Mối tình của một
cô gái làm thơ, người tự nhận là “cô
gái trời bắt xấu”, được nhiều bạn trẻ cũng như giới văn nghệ biết đến
vào giữa thập niên 1960 đã khuấy động từ Đà Lạt về đến Sài Gòn.
Đó là một mối tình đẹp vừa đẹp vừa lãng mạn nhưng cũng đầy ngang
trái và khổ đau.
Thi sĩ Đinh Hùng nhận xét về nhà thơ Lệ Khánh, người đã tự gắn cho mình cái tên thật mỉa mai “cô gái trời bắt xấu”:
“Khi những người tuổi trẻ yêu, đừng bắt họ nhân danh Nghệ Thuật hay Chân Lý để làm thơ! Chính Lệ Khánh chẳng đã từng thú nhận: Lệ Khánh làm thơ, in thơ bán thơ, nhưng Lệ Khánh không “bán tim”… và hẳn Lệ Khánh không hề có tham vọng làm một nữ sĩ “chuyên nghiệp” chiếm riêng một chỗ ngồi trong Văn Học Sử ngày mai…”
Cô “thi sĩ” tuổi
đời mới 20 chỉ muốn làm một người tình bé nhỏ trong trái tim của người yêu.
Cô chỉ mong cho tiếng thơ của mình được người yêu đón nhận. Nhưng dù muốn dù
không, cô cũng đã trờ thành một thi sĩ với những tâm tình của mình
trước một tình yêu… không lối thoát.
“Nàng thơ” xuất bản tập thơ “Em là gái trời bắt xấu” vào năm 1964 khi mới tròn 20 tuổi. Lệ Khánh là con gái của một phó ty cảnh sát vùng cao nguyên sương mù, nơi có trường Võ bị Quốc gia mà cuối tuần những chàng sinh viên sĩ quan mang “alpha đỏ” đi phép… tỏa ra khắp các con đường Đà Lạt.
Gia đình cô rời miền Sông Hương Núi Ngự để vào lập nghiệp tại vùng Cao nguyên Lambiang, được coi như quê hương thứ hai của nhà thơ trẻ. Lệ Khánh làm thơ ca tụng màu áo lính ngày Chủ Nhật tại Đà Lạt qua bài thơ “Chiến y làm đẹp phố phường”:
“Áo muôn sắc giữa phố phường khép nép
Chiến y về làm hồng má hây hây
Mắt đa tình gợn suối tóc bay bay
Alpha đỏ, ôi đẹp màu môi con gái”
Bài thơ được kết
thúc với 4 câu thơ của nàng thi sĩ nhỏ khi đi vào bế tắc:
“Trời Dalat hôm nay nhiều áo chiến
Áo chiến mùa đông pha màu đỏ alpha
Em nhớ anh nên nước mắt em nhòa
Song gạt vội: “Bụi đường bay ác quá !”
Sau này, vào năm
1994, cũng vẫn tại thành phố sương mù nhưng người tình đã vĩnh viễn
xa rời hạnh phúc, Lệ Khánh có một bài thơ hồi tưởng. Đây là một
trong số rất ít những vần thơ viết sau năm 1964:
“Bây giờ trời vào thu
nên em buồn thương nhớ
Đà Lạt sáng sương mù
Mimosa vàng nở…
…
“Bây giờ trời vào thu
cho em nhiều kỷ niệm
mình quen nhau ngày xưa
chừ xa rồi lưu luyến”
(Trích “Hai Mùa Thu Đalat” trong Giai Phẩm Xuân
Giáp Tuất)
Hồng nhan đa
truân… Cuộc đời đưa đẩy khiến cho cô trôi dạt xuống Sài Gòn hoa lệ để
có một đứa con trai mà trong thơ cô tự nhủ:
“Bây giờ mẹ chỉ có con
Con thơ thơm sữa, mẹ mòn tuổi yêu”.
Như vậy cũng vẫn
chưa đủ đa truân trong thời điêu linh vì cô còn phải tiếp tục sống, kể
cả việc tù tội. Theo lời của Hoài Linh Phương, một người em văn nghệ
kết nghĩa:
“Chị có một thân hình đẹp, nếu không nói là hấp dẫn. Tôi nhận ra chị rất mượt mà, có gì là “Em là gái trời bắt xấu” như chị thường than thở đâu, mặc dù cái mũi bị gãy gập lại. Hay là tại tôi thương chị nên nhìn khuôn mặt chị tôi không cảm thấy một điều gì bất ổn. Chị không đẹp, nhưng cũng đâu có nghĩa là xấu!”
Chuyện “màu alpha đỏ” của các chàng trai Võ bị ngày xưa đã là quá khứ khi cháu Vũ Khánh Thục ra đời. Lệ Khánh không có ai là họ hàng thân thuộc ở Sài Gòn. Mỗi ngày Hoài Linh Phương vào thăm chị ở bảo sanh viện Đức Chính, mang cho chị những thứ cần thiết, ru cho cháu Thục ngủ…
“Người đàn ông” của Lệ Khánh rất it khi xuất hiện vì còn bận chinh chiến. Cô sống một mình với con trên một căn gác nhỏ lợp tôn thuê ở một con ngõ sâu đường Nguyễn Huệ, Gia Định. Căn gác nóng hầm hập vào mùa hè đổ lửa.
Người đó là nhạc sĩ Thục Vũ (Vũ Văn Sâm, sinh năm 1932) khi đó đang mang cấp bậc Đại Úy, có vợ năm 1956. Ông đã gặp Lệ Khánh, hai người cách nhau hơn 10 tuổi, bà Thục Vũ biết chuyện nhưng không làm to chuyện mà còn đến thăm nom, chăm sóc cho ngày con Lệ Khánh ra đời.
Đại úy Thục Vũ lên Trung Tá, đóng tại Sư Đoàn 5 Bộ Binh thì miền Nam “đổi chủ”. Sau 1975, ông đi cải tạo và chết trong trại năm 1978, để lại cho bà vợ lớn 5 đứa con, và nhà thơ Lệ Khánh 1 đứa con.
Tâm sự của “kẻ đến sau” được Lệ Khánh dàn
trải qua bài thơ “Vòng tay nào cho em”
một cách mỉa mai nhưng lại rất thật:
“Lỡ yêu người có vợ con
Thì đừng nói chuyện sắt son mà buồn
"Vòng tay này ôm vợ
Còn vòng tay nào anh ôm em?"
Theo người em văn
nghệ Hoài Linh Phương những ngày trước 75, Lệ Khánh có một chỗ ở khang trang
hơn, trong một cư xá công chức mới xây gần Tòa Hành Chánh tỉnh Gia Định nhưng
cô lại muốn về lại Đà Lạt để ở gần Ba Mẹ và cũng để cho cháu Thục còn có
ông bà, và các dì, cậu.
Đơn thuyên chuyển đã gửi đi, Lệ Khánh về lại Đà Lạt nhưng chưa kịp nhận nhiệm sở mới, thì Đà Lạt thất thủ. Lệ Khánh lại cùng với gia đình di tản về Saigon. Cũng cùng với thời gian đó, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam rút quân và cuộc chiến kết thúc vào “Tháng Tư Đen”!
Rồi lai có tin Lệ Khánh đang bị giam chung với một số văn nghệ sĩ can tội viết bài gửi đăng báo ở hải ngoại. Nhưng tội trạng của cô khác với mọi người vì dính líu đến tội hình sự: lường gạt tiền bạc theo đơn thưa. Cô em gái kết nghĩa kể lại:
“Lần cuối cùng tôi gặp chị, chị hớt hãi, ngơ ngác cho tôi biết không thể sống được, chỉ có nước tự tử vì bị úp hụi. Có định mệnh, số kiếp cay nghiệt nào vẫn còn theo đuổi một người thơ đến suốt cuộc đời. Tình yêu, nhan sắc, danh vọng, bạc tiền là một con số không to lớn phủ kín hồn chị”
Bây giờ tiếng thơ
Lệ Khánh đã nghẹn ngào tắt lịm nhưng những câu thơ xưa ngàn đời vẫn đẹp vì
một bài thơ hay như một bình rượu quý, một bức tranh đẹp không hề bị ảnh hưởng
bởi thời gian.
Đọc lại những bài thơ xưa của người thơ Đà Lạt, người đọc cảm thấy mình như đang trở về quá khứ và cũng để cảm thông với những gian truân nhưng không kém phần thi vị của một người con gái vẫn tự nhận mình đã chịu đựng số phận “trời bắt xấu”.
Phải chăng “Hồng nhan đa truân”… là vậy?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét