Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2024

Huyền thoại Lý Tiểu Long

Bruce Lee, tên tiếng Việt là Lý Tiểu Long (1940 - 1973), không những là một diễn viên mà còn là nhà làm phim, nhà phê bình võ thuật nổi tiếng trong giới võ lâm. Năm 1972 - 1973 Hội đồng Võ thuật Thế giới đã vinh danh ông là “1 trong 7 nhà võ thuật lớn của thế giới”.

Tạp chí Time của Mỹ cũng đã gọi Lý Tiểu Long là “một trong 100 nhân vật quan trọng nhất của thế kỷ 20 với tư cách là một trong những anh hùng, biểu tượng vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất”.

Năm 1980, tờ báo Asahi Shimbun của Nhật đã phong Lý Tiểu Long là “Nhân vật tiêu biểu của thập niên 70” trong khi đó vào năm 1986, người Đức phong Lý Tiểu Long là “người châu Á có hiểu biết rộng nhất về võ thuật”.

 

Hình chụp Lý Tiểu Long khi sang Mỹ năm 1959

 

Với Miền Nam Việt Nam trước 1975, Lý Tiểu Long đã gắn liền với những bộ phim đình đám một thời như “Đường Sơn đại huynh” (Fist of Fury), “Tinh Võ Môn” (The Chinese Connection), “Mãnh Long quá giang” (Return of the Dragon), “Long Tranh Hổ Đấu” (Enter the Dragon)…

Ngày 22/3/1972 phim “Tinh Võ Môn” (tên tiếng Anh ban đầu là Fist of Fury) được công chiếu tại Hồng Kông. Tại Mỹ, phim mang tên tiếng Anh là “The Chinese Connection”. Tựa đề này là một cách khai thác sự nổi tiếng của một phim Mỹ khác có tên là “The French Connection” được công chiếu tại Mỹ vào năm 1971.

Sau đó các rạp phim Mỹ lấy tên tiếng Anh ban đầu của phim là “Fist of Fury” gắn vào tựa của phim “Đường Sơn đại huynh” khiến cho ngày nay cái tên “Fist of Fury” dễ gây nhầm lẫn giữa hai phim của Lý Tiểu Long.

 

Lý Tiểu Long (hình chụp năm 1971)

 

Vào năm 1980, hãng Columbia Pictures của Mỹ đã phát hành lại “The Chinese Connection” (Tinh Võ Môn 1972), cùng với “The Big Boss” (Đường Sơn đại huynh 1971), dưới dạng một bộ phim kép được hãng phim quảng cáo với khẩu hiệu: "Còn gì tuyệt vời hơn một phim của Lý Tiểu Long? Hai phim của Lý Tiểu Long!"

Phim “Tinh Võ Môn” đạt doanh thu còn hơn cả phim “Đường Sơn đại huynh” với khoảng 100 triệu đô la thu về tại các phòng vé sau khi phim được trình chiếu trên khắp thế giới, so với tiền đầu tư ban đầu chỉ có 100.000 đô la Mỹ.

Đây là phim Hồng Kông có doanh thu cao nhất mọi thời đại cho đến thời điểm đó. Phim cũng góp phần đưa tên tuổi của Lý Tiểu Long ra ngoài biên giới, ông được liệt vào hàng “siêu sao Hồng Kông”.

 

Lý Tiểu Long cùng con trai là Lý Quốc Hào năm 1966

 

Sau khi thành lập công ty Hiệp Hòa, Lý Tiểu Long lập tức bắt tay vào quay phim “Mãnh Long quá giang” tại Hồng Kông. Với phim này, Lý Tiểu Long vừa là người viết kịch bản phim, nhà sản xuất phim, đạo diễn phim, chỉ đạo võ thuật trong phim và là nam diễn viên chính.

Sau khi quay những cảnh trong nhà ở Hồng Kông thuộc Anh, tháng 5/1972 Lý Tiểu Long đưa đoàn làm phim “Mãnh Long quá giang” (trong đó có những tài tử như Unicorn Chan, Miêu Khả Tú, Lâm Chánh Anh, Nguyên Hoa,...) sang Roma (Ý) để quay những ngoại cảnh. Đây là phim Hồng Kông đầu tiên có quay ngoại cảnh ở Châu Âu.

Lý Tiểu Long vào vai chính Đường Long sang Roma dạy võ và giúp đỡ cho nhà hàng người Hoa tại đó tránh bọn mafia và côn đồ địa phương. Đây là phim đầu tiên Lý Tiểu Long sử dụng cùng lúc 2 cặp côn nhị khúc.

 

Lý Tiểu Long mê hoặc khán giả phương Tây với những tuyệt kỹ côn nhị khúc

 

Cuối tháng 2/1973, Lý Tiểu Long có cơ hội chứng tỏ bản thân khi phim “Long Tranh Hổ Đấu” (Enter The Dragon) được khởi quay. Đây chính là bộ phim đầu tiên do công ty Warner Brothers của Hollywood và công ty Hiệp Hòa của Lý Tiểu Long ở Hồng Kông hợp tác sản xuất.

Với phim này, Lý Tiểu Long tiếp tục vừa là người viết kịch bản, nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, đạo diễn kịch bản, chỉ đạo võ thuật và thủ vai chính. Việc quay phim “Long Tranh Hổ Đấu” kết thúc vào tháng 4/1973, khi đó Lý Tiểu Long mới 32 tuổi.

Sau khi đóng xong phim này, Lý Tiểu Long bị sụt gần 15 kg. Trong phim, Lý Tiểu Long có bày tỏ một số quan điểm về võ thuật của mình, đúng như mong ước của ông là dùng điện ảnh để truyền bá võ thuật.

 

Lý Tiểu Long trong phim Mãnh Long quá giang (1972)

 

Lúc này Lý Tiểu Long đã cùng vợ con ở lại Hồng Kông để sinh sống và ông luôn có một sự cảnh giác cao đối với mọi người xung quanh, nhất là Hội Tam Hoàng ở Hồng Kông. Đặc biệt là ông luôn mang theo súng cá nhân bên mình khi đi ra đường!

Lý Tiểu Long đã có nhiều “ân oán giang hồ” với rất nhiều võ sư khi nêu ra khuyết điểm trong các loại võ của họ. Điều này khiến cho Lý Tiểu Long đi đến đâu trên khắp thế giới đều có võ sư xuất hiện đòi thách đấu với Lý Tiểu Long.

Lý Tiểu Long còn “đắc tội” với nhiều hãng phim vì những phim do ông tham gia đạt doanh thu phòng vé cao hơn họ. Ngoài ra, ông còn “đắc tội” với Hội Tam Hoàng ở Hồng Kông vì khi xưa Hội Tam Hoàng đã từng ép Lý Tiểu Long phải trốn sang Mỹ khi mới 19 tuổi.

 

Một thân hình lực sĩ

 

Ngày 10/5/1973, Lý Tiểu Long bị nhức đầu và ông dùng thuốc giảm đau Equagesic. Sau khi uống thuốc thì ông bị động kinh. Vợ ông là Linda Lee nhanh chóng gọi bác sĩ chuyên về thần kinh là Peter Wu đến cứu ông.

Peter Wu còn tiến hành phẫu thuật cho Lý Tiểu Long, lấy phần thuốc Equagesic trong bao tử của ông ra ngoài. Theo lời của Peter Wu, trong bao tử của Lý Tiểu Long khi đó có chứa nhiều chất cần sa và ông ta đã lấy hết nó ra ngoài. Không rõ là Lý Tiểu Long đã dùng hoặc đã nghiện cần sa từ lúc nào.

Có một giả thuyết cho rằng có thể trong một lần Lý Tiểu Long bị đau đầu, ông đã dùng thử cần sa, kết quả là cơn đau đầu của ông đã giảm lại nên ông đã dùng cần sa đến khi nghiện, khiến cho bao tử của ông đã chứa đầy cần sa.

Giữa tháng 7/1973 võ sư Lý Huỳnh ở Việt Nam công khai thách đấu với Lý Tiểu Long trên truyền hình, sự kiện này được báo chí Việt Nam và Hồng Kông đưa tin. Tuy nhiên, Lý Tiểu Long đã không còn cơ hội để nhận lời thách đấu này nữa.

 

Lý Tiểu Long có rất nhiều kẻ thù ngoài đời thường

 

Do không biết việc Lý Tiểu Long phải tránh dùng thuốc Equagesic, nữ diễn viên Đinh Phối (Betty Ting Pei) đã đưa cho Lý Tiểu Long 1 viên Equagesic, một loại thuốc mạnh dựa trên aspirin mà cô ấy thường. Có thể do quá đau nên Lý Tiểu Long đã quên việc bác sĩ Peter Wu từng khuyên ông tránh dùng thuốc Equagesic.

Chẳng cần hỏi viên thuốc mà Đinh Phối đang đưa cho mình là thuốc gì, Lý Tiểu Long đã lập tức uống ngay. Đinh Phối nói cô đã cố đánh thức Lý Tiểu Long nhưng ông không thức dậy được nữa.

Lý Tiểu Long đã không thể tỉnh lại được nữa và ông đã vĩnh viễn ra đi. Bệnh viện thông báo rằng Lý Tiểu Long đã chết khi đang trên đường đến bệnh viện. Bác sĩ đã rất ngạc nhiên khi biết Lý Tiểu Long bị hôn mê lâu như vậy vào buổi tối hôm đó nhưng thật không may, Đinh Phối đã không gọi cấp cứu sớm hơn.

Hiện trường Lý Tiểu Long chết là trên giường của Đinh Phối nên vợ của Lý Tiểu Long là Linda Lee cũng bị sốc. Bởi vậy truyền thông khắp nơi trên thế giới cũng rộ tin đồn Lý Tiểu Long đã ngoại tình với Đinh Phối.

Trong vòng 4 giờ đồng hồ từ 17:00 đến 21:00, có thể Lý Tiểu Long có quan hệ tình dục với Đinh Phối rồi bị “thượng mã phong” mà chết, sau đó Đinh Phối gọi mãi không thấy ông tỉnh dậy.

 

Đinh Phối & Lý Tiễu Long

 

Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng Lý Tiểu Long đã tự sát vì ông từng tiết lộ với mẹ của ông rằng… “không muốn sống nữa”! Lại có ý kiến cho rằng Lý Tiểu Long bị Hội Tam Hoàng ở Hồng Kông thanh toán, bởi vì Lý Tiểu Long đã từng vì bị hội này mà phải chạy sang Mỹ lúc 19 tuổi.

Có ý kiến cho rằng Lý Tiểu Long từng bị trúng công phu "điểm huyệt hẹn ngày chết" của một võ sư vô danh khi ông đang quay phim “Long Tranh Hổ Đấu”, 3 tháng trước khi ông chết nên mới đột ngột tử vong!

Nguyên nhân cái chết của Lý Tiểu Long được truyền thông khắp thế giới đồn đoán, bàn tán và thổi phồng rất nhiều. Danh tiếng của Lý Tiểu Long càng ngày càng nổi hơn tại khắp nơi trên thế giới sau khi ông chết.

Dựa trên những thông tin được cung cấp từ cựu thám tử cảnh sát Hồng Kông là Philip Chan, chính quyền Hồng Kông thuộc Anh đưa ra kết luận cuối cùng rằng Lý Tiểu Long chết tại Hồng Kông vì chứng phù não do phản ứng dị ứng với thuốc và lao lực quá độ.

Nhân viên điều tra mô tả sự ra đi của Lý Tiểu Long là "cái chết do tai nạn rủi ro". Mất đi người bạn, đồng thời bị đổ lỗi và cũng nhận được những lời đe dọa sẽ đến lấy mạng từ những người hâm mộ của Lý Tiểu Long, Đinh Phối bị mắc chứng tâm thần phân liệt trong một thời gian.

Ngày 25/7/1973, tang lễ của Lý Tiểu Long được tổ chức tại Hồng Kông và đã có hơn 25.000 người hâm mộ và bạn bè tới dự. Taky Kimura là một trong sáu người khiêng quan tài tại đám tang, năm người còn lại là: Dan Inosanto, Steve McQueen, James Coburn, Peter Chin và Lý Chấn Huy (Robert Lee, em trai của Lý Tiểu Long).

Ngày 30/7/1973, một tang lễ nhỏ thứ hai của Lý Tiểu Long ở Seattle, Washington, tại Butterworth trên đại lộ East Pine, Lý Tiểu Long được chôn cất ở Nghĩa trang Lake View của Mỹ.

 

Ngôi sao Lý Tiểu Long (Bruce Lee) tại Đại lộ Danh vọng Hollywood

 

Ông được chôn cất cùng với bộ quần áo ưa thích mà ông từng mặc trong phim “Long Tranh Hổ Đấu”. Trên mộ của ông ghi hai tên Bruce Lee và Lý Chấn Phiên (tên khai sinh của ông).

 

Ngôi mộ của Lý Tiểu Long và con trai, Lý Quốc Hào

Ngày 26/11/2005, thành phố Mostar ở Bosnia & Herzegovina vinh danh Lý Tiểu Long với một bức tượng đồng trên Quảng trường Tây Ban Nha. Bức tượng là tượng đài công cộng đầu tiên về Lý Tiểu Long chính thức được công bố trên thế giới.

Một bức tượng đồng khác của Lý Tiểu Long ở Hồng Kông được khánh thành một ngày sau đó, ngày 27/11/2005, để đánh dấu sinh nhật lần thứ 65 của Lý Tiểu Long. Đây cũng là bức tượng tôi được thấy tận mắt tại Victoria Harbor và đã chụp hình kỷ niệm nhân chuyến… “viễn du dối già” tháng 5/2024.

 

 

Tác giả bên bức tượng Lý Tiểu Long tại Hồng Kông

 

Có thể nói, thuật ngữ “kung fu”, hay nói khác đi là "võ thuật Trung Hoa", vào thế kỷ 20 đã trở nên phổ biến trên thế giới nhờ vào những phim võ thuật Hồng Kông của nhân vật huyền thoại Lý Tiểu Long.

Cũng có thể nói không ngoa rằng, nhờ Lý Tiểu Long mà “kung fu” trở nên quen thuộc khắp mọi nơi qua Hollywood, nơi được mệnh danh là “kinh đô điện ảnh thế giới”.



 

*** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts