“Ông vua truyện ngắn” người Mỹ, O. Henry (1862-1910), đã để lại cho hậu thế gần 400 truyện ngắn. Điểm đặc sắc trong truyện ngắn của ông là những tình tiết bất ngờ, có lúc khắc nghiệt hoặc oái oăm. Nhiều lúc lại khôi hài, dở khóc dở cười, để rồi kết thúc khiến người đọc hoặc thích thú nhưng không quá sướng thỏa, hoặc bâng khuâng nhưng không quá nặng nề.
O. Henry (1862-1910)
Chúng tôi chọn truyện “The Last Leaf” được tác giả viết từ năm 1907 vì nhiều lý do. Quan trọng hơn cả là tính cách thời sự của truyện với bệnh viêm phổi cũng tựa như dịch COVID-19 mà chúng ta đang phải gánh chịu. O. Henry viết về bệnh viêm phổi tại Greenwich Village ngày đó:
“Vào tháng mười một thì Trời phái một ông khách lạnh lùng mà các ngài bác sĩ thường gọi là Bệnh Viêm Phổi đến khủng bố khu Greenwich. Ông thò cái bàn tay lạnh ngắt, sờ chỗ này một chút, vỗ chỗ kia một phát. Khu vực phía đông bị ảnh hưởng nặng nề với khá nhiều người bệnh, nhưng bước chân của ông khách chậm dần khi bước vào cái mê cung chật hẹp rêu phong của khu Greenwich…”
Khu Greenwich Village, Manhattan, thuộc thành phố New York, là một khu phố cổ theo kiểu Hòa Lan từ thế kỷ thứ 18. Nơi đây hội tụ nhiều họa sĩ nghèo như Sue và Johnsy sống trong một khu nhà trọ.
“Ông khách Viêm Phổi” không phải là hạng người mà bạn thường gọi là “ông bạn già hào hiệp”. Cô Johnsy liễu yếu đó thật ra không phải là đối thủ xứng tay của lão già thô bạo, nhưng lão vẫn đập cô ta tận tình. Vì vậy cô gái nằm xụi lơ, bất động trên chiếc giường sắt, mắt nhìn vào bức tường gạch của căn nhà kế cận xuyên qua khung cửa sổ nhỏ.
Ông bác sĩ đã từng nói với Sue: "Tôi sẽ ráng hết sức làm những gì mà khoa học có thể làm được. Nhưng hễ khi nào bệnh nhân của tôi bắt đầu nghĩ tới chiếc xe chở quan tài và đám đô tùy thì tôi trừ đi một nửa cái hiệu quả của thuốc men”.
Hàng ngày nằm trên giường bệnh nhìn qua khung cửa sổ Johnsy chứng kiến những chiếc lá “thường xuân” (ivy) ngày một rụng nhiều. Cô nhủ thầm, khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống là sẽ là lúc cô lìa đời.
Ở Greenwich còn có lão Behrman là một họa sĩ già ngoài 60 với bốn mươi năm cầm cọ mà chẳng vẽ được một bức tranh nào cho ra hồn. Cả đời lão khao khát vẽ được một kiệt tác. Biết chuyện Johnsy bị bệnh viêm phổi rất nặng và bệnh tật khiến cô tuyệt vọng nên lão quyết định âm thầm thức suốt đêm mưa gió bão bùng để vẽ chiếc lá trên tường.
Chiếc lá giống như thật. Và ngày hôm sau, khi nhìn qua cửa sổ, chiếc lá cuối cùng, tác phẩm của Behrman, vẫn đang ngạo nghễ sau một đêm mưa gió. Johnsy bắt đầu nghĩ lại, cô bắt đầu hi vọng và muốn được sống, được sáng tạo.
Johnsy đã trở về từ cõi chết nhưng lão Behrman lại chết vì bệnh viêm phổi sau đêm sáng tạo kiệt tác chiếc lá cuối cùng để cứu Johnsy. Sue lặng lẽ đến bên Johnsy báo cho bạn về cái chết của Behrman và tiết lộ bí mật về chiếc lá cuối cùng.
Giày dép, quần áo Behrman ướt sũng và lạnh như đá. Không tưởng tượng ra được ông ấy đi đâu, làm gì trong một đêm gió mưa khủng khiếp như vậy. Sau đó họ tìm thấy chiếc đèn lồng vẫn còn cháy sáng, một chiếc thang được kéo lê ra từ trong kho, mấy chiếc cọ còn dính sơn và một hộp sơn pha trộn hai thứ màu xanh và vàng.
“Và Johnsy à, bạn thử nhìn ra ngoài cửa sổ kia, nhìn vào chiếc lá cuối cùng trên bức tường đó. Bạn không cảm thấy ngạc nhiên là tại sao nó chẳng lung lay động đậy gì trong cơn gió? Bạn ơi, nó chính là cái tác phẩm lớn của lão Behrman trong đêm chiếc lá cuối cùng lìa cành!”.
(“Look out the window, dear, at the last leaf on the wall. Didn’t you wonder why it never moved when the wind was blowing? Oh, dear, it is Behrman’s great masterpiece—he painted it there the night that the last leaf fell.”)
Chuyện chỉ có vậy nhưng sao đọc đến đoạn kết người ta cảm thấy ngỡ ngàng pha lẫn tiếc nuối!
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét