Thứ Hai, 15 tháng 4, 2019

Tháng Tư… “xui tận mạng”!

Để khen một giọng hát hay, người miền Nam thường nói: “Ca mùi tận mạng”. Tôi xin sửa lại câu nói này cho trường hợp của gia đình tôi: “Tháng Tư… xui tận mạng”.

Lâu nay tôi vẫn tâm đắc với triết lý sống theo kiểu “Tái ông thất mã”. Có thịnh rồi cũng có lúc suy, có khi vui thì cũng có khi buồn, có hên thì cũng có xui… đó là quy luật tất yếu của cuộc sống mà không ít người đã nghiệm ra.

Thế nhưng, vào tháng tư năm nay, mọi triết lý đều đảo lộn đối với gia đình tôi. Không biết tại sao xui xẻo cứ theo nhau kéo đến mà chuyện vui thì lại chẳng thấy đâu.

Chuyện buồn đến dồn dập, không những tại Việt Nam (gồm Sài Gòn và Huế)… mà lại còn dính dáng đến nước Úc, đến hòn đảo Bali thơ mộng của Nam Dương (Indonesia) và cả đảo quốc Tân Gia Ba (Singapore).

Đầu tiên tin buồn đến từ Bali. Gia đình đứa cháu ở Melbourne về thăm Việt Nam. Trong cuộc hành trình từ Úc gia đình cháu (gồm hai vợ chồng và 2 con trai) ghé Bali là một hòn đảo du lịch nổi tiếng của Indonesia trước khi về thăm nhà. Chúng khen nức nở trong suốt những ngày nghỉ tại hòn đảo thơ mộng này.

Khi giã từ Sài Gòn, gia đình cháu lại ghé Bali một lần nữa trước khi về Úc. Trên trang Facebook của cháu có post hình ở Bali với chỉ vỏn vẹn một câu: “Bali final round”’.


Chỉ là vô tình cháu viết “Bali lần cuối”. Cháu đã trả lời một comment của bạn bè hỏi trong status đó… “khi nào mới về Úc” bằng một câu “nửa đùa nửa thật” mà tôi gọi là “điềm báo trước của định mệnh”. Cháu viết:


Ngày 10/4/2019, tôi nhận được tin cháu đã “đột tử” tại Bali! Hóa ra những câu như “Bali final round” và “… “Chắc anh không về” đã trở thành một sự thật… nghiệt ngã. Cả gia đình sôn xao với tin cháu bị đột tử. Con gái út tôi bay từ Singapore sang Bali, còn chồng từ Sài Gòn cũng sang hỗ trợ vợ chồng chị gái.

Gia đình đứa cháu trong một lần về thăm Sài Gòn

Cảnh sát Indonesia mổ khám nghiệm tử thi, họ cho phép mang thi thể cháu về Úc cùng với gia đình bố mẹ. Tại Úc, phải mất một thời gian làm thủ tục nhưng cuối cùng cháu đã được yên nghỉ bên cha mẹ và vợ con.  


Đó mới chỉ là đoạn mở đầu trong chuyện xui xẻo với cái chết ở Bali của người thanh niên 39 tuổi, một vợ, hai con. Tại Sài Gòn, bà xã tôi nay đã ngoài 70, đi lại khó khăn và đã có nhiều lần bị té. Lần té nặng nhất xảy ra đúng vào lúc tin buồn từ Bali đến.

Vốn bị loãng xương nặng nên lần này phải đi cấp cứu tại Bệnh viện ITO Sài Gòn, bệnh viện tư nhân đầu tiên tại Việt Nam có khoa chuyên sâu về chấn thương chỉnh hình từ năm 2001.

Bà xã tôi tại phòng hồi sức ITO

Tại đây, bà được chẩn đoán là gãy mấu xương hông và phải giải phẫu thay mấu xương nhân tạo. Phẫu thuật được thực hiện ngay ngày hôm sau và phải nằm tại phòng hồi sức 2 ngày, trước khi chuyển về phòng bệnh bình thường.

Chuyển từ phòng hồi sức qua phòng bệnh

“Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí”… Họa không chỉ đến 2 lần mà lại có thêm lần thứ ba. Hôm bà xã tôi bị té, có tin từ ngoài Huế báo ông chồng của bà chị ruột vừa qua đời, hưởng thọ 82 tuổi.

Anh Trần Gia Thọ trước 1975 là Hiệu phó trường Quốc Học Huế. Gia đình anh chị đều trong ngành giáo dục, các con đều đã thành đạt tại Sài Gòn và các cháu cũng đi du học nước ngoài.

Chắc anh cũng mỉm cười mãn nguyện khi từ giã cõi tạm… phần đau buồn dành lại hết cho những người còn sống!


Chúng ta đều hiểu, cuộc sống hiện tại chỉ là “cõi tạm” với đầy đủ Hỉ - Nộ - Ái - Ố. Chúng ta bám víu vào triết lý “Tái ông thất mã” để an ủi và hy vọng mọi chuyện, tốt hay xấu, đều có sự bù trừ.

Thế nhưng, Tháng Tư năm nay trở thành một tháng đầy xui xẻo đối với tôi. Phải chăng, nói theo nhà Phật, đó cũng là… cái nghiệp!

***

* Bài viết này là lời giải thích tại sao trong một status trước tôi “tạm ngưng post bài trên Facebook vì bận chuyện riêng tư”.


***

* Tham khảo chuyện “Tái ông thất mã” tại:


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts