Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

"Đèn Cù"… vừa tắt bóng!

“Khen ai khéo kết đèn cù

Voi giấy ngựa giấy tít mù vòng quanh

Bao giờ em bén duyên anh

Voi giấy ngựa giấy vòng quanh tít mù…”

 

Những câu ca dao về đèn cù nói trên rất quen thuộc tại Miền Bắc vào dịp Trung Thu vì trẻ con thường đẩy đèn đi rước nhờ có gắn bánh xe. Đèn cù còn được gọi là Đèn Ông Sư, xuất phát từ hình dáng với chiếc chao đèn có 6 cánh, trông tựa như chiếc mũ của các vị hòa thượng.

 

Trẻ em Miền Bắc và những chiếc đèn cù trong mùa Trung thu

 

Ở Miền Nam cũng thầy có loại đèn Trung Thu với 6 cạnh, được gọi là Đèn Kéo Quân. Nhờ trụ đèn nên khi đốt đèn, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong bị giãn nở và những hình ảnh sẽ tự động quay!

 

Đèn kéo quân (hay còn gọi là đèn cù, đèn ông sư)

 

Trong lãnh vực văn học, có một chiếc đèn cù vừa “tắt” bóng. Đó là nhà văn, nhà báo Trần Đĩnh, người đã viết cuốn “Đèn cù”. Ông qua đời ngày 12/5/2022 tại Sài Gòn, hưởng thọ 93 tuổi.

Ông tên thật là Trần Kim Đĩnh vốn nổi tiếng tại Miền Bắc vì ông nguyên là nhà báo của các cơ quan báo chí của Đảng như Sự Thật, Nhân Dân. Tác phẩm “Đèn cù” được in ở hải ngoại năm 2014 và được lan truyền qua mạng internet.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC ngày 01/9/2014, Trần Đĩnh cho biết cuốn sách đã được viết ra để hưởng ứng lời kêu gọi của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nhằm “phá tan sự im lặng đáng sợ”.

Tác giả cũng nói ông quyết định hoàn tất cuốn sách 600 trang để gửi ra hải ngoại xuất bản, đó cũng là thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở Biển Đông vào đầu tháng 5/2014 để gửi một thông điệp mang tính “cảnh báo”.

Cuốn sách có nhiều thông tin được cho là “nhạy cảm” nên sách của ông không thể xuất bản trong nước. Sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, cuối cùng đã được Nhà xuất bản Người Việt phát hành tại Hoa Kỳ vào đầu tháng 5/2014.

 

Tác phẩm Đèn Cù, Nhà xuất bản Người Việt Books

 

Trần Đĩnh không gọi “Đèn cù” là tiểu thuyết hay hồi ức hoặc hồi ký mà là “Truyện tôi” với lối kể chuyện chân thành và ông khẳng định trên BBC: “Đèn Cù là tiếng kêu đau của tôi... Như thế mà bạn còn có thể vẫn lý sự đúng sai sao? Liệu bạn có phải con người?”

Theo ông, Việt Nam chưa hề có độc lập kể từ khi thoát khỏi thực dân Pháp mà chỉ rơi vào sự nô dịch của các cường quốc khác theo một cách khác ngoài sức tưởng tượng và kinh nghiệm của dân tộc Việt.

Bài học này có giá trị thức tỉnh cả dân tộc phải cảnh giác với “ông láng giềng khổng lồ đểu cáng” Trung Quốc. Phải quyết tâm thoát bằng được khỏi sự nô dịch và quyết không quay trở lại con đường bị nô dịch như trước đây.

“Đèn cù” dàn trải qua 42 chương sách về rất nhiều chủ đề. Ngay ở chương đầu tiên, tác giả giải thích những thuật ngữ đặc biệt đối với độc giả, nhất là những người “lưu vong” thuộc thế hệ con cháu để hiểu rõ tình hình trong nước thời kỳ chống Pháp.

“ATêKa, an toàn khu là gì? Là căn cứ địa đầu não của Đảng cộng sản Đông Dương và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, nằm ở chân hai con đèo tên Re và So của dãy Núi Hồng chia đôi hai huyện Định Hoá tỉnh Thái Nguyên và Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang”.

Trần Đĩnh đến AtêKa để làm báo “Sự Thật” vào đầu năm 1949. Theo ông, tháng 12/1945, Đảng Cộng Sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán cùng với tờ báo tiếng nói của nó là tờ “Cờ Giải Phóng”. Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác (không cõng kèm chủ nghĩa Lê-nin) bèn ra đời cùng báo “Sự Thật”:

“Đây là một cuộc vận động trái khoáy ngược chiều cực kỳ hiếm mà lúc ấy tôi chưa biết: vừa giành chính quyền để nổi thì Đảng đã lập tức “thoái trào”, phải rút vào bí mật, giấu tiếng, ẩn danh như chưa từng bao giờ. Con ruồi đậu xuống má rồi bay đi ta còn hay thế nhưng nghịch lý tày trời này hầu như ít ai thấy.”

Toà soạn báo “Sự Thật” lúc ấy có vẻn vẹn “ba cây bút sắt”: (Hà) Xuân Trường (thư ký toà soạn), Quang Đạm, Thép Mới (tức Trường Chinh, làm từ thời báo “Cờ Giải Phóng”). Còn có thêm Phan Kế An, con trưởng cụ Phan Kế Toại, nguyên Khâm sai Đại thần và cũng là Bộ trưởng Nội vụ, người ký tên đóng dấu nổi vào thẻ nhà báo.

Trong thẻ này, Trần Đĩnh đã sửa 19 tuổi thành 23. Thép Mới nói người mang thẻ này được phép vượt qua bất cứ trạm kiểm soát nào. Trần Đĩnh nghĩ, nếu 19 tuổi thì có lẽ khó mà có “uy quyền vượt trạm” nên ông “ăn gian”, tự cho mình thành 23 tuổi!

Thử thách đầu tiên đối với Trần Đĩnh là lần tiếp xúc với Trường Chinh, Tổng bí thư và Chủ nhiệm báo. Trường Chinh tươi cười:

 – Vậy anh tre trẻ này là lính mới báo ta chứ?

– Vâng, tôi lên làm phóng viên báo Sự Thật.

 

Tác giả Trần Đĩnh (1930-2022)

 

Tháng 10/1949, nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ra đời. Hơn hai tháng sau, Cụ Hồ bí mật len qua vùng địch ở Phục Hoà, Cao Bằng, đi Trung Quốc qua Thủy Khẩu. Chừng một tháng sau, Cụ về.

Theo Trần Đĩnh, Cụ sang “kiểm thảo” với Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai. Lưu Thiếu Kỳ nhận xét chính sách tiêu thổ kháng chiến của Việt Nam là không cần thiết và lãng phí. Những nơi có tính chiến lược thì dù là vùng hoang vắng, địch cũng xây cất để đồn trú, còn nơi không có tính chiến lược thì nhà cửa nguyên vẹn địch cũng không ở.

Mao đi Liên Xô ký kết hiệp ước đồng thời nhân dịp này nói trước với Stalin việc Hồ Chí Minh muốn được gặp. Bây giờ mới hiểu Mao đi riêng là để vạch ranh giới, hai nước lớn bàn chuyện với nhau là chính, sau đó nhân thể Trung Quốc sẽ thăm dò cho chuyện Việt Nam xin vào phe.

Stalin đã phân công Trung Quốc “phụ trách” Việt Nam. “Phụ trách” thì phải là Liên Xô chứ sao lại Trung Quốc? Trần Đĩnh khó chịu. nhưng đây là chuyện ở trên tầng chót vót đầy linh thiêng thần bí của Đệ Tam Quốc Tế. Lúc ấy làm sao hiểu nổi đây là món quà Stalin hối lộ Mao.

Đảng viên Cộng sản Việt Nam tìm ra chỗ để tự hào: được làm em của hai nước vĩ đại, Liên Xô “anh cả”, Trung Quốc “anh hai”. Cũng ngầm hiểu Việt Nam là “anh ba” vì có nước nào dám vũ trang đánh đế quốc đâu? Thế là ta có tên Đảng Lao động Việt Nam sau khi đã “thỉnh thị” Liên Xô.

Tờ báo Nhân Dân là tên mới của báo đảng. Sao không giữ tên “Sự Thật” như “Pravda” của Liên Xô? Có người giải thích “Sự Thật” là báo Cộng sản, còn “Nhân Dân” chỉ là báo của Đảng Lao động Việt Nam.

 

Tác phẩm Đèn Cù Nhà xuất bản Người Việt Books. Xuất bản tại Hoa Kỳ, 2014

 

Cải cách Ruộng đất được chuẩn bị vào giữa tháng 7 đến cuối tháng 9/1953 với các lớp chính huấn cho cả trí thức trong và ngoài đảng. Tố Hữu là “bí thư học ủy”, Cụ Hồ cách nhật, có khi liền ngày, đến xem lớp học hoặc liên hoan với học viên.

Lê Duẩn thường có mặt trong vai trò giảng viên. Duẩn nhấn mạnh trong bước cách mạng này, người cộng sản phải có lập trường giai cấp nông dân để hiểu được nguyện vọng nông dân mà kiên quyết lãnh đạo họ cải cách ruộng đất, lấy lại quyền lợi, làm một cuộc đổi đời.

Một tối kẻng thình lình gọi toàn thể học viên lên hội trường, mọi người bắt đầu nhớn nhác. Tố Hữu bước lên sân khấu, cằm đè lên hai tay bưng một vật gì ấp vào ngực. Tố Hữu nước mắt chan hòa trên mặt từ lúc nào. Trần Đĩnh viết:

“Trên phông mầu đỏ hiện lên chân dung đại nguyên soái Stalin. Bộ quân phục trắng lốp làm nổi bật hơn lên dải băng đen viền quanh rồi thắt nơ túm lại ở bên dưới... Trước mặt tôi, Cụ Hồ nức nở. Không ngừng đưa khăn tay mầu trắng lên lau nước mắt và nước mắt thì cứ chảy trên hai má Cụ đỏ bóng vì khóc, vì xúc động trong lễ truy điệu”.

t lâu sau, Tố Hữu có bài thơ khóc Stalin đăng lên báo, nhà thơ dàn trải tâm can:

“Thương cha, thương mẹ, thương chồng,

Thương mình có một còn thương ông thương mười”

Trong các bài tổng kết tư tưởng của từng người trong khóa chính huấn, bài nổi bật nhất là của Thế Lữ. Ông đã “tự kiểm thảo” khi tham gia Việt Nam Quốc dân đảng, Tự lực Văn đoàn. Lại còn lại làm thơ kêu gọi nhân dân ta, nhất là thanh niên, đi vào con đường thoát ly chính trị, lờ đi tiếng kêu cứu của đất nước.

Cải cách ruộng đất chính thức nổ pháo hiệu đầu tiên ở xã Dân Chủ, Đồng Bẩm, Thái Nguyên, trên Quốc lộ 1 lên Lạng Sơn. Đối tượng chính là bà Nguyễn Thị Năm, tức Cát Hanh Long. Bà là nhân sĩ tên tuổi trong Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ Nữ cũng như Trung ương Mặt trận Liên Việt, người thường cùng họp với Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng, Hoàng Quốc Việt.

Nay bà trở thành địa chủ phản động, cường hào gian ác lợi dụng danh tiếng để phá hoại cách mạng và kháng chiến, có nhiều nợ máu với bần cố nông. Đặc biệt Công, con trai bà Nguyễn Thị Năm, là chính ủy trung đoàn pháo 105 li đang học ở Côn Minh, Trung Quốc, cũng bị gọi về, treo giò. Trần Đĩnh viết:

“Để có phát pháo mở đầu cuộc cải cách ruộng đất, Trường Chinh chỉ thị báo Nhân Dân tường thuật vụ đấu tố Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long... Trường Chinh nói phân công tôi vì cần một bài báo viết nổi bật lên khung cảnh sôi sục, sinh động của cuộc đấu tố để ca ngợi sức mạnh của bần cố nông được phát động, còn tội ác thì tôi cứ theo tài liệu, cáo trạng của đội”.

Có lẽ để phối hợp với bài báo của Trần Đĩnh, CB (Bút danh của Bác Hồ) gửi đến bài “Địa chủ ác ghê” như sau:

“Thánh hiền dạy rằng: “Vi phú bất nhân”.

“Ai cũng biết rằng địa chủ thì ác: như bóc lột nhân dân, tô cao lãi nặng, chây lười thuế khóa – thế thôi. Nào ngờ có bọn địa chủ giết người không nháy mắt. Đây là một thí dụ:

“Mụ địa chủ Cát – Hanh – Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã kể các tội cụ thể và con số cụ thể”

(hết trích)

Trần Đĩnh kể lại chuyện của người phụ trách mua áo quan cho bà Nguyễn Thị Năm sau khi bị xử bắn:

“Mua được áo quan rẻ thì lại không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: “Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?”. Nghe xương kêu răng rắc mà không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy…”

 

Các Ủy ban Đấu tố được thành lập qua sự cố vấn của cán bộ Trung Quốc

 

Mãi sau này tôi mới biết người em trai út của Trần Đĩnh là anh Trần Kim Giang, người ngày xưa đã cùng làm báo Vietnam Investment Review (VIR) với tôi. Anh là một nhà báo kín tiếng, trầm lặng trong công việc cũng như trong sinh hoạt ngoài xã hội. Anh đã qua đời cách đây vài năm vì bệnh tim mạch.

Có thể hiểu trong gia đình của ông Trần Đĩnh có “cái gien” làm báo nhưng lại mang “cái nghiệp” đầy biến động và khắc nghiệt! Người trong gia đình ông mô tả đám ma của ông tại Sài Gòn:

“Đám ma được cử hành một cách lặng lẽ và nhanh chóng với khoảng 20 vòng hoa viếng và được di quan đi thiêu tại Đa Phước. Vợ ông đã qua đời từ hơn 10 năm về trước. Gia đình ông chỉ còn lại một người con gái và 2 đứa cháu ngoại, người chồng chết cách đây đã lâu...”

 

Con gái và 2 cháu ngoại nhà văn, nhà báo Trần Đĩnh (Ảnh của gia đình)

 

Tác phẩm “Đèn cù” nhà báo Trần Đĩnh, dù chỉ được phát hành tại hải ngoại, nhưng đã gây một tiếng vang lớn. Tham khảo “Đèn cù” tại https://www.vinadia.org/den-cu-tran-dinh/.

Wikipedia viết về Trần Đĩnh: (https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_%C4%90%C4%A9nh):

“Khi Đảng Cộng sản Việt Nam đưa vấn đề chọn lựa tư tưởng Mao để chống xét lại, tức là chống lại chủ trương sống chung hoà bình do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là Nikita Khrushchev đưa ra, theo Trần Đĩnh, ông đã ủng hộ lập trường của Khruschev và chống tư tưởng Mao, nên bị ghép vào tội "chống đảng". Mặc dù không bị bắt như anh ruột ông là Trần Châu, hay như những người khác như Hoàng Minh Chính, Vũ Thư Hiên, hoặc phải sống lưu vong như Nguyễn Minh Cần..., ông phải đi cải tạo lao động. Sau đó tuy ông được làm báo trở lại nhưng có nhiều hạn chế như:

1) Không được ký tên Trần Đĩnh,

2) Chỉ viết về nông nghiệp, cụ thể là lúa, bèo, phân bón, lợn gà. Không được viết anh hùng, chiến sĩ thi đua và cấp ủy cao. Bởi lẽ không đủ tư cách tiếp cận các vị.

3) Không được gần thanh niên, "bởi lẽ sẽ đầu độc họ”.

“Sau khi đất nước thống nhất, năm 1976 Trần Đĩnh bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Trần Đĩnh tuyên bố mình là một người yêu chuộng tự do dân chủ, ủng hộ những nhà bất đồng chính kiến với chính phủ tại Việt Nam như Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Đan Quế, Trần Độ, Dương Thu Hương, Hà Sĩ Phu...

(hết trích)

 

Di ảnh của nhà văn, nhà báo Trần Đĩnh (Ảnh của gia đình)

 

* Tác phẩm

- Trong hồi ký “Đèn cù”, Trần Đĩnh tự nhận mình chấp bút hồi ký “Bất khuất” của Nguyễn Đức Thuận, viết năm 1965, kể chuyện Nguyễn Đức Thuận, một người tù Côn Đảo tranh đấu trong tù, được đưa từ Nam ra ngoài Bắc. Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Hoàng Tùng chủ trương dùng câu chuyện Nguyễn Đức Thuận để tuyên truyền cho người dân miền Bắc ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang tại miền Nam.

Trần Đĩnh tuyên bố tác phẩm của mình đề cập nhiều chi tiết được cho là có tính 'thâm cung bí sử' về nội bộ Đảng Cộng sản, trong đó có nhiều thông tin liên quan các 'góc khuất' về nhân cách, đời tư của nhiều lãnh tụ, từ Hồ Chí Minh, tới Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ.

- Ngoài sáng tác, Trần Đĩnh còn là một dịch giả với những tác phẩm như “Linh Sơn” của Cao Hành Kiện, “Ngầm” của Murakami Haruki, bộ ba “Thiên niên kỷ” của Stieg Larsson...

 

Lễ tang Trần Đĩnh (Ảnh của gia đình)

 ***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts