Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Ai Lên Xứ Lạng Cùng Anh...

Được sự đồng ý của tác giả, GS Bùi Dương Chi (người Mỹ, gốc Việt), chúng tôi xin đăng tải toàn văn bài phóng sự và hình ảnh các chuyến du khảo Lạng Sơn của ông sau khi xảy ra cuộc “chiến tranh biên giới phía bắc” giữa hai nước “anh em” vào năm 1979. Bạn đọc có thể tham khảo thêm về GS Bùi Dương Chi trong “Hồi Ức Một Đời Người” qua bài viết “Hồi ức Ban Mê” (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2014/11/hoi-uc-ban-me.html) và một số bài viết khác trên Blogspot (chinhhoiuc.blogspot.com)…


***

Bốn nguyên nhân khiến tôi du khảo Lạng Sơn 5 lần: 1993, 2001, 2003, 2009 và 2011:

1/. Trung Quốc  “dậy Việt Nam một bài học” ở 6 tỉnh biên giới của Việt Nam vào tháng 2 năm 1979.
2/. Trung Quốc đã lấn và lấy đất của Việt Nam, nhất là ở vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn.
3/. Quân Bình Định Vương đánh bại cánh quân nhà Minh, chém Liễu Thăng ở Ải Chi Lăng.
4/. Câu đồng dao “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”.

Lần du khảo thứ nhất vào tháng 4/1993 có 6 sinh viên Mỹ của chương trình Học Kỳ Hải Ngoại tham dự nên đoàn chỉ có đủ thì giờ đi xem khu biên giới gần Ải Nam Quan. Tới nơi, đội trưởng lính biên phòng khi biết thầy trò là Mỹ đã lệnh cho đoàn phải quay về Lạng Sơn ngay.

Tôi khẩn khoản yêu cầu cho tham quan vì đoàn vừa mất gần 5 tiếng đi xe từ Hà Nội lên. Đội trưởng bảo lên đồn chỉ huy gặp thủ trưởng mà xin phép. Rất may, thủ trưởng không những “OK” mà còn gọi máy liên lạc căn dặn đội trưởng phải đưa “Phái Đoàn Sinh Viên Hoa Kỳ” ra tận ranh giới [cảm ơn cựu Tổng Thống Clinton đã/sắp bãi bỏ Lệnh Cấm Vận].

Đội trưởng bảo chúng tôi phải đi hàng một, theo đúng sau lưng, dẫn đâu đi đấy vì nhiều nơi có chôn và gài mìn. Đến khu “Km0 Hữu Nghị” cậu ta cho phép tôi chụp thật nhanh ảnh trạm biên giới Trung Quốc vì tụi nó hung hăng xấc xược lắm. Đêm nào không trăng sao tụi nó cũng nhổ cọc rồi chôn lấn sang đất mình. Sáng ra mình nhổ lên chôn lại chỗ cũ thì tụi nó cười hô hố! “Có phép cấp trên, cháu cho chúng nó sơi “kẹo đồng” ngay!” 

Thành phố Lạng Sơn là thủ phủ của tỉnh Lạng Sơn (LS), 1 trong 58 tỉnh trên toàn quốc. Bắc giáp Trung Quốc & Cao Bằng; Nam giáp Bắc Giang; Đông giáp Quảng Ninh (có vịnh Hạ Long); Tây giáp Bắc Kạn & Thái Nguyên. Kinh tế: nghèo, xếp hạng 53/58, được Trung Ương tài trợ. (wikipedia.org)

1993. “Phái Đoàn Sinh Viên Hoa Kỳ”. Xe khách Hải Âu do Liên Xô chế tạo, không có máy lạnh, nhíp cứng nên chạy rất xóc nhưng động cơ mạnh, gầm xe cao nên băng rừng lội suối dễ dàng. Bây giờ chỉ còn thấy xe này ở những nơi khỉ ho cò gáy [*]

Vùng đồng bằng lúa, ngô xanh tươi. Vùng đồi núi, đất cằn cỗi.

1993. Trạm phụ trách rào cản phía Việt Nam.
Sau rào cản là Trạm Hành Chính Trung Quốc.

1993. Cửa khẩu Hữu Nghị là cửa khẩu bang giao giữa hai nhà nước Viêt Nam-Trung Quốc.

Năm 2001, tôi đi xe khách lên Lạng Sơn, Đồng Đăng. Một mình nên tôi có nhiều thì giờ du khảo mấy khu buôn bán và các di tích mà hồi còn đi học tôi đã được đọc và nghe giảng.

Nàng Tô Thị thiên nhiên bị hủy vì nạn nổ mìn lấy đá. Nàng Tô Thị này làm bằng đá củ đậu và xi-măng. Tôi bảo cán bộ sở Du Lịch Văn Hóa trình độ làm tượng của nghệ nhân này rất kém. Tôi khuyên phải tìm ảnh xưa rồi mời nghệ nhân có tài năng làm lại.

Chùa Tam Thanh. Rất đẹp. May chưa được “cải tiến” như lấy gạch thẻ trắng bóng lát tường buồng tắm để lát tường nơi thờ cúng, treo vòng đèn nê-ông lập lòe trên đầu tượng Phật, thay mái chùa rêu phong bằng fibro xi-măng, v..v..


Hang vào chùa Nhị Thanh (không biết có chùa Nhất Thanh không?). Tôi cũng không biết thời điểm có câu đồng dao “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Tanh” thì địa giới Đồng Đăng có bao gồm mấy di tích này không? Ngày nay, phố Kỳ Lừa nằm trong thành phố Lạng Sơn. Nàng Tô Thị, chùa Nhị Thanh và Tam Thanh nằm ở ngoại ô. 

Phố Kỳ Lừa: từ chợ Bờ Sông Kỳ Cùng trong Tp. LS đi qua cầu Kỳ Lừa là đến phố Kỳ Lừa. Nghe nói cách đây hơn trăm năm, Kỳ Lừa là phố buôn bán của người Hoa, đông đúc và phồn thịnh nhất vùng. Họ làm nhà “ống” [bề ngang rất hẹp nhưng bề xâu rất dài - như ở Phố Cổ Hà Nội - vì triều đình đánh thuế đất chỉ căn cứ vào bề ngang mặt tiền].

Điểm đặc biệt là họ làm sàn nhà theo từng nấc, càng vào xâu càng xuống thấp để của cải tụ lại trong gia đình, không lọt ra ngoài. Tôi thấy một căn vẫn giữ kiến trúc đó. 

Theo tôi, di tích lịch sử này giá trị gấp nghìn lần các Siêu Thị và khu Rì-dzọt nhưng thiếu bảo trì.

Mặc cho mưa nắng dãi dầu, cỏ dại lấn lướt. Xa xa là Thành phố Lạng sơn.

Hai tấm bia đối diện trên QL 1A đi Hà Nội, cách LS khoảng 10km (?), đánh dấu vị trí Ải Chi   Lăng, nơi cách đây gần 600 năm, quân của Bình Định Vương Lê Lợi đánh bại cánh quân Liễu Thăng của nhà Minh. Nguyễn Trãi đã ghi chiến công này trong Bình Ngô Đại Cáo.

Một trong các khe núi cách Ải Chi Lăng chừng mấy trăm mét.
Tôi phỏng đoán bên ta rất có thể đã ém quân phục kích ở những nơi này.
Khi ấy đây là rừng núi và QL 1A là đường mòn.

Năm 2003, tôi đi tầu hỏa Hà Nội lên Lạng Sơn và Đồng Đăng xem thêm rồi sau đó đi xe thồ (xe ôm) lên khu cửa khẩu Tân Thanh.

Năm 2009, phố xá Lạng Sơn và thị xã Đồng Đăng thay đổi nhiều đến nỗi tôi tưởng đang đi dạo quanh mấy khu buôn bán ở  Q.5, Q.10 Saigon. Mấy chủ Mini hotel và tài xế xe thồ bảo tôi tốt xấu đủ cả nhưng cái nạn buôn lậu thì ghê gớm lắm. Mấy lần du khảo trước, tôi đã nhìn thấy cảnh dân “cửu vạn” [biểu tượng của lá bài “cửu vạn” trong bộ chắn cạ và tổ tôm là phu khuân vác], cả nam lẫn nữ -- nghe nói hầu hết chỉ làm công cho các “đại gia” -- gồng gánh hàng quệnh quạng leo núi xuống đồi mà còn phải đeo thêm cả chục gói bọc bờ-lát-tích lủng lẳng quanh mình.

Lần này, còn khủng khiếp hơn. Chủ nhà khách bảo từ 1 giờ đêm đến 3 giờ sáng, ra đường rất dễ toi mạng.  Tôi hỏi lý do thì mới biết là các “đại gia” mua đường trong hai tiếng nên xe to, xe bé chở hàng lậu phải chạy bạt mạng. Xe hai bánh lao lên cả vỉa hè. Đêm hôm đó tôi để đồng hồ báo thức. Tới 1 giờ hơn thì xe 2, 3, 4, 6 bánh phóng rầm rầm như cảnh đàn bò chạy hoảng loạn (stampede) trong phim Cao-Bồi Tếch-Xát!

Trung tâm Thành phố Lạng Sơn. Trụ sở của Ngân Hàng SHB ̀và Techcom Bank. Bảng tròn treo trên cao giữa các bảng quả trám là biểu tượng của tỉnh Lạng Sơn.


Bắc Sơn là tên địa danh, nơi đã xẩy ra những trận đánh kịch liệt giữa dân quân du kích và quân đội Pháp. Ta thắng. 

"…Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng, còn vang khe núi tiếng quân oai hùng…. Bắc Sơn!
Đây hố sâu mồ chôn. Rừng núi, trăm tiếng hú căm hờn… Bắc Sơn! không bóng người dưới thôn....” .

Hùng tráng lắm nhưng có thêm biết bao nhiêu nàng Tô Thị!

Thế Giới Di Động là tên của một Đại Công Ty bán hàng điện tử có chi nhánh ở khắp nước.

Mua laptop xong, được biếu tới 5 triệu thì có thể đánh chén “nai đồng quê” suốt năm.

Công nhân, nông dân hả? Ra vỉa hè mà ngắm với chả nghía.

Tôi bảo một cán bộ của sở Du Lịch và Văn Hóa đây mới đúng là văn minh tiến bộ, rất đáng   khen, chứ không phải mấy cái Siêu Thị và cửa hàng điện tử. Nếu khoe mã và hàng hoá thì mình so với Thái Lan thôi cũng không khác gì đem chim sẻ so với bồ câu.

1993. Cửa hàng bán quân trang có phù hiệu Mỹ. Người bán không biết làm ở đâu.
Tôi đoán rất có thể làm ở Trung Quốc hoặc miền Bắc Việt Nam. Không Quân Mỹ không mặc áo rằn ri và không có 4 túi to kiểu Mao Trạch Đông.

2001. Tôi thấy thêm 3 cửa tiệm. Có thể còn nhiều hơn. Chắc chắn hàng phải bán được thì mới có thêm tiệm.




Tôi hỏi chuyện một bà bán bánh cuốn và hai ông xe thồ vụ Trung Quốc đánh Lạng Sơn năm 1979 thì họ nói đại để trước khi tiến sang nước mình, chúng nó pháo khiếp lắm chả kể khu quân sự hay nhà dân. Sang tới nơi, chúng nó bắt trâu bò của mình rồi lùa đi trước để vừa phá mìn, vừa làm lính mình phải bắn trâu bò của dân làng. Nghe nói lính mình có người vừa bắn vừa khóc. Thế có khổ không!!!

Chúng nó là “đồng chí môi hở răng lạnh” mà giết, phá mình không nương tay nên dân hận lắm. Mỹ không bỏ bom chúng tôi nên bây giờ một số thanh niên thích mặc áo quần lính Mỹ.

Tôi đi tầu hỏa từ Lạng Sơn lên Đồng Đăng thì đường sắt có 3 “ray”. Hai “ray” cũ cách nhau 1 mét (?) vì bề ngang tầu của Việt Nam từ thời Tây cả trăm năm nay vẫn hẹp. Nay phải làm thêm đường sắt 1m2 (?) để tầu hỏa quốc tế Trung Quốc cũng rộng như tầu ở Mỹ, Pháp, Nhật, v..v.. chạy sang được.

Nghe nói, Việt Nam không làm thêm đường mới vì nếu Trung Quốc lại ra tay thì tầu hỏa Trung Quốc đưa quân sang dễ dàng. Việt Nam chỉ làm thêm 1 “ray” dọc theo đường sắt cũ từ Đồng Đăng xuống Hà Nội. Có chuyện sẽ bóc đường “ray” thứ ba. Nếu đúng vậy -  chứ không phải vì chưa có tiền - thì theo tôi rất khôn ngoan.
    


 Chuyện sau đây không biết có thật không. Một ông xe thồ có học, đã nghỉ hưu, nói dù “phịa” thì cũng để các đồng chí trong Bộ Chính Trị và Trung Ương Đảng nhớ khi CSVN theo khối Vác-Sô-Vi (Khối Warsaw, Đông Âu do Liên Xô lãnh đạo, như NATO của Tây Âu do Mỹ lãnh đạo), Trung Quốc giận lắm, chửi Việt Nam là “tụi vô ơn”.

Lúc đó Lạng Sơn và nhiều nơi đói lắm [mấy bạn Mỹ và tôi đã góp tiền mua gạo cứu đói ở Thanh Hoá]. Tỉnh Trung Quốc giáp giới là Quảng Tây công bố gửi hơn chục toa tầu hỏa chở gạo đến tặng. Quan to, quan nhỏ thì cờ quạt biểu ngữ, dân đói thì quần rách áo vá ra chào mừng. Phía Trung Quốc lên đường về mới đưa chìa khóa. Các quan mở toa ra thì chỉ thấy toàn rơm với rạ! Trung Quốc bắn tiếng tụi mày là đồ trâu bò, gạo đâu mà cho!!!

Năm 1998, tôi du khảo thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (có vịnh Hạ Long). Bà thợ chụp ảnh dạo chụp hình cho tôi trên cầu Bắc Luân kể khi rút về chúng nó đặt mìn phá hết chỉ chừa có mỗi cái nhà tiêu tiểu công cộng “cho Việt Nam chúng mày có chỗ mà ăn uống”.

1998. Móng Cái là thành phố biên giới của tỉnh Quảng Ninh ráp ranh tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Qua cầu Bắc Luân trên sông Ka Long là cửa khẩu quốc tế.


Một chợ chính, rất lớn, ở Thành phố Lạng Sơn.


Một chợ chính nữa nằm dọc theo bờ sông Kỳ Cùng.

Hoa nhập của Trung Quốc. Đẹp và rẻ. Rồi đây không biết Đà Lạt có cạnh tranh được không.

Cam, táo, v..v.. Trung Quốc: to, đẹp mã và rẻ lắm. Trái cây Miền Tây sợ khó cạnh tranh được.

Nhà để xe của các quan bà tư bản đỏ đi chợ. Hơn Mỹ vì còn được nghe chim hót!

Đường từ Thành phố Lạng Sơn đi lên cửa khẩu Hữu Nghị. Rẽ trái là đi Đồng Đăng cách Lạng Sơn 17km vì vậy tôi cho rằng “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh” phài là “Lạng Sơn có phố Kỳ Lừa…”



Trạm kiểm soát cửa khẩu Tân Thanh. Một cánh của Việt Nam. Một cánh của Trung Quốc. Rất nhiều xe chở hàng nối đuôi ở cả hai bên để trình giấy tờ qua biên giới.
Cửa khẩu Tân Thanh, cách Đồng Đăng 7km, là cửa khẩu mậu dịch Việt Nam-Trung Quốc và dành cho thường dân và du khách qua lại.
Hải Quan và Hành Chính Trung Quốc Vĩ Đại. Bên này giây cờ là Việt Nam.

Chợ Hữu Nghị nhưng toàn là đồ hàng của Trung Quốc. Ở Mỹ, hàng “Made in China” cũng đầy ra nhưng phẩm chất tốt hơn vì người tiêu dùng ở Mỹ chịu trả giá cao và đòi hỏi chất lượng cao, chưa kể Hải Quan Mỹ kiểm tra hàng nhập khẩu rất kỹ lưỡng.

Lại thêm Hồng Kông nữa thì không thâm thụt cán cân mậu dịch sao được. Mậu dịch với Mỹ thì năm nào ta cũng xuất siêu nhưng CHXHCN VN vẫn thích “hữu nghị” với Trung Quốc hơn. Một phần vì ở Việt Nam và Trung Quốc dễ “bôi trơn” các quan nên hàng hoá có kém phẩm chất và thực phẩm có hoá chất độc hại cũng “hẩu, hẩu”.

Áo da Hồ Ly Trung Quốc giá 23.700.000 đồng Việt Nam, tương đương 1,400USD vào thời điểm 2003.

Tôi tìm nhưng không thấy cái gì “Made in CHXHCNVN” cả!!!

Toàn làm ở Trung Quốc nhưng treo bảng California để câu khách.


Đến xe ba-gác thô sơ cũng nhập của Trung Quốc nhưng một điều an ủi rất lớn là lao động nữ Việt Nam đỡ phải oằn lưng gồng gánh.

Tuy “nhà” vách ván, nền đất, không có phòng tắm, cầu tiêu nhưng tôi mừng khi thấy các bộ quần áo lành lặn, mầu sắc vui tươi và nhất là các ăng-ten chảo để xem Truyền Hình Trung Quốc với các phim tình cảm và dã sử mà nhiều người mình ở khắp nước khen rất hay!

Năm 2011. Mới cách có hai năm thôi mà Lạng Sơn tuy vẫn bé hơn nhiều nhưng đã tân tiến gần bằng Hà Nội, Đà Nẵng, Saigon, Cần Thơ. 



Bùi Dương Chi



***


[*] Chú thích của NNC: Người thứ 2 phía bên phải là Markus Taussig là nhân vật chính trong bài viết “Chuyện một người Mỹ thích… mắm tôm” tôi viết năm 2002 (http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/chuyen-mot-nguoi-my-thich-mam-tom.html). Markus hiện là Phó Gíao sư tại National University of Singapore, có vợ người Việt. Markus năm nào cũng sang thăm VN một, hai lần…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts