Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Hớt tóc thời Corona

Sài Gòn có lệnh đóng cửa các nhà hàng, tiệm cắt tóc, phòng tập thể dục… cho đến ngày 31/3/2020 để phòng tránh dịch Covid-19 lây nhiễm. Sau 3 tuần thực hiện cách ly xã hội, ngày 23/4 hàng loạt tiệm cắt tóc đã hoạt động trở lại trong ngày đầu nới lỏng “social distancing”.

Bình thường, cứ mỗi tháng một lần tôi đi hớt tóc chỗ tiệm quen ở gần nhà. Lịch hớt tóc cứ theo một thói quen rất đơn giản: khi nào thấy ngứa tai là biết ngay đã tới kỳ phải… “xuống tóc”. Khổ nỗi từ khi có dịch Corona, râu tóc cứ dài ra mà tiệm hớt tóc lại phải đóng cửa “trốn dịch”!

Đến khi “xả trại” vôi tới tiệm quen để hớt nhưng không ngờ tiệm lại đóng cửa với thông báo ngắn gọn “Cho thuê mặt bằng (Không bán ăn uống) – Liên hệ số ĐT…”. Đã nghèo lại gặp eo! Nhưng cũng may, cách đó mấy căn cũng có một tiệm hớt tóc nữa.

Thường thì tôi rất ít khi thay đổi địa điểm hớt tóc chỉ vì lý do thợ đã quen mặt nên biết rõ sở thích của khách. Hơn nữa, thợ quen cũng dễ nói chuyện “trên trời dưới đất” mà các ông thợ nhiều khi có nhiều chuyện mà mình không tiếp xúc thì chẳng bao giờ được nghe, được biết.

Tôi còn nhớ có lần nói về chuyện nghề nghiệp với ông thợ, tôi hỏi ông có biết trên đời này có nghề nào được gọi là “uy quyền” nhất trong thiên hạ không? Ông đưa ra một số nghề, nào là công an, công chức cao cấp rồi lại lên tới chức làm vua, làm tướng… Tất cả những nghề ông đưa ra tôi đều bác bỏ.

Tôi nói nghề nào cũng có cái uy của nó… nhưng có một nghề có thể đè đầu thiên hạ mà không bị phản đối. Câu trả lời lấp lửng của tôi khiến ông thợ lại càng thắc mắc muốn biết. Cuối cùng tôi mới nói đó là nghề hớt tóc!

Tôi giải thích, dù anh có địa vị cao quý đến đâu nhưng khi ngồi xuống ghế hớt tóc anh phải chịu sự điều khiển của… ông thợ cạo! Ông thợ có vẻ thích thú và hiểu ra chuyện có vẻ tiếu lâm nhưng đó lại là… sự thật.

Tôi còn bồi thêm: “Nổi tiếng trong làng Showbiz hiện nay là ca sĩ ĐVH với nhà lầu, xe hơi và hàng triệu fan hâm mộ trên cả nước cũng xuất thân từ anh thợ làm tóc đấy!”. Trên VTC News có lần “Ông Hoàng Nhạc Việt” tâm sự:

“Không được ở với mẹ, tôi và em gái về với ông bà ngoại. Ông bà thương anh em tôi lắm, để các cháu kiếm sống được, ông bà cho hai đứa tự chọn nghề để học, sau đấy sẽ ra làm ăn tự bảo ban nuôi sống nhau.

“Trước đó tôi cũng có đi hát đám cưới ở nơi này nơi khác, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ hát sẽ là nghề để tôi nuôi sống chính bản thân và gia đình. Tôi quyết định chọn nghề tóc còn em gái chọn nghề may.

(hết trích)

Trở lại chuyện hớt tóc thời Corona. Tiệm mới tôi tìm đến có cái tên rất ngộ nghĩnh và rất Mỹ: “T-Cut Barber”. Tò mò lên Google tìm hiểu mới vỡ lẽ tiệm còn có trang riêng trên Facebook https://www.facebook.com/Tcutbarbers/ được thiết kế rất chuyên nghiệp, có cả phần tương tác với khách để book lịch hẹn trước.

Chủ nhân T-Cut là một anh còn rất trẻ, người Miền Nam, ăn mặc đúng mốt kiểu “hiện đại” lại còn xăm trổ nên trông rất “ngầu”. Hôm tôi đến tiệm vào một buổi chiều, xe để ngoài trước cửa đông nghẹt, khó khăn lắm mới khách mới lách được vào bên trong.

(Hôm nay tôi có chụp vài tấm hình ngoài mặt tiền của T-Cut khi đi uống cà phê sáng, lúc đó tiệm chưa mở cửa. Các bạn tinh ý sẽ thấy địa điểm này rất quen vì có xe bán nước gần với xe bán bánh mì mà tôi đã giới thiệu trên FB).

Lách được vào trong tiệm tôi được cho biết phải đợi 40 phút nữa mới tới lượt. Cắt tóc thời mắc dịch là vậy, thiên hạ đua nhau đem cái đầu bù xù của mình đến để thợ… làm đẹp!

Nhìn chung thì thấy T-Cut có diện tích nhỏ hơn tiệm tôi vẫn hớt ngày nào, chỉ cách đó vài căn. Nhiều ghế cho khách hơn nhưng lại ít chỗ ngồi cho khách chờ nên thường phải ra ngoài ngồi uống nước phía trước. Một “hợp đồng” thật ăn ý giữa chủ tiệm hớt tóc và chủ xe giải khát.

Trang trí trong tiệm cũng rất đặc biệt, trên tường là hàng loạt những hình ảnh liên quan đến tóc và nghề cắt tóc. Chủ nhân chắc cũng có liên lạc mật thiết với những đồng nghiệp nước ngoài nên có những hình ảnh đặc biệt tận bên trời Âu Mỹ.

Tôi may mắn được anh chủ tiệm đích thân cắt tóc cho mình nên cũng có dịp được tìm hiểu về “lịch sử” của T-Cut. Anh nói tiệm mở cách đây khoảng 6 tháng, khách đa số là giới trẻ mà ngay thợ cũng là đều là người trẻ. Có lẽ anh chủ là người lớn tuổi nhất trong tiệm.

Thời gian gần đây nghề hớt tóc cũng có nhiều “biến tướng”, chẳng hạn như “hớt tóc thanh nữ” thợ đều là các cô gái trẻ đẹp. Họ làm đủ các công việc của thợ nam như gội đầu, lấy ráy tai, cạo mặt… nghĩa là từ A đến Z!

Lại nhớ đến Sài Gòn xưa có những ông thợ cắt tóc rong ruổi trên xe đạp, họ thường vào các xóm lao động để hành nghề theo một lộ trình có lẽ đã được “lập trình từ trước”. Sang hơn một chút là những người có chỗ cố định trên vỉa hè. Giang sơn chỉ có độc một cái ghế nệm xoay, khung gương dựng trên chiếc bàn xếp dễ dàng thu dọn.

Trên bàn bày dụng cụ hớt tóc như dao cạo râu, tông đơ cũ, cây kéo, vài thứ lặt vặt khác để lấy ráy tai và còn có thêm khăn choàng cổ cho khách. Khi về ông thợ gửi lại “đồ nghề” cho những nhà ở gần đó. Dĩ nhiên chắc cũng phải có thù lao… gửi đồ.

Như đã nói ở trên, một ông thợ cạo thành công là người có nhiều “khách ruột”. Khách mến thợ một phần vì tính tình vui vẻ nhưng cũng có một phần vì tài nói chuyện trong lúc… hành nghề. Không cần “trên thông thiên văn, dưới thông địa lý” nhưng phải là người “biết chuyện”, từ tin tức thời sự đến chuyện bình luận bóng đá!

Nghề hớt tóc đã có từ lâu lắm rồi vì nhu cầu tóc mọc dài nên phải có người hớt dùm. Có điều ở xã hội Phương Tây, đứng hớt tóc là phải “có bằng” (diploma) mới được hành nghề. Còn ở ta tương đối thoải mái vì ai cũng có thể “đè đầu đè cổ” thiên hạ mà vẫn kiếm ra tiền.

Nói thì dễ đấy nhưng bạn cứ thử cầm tông đơ, cầm kéo, cầm dao cạo thì sẽ biết ngay!

***

Anh chủ tiệm T-Cut

Hình Avatar chủ tiệm T-Cut và hai đồng nghiệp người nước ngoài trên Facebook


Bên trong T-Cut



Trang trí trong T-Cut



Trang trí trong T-Cut



Trang trí trong T-Cut



Mặt tiền T-Cut chụp vào sáng sớm khi chưa mở cửa



Hớt tóc vỉa hè



Hớt tóc vỉa hè



Hớt tóc dạo



Tiệm hớt tóc xưa



Tiệm hớt tóc xưa



Đau khổ khi bé phải... xuống tóc



Hớt tóc thời Corona



Trước và Sau khi hớt tóc



***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts