Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

Đeo hay… Không đeo?

Trong nỗ lực “làm phẳng” đường “đồ thị tử vong” của các quốc gia bị COVID-19 gieo rắc chết chóc trong thời gian qua, một trong những vần đề được đặt ra là “nên” hay “không nên” đeo khẩu trang (face mask) để làm giảm bớt sự lây lan cũng như bảo vệ bản thân.

Nói chung, Phương Tây và Phương Đông có hai chiều hướng trái ngược nhau nếu không muốn nói là “mâu thuẫn”, dẫn đến tình trạng manh nha “sự kỳ thị” giữa Đông và Tây. Người sống trong xã hội Phương Tây thường có một cái nhìn “không mấy thiện cảm” khi gặp người Châu Á “bịt mặt kín mít” ngoài đường.

Ngược lại, có thể vì những kinh nghiệm “xương máu” của các trận dịch trước đây, người Châu Á vốn “cẩn tắc vô ưu”, nên dùng khẩu trang như một cách phòng chống dịch. Đó là kinh nghiệm rút ra từ những trận dịch đã xảy ra.

Điển hình là SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) bùng phát từ tháng 11/2002 đến tháng 7/2003 tại Hồng Kông, lan tỏa toàn cầu và gần như trở thành một đại dịch. Khẩu trang khi đó xuất hiện ngay tại Hồng Kông và hầu như tại tất cả các thành phố ở Á Châu. 

Đã có những “con mắt hình viên đạn” của cư dân tại các thành phố Châu Âu, Châu Mỹ và ngay tại Châu Úc đối với người Châu Á đeo khẩu trang! Đối với họ, chỉ những nhân viên y tế tại bệnh viện mới cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân để tránh lây nhiễm. Khi một người đeo khẩu trang tức là gián tiếp cảnh báo “tôi có bệnh” (!).

Trong một buổi tiếp xúc với hai vợ chồng du khách người Mỹ tại khách sạn Rex hồi tháng 2/2020 tại Sài Gòn tôi đã có một kinh nghiệm thực tế. Họ móc trong túi 2 khẩu trang mà công ty du lịch đã phát nhưng lại không đeo! Họ nói chỉ để “phòng khi hữu sự”. Là người Việt, tôi nghĩ thầm trong đầu nhưng không nói ra: “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”!

Tại Mỹ, tính đến trước ngày 3/4/2020 Trung tâm Kiển soát và Phòng chống Bệnh tật (CDC) vẫn khuyên mọi người “không cần đeo khẩu trang trong mùa dịch” nếu không có những triệu chứng… “mắc dịch”.

Ngày 3/4 cũng là ngày Tổng thống Trump tuyên bố CDC đề nghị mọi người nên đeo các loại khẩu trang “không phải là loại y tế”, có nghĩa là khẩu trang có thể tự làm bằng vải. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “Biện pháp này mang tính cách tự nguyện”.

Tổng thống Trump nói như vậy một phần cũng là vì các phương tiện để chống lại sự lây nhiễm ở Mỹ đang trong thời kỳ thiếu thốn. Thiếu từ đội ngũ nhân viên y tế, từ máy trợ thở cho đến khẩu trang hay giấy vệ sinh trong tình sự bùng phát ngày càng lan rộng của COVID-19.

Theo báo Time, một trong những thành phố đi đầu trong chiến dịch đeo khẩu trang nơi công cộng là thành phố Laredo, Texas. Kể từ ngày 2/4, cư dân phải mang khẩu trang khi sử dụng những phương tiện giao thông công cộng, trong các tòa nhà có sự tụ tập đông người, thậm chí ngay tại trạm xăng!

Quyết định còn mang tính cách cưỡng chế về tài chính: người vi phạm điều này, có thể bị phạt tới 1.000 đô la. Tuy nhiên, luật sẽ không áp dụng đối với những người điều khiển các phương tiện cá nhân và… những người đang ăn uống (làm sao có thể ăn uống khi bịt khẩu trang?).

Tờ Washington Post bình luận: luật mới gây sốc đối với cư dân sống trong một thành phố nằm ngay biên giới với Mexico. Khoảng 1/3 dân số Laredo có mức sống thấp và tờ Laredo Morning Times cho biết hiện có 85 trường hợp dương tính với coronavirus và 5 trường hợp tử vong được xác nhận.  

Như vậy là sự xung đột tư tưởng giữa Đông và Tây có lợi thế nghiêng về Châu Á. Ở đây, không nói về thắng bại mà thiết thực hơn là tính mạng của con người. Chính phủ nào cũng phải chăm sóc đến tính mạng của người dân, dù đó là dân gốc Châu Á hay Âu Mỹ.

Một mặt trận “thầm lặng” khác cũng đang diễn ra mà Đài Loan là một trường hợp điển hình. Hòn đảo này đã tăng cường nỗ lực nâng cao hình ảnh của mình bằng cách quyên góp khẩu trang và viện trợ y tế cho các quốc gia khác. Theo South China Morning Post, đó là một động thái khiến Bắc Kinh tức giận.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã ca ngợi Đài Loan. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói rằng Liên minh châu Âu rất biết ơn những nỗ lực và cử chỉ đoàn kết của Đài Loan. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng gọi Đài Loan là một người bạn thực sự.

Đài Loan và Liên minh Châu Âu

Lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn, giải thích rằng lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang đã được dỡ bỏ vì Đài Loan không thể đứng yên trong khi các quốc gia khác đang rất cần sự giúp đỡ. Bà nói hôm1/4/2020:

“Tôi muốn nói với cộng đồng quốc tế rằng Đài Loan sẽ tích cực tăng cường hợp tác với tất cả quốc gia để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19”.

Bà Thái nói thêm rằng nếu đại dịch không được kiểm soát thì nó sẽ không bao giờ chấm dứt và Đài Loan sẽ vẫn luôn gặp nguy hiểm.

“Ở giai đoạn này, chúng tôi sẽ quyên góp 10 triệu khẩu trang, khoảng một ngày sản xuất, để hỗ trợ nhân viên y tế ở các quốc gia nơi dịch Covid-19 đặc biệt nghiêm trọng. Sau đó, chúng tôi sẽ cung cấp nhiều hỗ trợ hơn nữa cho cộng đồng quốc tế dựa trên năng lực sản xuất trong nước của chúng tôi”.

Đài Loan sẽ sản xuất 10 triệu khẩu trang mỗi ngày cho thế giới

Một chuyện khẩu trang nữa đến từ Pakistan:

“Pakistan là đồng minh thân thiết của Trung Quốc nên mới đây TQ muốn hỗ trợ các vật tư bao gồm 200.000 mặt nạ thông thường, 2.000 mặt nạ N95, 2.000 bộ quần áo bảo hộ, 5 máy thở và 2.000 kit xét nghiệm. Họ yêu cầu Pakistan mở cửa biên giới với khu tự trị Tân Cương để chuyển hàng.

“Nhưng Pakistan ngay sau đó đã phản ứng dữ dội vì mặt nạ N95 được làm từ vải quần lót không có tác dụng bảo vệ (đối với người Hồi thì đó là hành động khinh bỉ họ). Cộng đồng mạng Pakistan lên tiếng:

“TQ đã thực sự lừa chúng tôi, nếu TQ coi Pakistan là bạn mà vẫn làm vậy thì hãy nghĩ về những gì TQ sẽ làm cho các nước khác!... Chúng tôi muốn đeo mặt nạ, không phải quần lót.”

***

Chuyện Đeo hay Không Đeo khẩu trang còn nhiều lắm, kể ra không hết trong mùa dịch này. Chúng tôi chỉ xin nhắc lại một điều:

“Hãy đeo khẩu trang để bảo vệ mình cũng như những người xung quanh”.

(Chuyện khẩu trang cũng có nhiều bức tranh vui mà chúng tôi sưu tầm được, mong các bạn ngó qua để tìm được nụ cười trong những ngày đại dịch)

***

Bức bích họa về Sự Tạo Dựng của họa sĩ Michelangelo, Nhà nguyện Sistine, Vatican, đã được mang khẩu trang phòng dịch

Nàng Mona Lisa với khẩu trang

Tương thần Tự do đeo khẩu trang

Khẩu trang du hành vũ trụ của người Nhật

Khẩu trang dành cho người mê uống trà sữa

Khẩu trang nấu bếp

Khẩu trang từ tã lót trẻ em

Khẩu trang kiểu... khủng long

Khẩu trang tự chế cho trẻ em

Khẩu trang cho mèo

Vui nhưng không quên Corona

Sự lạc quan của người bệnh

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts