Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

Những người bạn

Khi bạn còn làm việc, số bạn bè quen biết ngày một tăng. Đó cũng là đều dễ hiểu vì trong giao tiếp cần có sự “quảng giao” giúp bạn thành công trong công việc. Họ là những người “bạn” theo nghĩa thật và cũng là “bè” theo nghĩa những người đồng hội, đồng thuyền, đồng mục đích và cũng có thể là “đồng chí”!

Đến khi về hưu, số bạn bè ngày xưa ngày càng teo tóp lại. Đó cũng là đều dễ hiểu vì sự giao tiếp trong xã hội đã thu nhỏ lại. Người già bỗng thấy mình chỉ còn lại rất ít người, họ là những người sống quanh bạn trong thế giới ngày càng khép kín.

Người về hưu có lẽ cũng chẳng tiếc gì số bạn đã mất khi còn trẻ. Họ cũng trân trọng những người bạn mới quen vì đó là một phần của cuộc sống trong lúc về già. Người già hoàn toàn không có sự đánh giá loại “bạn cũ” hay “bạn mới”, không có sự phân biệt “hơn-thiệt” mà họ mang đến trong những ngày… chờ chết!

***

Một trong những người bạn mới của tôi là anh xe ôm tại ngã tư gần nhà. Tôi chú ý đến anh từ quán cà phê, tuy hơi xa nhưng vẫn thấy thân thiết. Rồi có lần chúng tôi gặp nhau rất gần nhưng cũng chỉ giơ tay chào nhau mà không nói một lời.

Một lần tôi nhờ anh chở đến một nơi cần đến. Trong suốt cuộc hành trình “ôm” tôi hiểu rất nhiều điều về anh. Nói chung thì anh già trước tuổi vì trước đó tôi cứ ngỡ anh là người đã đi “cải tạo” về. Qua câu chuyện mới biết sau khi thành phố đổi chủ anh mới đi nghĩa vụ quân sự!

Người bạn xe ôm

Trong trận đại dịch COVID-19 tôi nhờ anh đến chợ thuốc lá mua dùm cây thuốc. Hành trình mua thuốc cũng khá nhiêu khê vì phải điện thoại cho anh đến tận nhà lấy tiền rồi mới ra chợ thuốc ở Tân Định… rồi lại trở về nhà “giao hàng” như một shipper. Có điều giao dịch này dựa trên sự tin cậy lẫn nhau cộng thêm thù lao của công việc.

Sáng nay người bạn xe ôm giao hàng cho tôi: Một cây thuốc lá!

Người bạn thứ hai là một anh lái chiếc Honda cũ có tiếng máy nổ rất lớn, phía sau có cái rờ-mọc là xe ba gác. Công việc của anh là cứ mỗi sáng đi vào trong hẻm “thu gom” rác rồi sau đó mới ra đường lớn làm tiếp công việc.

Người bạn hốt rác ngồi nghỉ trước cửa nhà tôi

Thoạt đầu chúng tôi chào nhau bằng “ngôn ngữ của cơ thể” nhưng sau đó là những câu chuyện ngắn về công việc của anh. “Gánh hát” của anh gồm 3 người, anh là người lái xe, vợ anh đứng trên xe ba gác đề phân loại rác và con anh đi thu gom rác từ các nhà trong xóm.

'Gánh hát'... hốt rác trong hẻm

Ra đến ngoài đường thì việc thu gom có phần dễ dàng hơn vì rác đã được gom lại trước đó trong các thùng màu xanh. Chỉ việc kéo đến xe ba gác có vợ anh “tuyển lựa” những thứ rác có thể “tái sinh”. Loại rác này cũng là một phần thu nhập của người hốt rác ngoài tiền đóng góp hàng tháng của mỗi nhà.

Hốt rác ngoài đường

Một người bạn nữa không thể thiếu trong danh sách “những người bạn” của tôi. Đó là anh chủ quán cà phê sáng sáng tôi ngồi uống. Anh thuộc loại U60, người miền Bắc và đã từng sống tại Đông Đức trước khi về Việt Nam.

Cái “tật” nói hơi nhiều khiến tôi không dám thường xuyên gợi chuyện với anh. Rà trúng đài là anh thao thao bất tuyệt mà tính tôi lại rất… kiệm lời. Trong số bạn bè mới có lẽ anh là người khá giả nhất, anh còn tham gia việc môi giới bất động sản, quán cà phê của anh cũng là nhà anh chứ không phải đi thuê mặt bằng.

Vợ chồng anh chủ quán (hình chụp trên Facebook của anh)

Quán của anh còn phục vụ món “phở khô Gia Lai”, bún mọc và bánh canh. Đôi khi trong nhà thiếu rau hay bánh phở các cháu có thể điện thoại cho vợ anh để mang đến tận nhà. Nhiều khi lại chẳng tính tiền và công ship hàng!

Hàng năm cứ vào dịp Tết, trước khi đóng cửa anh dành cho tôi ly cá phê “miễn phí” mà anh gọi là… quà Tết. Ly cà phê chỉ có hai chục ngàn nhưng quý là mối liên lạc giữa khách hàng và chủ quán.

Chủ quán ngồi ở góc trái, góc bên phải là người phục vụ

Hôm bắt đầu lệnh cách ly xã hội vì Corona anh còn dặn tôi: “Bác cứ ra uống cà phê với em… quán chỉ dọn có một cái bàn thôi!”. Bây giờ tình hình ngày một căng thẳng nên quán của anh cũng phải đóng cửa nhưng không có dịch vụ “mua mang về” như những quán khác!

Quán trong mùa dịch

Nhiều lúc ngồi uống cà phê một mình tại nhà tôi lại… nhớ quán xưa ngày nào. Không biết đến bao giờ mới được ngồi lại quán để chụp những “street scenes” đang diễn ra trước mắt?

***

Tôi còn nhiều bạn xung quanh, có những người quen mặt nhưng chẳng hề biết tên. Ai cũng phải thừa nhận “Social Distancing” là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh lây lan và cũng để bảo vệ chính bản thân mình.

Nhưng sao có cái gì đó tiếc nuối khi không được gặp lại những khuôn mặt thân quen của những người bạn. Mọi chuyện đều có cái giá của nó!

***

1 nhận xét:

Popular posts