Xấu
xí nhất trong số 12 con giáp chắc chắn không con nào bằng con khỉ. Số phận của
loài khỉ thật hẩm hiu, ngay cả trong lĩnh vực ngôn ngữ cũng bị “kỳ thị”.
Để
tả một bộ mặt “khó ưa” người ta nghĩ ngay đến những câu như “Nhăn như khỉ” hay còn tệ hơn nữa: “Nhăn như khỉ gặp mắm tôm”. Để mắng mỏ,
rủa xả người ta dùng các cụm từ không mấy thanh cao: “Cái thằng… khỉ gió…”, “Mày
biết cái… khỉ khô gì?” hay “Vui cái…
khỉ mốc!”.
Tệ
hơn nữa là… “Trò khỉ”! Khi ai đó làm “trò khỉ” thì chắc chắn là một hình ảnh
không được đẹp mắt chút nào. “Trò khỉ”
có thể là những chuyện “trái tai, gai mắt”
hay thậm chí là những trò phạm đến “thuần
phong, mỹ tục”. Nói trắng ra là “chuyện
phòng the”… đúng là… “làm trò khỉ”!
Cái
tên “cầu khỉ” cũng chẳng có gì đáng
hãnh diện cho loài khỉ. Đó chỉ là những chiếc cầu tre (có thể làm bằng thân cây
dừa hoặc phi lao) bắc ngang sông rạch thường thấy ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua cầu cũng phải vịn vào những thanh tre, nếu không khéo có thể lọt tõm xuống
nước, ướt hết quần áo. Thật đúng là cầu chỉ dành cho khỉ hay leo trèo!
Cầu khỉ
Khỉ
mang tiếng quá nhiều nếu so với 12 con giáp. Lại nhớ đến cái Tết Mậu Thân năm
1968, con khỉ năm đó mang tính… “hiếu chiến”! Cứ tưởng Tết năm con khỉ thanh
bình như những năm khác, ai ngờ đó là một cái Tết mà hầu như khắp Miền Nam đều
vang tiếng súng thay tiếng pháo. Người chết, người bị thương… cửa nhà tan hoang
cũng vì… con khỉ!
Tại
Sài Gòn, những địa điểm bị tấn công là Dinh Tổng thống, Toà Đại sứ Mỹ, Đài phát
thanh, Bộ Tổng tham mưu và Phi trường Tân Sơn Nhất. Tại Huế hậu quả nặng nề hơn
sau 28 ngày giao tranh: 40% thành phố Huế bị phá hủy, 116.000 người mất nhà ở. Số
thương vong lên đến trên 4.000 quân mỗi bên.
Sau
trận Mậu Thân tại Huế, bắt đầu từ ngày 31/1/1968, và kéo dài tổng cộng 26 ngày,
hàng chục ngôi mộ tập thể được phát hiện trong thành phố Huế và những vùng phụ
cận. Ngoài số thương vong của lính tráng hai bên tham chiến còn biết bao nạn
nhân vô tội: từ phụ nữ, nam giới đến trẻ em và trẻ sơ sinh.
Theo
các báo cáo của VNCH, nhiều thi thể được tìm thấy ở tư thế bị trói buộc, bị tra
tấn và đôi khi bị chôn sống. Số liệu và thông tin cho đến nay vẫn chưa thống nhất
vì từ các nguồn khác nhau của cả hai bên. Đó là điều tất nhiên trong chiến
tranh.
Năm
Mậu Thân quả là một năm “xúi quẩy” khi con khỉ lên ngôi! Mậu qua đi, Bính ập tới,
không biết Bính Thân này khỉ có hoành hành như Mậu Thân hay không?
Loài khỉ vốn có “biệt danh” rất lạ: “khỉ đỏ đít”!
Sự tích “khỉ đỏ đít” được Từ điển Bách khoa Tri thức giải thích
theo dân tộc Dao. Đại khái như sau:
Có
người bị bầy khỉ đến phá hại mùa màng, theo lời khuyên của người lớn tuổi là lấy
cây cầy nung đỏ… Bọn khỉ thấy cái cầy thi nhau ngồi lên, vừa đặt đít xuống là
chúng nhẩy cẫng lên vì nóng. Con nọ tưởng con kia đùa nghịch nên cuối cùng con
nào cũng bị cháy đỏ đít. Kể từ đó, loài khỉ con nào cũng đỏ đít và những chỗ bị
cháy xém không tài nào mọc lông được! [1]
Cầu Trường Tiền bị sập vào Tết Mậu Thân tại Huế
Điều
oái oăm là loài khỉ, vượn, tinh tinh đều có những nét hao hao giống loài người!
Chúng thuộc loài có vú, sanh con, thường ở trong rừng, ưa nhảy nhót, đu chuyền
từ cây này sang cây khác, sống từng đoàn, thông minh hơn các thú vật khác nên
thường bắt chước loài người.
Cũng
vì thế, theo thuyết tiến hóa, khoa học khẳng định con người là do khỉ vượn sinh
ra tức là “thủy tổ của loài người”. Đạo Phật bác bỏ điều này mà chỉ xác nhận con
khỉ là một loài động vật cao cấp “gần giống” với con người. Chỉ có “nghiệp lực”
của con khỉ khi nó chết mới có thể sẽ “luân hồi”, “tái sanh” làm người!
Loài
khỉ sống thanh tịnh, trong sạch hơn các loài động vật khác, nhờ hành động sống
tự nhiên theo nghiệp nhân quả: “thiện” tạo thành nghiệp “thiện”. Dù vậy, khỉ vượn
ngàn đời cũng chỉ là khỉ vượn, còn người tiền sử tuy đời sống cũng giống như
loài khỉ vượn nhưng lại biết phát minh và sáng tạo nên mới “đứng thẳng bằng hai
chân” như chúng ta ngày nay.
Theo
Kinh Thánh lại khác. Thủy tổ loài người là ông Adam và bà Êvà, người nam và người
nữ đầu tiên do Chúa trời tạo dựng. Bắt đầu là việc Chúa nặn một người nam và một
số loài thú trong vườn Địa Đàng (Eden). Thú vật (kể cả loài khỉ vượn) không
giúp ích gì cho người nam nên Chúa mới lấy một khúc xương sườn của người nam để
tạo ra người nữ…
Adam
lại có tính “sợ vợ”, rất “nghe lời” vợ… nên mới cắn quả táo cấm. Thế là cả hai
bị đuổi ra khỏi vườn Địa Đàng để sống khổ sở, suốt ngày làm quần quật để lo
“cơm, áo, gạo, tiền”. Đến thế mà vẫn chưa yên thân vì xã hội ngày càng phân
hóa, lòng người ly tán, khổ sở trăm bề!
Sự tích thủy tổ loài người theo Công giáo
Phần
trên chỉ toàn chuyện xấu về khỉ! Sẽ không công bằng khi có sự thiên lệch nên
tác giả bài viết này cố tìm ra những “cái đẹp” của khỉ. Chẳng hạn như chuyện dấu
ấn đậm nét nhất của người Nhật tại Hội An là Chùa Cầu được các thương nhân người
Nhật góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17. Cũng vì thế Chùa Cầu còn được gọi
là cầu Nhật Bản dù kiến trúc mang đậm sắc thái Việt Nam.
Điều
đặc biệt ở hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một
đầu là tượng khỉ. Có người giải thích cây cầu xây từ năm Thân, hoàn tất năm Tuất
nên mới lựa hai con vật này để giữ cầu. Một số khác lại cho rằng khỉ và chó là
những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa.
Ngoài
tính tinh nghịch, láu lỉnh người ta còn tìm thấy con khỉ qua hình tượng của Tôn
Ngộ Không ở Trung Hoa và khỉ Hanuman theo sử thi Ãn Độ. Đó là những con khỉ đã
được phong “Thánh”, phong “Thần” làm rạng danh cả loài khỉ!
Tôn
Ngộ Không, còn được gọi là “Tề Thiên Đại
Thánh”, nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây du ký. Đây là một nhân vật giả tưởng có thể được xem như nổi tiếng
nhất trong văn học Trung Hoa. Qua hình dạng
một con khỉ, Tôn Ngộ Không cũng đồng thời là một pháp sư, nhà sư, thánh nhân và
chiến binh diệt trừ “yêu quái”.
Tây Du Ký thuật lại cuộc phiêu
lưu của Tôn Ngộ Không từ lúc mới sinh ra, đặc biệt là chuyện Tôn Ngộ Không theo
làm đệ tử của Tam Tạng để thỉnh kinh tại Tây Thiên (Ấn Độ). Một số học giả cho
rằng nhân vật Tôn Ngộ Không bắt nguồn từ truyền thuyết của Hanuman, một “anh
hùng khỉ” của Ấn Độ.
“Thần
khỉ” Hanuman là nhân vật chính trong hai bộ sử thi vĩ đại và lừng danh của Ấn Độ
là Ramayana và Mahabharata. Thần thoại Ấn Độ qua mấy ngàn năm không ngừng truyền tụng
các kỳ tích của Hanuman trong việc giúp vua Rama để rồi Hanuman sớm trở thành
“Thần”, một hình ảnh quen thuộc, phổ biến của mỹ thuật Ấn giáo.
Tất
cả những điều ấy đã hàng bao thế kỷ củng cố đức tin của người Ấn Độ rằng sùng
kính thờ phụng “Thần” Hanuman thì chắc chắn sẽ được Hanuman phù hộ khỏi tà ma
quấy phá. Ngày Thứ Ba hàng tuần là ngày vía của Hanuman, và hàng triệu tín đồ Ấn
giáo đều dâng lễ cầu nguyện “thần khỉ” phù hộ cho họ được khỏe mạnh, sung túc.
Thầy trò Tam Tạng, Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới và Sa Tăng
trên đường đi thỉnh kinh ở Ấn Độ
Nhìn
sang Phương Tây, ta thấy hình ảnh loài khỉ nói chung khá mờ nhạt trong văn hóa nếu
so với các con vật thần thoại như nhân mã, nhân sư, mỹ nhân ngư... của họ. Điều
đó chỉ đúng một phần.
Điện
ảnh Mỹ đã đưa một con khỉ có tên “King
Kong” lên màn ảnh năm 1933. Dù được mệnh danh là “Phim kinh dị nhất của mọi thời đại” nhưng “dã nhân” King Kong đã
làm rạng danh loài khỉ vượn trên lãnh vực “nghệ thuật thứ bảy”.
Lấy
bối cảnh năm 1933, khi cuộc đại khủng hoảng quét qua nước Mỹ, hàng loạt người
phải ra đường vì thất nghiệp. Trong cơn khốn khó, nữ diễn viên trẻ Ann như tìm
được hy vọng khó tin khi nhận lời mời của tay đạo diễn Carl. Cả đoàn làm phim
phiêu lưu tới hòn đảo Đầu Lâu với tham vọng thực hiện bộ phim để đời.
Đặt
chân lên đảo, đoàn người đụng độ với những thổ dân ở đây. Ann bị bắt làm vật tế
cho Kong, con dã nhân khổng lồ, nỗi khiếp sợ của những thổ dân. Những giây phút
bị Kong bắt, Ann vô tình lại thuần hóa con vật khổng lồ này. Chính cô làm mồi
nhử để đoàn người đánh thuốc mê Kong.
Mọi
chuyện trở nên tồi tệ khi Kong trở thành món hàng độc trưng bày trước công
chúng ở New York và phá tung xiềng xích, thoát ra đường phố. Chỉ có Ann mới có
thể làm nguôi con dã nhân...
King Kong và Ann
Tarzan
và khỉ cũng gắn bó với nhau trên màn ảnh ngày xa xưa, hình ảnh đó đã quá quen
thuộc với những người thuộc lứa U60 trở về trước. Tuy nhiên, nhiều người không
biết từ năm 1963, tại Pháp, có một cuốn tiểu thuyết giả tưởng nhan đề “La Planète des Singes” (Hành tinh khỉ -
Planet of the Apes) của nhà văn Pierre Boulle.
Truyện
của Pierre Boulle mang nặng màu sắc triết lý và giáo dục. Ở hành tinh của con
người hầu như mọi người ngày càng biến chất: ích kỷ, hưởng thụ, lười biếng… điều
đó báo hiệu một ngày tàn của nhân loại! Thực ra, dưới vỏ bọc là “hành tinh của
con người” nhưng mọi suy nghĩ và hành động của con người chẳng khác gì con vật.
Đó
là tiền đề của sự nổi loạn mà giới lãnh đạo lại là những con khỉ, vốn có tính
hay bắt chước con người, để lập lại một trật tự mới mang tên Hành tinh khỉ. Theo “giả tưởng” của Pierre
Boulle, một ngày nào đó, khỉ sẽ nổi lên như là những chủ nhân của hành tinh
này… Chúng ta rùng mình vì những suy nghĩ của tác giả Hành tinh khỉ trước một “giả tưởng” là thủy tổ của loài người sẽ trở
lại làm chủ xã hội này vào một ngày nào đó.
“Hành Tinh Khỉ”
Là con người, không ai muốn bị loài khỉ chế ngự trên hành tinh này… Nhưng biết đâu đấy, câu chuyện giả tưởng về Hành tinh khỉ cũng có thể trở thành sự thật. Có điều chắc chắn sang năm mới Bính Thân chuyện Hành tinh khỉ vẫn còn xa vời.
Xuân con khỉ nên cũng có một đóa hoa khỉ để trang trí nhà cửa
***
Chú
thích:
[1]
Tham khảo “khỉ đỏ đít” tại http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1749-1550-633506815228485000/Truyen-co-tich-Viet-Nam/Su-Tich-Khi-Do-Dit.htm
[2]
Tham khảo “Hành tinh khỉ” tại https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0nh_tinh_kh%E1%BB%89
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 10: Thời xuống lỗ)
Hồi Ức Một Đời Người gồm 10 Chương:
1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết Chương cuối cùng mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét