Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

10 ngày cuối cùng của Sài Gòn (2)

Tài liệu được trích từ nhiếu nguồn của các tác giả người Việt cũng như người nước ngoài cho nên không tránh khỏi chính kiến chủ quan của từng người. Chúng tôi tổng hợp không nằm ngoài mục đích giúp cho người đọc có một cái nhìn đa chiều về những ngày cuối của Sài Gón.

* Thứ Năm, 24/4/1975

Theo các tác giả Trần Văn Đôn trong “Việt Nam Nhân Chứng”, Frank Snepp trong “Decent Interval” và Oliver Tood trong “Cruel Avril” thì hồi 10 giờ sáng ngày 24/4/1975, qua sự trung gian của Đại tướng Trần Thiện Khiêm, Tổng thống Trần Văn Hương đã đến gặp cựu Đại tướng Dương Văn Minh tại tư gia của Tướng Khiêm ở Cư xá Sĩ quan tại Bộ Tổng Tham Mưu, gần phi trường Tân Sơn Nhất.

Trong cuộc tiếp xúc nầy, TT Trần Văn Hương đã yêu cầu Tướng Minh nhận chức Thủ tướng Toàn quyền để thương thuyết với phe Cộng sản theo đề nghị của Đại sứ Pháp. Ông ngỏ lời với Tướng Minh:

“Người ta bảo rằng Anh có đủ điều kiện để thương thuyết, vậy thì xin anh vì nước nhà, mọi tỵ hiềm đã qua, mọi sự không tốt đẹp đã xảy ra, xin anh vui lòng xóa bỏ để cùng nhau chung lưng dựng nước. Xin Anh chấp nhận cái ghế Thủ tướng để đứng ra thương thuyết với phe bên kia”

Tuy nhiên, Tướng Minh đã cương quyết từ chối và ngược lại, ông đã yêu cầu Tổng thống Hương từ chức, nhường chức vụ Tổng thống VNCH lại cho ông để được toàn quyền nói chuyện với phe bên kia.

Sau khi ông Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Tổng thống Trần Văn Hương trong một tuần lễ ngắn ngủi kế nhiệm chức vụ tổng thống đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm người để thương thuyết với Bắc Việt ngõ hầu tìm được một giải pháp ít bi thảm hơn cho miền Nam và cuối cùng đã phải "trao quyền" lại cho Đại tướng Dương Văn Minh.

Sau ngày 30/4 thì tất cả mọi người đều thấy rõ: trong hai ngày ngắn ngủi lên làm Tổng thống, Hà Nội không hề nói chuyện với Dương Văn Minh và cũng không bao giờ có ý định nói chuyện với ông ta cả.

 

Tổng thống Trần Văn Hương và Tướng Dương Văn Minh trong buổi lễ bàn giao

 

* Thứ Sáu, 25/4/1975

Ông Thiệu rời Việt Nam ngày 25/4/1975. Để cho việc ra đi của ông Thiệu có vẻ hợp pháp, TT Trần Văn Hương đã ký một sắc lệnh cử cựu Tổng thống Thiệu làm đại diện đặc biệt cho VNCH đến Đài Loan để phân ưu về việc Tổng thống Tưởng Giới Thạch từ trần ngày 5/4/1975.

Thật ra thì đây là một chuyện “dàn cảnh vụng về” vì tang lễ của cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch đã diễn ra tại Đài Bắc cách đó ba tuần lễ và người đã đại diện cho VNCH khi đó li chính là ông Trần Văn Hương trong cương vị Phó tổng thống.

Trong cuốn “Decent Interval”, Frank Snepp kể lại rằng vào hồi 5 giờ 30 chiều ngày 25/4/1975, trùm CIA Thomas Polgar gọi Tướng Charles Timmes và Frank Snepp vào văn phòng của ông ta và ra lệnh cho họ phải giúp đưa ông Thiệu và ông Khiêm đi Đài Loan vào tối hôm đó.

Đoàn tuỳ tùng của ông Thiệu người nào người nấy đều to con, vạm vỡ tay xách những chiếc va-li quá khổ đến những chiếc xe của toà đại sứ Mỹ và họ đòi phải để cho họ đích thân đặt những chiếc va li đó vào thùng sau xe.

Frank Snepp nói ông ta không biết trong những va-li đó đựng gì, tuy nhiên có vẻ rất nặng vì khi những hành lý đó được đặt xuống xe thì nghe như có tiếng kim loại chạm vào kim loại. Người ta đồn đoán ông Thiệu ra đi với những va-li vàng!

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ông Nguyễn Tiến Hưng, ông Thomas Polgar, cựu giám đốc CIA tại Sài Gòn, đã phủ nhận điều này. Ông ta nói rằng ông Thiệu ra đi không có mang theo nhiều hành lý vì ông muốn việc ra đi này phải thật lẹ làng và êm thấm chừng nào tốt chừng đó.

Đại Sứ Graham Martin và đoàn vệ sĩ của ông đứng dưới một chiếc phi cơ vận tải C-118 bốn động cơ của Không Lực Hoa Kỳ, ông ta cùng Polgar tiễn đưa ông Thiệu và phái đoàn lên phi cơ rồi sau đó cất cánh rời phi trường Tân Sơn Nhất bay đi Đài Bắc.

Ông Thiệu được đưa sang Đài Loan, sau đó ông và gia đình sang ty nạn tại Anh Quốc, mãi cho đến thập niên 1980 mới di chuyển sang Hoa Kỳ. Trong khi đó, cũng trong ngày 25/4, Thường Vụ Trung ương cục ở Hà Nội đã gửi bức điện văn sổ 481/TV cho "Anh Sáu Dân” (Võ Văn Kiệt) nói rằng:

"Theo đài BBC thì Hương đã gặp Minh nhường quyền tổng thống cho Minh... Cần lãnh đạo tư tưởng cho nòng cốt ta tuyên truyền trong những người tích cực ở lực lượng thứ ba đừng mắc mưu bọn đế quốc và phản động đang có âm mưu dùng con bài mới để ngăn ta giành thắng lợi hoàn toàn. Ta vẫn khẳng định phải giành thắng lợi hoàn toàn và triệt để".

Như vậy thì theo tinh thần điện văn này, dù cụ Hương có trao quyền cho "con bài mới” là Dương Văn Minh đi nữa thì Hà Nội vẫn quyết tâm không thương lượng và "khẳng định phải dành thắng lợi hoàn toàn và triệt để” tức là đi đến chiến thắng toàn diện, đó là chiếm Sài Gòn.

 

* Thứ Bảy, 26/4/1975

Sáng ngày 26/4, Tướng Văn Tiến Dũng của Hà Nội cùng đoàn tùy tùng rời Lộc Ninh, di chuyển bầng quân xa về Bến Cát, khoảng gần 50 cây số ở phía tây bắc Sài Gòn. Tại đây, ông ta thảo luận với phụ tá là Tướng Trần Văn Trà về những chuẩn bị cuối cùng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Cấp chỉ huy trực tiếp của Văn Tiến Dũng là Lê Đức Thọ và Phạm Hùng, hai ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ không đi theo Bộ Tư lệnh Tiền phương của Văn Tiến Dũng mà vẫn đóng tại Lộc Ninh để phối hợp mọi hoạt động cả chính trị lẫn quân sự trong giai đoạn cuối của chiến dịch.

Trại Davis trong phi trường Tân Sơn Nhất trước đây của quân đội Mỹ tại Việt Nam được sử dụng làm nơi ở của phái đoàn Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng miền Nam kể từ năm 1973. Tại đây, tối 25/4, phái đoàn của Hà Nội trong Ủy Ban Liên Hợp Bốn Bên đã nhận được mật điện của Văn Tiến Dũng cho biết quân đội sẽ khởi sự tấn công Sài Gòn:

"Hôm nay 26/4, Bộ Chính Trị đã họp để nhận định tình hình quân sự và chính trị ở Sài Gòn đã nghe điện báo cáo số 46/TK của anh Sáu. Bộ Chính Trị nhận thấy chúng ta cần hành động hết sức mạnh bạo, hết sức khẩn tương và kịp thời, nhất là trong tình hình hiện nay”.

Đại tá Võ Đông Giang đã ra lệnh cho tất cả các nhân viên trong phái đoàn phải đào hầm để tránh pháo kích. Bức mật điện của Văn Tiến Dũng kết thúc bằng câu “chúc các đồng chí may mắn. Hẹn gặp các đồng chí tại Sài Gòn".

 

Trại Davis trong phi trường Tân Sơn Nhất, bản doanh của Hà Nội trong những ngày cuối chiến tranh

 

* Chủ Nhật, 27/4/1975

Rạng sáng ngày Chủ nhật, vào lúc 3 giờ rưỡi, Việt Cộng pháo kích 5 trái hỏa tiễn vào đô thành gây cho 6 người chết và 22 người bị thương, tuy nhiên tình hình ở Sài Gòn vẫn yên tĩnh, không có vẻ gì là rối loạn. Cũng trong ngày, TT Trần Văn Hương phát biểu trước Quốc Hội rằng:

“... Nếu Quốc Hội nghĩ rằng tôi phải giao quyền lại cho Đại tướng Dương Văn Minh, tôi xin phép vâng lời Quốc Hội, tôi sẽ trao quyền lại cho Đại tướng Dương Văn Minh... Còn như quý vị nghĩ rằng không chấp nhận đề nghị đó bởi vì đây là một điều kiện khắt khe, một điều kiện của người thắng trận viết cho người bại trận, thì chúng ta không còn nước gì khác hơn là lúc đó chúng ta cứ việc chết tới cùng, không còn biết làm sao hơn được, thì chừng đó dầu cái thành Sài Gòn này có biến thành một biển máu, tôi nghĩ rằng người Việt Nam vì thể diện của mình, không thể nào từ chối được, trừ một số người không đáng gì nói là không thể nào chấp nhận được chuyện đó. Nếu Thượng Đế không muốn cho nước VNCH tồn tại nữa thì chúng ta hãy cùng chết với xứ sở, nhưng chúng ta không thể đầu hàng”.

Đến tối, sau hơn 10 tiếng đồng hồ thảo luận, cuối cùng thì Quốc hội cũng đồng ý thông qua một quyết nghị "tín nhiệm TT Trần Văn Hương và trao cho Tổng thống đựơc trọn quyền làm bất cứ điều gì mà ông cảm thấy rằng cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng này”.

Như vậy thì quốc hội lại giao quả banh trở lại cho vị tân tổng thống 73 tuổi với một quyết nghị có nội dung rất mơ hồ, không nói rõ nên giao quyền gì và giao quyền cho ai và đó cũng không phải là điều mà Cụ mong muốn vì quyết nghị này vẫn chưa có đủ tính cách pháp lý để Cụ giao quyền lại cho ông Dương Văn Minh như đề nghị của Pháp và Mỹ.

Vào lúc 8 giờ 45 tối, Thượng nghị sĩ Trần Văn Lắm đọc câu hỏi để biểu quyết trước lưỡng viện Quốc hội: "Ai đồng ý là TT Trần Văn Hương nên trao quyền cho ông Minh để ông ta có thể tìm kiếm một con đuờng vãn hồi hòa bình cho Việt Nam?"

Kết quả: 136 trong tổng số 138 dân biểu và nghị sĩ bỏ phiếu thuận, hai người không bỏ phiếu là TNS Trần Văn Lắm, Chủ Tịch Thượng Viện, và Dân biểu Phạm Văn Út, Chủ Tịch Hạ Viện. Theo nội quy của Thượng và Hạ viện thì vị chủ tịch chỉ bỏ phiếu khi nào không đủ đa số mà thôi.

Quốc hội đã thông qua một quyết nghị mới, minh định việc cả hai viện lập pháp chấp thuận việc TT Trần Văn Hương trao quyền lại cho ông Dương Văn Minh và có như vậy thì việc Cụ Trần Văn Hương trao quyền mới có vẻ như là có tính cách hợp hiến và hợp pháp.

 

Lúc 3 giờ 30, ngày 27/4/1975, Cộng sản pháo kích vào thành phố Sài Gòn

 

* Thứ Hai, 28/4/1975

Lễ bàn giao chức vụ Tổng thống giữa ông Trần Văn Hương và Dương Văn Minh được thông báo với báo chí là sẽ diễn ra vào lúc 10 giờ sáng ngày 28/4/1975. Sau đó lại được hoãn đến 3 giờ chiều và cuối cùng thì dời lại lúc 5 giờ chiều.

Bài phóng sự tường thuật lễ bàn giao tại Dinh Độc Lập của Đài Phát thanh Sài Gòn có sự hiện diện của khoảng 200 người gồm đại diện Thượng và Hạ viện, Tối cao Pháp viện, Giám sát viện và một số tổng bộ trưởng trong chính phủ.

Buổi phóng sự truyền thanh cuối cùng của đài Phát thanh Sài Gòn, được phóng viên mô tả: “Thưa quý thính giả, vào lúc này thì bên ngoài Dinh Độc Lập, chúng tôi nhận thấy trời đã bắt đầu mưa và Sài Gòn đang trải qua một buổi chiều u ám như hoàn cảnh hiện tại của đất nước...”

Ông Hương nói: “Khi tôi đến trao đổi ý kiến với Đại tướng Dương Văn Minh, điểm làm tôi thắc mắc là điểm pháp lý bởi vì nếu tự nhiên tôi đem cái quyền của tôi trao lại cho Đại Tướng thì như vậy, về phương diện pháp lý, không hợp lý chút nào. Điểm đó, tôi cùng Đại tướng đã có thảo luận. Sau khi ra ngoài lưỡng viện tôi cũng có trình bày và lưỡng viện, sau khi thảo luận hai ngày, thì đã tìm ra được giải pháp mà đây tôi tin là giải pháp đáp lại chỗ mong mõi của mọi người.”

Khi cựu tổng thống VNCH Trấn Văn Hương đọc xong bài diễn văn và trở về chỗ ngồi, tất cả quan khách, các đài truyền hình, các đài phát thanh và đại diện báo chí đều hướng nhìn về con người của “giờ thứ hai mươi lăm”, ông Dương Vãn Minh.

Một người lính tiến vào, gỡ lá cờ đem ra khỏi phòng. Sau đó anh ta trở lại và tháo quốc huy cũ của VNCH với hình hai con rồng và một người lính khác mang đến gắn huy hiệu mới của Dương Văn Minh. Đó là hình hoa mai năm cánh nằm trong dấu hiệu âm dương, tượng trưng cho hai yếu tố đối nghịch tạo thành sự đồng nhất trong vũ trụ.

Dương Văn Minh đứng dậy từ từ tiến về bục diễn đàn, mặt ông ta tỏ ra nghiêm trọng. Ngay lúc đó, hai tiếng sét nổ thật lớn ở ngoài trời và tiếp theo là tiếng sấm kéo dài như để đánh dấu ý nghĩa lịch sử của giớ phút đau thương này.

Ông Dương Văn Minh chỉ đọc diễn văn mà không hề tuyên thệ "trung thành với Hiến pháp", điều đó có nghĩa là tân Tổng thống không còn công nhận bản Hiến Pháp 1967 của nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Phải chăng, ông muốn gián tiếp nói với Hà Nội rằng ông đã xé bỏ Hiến Pháp, không còn liên hệ gì đến chế độ nói riêng và cà lịch sử ba mươi năm chống lại Đảng Cộng sản nói chung.

Những người ủng hộ tân tổng thống Dương Văn Minh đang rất lạc quan vì ông được xem là một trong những nhân vật lãnh đạo hàng đầu của “lực lượng thứ ba" sẽ bắt đầu những cuộc thương thuyết với những "người anh em bên kia" để đem lại hòa bình cho phần còn lại của miền Nam.

 

Hình trên báo Đông Phương, ấn bản cuối cùng tại Sài Gòn ngày 30/4/1975, về buổi lễ bàn giao tại Dinh Độc Lập ngày 28/4/1975

 

* Thứ Ba, 29/4/1975

4 giờ sáng ngày 29/4/1975, khu vực phi trường Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH và Bộ Tư Lệnh Hải Quân ở Bến Bạch Đằng bị đồng loạt pháo kích bằng nhiều trái đạn đại bác 130 ly và hoả tiễn 122 ly.

Cuộc pháo kích này đã gây nhiều tổn thất tại phi trường Tân Sơn Nhất: một chiếc C-130 của Không Lực Hoa Kỳ bị trúng đạn khi sắp sửa cất cánh, hai chiếc C-130 khác chở người ty nạn may mắn cất cánh trước đó chừng vài ba phút. Hai binh sĩ Hoa Kỳ tử thương khi họ vừa mới được đưa đến Sài Gòn cách đó 10 ngày để phụ trách an ninh cho chiến dịch di tản.

Sau trận pháo kích này, kế hoạch di tản người Mỹ và người Việt ty nạn bằng phi cơ C-130 xem như là bị huỷ bỏ hoàn toàn vì phi trường Tân Sơn Nhứt đã bị hư hại nặng nề. Vào lúc 10 giờ 51 phút sáng tại Sài Gòn, TT Ford ra lệnh cho thi hành Chiến dịch "Frequent Wind Option IV” tức là kế hoạch di tản toàn bộ người Mỹ ra khỏi Việt Nam.

Sáng ngày 29/4, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đã đọc đi đọc lại liên tục trên Đài phát thanh Sài Gòn một bản thông cáo của tân Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu người Mỹ rút ra khỏi Việt Nam trong 24 tiếng đồng hồ.

Trong ngày 29/4, hàng trăm trực thăng C-53 và C-46 đã từ Hạm Đội Thứ Bảy ngoài khơi bờ biển Việt Nam bay đến Sài Gòn di tản hàng chục ngàn người Mỹ và người Việt Nam đang tập trung tại các địa điểm như Văn phòng Tùy viên Quân sự Mỹ ở Tân Sơn Nhứt (DAO), các cao ốc của người Mỹ và nhất là toà đại sứ Hoa Kỳ trên đại lộ Thống Nhất.

 

Người di tản trèo tường tại cổng sau tòa Đại sứ Mỹ trên đường Hồng Thập Tự

 

* Ngày cuối cùng, Thứ Tư, 30/4/1975

Cuộc di tản vẫn tiếp tục trong đêm cho đến rạng ngày 30/4/1975, tuy nhiên con số người Mỹ còn lại ở Sài Gòn vẫn còn nhiều. Vào lúc 1 giờ 30 sáng, Ngoại trưởng Kissinger ra lệnh cho Tòa đại sứ Mỹ phải kết thúc việc di tản vào lúc 3 giờ 45 sáng, giờ Sài Gòn, và Đại sứ Graham Martin phải ra đi trên chuyến trực thăng trước chuyến bay cuối cùng.

Mãi đến 4 giờ 58 sáng, Đại Sứ Martin lên chiếc trực thăng mang có tên “Lady Ace 09”. Ông Martin đã cố tình cưỡng lại lệnh của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhưng ông lại là ân nhân của một số người Việt vì nếu không có ông thì họ không có may mắn được di tản ra khỏi Sài Gòn trong những ngày cuối cùng của tháng 4/1975.

 

Di tản tại Tòa Đại sứ Mỹ

 

Sau khi Đại sứ Martin bị “cưỡng bức” lên trực thăng với lá cờ Mỹ, trong toà đại sứ lúc đó vẫn còn gần 200 người Mỹ mà trong số đó có 170 người là lính Thuỷ quân Lục chiến có nhiệm vụ bảo vệ cho chiến dịch di tản.

Cuộc di tản vẫn tiếp tục cho đến đúng 7 giờ 53 phút sáng ngày 30/4/1975, chiếc trực thăng CH-46 cuối cùng mới rời khỏi sân thượng của toà Đại Sứ Hoa Kỳ, mang theo Trung sĩ Juan Valdez, người lính Mỹ và cũng là người Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam.

 

Cảnh di tản bằng trực thăng

 

Vào lúc 10 giờ 24 sáng ngày 30/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh đã đọc nhật lệnh trên đài phát thanh Sài Gòn ra lệnh cho tất cả mọi quân nhân thuộc Quân Lực VNCH phải buông súng đầu hàng. Ông Dương Văn Minh đã tuyên bố như sau:

"Đường lối, chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa hợp hòa giải gữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu thì ở đó.

“Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam ngưng nổ súng, vì chúng tôi ở đây đang chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào."

(hết trích)

 

Các ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu được đưa đến đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng

 

Ông Dương Văn Minh chỉ kêu gọi những “người anh em bên kia" trong cái gọi là "Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam", chắc là ông ta cũng đã nghĩ đến những người lãnh đạo trong cái chính phủ này như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình v.v

Ông Minh chắc cũng hiểu những người mà ông ta kêu gọi đó không hề có một quyền hành nào, những kẻ có quyền hành lúc đó như Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng, ba ủy viên Bộ Chính trị đại diện cho Hà Nội, đang thực sự nắm toàn quyền trong chiến dịch Hồ Chí Minh thì ông ta không đả động tới.

 

Xe tăng T-54 trước Dinh Độc Lập

 

Trước khi xe tăng của Cộng sản Bắc Việt ủi cổng sắt đã được mở rộng để vào chiếm Dinh Độc Lập, nơi mà ông Tổng thống Dương Văn Minh cùng với các ông Phó tổng thống, Thủ tướng cùng với một số nhân viên trong "nội các” của họ để chờ “bàn giao” thì các giới lãnh đạo ở Hà Nội đã quyết định họ chỉ là "những ngưới đã sang hàng ngũ nhân dân," tức là một kẻ đầu hàng, "đầu hàng không điều kiện"!

Chiều 30/4/1975, Bắc Việt không cho phép Dương Văn Minh đọc lởi đầu hàng tại Dinh Độc Lập tức là Phủ Tổng thống của VNCH, họ đã áp giải ông đến đài phát thanh Sài Gòn để đọc lời kêu gọi như sau:

"Tổng Thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bổ chính quyền Sài Gòn, từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam".

 

Xe tăng húc đổ cánh cổng sắt Dinh Độc Lập

 

Trang sử của VNCH với “10 ngày cuối cùng” đã chấm dứt từ đây!

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts