Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Ghi chép từ Munich: Viện bảo tàng xe BMW

Lang thang trên mạng, tôi gặp bản tin của vnexpress.net, ngày 24/9/2012: Bộ sưu tập BMW độ tại Sài Gòn. Dù không hiểu rõ lắm về ngôn ngữ thời @ của giới trẻ Sài Gòn nhưng cũng có thể hình dung chữ “độ” dùng trong bài viết và hình ảnh đi kèm:

“Các tín đồ BMW trình din mt dàn xe độ vi nhng đồ chơi hàng hiệu như phanh Brembo, mâm Morr Wheels hay Hamann.

Các thành viên của din đàn chuyên về xe hơi tổ chc cuc gp chia s kinh nghim độ xe, din ra vào sáng nay ti khu đô thị Phú M Hưng (TP HCM). Với nhng mu như BMW M6 Hamann, M3, 523i với gói độ M5 F10 cùng Mercedes C63 AMG, Porsche 911 Vorsteiner”.

Dàn xe BMW và những người mẫu chân dài tại Sài Gòn
(Ảnh vnexpress.net)

BMW là một nhãn hiệu xe khá quen thuộc với ‘dân chơi xe’ Việt Nam thuộc loại ‘lắm tiền nhiều của’ thời nay. Tuy nhiên,  những chi tiết lịch sử của hãng xe này chắc hẳn ít ai biết đến. Năm 2004, nhân chuyến đi Đức, ghé Munich (Munchen), thành phố mà BMW đặt tổng hành dinh, tôi xin ghi lại những điều lý thú dưới đây từ Viện Bảo tàng xe BMW.

Hãng xe hơi mà ngày nay chúng ta quen gọi qua tên BMW là chữ tắt từ tiếng Đức: Bayerische Motoren Werke AG (Nhà máy động cơ Bayern). Tiền thân của BMW là Rapp Motorenwerke, năm 1917 công ty đổi tên thành BMW GmbH (Công ty TNHH BMW) và một năm sau đó là BMW AG (Công ty cổ phần BMW).

Trong năm 1917 và 1918, kỹ sư Max Friz đã tạo nên tiếng tăm cho BMW qua phát minh loại động cơ máy bay có bộ chế hòa khí hoạt động ở độ cao, công suất từ 185 đến 250 mã lực và được làm nguội bằng nước. Thiết kế này giúp BMW nhận được đơn đặt hàng hơn 2.000 động cơ từ Bộ chỉ huy lục quân Phổ.

Trong thời kỳ đệ nhất thế chiến (1914-1918), BMW phát triển nhanh chóng với nhà máy gần phi trường Oberwiesenfeld tại Munich, tiểu bang Bavaria. BMW khi đó sản xuất phi cơ quân sự phục vụ chiến tranh cho nước Đức.

Thời hậu chiến, Hiệp định Hòa bình Versailles có điều khoản cấm sản xuất động cơ máy bay ở Đức trong vòng 5 năm đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của BMW. Ngày nay, khách bước vào Bảo tàng BMW sẽ gặp một động cơ máy bay đặt ngay cửa và được hướng dẩn viên điểm lại truyền thống lịch sử lâu đời của BMW.

Tại Viện bảo tàng BMW rộng khoảng 5.000 m2, được khánh thành năm 1973, khách có thể theo dõi các giai đoạn lịch sử của BMW từ những hình ảnh của ngày đầu thành lập với chiếc xe đạp, xe gắn máy cho đến các loại xe hơi truyền thống như kiểu BMW 501 năm 1952, BMW 507 năm 1955… đến xe đua BMW 328, loại xe đua nhanh nhất thế giới được sản xuất từ năm 1936. Tổng cộng có khoảng 400 loại xe và 170 loại xe gắn máy được trưng bày tại Viện Bảo Tàng BMW.

Động cơ máy bay được trưng bày tại Bảo tàng BMW

Logo thương hiệu BMW ngày nay vẫn giữ hình cách điệu cánh quạt máy bay gắn trên xe, đó là một hình tròn nhỏ màu xanh-trắng được chia bằng một chữ thập. Xanh-trắng cũng là màu cờ của tiểu bang Bavaria (Bayern). Bao bọc logo là một hình tròn lớn, màu đen, mang dòng chữ BMW nổi bật với mầu trắng.

Logo BMW

Sau thế chiến thứ nhất, BMW chuyển sang việc sản xuất… xe đạp từ những phế liệu được nấu lại. Hiện nay, Bảo tàng BMW vẫn còn giữ lại một chiếc xe đạp để mọi người nhớ lại giai đoạn hậu chiến của Đức.

Năm 1922, cổ đông chính Camillo Castiglioni rời bỏ BMW mang theo các quyền về thương hiệu. Ông chuyển về công ty Bayerische Flugzeugwerke (BFW – Các nhà máy máy bay Bayern). Tiền thân của công ty này là Gustav-Otto-Flugzeugwerk (Nhà máy máy bay Gustav Otto) của Gustav Otto, người con trai của nhà phát minh ra động cơ đốt trong Nikolaus Otto, đăng ký ngày 7/3/1916. Ngày này vẫn được coi như ngày thành lập BMW trong lịch sử chính thức của công ty.

Một năm sau khi đổi tên (năm 1923), BMW thiết kế chiếc xe BMW đầu tiên, chiếc R 32. Tuy nhiên, đó lại là chiếc xe gắn máy chứ không phải là xe hơi. Hai kỹ sư Max Friz và Martin Stolle mất 5 tuần để phác thảo chiếc R32. Nguyên lý chính của chiếc xe máy này vẫn còn được giữ lại cho đến ngày nay: động cơ boxer 2 xy lanh, dung tích 500 phân khối và công suất 8,5 mã lực.

Xe gắn máy xưa nhất của BMW tại bảo tàng

Năm 1925, BMW tung ra thị trường loại xe máy gắn máy R 37 với động cơ boxer, 500 cm³, 16 mã lực rồi cải tiến với R 39 có động cơ 1 xy lanh đầu tiên, dung tích 250 cm³, 6,5 mã lực. Năm tiếp theo (1926) lại xuất hiện loại R 42, động cơ boxer 2 xy lanh, 500 cm³ với 12 mã lực.

Trong năm 1928, dòng xe máy BMW xuất xưởng liên tiếp các kiểu R 52 (động cơ boxer, 2 xy lanh, 500 cm³, 12 mã lực), R 57 (18 mã lực) và chiếc môtô 750 cm³ đầu tiên mang ký hiệu R 62.

Xe máy BMW sản xuất năm 1928

Năm 1948, BMW cho ra đời môtô R 24 và ngày đó người ta thường gọi những tay lái xe R 24 là ‘những người nhanh nhất thế giới’. Chiếc R 24 đầu tiên, hiện còn được trưng bày tại Viện bảo tàng BMW, không thể chạy trên đường phố vào thời đó chỉ vì… tốc độ quá nhanh. Người lái R 24 chỉ chạy trên các đồng cỏ vùng ngoại ô với điều kiện phải mặc quần áo bảo hộ nhằm đề phòng tai nạn.

BMW cũng sản xuất môtô sidecar (1935-1940)




Các loại môtô BMW

Xe môtô BMW tại Sài Gòn
(Ảnh vnexpress.net)

Bước sang lãnh vực sản xuất xe hơi, BMW đã tung ra thị trường nhiều dòng xe thuộc đủ chủng loại. Khởi đầu vào năm 1929, nhà máy BMW giới thiệu loại xe thuộc dạng mà ngày nay gọi là “cổ lỗ sĩ” theo kiểu T-Ford, xe của Mỹ do Henry Ford lần đầu tiên áp dụng “dây chuyền lắp ráp”, sản xuất trong thời gian từ 1908 đến 1927.


Kiểu dáng cũng như mẫu mã được cải tiến không ngừng để đáp ứng sở thích của người sử dụng dù vào thời đó tại Âu châu, việc sở hữu một chiếc xe 4 bánh chỉ dành cho những người thuộc giai cấp thượng lưu.

Năm 1932 BMW tung ra mẫu tự thiết kế đầu tiên A M4 với động cơ thẳng hàng, 4 xy lanh, 795 cm³, 20 mã lực. Một năm sau là dòng xe 303 tăng lên 6 xy lanh với công suất 30 mã lực. Đây là xe đầu tiên của BMW có 6 xy lanh. Năm 1934 có hai kiểu: BMW 309 với động cơ thẳng hàng 4 xy lanh, 875 cm³, 22 mã lực và BMW 315 (6 xy lanh, 1.475 cm³, 34 mã lực).

Năm 1935 có rất nhiều kiểu: BMW 315/1 (40 mã lực), 319 và 319/1 (45 và 55 mã lực), 320 với (1.975 cm³, 45 mã lực), R 12 (với động cơ boxer 2 xy lanh, 750 cm³, 20 mã lực), R 17 (bắt đầu có bộ giảm xóc bánh trước lồng vào nhau theo kiểu kính viễn vọng).

BMW 3/20

Năm 1959, BMW sản xuất loại xe hơi nhỏ, dòng BMW 700 với động cơ của… xe gắn máy được gắn từ phía sau xe. Khởi đầu loại xe này dùng động cơ gắn máy 32 mã lực và sau đó tăng lên 40 mã lực. Dòng xe BMW 700 được mang biệt danh ‘Con chồn với trái tim sư tử’ và đã trở thành mặt hàng thời thượng từ 1959 đến 1965. Đó cũng là thời điểm BMW gặp khó khăn về tài chính.

BMW 700

Thừa thắng xông lên, BMW chuyển sang sản xuất loại xe thể thao mang ký hiệu 700 RS. Hơn 188.000 chiếc BMW 700 RS được tung ra thị trường trước khi ngưng sản xuất vào tháng 11/1965.


Vào những thập niên 60 và 70, BMW còn tung ra thị trường loại xe nhỏ mang nhãn hiệu Mini, chủ yếu dành cho giới trẻ với hình thức đơn giản nhưng không kém phần hào nhoáng. Điều khá lý thú là loại xe này chỉ có một cửa ở ngay phía trước, còn động cơ lại gắn phía sau xe.

BMW Isetta

Các dòng xe mang nhãn hiệu từ BMW Series 1 đến BMW Series 6 đã chinh phục người tiêu dùng từ giới trung lưu với các loại xe thông dụng đến giới thượng lưu với các kiểu mui trần hoặc xe hai chỗ sang trọng.

BMW 328 Mille Miglia

BMW 2 chỗ ngồi

BMW cũng có mặt trong việc sản xuất loại xe đua thể thao và đặc biệt là loại xe đua theo thể thức F1. Ngày nay, các nhãn hiệu xe BMW đã dành được một thị phần đáng kể trên thị trường xe hơi thế giới, nhất là khi hợp tác với hãng xe Rolls-Royce Motor Cars của Anh.

Nước Đức trở thành một trong những quốc gia sản xuất xe hơi hàng đầu châu Âu, chỉ thua Hoa Kỳ trên thị trường toàn thế giới. Những công ty “sừng sỏ” trong lãnh vực xe hơi của Đức phải kể đến các nhãn hiệu Wokswagen (Audi, Bentley, Skoda, Lamborghini, Bugatti, SEAT, Porsche), Mercedes-Benz và BMW.

Xe đua thể thức F1

Hiện nay, sản phẩm của BMW đã có mặt tại hơn 130 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam với những chủ nhân ‘sành điệu’ lái những chiếc BMW có giá từ 50.000 đến gần 100.000 đô la. Thậm chí các ‘đại gia’ còn nhập nguyên chiếc qua đường hàng không!

BMW Z4 M Coupe

Vào thời điểm chúng tôi đến Bảo tàng BMW năm 2004, một bảo tàng mới đang được xây dựng trên một khu đất rộng 1.200 m2, gần tháp Olympic, tại trung tâm thành phố Munich. Bảo tàng mới do kiến trúc sư người Áo, Karl Schwanzer, thiết kế và công trình được dự kiến hoàn tất vào năm 2007.

***

(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 9: Thời hội nhập)

Hồi Ức Một Đời Người gồm 9 Chương:

  1. Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
  2. Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
  3. Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
  4. Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
  5. Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
  6. Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
  7. Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
  8. Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
  9. Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)

Tác giả đang viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến ngày xuống lỗ)!

1 nhận xét:

  1. Chú ơi, Tết này chú có dự định về Việt nam ăn Tết không ạ ?

    Trả lờiXóa

Popular posts