Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Tân xuân khai… bàn phím

Ngày xưa, thuở còn dùng bút lông, cha ông chúng ta thường có lệ khai bút đầu năm mới, còn được gọi là “Tân xuân khai bút” hay “Khai bút tân xuân”. Vào thời chữ Nho thịnh hành, các cụ có thể viết đôi ba chữ trên giấy Hồng Điều hoặc Hoa Tiên, chẳng hạn như “Cung chúc tân xuân”, “Tân Xuân Đại Cát” hay đôi khi chỉ một chữ như “Nhẫn”, “Tâm” hoặc “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”…

“Tân xuân khai bút”

Phạm Phú Thứ [1] viết bài “Tân xuân khai bút” vào ngày đầu xuân Tết Tân Hợi 1851 khi ông bị đày đi cắt cỏ ngựa ở trạm Thừa Nông vì tội "phạm thượng", cũng chỉ vì dám khuyên vua Tự Đức siêng năng chăm lo việc triều đình. Nguyên bản bằng chữ Hán được ghi lại trong phần chú thích và dưới đây là bản dịch của Phạm Đình Nhân:

“Đêm trước sông hồ ngập gió đông
Khói lam quyện khóm trúc bên sông
Khuyên vua núi Ngự hai xuân trọn
Làm lính Hải Vân một trạm Nông
Mưa móc rộng ban ân nghĩa trọng
Càn khôn còn giữ một thân nồng
Đầu năm ghi lại đôi lời chúc
Khai bút đề xuân mượn giấy hồng”

Đến thời chữ Quốc ngữ, cụ Tam nguyên Yên Đổ [2] còn khai bút bằng một bài thơ ẩn chứa một nỗi lòng của giới nho học trước sự suy vong của văn hóa Khổng Mạnh:

“Tuổi thêm, thêm được tóc râu phờ,
Nay đã năm mươi, lẻ có ba
Sách vở ích gì cho tuổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già!
Xuân về, ngày loạn còn lơ láo,
Người gặp, khi cùng những ngẩn ngơ!
Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng?
Sao con đàn hát vẫn say sưa”.

Trải qua nhiều biến động của thời gian, thư pháp tiếng Việt xuất hiện để thay cho chữ Nho đã đi vào quên lãng. Tuy nhiên, thư pháp Việt vẫn giữ truyền thống bút lông, mực tàu và được thực hiện trên nhiều chất liệu như gỗ, đá, mành tre, tranh thêu ngoài  phương tiện chính là giấy.

Thư pháp trên tranh thêu

Thời bây giờ không còn dùng bút lông. Các loại bút khác như bút máy, bút nguyên tử cũng đang từ từ cáo chung để nhường cho bàn phím. Thế cho nên khái niệm khai bút phải thay đổi bằng “khai… bàn phím máy tính”.

Chúng ta đang ở vào thời đại kỹ thuật số, việc đầu năm “khai bàn phím” cũng có nhiều thay đổi nhưng tinh thần của việc “khai bút” vẫn vậy: ngoài việc cầu phúc cho bản thân, gia đình còn là những khắc khoải trong cộng đồng trước vận nước ngày một xấu đi.

Hai câu thơ xưa của Nguyễn Khuyến, “Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng? Sao con đàn hát vẫn say sưa”, cũng là tâm sự của một số người thời nay, trăn trở trước thời cuộc. Xã hội này phải chăng gồm toàn những “con hát”, từ người công dân cho đến quan chức.

Phường tuồng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài! Quan thì diễn trên sân khấu theo một kịch bản đã viết trước, chỉ cần thuộc tuồng và diễn thật hay, nói thật giỏi. Dân thì ngồi xem trước sân khấu, kẻ thì gật gù tán thưởng, người thì ngao ngán khi phải miễn cưỡng ngồi xem.   

Có những khán giả chỉ mong cho vở tuồng kết thúc sớm và hy vọng một luồng gió mới để thay đổi cuộc sống hàng ngày. Có những người lại mong được xem tiếp một vở tuồng khác hay hơn với những tình tiết “hỉ-nộ-ái-ố” hấp dẫn hơn. Lại có những ý kiến “phản động”… dẹp hết tuồng hát, cho đào kép về vườn…

Đại sứ Hoa Kỳ, Ted Osius, học khai bút đầu năm Bính Thân tại Hà Nội

Khai bút bàn phím năm nay tôi cũng tâm đắc với câu thơ của Phạm Phú Thứ: “Mưa móc rộng ban ân nghĩa trọng… Càn khôn còn giữ một thân nồng”.  Sử sách nhà Nguyễn có ghi:

“Khi Phạm Phú Thứ ở Hải Đông, hạt Quảng Nam, luôn năm đói kém, mà việc tuần phòng ở ngoài biển thì gạo cấm khá nghiêm, bèn thương lượng tạm bỏ điều cấm, hoặc quyền nghi cho thuyền chốn người Thanh, người Kinh chở gạo Bắc về Quảng Nam phân tán phát mại. Ông còn bỏ liêm bổng ra mua 1.000 phương gạo gửi về chia ra phát chẩn cho dân đói ở huyện hạt, nhân đó cứu sống được nhiều người, đến nay người vẫn nhớ"....

Theo nhiều sử gia, Phạm Phú Thứ là một nhà nho khi ra làm quan nhưng ông luôn hành xử một cách thanh liêm, cương trực nên được giới sĩ phu miền Trung hết lòng ngưỡng mộ. Xuất thân là một học trò nghèo, ông luôn chia sẻ nỗi vui buồn của ngư dân trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Câu đối Tết

Bài học về tính thanh liêm, thương dân và vị tha của Phạm Phú Thứ đến bây giờ ít ai còn nhớ. Vẫn biết nhắc lại Phạm Phú Thứ với đám quan quyền ngày nay chắc cũng chỉ là… nước đổ lá môn. Tuy vậy, vẫn phải nhắc. Đời người hữu hạn, chỉ có nhân đức mới trường tồn trong cái càn khôn của vũ trụ.

Đó chỉ là những tiếng vang giữa sa mạc. Biết đâu đấy, tiếng vang có thể lọt vào tai của vài người, chỉ vài người không hơn, không kém. Đó chỉ là một hạt cát giữa sa mạc mông mênh nhưng hạt cát đó nếu lọt vào giầy của ai đó chắc cũng khiến họ dừng bước xem cái gì đã vướng dưới chân.

Khai bút bàn phím đã hơi dài vì luồng tư tưởng của người viết cứ lan man đủ chuyện. Ngày xuân đã qua đi, chúng ta lại bắt đầu những ngày… thường. Một ngày như mọi ngày…



***
 Chú thích:

[1] Phạm Phú Thứ (1821–1882) là một đại thần triều nhà Nguyễn, và là một trong số người có quan điểm canh tân nước Việt Nam trong những năm nửa cuối thế kỷ 19. Đầu năm 1863, sau khi vua Tự Đức xét trong mấy điều khoản trong Hòa ước Nhâm Tuất còn có chỗ chưa thỏa, liền sung Phạm Phú Thứ làm Khâm sai vào ngay Gia Định, hội với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp để đàm phán với quan soái Pháp và quan đại thần nước Y Pha Nho (Tây Ban Nha).

Không hoàn thành nhiệm vụ, ông phải bị giáng một cấp. Tháng 5/1863, ông được cử làm Phó sứ, cùng với Chánh sứ Phan Thanh Giản và Bồi sứ Ngụy Khắc Đản, sang Pháp và Tây Ban Nha với nhiệm vụ xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Tháng 12/1881, Tây Ban Nha tặng khánh vàng hạng nhất, đồng thời gửi tặng khánh vàng cho các quan đại thần là Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Hoàng Diệu và Phạm Phú Thứ.

Năm Tự Đức thứ 35 (Nhâm Ngọ, 1882), Phạm Phú Thứ mất tại quê nhà "giữa những ngày u ám nhất của vận mệnh chế độ phong kiến nhà Nguyễn", thọ 61 tuổi. Nghe tin, vua Tự Đức thương tiếc ban dụ, trong đó có đoạn:

"Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi đông sang Tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối. Về việc trông coi Thương chính ở Hải Dương, khi tới nơi công việc đều có manh mối, sau này nên lấy đó noi theo. Những lưu dân, gian phỉ chứa ác ở Quảng Yên, Thứ tới kinh lý cũng được yên. Rồi mở đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa chu đáo, đó là công cán ngày thường rực rỡ đáng nêu. Gia ơn cho truy phục nguyên hàm Thự Hiệp biện Đại học sĩ và chuẩn cho thực thụ, cũng sắc cho địa phương tới tế một tuần".

Sinh thời, ông thường giao thiệp với các thi nhân có tiếng lúc bấy giờ như anh em Tùng Thiện Vương, Phan Thanh Giản, Trương Đăng Quế, Bùi Văn Dị… Dưới đây là nguyên tác bài “Tân xuân khai bút”:

新春開筆 

東風昨夜入江潭,
竹外晴流倦曉藍。
王闕春連屏嶺北,
鄉天在海雲南。
容身直是乾坤大,
殷節猶知雨露甘。
染翰喜捻新歲月,
紅箋題處起春蠶。

Tân xuân khai bút

“Đông phong tạc dạ nhập giang đàm,
Trúc ngoại tình lưu quyện hiểu lam.
Vương khuyết xuân liên Bình lĩnh bắc,
Phần hương thiên tại Hải Vân nam.
Dung thân trực thị càn khôn đại,
Ân tiết do tri vũ lộ cam.
Nhiễm hàn hý niệm tân tuế nguyệt,
Hồng tiên đ xứ khởi xuân tàm”.

[2] Nguyễn Khuyến (1835-1909), tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, tự Miễu Chi. Năm 1865, ông trượt thi Hội nên tu chí, ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám và đổi tên từ Nguyễn Thắng thành Nguyễn Khuyến, với hàm ý phải nỗ lực hơn nữa (chữ Thắng có chữ lực nhỏ, chữ Khuyến có chữ lực lớn hơn).

Đến năm 1871, ông mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên (Hoàng giáp). Từ đó, Nguyễn Khuyến thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Xã Yên Đổ, nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án Sát tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, ông thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau, ông bị giáng chức và điều về Huế, giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ toản tu Quốc Sử Quán. Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa thu năm 1884 và qua đời tại đây.

Nguyễn Khuyến là người có phẩm chất trong sạch, mặc dù ra làm quan nhưng nổi tiếng là thanh liêm, chính trực. Nhiều giai thoại kể về đời sống và sự gắn bó của Nguyễn Khuyến đối với nhân dân. Ông là người có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc sống và gắn bó với thiên nhiên.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 10 Chương:


1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

2 nhận xét:

  1. Chính thân mến,
    Tôi đọc chậm rãi đến hết bài "Tân Xuân khai...bàn phím". Trong khi đọc, tôi đã nhất quyết đọc kỹ lưỡng cho đến hết bài và tự bảo dù chuông ĐT có reo cũng mặc kệ, cứ để máy nhắn tin ghi bởi vì tôi biết bài nào anh viết cũng lôi cuốn tôi với lời văn giản dị nhưng rất thâm trầm hay đầy những nét trào lộng và nhất là rất thường có các chú thích (tôi dùng "chú thích" với nghĩa là reference, có đúng không?) chỉ cho người đọc những nguồn thông tin có giá trị liên quan đến nội dung của bài viết. Tôi rất mong trước khi anh viết "Thời Kỳ Xuống Lỗ" anh sẽ cho in tất cả những bài viết của anh thành sách để một ngày nào đó Bộ Giáo Dục Thứ Thiệt sẽ cho dùng làm sách giáo khoa để dạy sinh viên, học sinh viết luận văn.
    Bùi Dương Chi. Thầy giáo tiếng Anh. Trung Học Ban Mê Thuột. 1963-74. Giáo viên Anh Văn là Ngôn Ngữ thú Hai của Khu Học Chánh Fairfax, bang Virginia.1976-82. Giám Đốc Chương Trình Học Kỳ Hải Ngoại ở VN của Trường School for International Training, Brattleboro, Bang Vermont. 1992-2000.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin cám ơn những nhận xét của thầy. Riêng về việc ra sách, cuốn "Hồi ức Ban Mê" (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2014/11/hoi-uc-ban-me.html) được xuất bản tại Hoa Kỳ là do sự tài trợ của các bạn đồng môn nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường Trung học Ban Mê Thuột.. còn "Hồi ức một đời người" vì quá nhiều bài viết nên chắc không thể nào xuất bản được...

      Xóa

Popular posts