nhiên, một nhà báo muốn trở thành nhà văn đòi hỏi một trình độ cao hơn: biết xử lý thông tin để tác phẩm của mình hấp dẫn người đọc. Tôi nghĩ, Huy Đức đã phần nào thành công trong cả hai vị trí “nhà báo - nhà văn” qua tác phẩm Bên Thắng Cuộc.


Huy Đức trong đời thường là một con người khác hẳn với những đề tài anh viết. Trên  Quê Choa, “Bọ” Lập kể về ngày mới quen biết Huy Đức, hơn 20 năm về trước: “Khi đó nó vừa rời quân ngũ, mình cũng thế. Nghe tin nó ra Hà Nội, thằng Nguyên (Phạm Xuân Nguyên) dắt mình đi gặp nó. Mới gặp hơi thất vọng, nó bắt tay mình, nói chào anh, cái bắt tay nhẹ không, lời chào cũng nhẹ không, chỉ có cái miệng cười tươi. Mà cũng chẳng biết nó có cười hay không nữa, có khi nó chỉ xòe bộ răng vẩu ra thôi, hi hi..”

Dưới mắt nhà văn Nguyễn Quang Lập, Huy Đức ngoài dáng vẻ rất nam tính, chẳng có nét gì “khả dĩ là đẹp trai” nhưng ánh mắt một khi nhìn ai “như hút hồn người ta, ấm áp và tin cậy, tin yêu và say đắm, gái chết như rạ cũng vì ánh mắt này đây”.

Giống như Phạm Xuân Nguyên, từ ngày vợ bỏ Huy Đức bỗng trở nên “đắt sô kinh khủng, ngồi đâu cũng thấy nó lúi húi reply tin nhắn đám chân dài, nhưng cũng chỉ thấy các em vè vè lượn quanh, không thấy em nào dám cắn câu, hoặc cắn hờ phát rồi bỏ chạy cả”.  

“Bọ” Lập kết luận: “Trông cái dáng lờ vờ, ngồi đâu cũng nhường phần sắc sảo cho người khác, ít ai mới gặp đã ấn tượng, chỉ khi nói chuyện cà chớn, trêu chọc nhau mới ló chút thông minh, còn thì như gà rù, nói chuyện như người đời sơ nói, ấy thế mà bất kì bài báo nào cũng đạt đến cái tầm khái quát cao, sức nghĩ sâu rộng, nếu không đủ độ để thán phục thì cũng không thể coi thường”.

Đúng như Nguyễn Quang Lập suy nghĩ, “viết những bài báo như Huy Đức cũng không ít người, cũng không ít người có thể viết hay hơn, nhưng có cái tâm sáng trưng như thằng Huy Đức để nói thẳng, nói to những điều tâm huyết như nó thì quả là hiếm”.

Một số người tán tụng cái “dũng” của Huy Đức nhưng chủ blog Quê Choa lại không nghĩ như vậy vì “nó có chống đối ai đâu mà nói đến cái dũng”. Bỗng nhớ đến câu của nhà thơ người Nga, Yevgeny Aleksandrovich Yevtushenko:

“Sống cái đời gì kì cục quá thôi
dám lương thiện với mình cũng đủ thành dũng cảm”.

Để trả lời câu hỏi liệu việc cho ra đời bộ sách Bên Thắng Cuộc có cản trở việc về thăm lại Việt Nam hay không, Huy Đức đã khẳng định trên Facebook: “Thời gian fellowship của tôi chỉ một năm, học xong tôi sẽ về Việt Nam luôn chứ không có ý định về… thăm bạn ạ”. Đó là lời giải đáp hay nhất cho nghi vấn về cái “dũng” của Huy Đức. Chúng ta sẽ có dịp kiểm chứng khi học bổng tại Hoa Kỳ của Huy Đức chấm dứt. Wait and see!

Câu trả lời của Huy Đức trên Facebook

(Còn tiếp)

===

Chú thích:

[1] Báo Tuổi Trẻ đã trải qua một chặng đường lịch sử đầy thăng trầm và có thể coi đây là một trong những dẫn chứng điển hình về một tờ báo Việt Nam ít nhiều có tầm vóc và chính kiến. Một số vụ kỷ luật được biết đến khá rộng rãi, thậm chí được đưa tin trên báo chí là:

  • Vụ kỷ luật, cách chức bà Vũ Kim Hạnh: Vụ kỷ luật lớn đầu tiên với báo Tuổi Trẻ vào năm 1992 khi bà Vũ Kim Hạnh, Tổng biên tập báo lúc đó bị xem là “phạm khuyết điểm” nghiêm trọng khi cho đăng một số tư liệu chưa được công bố liên quan đến đời tư của ông Hồ Chí Minh; trong đó có việc công bố các tư liệu về việc ông có vợ. Ông Lê Văn Nuôi, khi đó đang là Bí thư Thành Đoàn TP HCM, lập tức ra quyết định đình chỉ chức vụ Tổng biên tập của bà Hạnh và sau đó, ngay khi vừa dứt nhiệm kỳ ở Thành Đoàn, lập tức ông chính thức trở thành Tổng biên tập của tờ báo này. 
  • Vụ kỷ luật, chuyển công tác ông Lê Văn Nuôi: Vụ kỷ luật này là "cộng dồn án" của nhiều vụ sai phạm như vụ Tuổi Trẻ Cười in lại một biếm họa của tờ Thời báo Kinh tế Viễn đông (FEER) ngay trên trang bìa trong đó có các nhà tư bản nước ngoài quay trở lại Việt Nam và rải đầy đôla Mỹ trên bầu trời; trong đó có vụ làm tràn ly nước là công bố một thăm dò giới trẻ, trong đó kết quả cuối cùng cho thấy giới trẻ hâm mộ các thần tượng tư bản bên Hoa Kỳ như Bill Gates hơn các lãnh tụ.
  • Vụ truy tố phóng viên Lan Anh: Năm 2005, Tuổi Trẻ đã từng nếm mùi với loạt bài điều tra của nhà báo Lan Anh về công ty dược phẩm Zuellig Pharma đang lũng đoạn thị trường thuốc tây nhập khẩu. Do chính sách lúc bấy giờ của chính quyền là ủng hộ công ty nước ngoài và truy tố người viết báo, buộc tờ báo kỷ luật phóng viên này. 
  • Vụ kỷ luật hai Phó Tổng biên tập năm 2007: Từ ngày 14/8/2007, hai phó tổng biên tập của báo Tuổi Trẻ là Huỳnh Sơn Phước và Trương Quang Vĩnh đã mất chức, và thay thế họ là hai cán bộ trẻ của Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh dù họ chưa có kinh nghiệm làm báo. Sự kiện này sau đó đã gây ra phản ứng từ dư luận và cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt phải lên tiếng. Đây không phải là lần đầu báo Tuổi Trẻ bị thay đổi Ban Biên tập, Vũ Kim Hạnh và Lê Văn Nuôi là hai tổng biên tập Tuổi Trẻ trước đây cũng đã bị mất chức và đẩy ra ngoài ngành báo chí. Việc Thành đoàn áp đặt 2 thành viên mới của họ trám vào chỗ của Huỳnh Sơn Phước và Trương Quang Vĩnh nhằm tìm cách uốn nắn, đưa nó trở vào khuôn phép của báo đoàn thể địa phương, và cũng không phải lần đầu tiên cơ quan chủ quản chính thức của nó (Thành đoàn) cử người đến để nắm lại bộ máy biên tập.
  • Vụ kỷ luật hàng loạt liên quan đến đưa tin về PMU18: Vụ việc tiếp theo là hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên) bị bắt tạm giam ngay tại trụ sở cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an vào ngày 12/5/2008 vì các ván đề liên quan đến việc đưa tin vụ án PMU18. Sau đó ông Hải đã được thả ngay sau khi xét xử và thừa nhận có nhiều sai lầm trong quá trình tác nghiệp. Liên quan đến vụ việc này, ngày 1/08/08, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định tước thẻ nhà báo đối với bảy người đang làm việc tại bốn tờ báo khác nhau, trong đó, báo Tuổi Trẻ có hai người bị tước thẻ là ông Bùi Văn Thanh (bút danh là Bùi Thanh), Phó Tổng biên tập và ông Dương Đức Đà Trang, Trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Ông Thanh là người cực lực phản đối các động thái của pháp luật liên quan đến tờ báo và có hành vi chống đối một cách công khai khi cho thiết kế, in một poster có hình Nguyễn Văn Hải, dán ngay trước tòa soạn, các văn phòng và biến thành avatar trên các trang blog, trang mạng khác; đồng thời vận động mọi người làm việc này cùng mình. 
  • Vụ kỷ luật buộc thôi chức Tổng biên tập Lê Hoàng: Ông Lê Hoàng bị thôi chức Tổng biên tập và phải bàn giao cho cấp phó của mình từ ngày 1/1/2009 cùng ông Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập báo Thanh niên. Sự kiện này có phần liên quan và bắt nguồn từ những sai phạm trong quá trình đưa tin về vụ PMU18 song cũng là "cộng dồn" của nhiều vụ việc trước và sau đó. Đây là Tổng biên tập thứ tư rời Tuổi trẻ và là Tổng biên tập thứ ba của Tuổi Trẻ phải thôi chức khi đương nhiệm vì lý do liên quan đến kỷ luật. Người duy nhất không bị kỷ luật là ông Võ Như Lanh. 
Nhiều thế hệ phóng viên của Tuổi Trẻ đã tạo dấu ấn trên mặt báo và được bạn đọc yêu thích. Có thể kể đến các tác giả như Hàng Chức Nguyên (cây bút viết phóng sự về người nghèo trong xã hội), Thủy Cúc (chuyên mục Ký sự pháp đình), Cù Mai Công (phóng sự Saigon by night), Binh Nguyên (ký sự đường xa), Hoài Lê (thể thao), Cam Ly (quốc tế - đã định cư tại Mỹ)...

Cơ chế của báo cũng giống như làng báo Việt Nam, khá trì trệ và đã không bắt mạch được với những tiến bộ của môi trường làm việc xung quanh. Dù là tờ báo thuộc loại tiên tiến và có tiềm lực mạnh nhất làng báo Việt Nam, bào Tuổi Trẻ vẫn bị "chảy máu chất xám" nặng nề. Các nhân lực chủ chốt của Tuổi Trẻ đã lần lượt ra đi.

Tuổi Trẻ được xem như một "lò" đào tạo số một bởi một số phóng viên, biên tập viên của Tuổi Trẻ rời bỏ báo, lại trở thành lãnh đạo của các báo khác như Người lao động, Sài Gòn Giải phóng, Pháp luật TP HCM.

Có thể ghi nhận một số cuộc ra đi như:

  • Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, phóng viên ban kinh tế sang báo Người Lao động và sau trở thành Phó tổng biên tập phụ trách trị sự, rồi Tổng biên tập của báo trong nhiều năm, trước khi về làm chủ tịch Hội nhà báo TPHCM. 
  • Ông Võ Như Lanh, một trong những Tổng biên tập đầu tiên của báo (trước bà Vũ Kim Hạnh) đã sang báo Sài Gòn Giải phóng làm Phó Tổng biên tập. Sau khi ông Vũ Tuất Việt lên giữ chức Tổng biên tập Sài Gòn Giải Phóng thay ông Tô Hòa, ông Võ Như Lanh đã cùng một số người lập nên nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn, đưa nhóm này thành nhóm báo kinh tế tốt nhất ở Việt Nam. Ông cũng từng là chủ tịch Hội nhà báo TPHCM.
  • Khoảng 1993, nhóm Chánh Trinh Lý Quí Chung - Trần Trọng Thức, Họa sĩ Chóe, Tư Trời Biển Ngô Công Đức, Họa sĩ Minh Hạnh... chuyển sang tờ tuần báo Lao động Chủ nhật. Với hỗ trợ của Tổng biên tập Lao Động, ông Tống Văn Công, nhóm này đã biến tờ báo thành một hiện tượng của làng báo Việt Nam sau 1975.
  • Phó tổng biên tập báo Tuổi trẻ, ông Nam Đồng chuyển về làm Tổng biên tập báo Pháp luật TPHCM; đưa tờ báo này thành một trong những tờ bán chạy nhất ở Việt Nam.
  • Phó ban Thư ký Tòa soạn Lê Minh Đức sang báo Nông thôn Ngày nay và lập ra tờ Làng cười, một tuần báo trào phúng. 
  • Nhà báo Đặng Tâm Chánh rời báo Tuổi trẻ, sang làm việc tại Sài Gòn Tiếp thị và sau đó trở thành Tổng biên tập. Nhà báo Huy Đức rời báo sang Thời báo Kinh tế Sài Gòn, rồi nay làm việc cho báo Sài Gòn Tiếp thị. Các nhà báo Đỗ Trung Quân, Binh Nguyên... cũng đều lần lượt rời bỏ Tuổi Trẻ về làm việc cho báo Sài Gòn Tiếp thị (2008).

(Nguồn Wikipedia:

[2] Blogs của Osin Huy Đức:

  • Blog Osin:

  • Facebook Osin Huy Duc:

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người, Chương 10: Thời xuống lỗ)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

9 nhận xét:

  1. Em đem bài này về nha anh Chính .Em đã có đem về 2 bài viết về "Bên Thắng Cuộc" ,thêm bài này của anh nửa là bài thứ 3 .Hai bài kia theo lời viết của tác giả em có cài hình xưa vào cho sống động .Còn bài này của anh thì để em xem lại coi có thể cài hình xưa vào được hay không ,vì phần nhiều trong đây là bình luận ,ít dính dáng với thời gian để cài hình xưa .
    Ah 2 bài viết mà em đã đem về ,anh có xem qua chưa và thấy như thế nào ?

    Bài viết của anh Phi
    http://namrom64a.blogspot.com/2012/12/hoi-uc-cua-toibai-bo-xung-cho-ben-thang.html

    Bài viết của VŨ THỊ PHƯƠNG ANH
    http://namrom64a.blogspot.com/2012/12/oc-ben-thang-cuoc-nghi-ve-ben-thua-cuoc.html

    Trả lờiXóa
  2. Anh phân tích làm em hiểu rõ thêm về tác giả Huy Đức. Em cũng đang đọc Bên Thắng Cuôc, mới có 250 trang thôi mà em đã khóc mấy lần !

    Trả lờiXóa
  3. Tôi chưa đọc Bên Thắng Cuộc song nghe những lời bình của anh Chính của quê choa là thấy thích rồi

    Trả lờiXóa
  4. CHINH len Yahoo messenger noi chuyen choi

    Duan nguyen

    Trả lờiXóa
  5. tiếc rằng ở VN thì những thua cuộc lại tiếp thua vì chẳng biết tìm người thắng cuộc ở đâu

    Trả lờiXóa
  6. Thực ra phần nhiều trong số lượng thông tin khổng lồ của Huy Đức thì nhiều người đã biết.Tuy nhiên đc đầy đủ dẫn chứng và sắp xếp có hệ thống thì chỉ có Huy đức !

    Trả lờiXóa
  7. van but huy duc lai nhai co bay nhieu...xua qua roi ai ma ko biet, viet cong van ra viet cong thoi co gi la ma doc mat thoi gian, cho khong con dech them !

    Trả lờiXóa
  8. Xin phép anh Huy Đức cho tôi đăng lại loạt bài "Bên Thắng Cuộc" ở:
    https://nuocnha.blogspot.com
    Cảm ơn anh nhiều.

    Trả lờiXóa

Popular posts