Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Chùm nho uất hận - John Steinbeck

“Trong con mắt của người nghèo đói có sự giận dữ ngày một nặng nề... trong tâm hồn của con người, chùm nho uất hận đong đầy, ngày một gia tăng để trở thành một thứ rượu cũ”

(In the eyes of the hungry there is a growing wrath, in the souls of the people the grapes of wrath are filling and growing heavy, growing heavy for the vintage)

John Steinbeck

 

Nhà văn John Steinbeck (1902 - 1968)

 

Đó là một câu hiếm hoi mà John Steinbeck (1902 - 1968) đề cập đến trong cuốn “The Grapes of Wrath” với chủ đề phản ánh những biến đổi sâu sắc trong cuộc sống nông thôn cũng như trong tâm hổn nước Mỹ và người Mỹ.

Theo Steinbeck, trái nho thật ngon ngọt nhưng cũng còn được dùng để tạo ra một hình tượng mỉa mai, cay đắng. Người di dân ước được ăn những trái nho tuyệt vời khi đến California, nhưng những trái nho đó đã biến thành “Chùm nho uất hận” khi bọn trẻ di dân ăn phải nho xanh và bị... tiêu chảy!

Hồi đó, khoảng những năm đầu thế kỷ 20, nước Mỹ chịu ảnh huởng nặng nề của thời đại công nghiệp hóa và ý niệm “American Dream” chưa được hình thành. John Steinbeck đã dõi theo bước chân di cư của những người nông dân tiểu bang nghèo đói Oklahoma, thuờng được gọi một cách miệt thị là “Okies”.

Đích đến của dân “Okies” là “vùng đất hứa” California ở tận Bờ Tây xa lắc xa lơ. Steinbeck đã tận mắt chứng kiến nỗi gian nan khốn khổ của người dân khi bị buộc phải rời bỏ quê hương, ruộng đồng tại Miền Đông “đất cày lên sỏi đá” để mưu cầu một tương lai tốt đẹp hơn.

 

Tác phẩm “The Grapes of Wrath”

 

Nhân vật chính trong truyện là Tom Joad và gia đình gồm 12 người rời Oklahoma trên một chiếc xe tải “cổ lỗ sĩ” mua lại với giá hơn 70 đô trong số tiền gia đình gom góp 200 đô! Xe tải bị hỏng hóc liên tục trên Xa lộ 66, dài 2448 dặm, chạy dài từ Đông sang Tây. Trong “Chùm nho uất hận” Steinbeck gọi đó là “con đường cái”.

 

“Xa lộ 66” là “Con đường cái” theo cách gọi của John Steinbeck

 

Tom Joad là người mới ra tù vì tội giết người vì tự vệ với mức án 7 năm, nhưng được thả sớm trước thời hạn. Khi gia đình chưa ra khỏi tiểu bang Oklahoma thì ông nội đã chết vì già yếu, họ phải chôn ngay bên đường với mảnh giấy giải thích “nhà nghèo không có tiền mai táng”.

Bà nội cũng mất vì tuổi già khi vừa đặt chân đến California, mẹ Tom nói với các con: “Bà nội sẽ được chôn cất ở một nơi xinh tươi xanh tốt”.

California khi đó đã có hơn 300.000 dân di cư nhưng nhưng hoàn toàn không phải là “thiên đường trong mơ” đối với họ. Những người di dân phải tìm kế mưu sinh, chính bản thân Tom chỉ tìm được việc làm thuê 5 ngày trong suốt một tháng khi mới đến đây. Chúng ta hãy nghe Steinbeck kể lại:

“Có hôm đẹp trời, một ông chủ ăn mặc lịch sự lái xe đến trại tìm người hái quả, một anh thanh niên, bạn mới quen của Tom Joad hỏi ông chủ:

- Ông trả chúng tôi bao nhiêu?

Ông ta nói mập mờ:

- Khoảng vài chục xu.

- Ông phải nói rõ ông mướn chúng tôi bao nhiêu? Nếu không, ông không có quyền mướn người!

(hết trích)

Di dân chen chúc như một đàn kiến vỡ tổ để tìm những công việc hèn mọn qua ngày tại vùng đất mới trước những chủ đồn điền, một loại “địa chủ” như tại Việt Nam ngày nào. Yêu cầu hợp tình, hợp lý của các nông dân về chế độ thù lao khiến ông chủ tức giận. Ông quyết định gọi cảnh sát đến can thiệp.

Di dân phải tự bảo vệ lẫn nhau trong khi các chủ đồn điền có cả một lực lượng cảnh sát hậu thuẫn. Ngoài ra còn có các lực lượng chính quyền có thể đến các nơi tập trung để dỡ bỏ những điểm dừng chân của các “Okies” nghèo đói.

Gia đình Tom đến ở tạm tại một trại của chính phủ thuộc Bộ canh nông. Sở định cư có lập một số trại có điện nước, có tiêu chuẩn vệ sinh, tự quản không có cảnh sát an ninh ăn hiếp di dân. Họ rất thích không khí tại đây song lại không tìm được việc làm nên phải dời trại.

Tom và gia đình tìm được việc hái đào (peach) tại trại Hooper Ranch với mức lương rẻ mạt. “Cũng liều nhắm mắt đưa chân” để có tiền độ nhật. Bốn người trong gia đình nhận việc với hy vọng trong vài tháng sẽ kiếm được tiền thuê nhà.

Không khí tại trang trại trồng đào thiếu tự do thoải mái như ở trại của chính phủ vì có an ninh kềm kẹp, trong khi số người di dân đến xin việc ngày một đông, chủ trại được thể bóc lột nhân công tận xương tủy.

Một buổi tối Tom lạc bước đến một căn lều và tình cờ gặp lại bạn cũ, ông thầy giảng đạo (preacher) Casy xuất hiện ngay từ đầu truyện. Tối ấy, Casy bàn chuyện đình công vì chủ hạ lương xuống còn một nửa, chưa đủ ăn cho một miệng người.

Cảnh sát biết tin bèn tìm đến, mọi người bỏ chạy, Tom và Casy lần xuống một con lạch, một tên cảnh sát hung dữ dùng gậy đập chết Casy. Tom giựt cây gậy đập chết tên này để trả thù cho bạn rồi thoát được về nhà, chàng bị đánh ở mặt, sưng một bên má.

Sáng hôm sau, gia đình phải rời trại vì Tom đang bị lùng bắt. Gia đình phải tìm đến làm việc tại một đồn điền trồng bông gòn. Thu nhập có phần đỡ hơn nhưng Tom phải trốn ngoài đồng, ban ngày chui vào ống cống, đêm ngủ ở vườn nho. Tối nào bà mẹ cũng đem đồ ăn tiếp tế vì chàng hiện bị truy nã.

Thế rồi một hôm đứa con gái nhỏ trong gia đình vô tình nói với bọn trẻ hàng xóm rằng anh nó đã giết người và hiện phải trốn. Bà mẹ sợ quá, tối ấy bà đưa cho chàng bảy đô la và nói chàng phải đi ngay vì sợ bị bắt. Tom từ biệt mẹ với câu nói:

 

“Con sẽ ở khắp mọi nơi chỗ nào mà mẹ muốn tìm. Chỗ nào tranh đấu cho người nghèo đói có ăn, con sẽ có mặt! Chỗ nào có cảnh sát đánh người, con sẽ đến nơi. Chỗ nào có tiếng trẻ em nghèo đói được nhìn thấy bữa ăn, người dân ăn miếng bánh họ làm ra và ở trong căn nhà họ dựng lên, con sẽ đến đó...”

“Chùm nho uất hận” đi tới đoạn kết với chuyện Rose, em gái của Tom, mới sanh con. Cô và gia đình phải dọn đến một nhà kho và truyện kết thúc khi Rose lấy sữa của chính mình để cứu sống một người đàn ông bị kiệt sức. Steinbeck đã lấy hình ảnh bức tranh “Roman Charity” của Rubin để đưa vào đoạn kết,

 

Bức tranh của Rubin, “Roman Charity”, được tác gỉa lấy cảm hứng cho cảnh cuối tác phẩm

 

Người ta thường nói đến “American Dream” nhưng nước Mỹ không phải là thiên đường khi nhìn cuộc sống sung túc và nền kinh tế phồn thịnh của nó. Những của cải vật chất ấy không phải tự trên trời rơi xuống mà là do những con người cần cù đã đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bao nhiêu xương máu để tạo nên một nền kinh tế thịnh vượng.

Cuộc “đại suy thoái” (The Great Depression) lan tỏa đến các miền quê. Nơi mà ngày xưa những công việc đủ nuôi sống cả làng nay chỉ cần một người điều khiển một chiếc máy cầy khiến mức thu nhập của nông dân giảm khoảng 50%. Đến tháng 11/1932, cứ năm người Mỹ thì có một người thất nghiệp, do đó họ phải đi từ nơi này đến nơi khác để tìm việc làm.

John Steinbeck cho rằng khi tài sản tập trung trong tay một thiểu số, thế nào cũng sẽ bị lấy đi, khi đa số người dân nghèo đói thì họ sẽ dùng vũ lực để chiếm lấy cái mà họ cần (When a majority of the people are hungry and cold they will take by force what they need).

Bạo lực của vũ khí không thể đè bẹp đám đông nếu như người ta không lưu tâm tới nguyên nhân sự uất hận. Có thể đây là một thắng lợi của “văn chương vô sản” mang một chút gì đó của cuộc đấu tranh của giới vô sản.

Nhưng giá trị tả chân hiện thực của cuốn truyện đã phản ảnh tiếng nói của lớp người bị đẩy vào bước đường cùng. Tổng thống Roosevelt và phu nhân đã từng khen truyện trung thực, vô tư. Năm 1940, phu nhân tổng thống đi thăm các trại di dân và tuyên bố “John Steinbeck không nói ngoa chút nào”!

Cuốn tiểu thuyết được viết trong 5 tháng, nhưng trước đó Steinbeck đã bỏ ra nhiều năm thu thập dữ kiện. Năm 1938 ông đi thăm các trại di cư ở Visalia và Nipomo, mấy ngàn gia đình đói khát bệnh tật, nhiều người chết vì đói, tỉnh và tiểu bang không giúp gì họ vì cho đó là những người... “ngoại tỉnh”.

Mặt khác, chủ các đồn điền lớn ngày càng thịnh vượng, họ có máy đóng hộp những trái đào, lê, táo dành để bán những năm sau. Chủ đồn điền nhỏ phải bán rẻ đất đai cho chủ lớn vì không có máy đóng hộp. Tài sản do đó ngày càng tập trung trong tay một số ít người, đó là đặc điểm của nền kinh tế tư bản.

“The Grapes Of Wrath” không chỉ là một tác phẩm văn chương mà còn là một tài liệu lịch sử có giá trị về xã hội-kinh tế của thời khủng hoảng với đầy đủ dữ kiện chân thực và sống động nhất.

Tuy nhiên, những người bị đụng chạm đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ vì những quyền lợi riêng tư của họ. Việc kết tội cuốn truyện tuyên truyền cho Cộng sản là không đúng vì bênh vực cho những người nghèo đói không phải là độc quyền của Cộng sản, Đó chỉ là... chụp mũ.

***

Ấn bản đầu tiên “The Grapes Of Wrath” được Nhà xuất bản Viking cho ra đời ngày 14/4/1939 gồm 619 trang có giá 2,75 đô la. 50.000 bản trong đợt đầu được bán hết khi cuốn sách trở thành sách bán chạy trong năm 1939.

Tháng 2/1940, cuốn sách đã được tái bản 11 lần, và có tới 428.900 bản đã được bán ra và được dịch ra trên 30 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt. “The Grapes Of Wrath” được xuất hiện qua những tựa đề bản dịch khác nhau:

- “Chùm nho uất hận” do Võ Lang dịch, Nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn 1972.

- “Chùm nho phẫn nộ”, Phạm Thủy Ba dịch, Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội

- “Chùm nho thịnh nộ”, Phạm Văn dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty cổ phần sách Tao Đàn 2020.

 

Những bản dịch tiếng Việt của “The Grape of Wrath”

 

“The Grapes Of Wrath” được coi như tác phẩm hay nhất của John Steinbeck và cũng có dư luận coi nó như tác phẩm hay nhất của nền văn chương Mỹ nên đã nhận Giải Pulitzer 1940.

Năm 1940 truyện đã được hãng 20th Century Fox mua bản quyền và chuyển thành phim cùng tên với giá 70.000 đô la. Phim được đề cử 7 giải Oscars, tài tử Henry Fonda trong vai Tom Joad được đề cử nhưng không trúng giải! Cuối cùng, phim chỉ được hai giải: Giải đạo diễn John Ford và Giải diễn xuất phụ cho Jane Darwell trong vai mẹ Tom.

 

Tài tử Henry Fonda trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết “The Grape of Wrath” của John Steinbeck

 

Mặc dù không nói lên được nhiều như tác phẩm gốc nhưng cuốn phim cũng đủ làm sống lại một giai đoạn đen tối của xã hội Mỹ thời khủng hoảng, được thể hiện bằng phong cách tả chân nỗi nhục nhằn, cay đắng của đám di dân đi tìm đất hứa nhưng bị kỳ thị, khinh miệt, chà đạp và bóc lột tận xương tuỷ.

Năm 1962, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã đánh giá khi Steinbeck đoạt giải Nobel văn học qua nhận xét: “Sáng tác thông qua chủ nghĩa hiện thực, giàu tưởng tượng, biểu hiện sự hài hước, giàu lòng cảm thông và sự quan sát nhạy bén đối với xã hội...”

 

Cảnh trong phim: Chiếc xe di dân của gia đình Tom

 

Dẫu biết rằng “mọi sự so sánh đều khập khiễng” nhưng người đọc vẫn nhìn thấy rõ những nét tương đồng giữa “Chùm nho uất hận” của John Steinbeck và chuyện “đi kinh tế mới” tại Miền Nam sau ngày 30/4/1975.

Trong khi tại Mỹ, di dân đổ xô về California để tìm một lối thoát cho cuộc mưu sinh thì tại Việt Nam xuất hiện “vùng kinh tế mới” để giải quyết vấn đề “giãn dân”, đồng thời thực hiện chủ trương đưa những thành phần “không được hoan nghênh” ra khỏi các đô thị, đặc biệt là Sài Gòn.

Cả hai sự kiện đều mang lại sự bất ổn cho cuộc sống của những người dân “thấp cổ bé họng”!

 

Những người đi ra vùng kinh tế mới tại Việt Nam

 

* Tham khảo thêm: “Góp nhặt buồn vui thời điêu linh: Kinh tế mới” tại:

https://chinhhoiuc.blogspot.com/.../buon-vui-thoi-ieu...

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts