Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2021

Lẩm cẩm chuyện

Những mẩu chuyện này được viết ra bởi một ông già “bảy bó có dư” nên mới mang tên “Lẩm cẩm chuyện”.

Người già thường được coi là một đứa con nít, chỉ khác ở chỗ có “mái tóc bạc” cộng thêm tính khí bất thường, khó ưa. Đó là kết quả của những năm tháng đè nặng trên vai!

 

Trẻ con & Người già


Quả là hai thái cực khi ta nói “ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” nhưng Bernard Shaw lại nói một cách khôi hài rằng “lắm người không khi nào trẻ, vài kẻ không bao giờ già” để chỉ cái ranh giới mù mờ giữa tuổi trẻ và tuổi già!

 

Già & Trẻ


Về già mới thấy giấc ngủ hoàn toàn không cần định giờ báo thức vì đã có “đồng hồ sinh học”. Cơ thể tự động thức dậy khi những nhu cầu bài tiết phát sinh! Thế cho nên, cũng bằng thừa nếu dùng đồng hồ để thức giấc một cách máy móc.

Nhớ lại thời còn con nít, ta thường hay thỉnh thoảng có lúc… “dấm đài” (gọi trại là thế để tránh nói về cái cảnh đang ngủ bỗng thấy… ướt quần!). Hóa ra cũng là bởi “đồng hồ sinh học”. Rõ ràng là cậu bé nằm mơ thấy mình đang buồn tiểu nên tự động xả nước một cách thoải… trong mơ!

Không phải là nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud ta cũng có thể thấy chuyện “bài tiết trong mơ” xảy ra một cách nhuần nhuyễn giữa “Thực” và “Ảo”. Này nhé, việc bài tiết là có thực, nhưng bài tiết trong mơ lại là ảo và rồi kết cuộc trở về với thực tế ta mới thấy… ướt quần!

 

Bác sĩ Sigmund Freud (1856-1939)

 

“Đồng hồ sinh học” đối với người già hoạt động rất… “bất thường”. Có những hôm mới 1 hay 2 giờ sáng nó đã báo thức, đành phải dậy để đi toilet, dù bản thân có muốn hay không!

Sau khi đáp ứng “tiếng gọi của thiên nhiên” một cách miễn cưỡng, giấc ngủ được coi là đã chấm dứt nên phải tính đến chuyện làm gì trong khi chờ sáng?

Thế là đang từ trạng thái ảo trong mơ trở về với thực tế trong khi mọi người xung quanh đang an giấc. Tôi có một cái thói quen vẫn thường xảy ra là có những giấc mơ về chuyện viết lách trước khi tỉnh dậy. Thế là đành ngồi viết tiếp những suy nghĩ của mình trong mơ vào lúc một hay hai giờ sáng!

***

Về già, người ta thường có những suy nghĩ mà đối với những người trẻ gọi đó là “lẩm cẩm”. Hồi tôi còn trẻ, sức lực sung mãn nên chạy xe gắn máy đến khắp mọi nơi mình thích, kể cả việc ra xa lộ Biên Hòa hóng gió. Đang ngon trớn bỗng thấy bánh xe xẹp lép, phải dắt bộ để tìm một chỗ sửa xe.

Anh thợ sửa xe cao hứng kể rằng trên khúc đường này xe thường hay bị xẹp lốp nên… làm ăn cũng khá. Ngày xưa chưa có “đinh tặc”, danh từ chỉ những người rải đinh trên đường hầu kiếm ăn bằng cách nhẹ thì vá còn nặng thì phải thay luôn ruột xe!

 

Nạn nhân của… “đinh tặc”

 

Bây giờ trên “Xa lộ Hà Nội” (tên mới của “Xa lộ Biên Hòa” từ sau ngày 30/4/75) xuất hiện khá nhiều những “đinh tặc”. Phải nói là họ bất lương khi tạo ra những cảnh dắt bộ tìm chỗ vá xe dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn. Thậm chí có khi còn gây tai nạn đối với những người tay lái không vững!

Biết đâu đó, những người thân của “đinh tặc” ngày nay lại trở thành nạn nhân của những “đồng nghiệp” của họ! Các cụ ta thường nói “gậy ông đâp lưng ông” là vậy! Của phi nghĩa cũng chẳng bao giờ bền, làm giàu trên sự đau khổ của người khác không sớm thì muộn cũng có những đoạn kết buồn.

 

Xe “hút đinh” vì sự an toàn của cộng đồng

 

Để kết thúc bài viết “Lẩm cẩm chuyện”, xin mượn lời nhà văn châm biến Mark Twain với một câu khôi hài:

“Cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn vô cùng nếu chúng ta được sinh ra ở tuổi tám mươi và dần dần tiến về tuổi mười tám”

***

P/S: Dưới đây là vài “danh ngôn lẩm cẩm” về tuổi già giúp các bạn thông cảm cho những người “thất thập cổ lai hi”: 

- “Cơ thể già đi chậm rãi và chết nhanh chóng” - Tacitus 

- “Đừng trông vào tuổi tác của con người mà hãy nhìn vào những hành động của anh ta” - Sophocles 

- “Với thanh niên, ngày trôi qua nhanh và năm trôi qua chậm. Với người già, ngày trôi qua chậm và năm trôi qua nhanh” - Anna Quindlen 

- “Ai cũng muốn sống lâu, nhưng lại chẳng ai muốn già nua” - Jonathan Swift 

- “Bốn mươi là tuổi già của lớp trẻ; Năm mươi là tuổi trẻ của lớp già” - Victor Hugo 

- “Tuổi của trái tim không được đo bằng tóc bạc” - Edward Bulwer Lytton 

- “Nuối tiếc là đặc tính tự nhiên của mái đầu bạc” - Charles Dickens 

- “Tất cả bệnh tật đều thu lại làm một. Đó là tuổi già” - Ralph Waldo Emerson 

- “Tôi chẳng hứng thú với tuổi tác. Người nào nói cho tôi biết tuổi của họ, kẻ đó thật ngớ ngẩn. Tuổi của bạn là do bạn tự cảm nhận” - Henri Frederic Amiel

 *** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts