Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

Song kiếm hợp bích


Thời sự thế giới ngày càng phức tạp suốt nửa đầu năm 2020. Trong khi dịch bệnh COVID-19 còn đang hoành hành khắp các lục địa thì tại nhiều thành phố ở Hoa Kỳ bùng phát bạo động lẫn hôi của chỉ vì chuyện một công dân da màu bị cảnh sát chặn cổ đến nghẹt thở.

Cũng vào ngày 4/6, 31 năm về trước, đã xảy ra vụ Thiên An Môn ở Trung Quốc. Trang tin Next Magazine ở Hồng Kông đã đăng bài viết tiết lộ thông tin tình báo Washington thu thập được tài liệu nội bộ của Trung Nam Hải đánh giá về số thương vong trong sự kiện thảm sát này lên đến 40.000 người, trong đó có 10.454 người bị giết.

Cũng có nhiều số liệu khác nhau liên quan đến số người thương vong. Theo số liệu của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, số người chết chỉ từ 2.600 – 3.000 người. Dĩ nhiên là những con số có nhiều khác biệt nhưng cũng đủ nói lên sự nghiêm trọng của vần đề.

Sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989

Điểm lại lịch sử, ngày 17/4/1989, có khoảng 600 sinh viên và giảng viên trường Đại học Chính trị và Luật tụ tập trên Quảng trường Thiên An Môn, đặt cờ và vòng hoa tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang, qua đời ở tuổi 73 vì một cơn đau tim.

Ông là người được bầu lên làm Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc với các kế hoạch tự do hóa nền kinh tế. Tất cả các quan chức cao cấp đều biết rõ họ phải tổ chức chôn cất long trọng chính trị gia họ Hồ nhưng cũng biết rằng tang lễ này có thể là dịp biểu tình của những người ủng hộ cải cách. Đó là mấu chốt của vấn đề.

Cuộc biểu tình hoàn toàn tự phát. Không ai biết là ai đã viết tờ báo tường đầu tiên, những bài thơ đầu tiên – hay ai là người đầu tiên đã kêu gọi hãy đến Quảng trường Thiên An Môn. Mặc dù vậy, cơn bão phản đối làm rung chuyển Trung Quốc đã bắt đầu từ đó.

Bức hình nổi tiếng thế giới “Tank Man” về sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989

Năm 1989, Ông Lưu Hiểu Ba (1955-2017) đang được thỉnh giảng tại Hoa Kỳ thì ở Trung Quốc diễn ra cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn. Ông đã quyết định quay trở lại Trung Quốc để tham gia phong trào. Sau này, Lưu Hiểu Ba được coi là một trong “bốn lãnh đạo chính trong vụ Thiên An Môn” đã đứng ra thuyết phục hàng trăm sinh viên rời quảng trường, nhờ vậy họ được cứu sống.

Năm 1976, Lưu Hiểu Ba học tại Đại học Cát Lâm và nhận bằng Cử nhân Văn học năm 1982, bằng Thạc sĩ năm 1984. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giảng viên tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, nơi ông cũng nhận được bằng tiến sĩ năm 1988.

Lưu Hiểu Ba (1955-2017)

Năm 1988, trong một cuộc phỏng vấn, phóng viên tờ Giải phóng Nguyệt báo (nay là Khai Phóng tạp chí) của Hồng Kông đã đặt câu hỏi với Lưu Hiểu Ba: “Với những điều kiện nào thì Trung Quốc mới có thể thực hiện được một cuộc cách mạng lịch sử thật sự?”.

Lưu Hiểu Ba trả lời: “Hồng Kông 100 năm làm thuộc địa mới có thể trở thành như ngày nay. Trung Quốc rộng lớn như thế, tất nhiên cần 300 năm thì mới có thể trở thành như Hồng Kông bây giờ. Mà 300 năm đã đủ chưa, tôi vẫn còn nghi ngờ”.

Lưu Hiểu Ba thừa nhận rằng câu trả lời đó có tính cách ứng khẩu. Mặc dù vậy, câu nói đó đã được sử dụng để chống lại ông: “Thậm chí ngày nay (năm 2006), giới thanh niên yêu nước phẫn nộ vẫn thường xuyên sử dụng những từ này để vẽ cho tôi “tội phản quốc”.

Tháng 6/1989 sau cuộc biểu tình Thiên An Môn, Lưu Hiểu Ba bị giam trong nhà tù an ninh nghiêm ngặt và bị kết án về tội “tuyên truyền và kích động phản cách mạng“. Tháng 10/1996, ông bị ba năm cải tạo lao động về tội “gây rối trật tự công cộng” vì đã chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Năm 2004 khi ông bắt đầu viết Báo cáo Nhân quyền Trung Quốc tại nhà, máy tính, thư từ, tài liệu của ông bị tịch thu. Ông nói, "Vào ngày sinh nhật của Lưu Hà (vợ ông), một người bạn mang hai chai rượu vang tới nhưng đã bị cảnh sát ngăn lại. Tôi đã đặt mua một bánh sinh nhật và cảnh sát cũng từ chối người mang bánh đưa vào. Tôi đã cãi nhau với cảnh sát và cảnh sát nói, “Đó là vì lợi ích an ninh cho ông. Có nhiều vụ đánh bom xảy ra trong những ngày này”.

Những biện pháp đã chỉ được nới lỏng năm 2007, khi Thế vận hội Olympic được tổ chức tại Trung Quốc. Những bài viết về Quyền Con Người của Lưu Hiểu Ba đã nhận được sự công nhận rộng rãi từ quốc tế. Năm 2004, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới vinh danh Báo cáo Nhân quyền của ông, trao giải Fondation de France cho ông như là một người bảo vệ tự do báo chí.

Từ tháng 12/2009, ông bị bắt và chịu án tù 11 năm, cộng với hai năm bị tước quyền chính trị vì tội “xúi giục chống phá nhà nước”, đó là hậu quả của việc ông tham gia viết Hiến chương 08. Còn vợ ông, bà Lưu Hà thì bị quản thúc từ năm 2010.

Nhà ly khai Lưu Hiểu Ba và vợ, Lưu Hà, tại nhà riêng trước khi bị bắt giam

Năm 2010, Lưu Hiểu Ba được giải thưởng Nobel Hòa Bình nhưng không thể đến được Olslo để nhận giải. Tại lễ trao giải trong ngày 10/12/2010, do ông vẫn bị giam và thân nhân của ông bị quản thúc hoặc công an giám sát nên ban tổ chức đã chọn một buổi lễ phát giải... có một không hai!

Trước chiếc ghế trống dành cho ông, Chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland nhắc lại rằng: “Ông Lưu Hiểu Ba không làm điều gì sai trái. Ông chỉ hành xử quyền công dân của mình mà thôi”. Chủ tịch Ủy ban kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho ông và đặt bằng chứng nhận, huy chương Nobel Hòa bình lên chiếc ghế để trống.

Chân dung Lưu Hiểu Ba và giải Nobel Hòa bình khiếm diện

Ông Lưu Hiểu Ba từ trần vào ngày 13/7/2017. Trung Quốc sau đó bác bỏ các chỉ trích của cộng đồng quốc về việc không cho phép nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của nước này được chữa trị căn bệnh ung thư gan ở nước ngoài. Chính phủ nói rằng đây là vấn đề nội bộ và các nước khác “không có thẩm quyền để đưa ra những bình luận không đúng đắn”.

Trung Qốc vội vã hỏa táng nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba

Nhà thơ Lưu Hà, vợ ông, đã đến Berlin, Đức, sau 8 năm bị Trung Quốc quản thúc tại gia. Việc thả tự do cho bà Hà, người chưa bao giờ bị cáo buộc bất một tội hình sự nào, là kết quả của nhiều năm vận động của các chính phủ phương Tây.

Người phụ nữ 57 tuổi được thả tự do chỉ một ngày trước khi tròn một năm kỷ niệm ngày mất của nhà bất đồng chính kiến và là chồng bà. Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng rằng bà Lưu Hà đã sang Đức... “chữa bệnh theo ý nguyện của bà.”

“Song kiếm hợp bích”

Sở dĩ bài viết này có tựa đề “Song kiếm hợp bích” vì đây là sự kết hợp đặc biệt giữa một nhà tranh đấu nhân quyền với một nhà thơ giàu cảm xúc. Hai lãnh vực cứ tưởng như trái ngược nhau nhưng qua đôi uyên ương Lưu Hiểu Ba – Lưu Hà người ta mới thấy sự gắn bó chặt chẽ giữa hai người.

Chúng tôi trích dẫn một số bài thơ của bà Lưu Hà để chứng minh điều đó. Thơ do  Nguyễn Thị Hải dịch.

Tưởng niệm Lưu Hiểu Ba

***

Mệt mỏi

Em mệt mỏi
Em mệt mỏi với những viên thuốc trắng
Em mệt mỏi nụ cười với anh
Em mệt mỏi với nhà vệ sinh trên tàu hỏa
Em mệt mỏi với danh tiếng của anh
Em mệt mỏi với con tim của em

Em mệt mỏi
Em mệt mỏi với con đường chỉ có thể nhìn mà không thể bước tới
Em mệt mỏi với bầu trời bẩn thỉu
Em mệt mỏi với sự khóc than
Em mệt mỏi với cái gọi là cuộc sống thanh sạch

Em mệt mỏi với ngôn từ giả dối
Em mệt mỏi những cái cây chết khô
Em mệt mỏi với những đêm mất ngủ
Em mệt mỏi hòm thư trống không

Em mệt mỏi với mọi lời mắng chửi
Em mệt mỏi với năm năm tháng tháng mất đi tiếng nói
Em mệt mỏi với những chữ đỏ cồm cộm trên mình
Em mệt mỏi với ngục tù
Tình yêu của em, em mệt mỏi rồi

(Tháng 9/2016)

Bà Lưu Hà bên di ảnh của chồng

***

Một con chim lại một con chim

Trước đây rất lâu
Chúng ta thường hay nhắc đến con chim
Không biết bay đến từ nơi nào
Chúng ta vui mừng thích thú
Nó đã mang đến tiếng cười của chúng ta

Một tối mùa đông
Vào lúc đêm khuya, nó thực sự đã đến
Chúng ta đã ngủ say
Không ai trông thấy nó

Sáng hôm sau dưới ánh mặt trời
Chúng ta trông thấy cái bóng nho nhỏ của nó
In trên cửa kính
Thật lâu không bay đi

Chúng ta ghét mùa đông
Ghét giấc ngủ triền miên vào mùa đông
Chúng ta muốn thắp lên ngọn đèn như lửa đỏ
Chiếu sáng bền lâu
Như nói với con chim rằng
Chúng ta vẫn đang chờ đợi

Cây nho trong vườn
Đã leo đầy giàn
Cửa sổ không bao giờ đóng lại
Chúng ta vẫn còn nhớ đến con chim đó

Ngày cuối tuần
Trời u ám, không mưa
Chúng ta cùng đi ra ngoài
Em mua một chiếc áo mới ở cửa hàng quần áo

Trời tối ghé vào tiệm mì đông
Ăn mỗi người hai bát mì to
Trên đường về
Không ai không nói năng gì
Trong lòng cảm thấy có điều buồn bã

Về đến nhà
Ngọn đèn trong vườn mờ mờ tỏ tỏ
Nhánh dây nho xanh xanh rớt xuống bậc thềm
Cả hai cùng dừng bước
Ngó trước ngó sau
Rồi vội vã cúi đầu

Nó vừa đến đây
Có điều chúng ta không dám nói ra
Chỉ nghĩ thầm trong lòng
Sợ rằng nó sẽ không bao giờ đến nữa

Mãi mới mở cửa vào
Dưới ngọn đèn tỏa ra ánh sáng màu đỏ kì bí
Anh không viết được chữ nào
Trên trang giấy kẻ ô

Em muốn mặc thử chiếc áo mới
Nhưng chẳng hiểu sao không mở được khuy áo

Con chim mới vừa đến đây

(Tháng 5/1983)

Bà Lưu Hà tươi cười khi tới sân bay Helsinki trên đường tới Đức

***

Gió

Số phận tiền định của anh giống như gió
Bồng bềnh phấp phới
Chơi đùa ở trên mây

Em từng mộng tưởng cùng anh làm bạn
Nhưng kiểu gia đình thế nào
Mới có thể dung nạp được anh
Tường vách sẽ khiến anh ngạt thở

Anh chỉ có thể là gió, mà gió
Chưa bao giờ nói cho em
Khi nào đến và khi nào đi

Gió đến làm em không mở nổi con mắt
Gió đi mặt đất mịt mù cát bụi

(Tháng 12/1992)

 “Trên khắp thế giới đều có 365 ngày trong một năm. Tuy nhiên tại Trung Quốc có một ngày trong năm bị cố tình quên lãng. Tại Đài Loan, chúng tôi luôn vận động đưa ngày đó (4 tháng 6, 1989) ra ánh sáng! Tôi hy vọng có ngày Trung Quốc cũng sẽ làm một hành động tương tự như vậy!” - Bà Thái Anh Văn, Tổng Thống Đài Loan.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts