Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

“The Sympathizer”… lên phim!

 

Có thể nói, lịch sử văn học Việt Nam tại hải ngoại sẽ bước sang một trang sử mới khi một nhà văn người Mỹ gốc Việt nhận giải thưởng Pulitzer về tiểu thuyết giả tường năm 2016 và tác phẩm đó được chuyển thể thành phim ra mắt trên màn ảnh thế giới vào năm 2024.

Phim sẽ xuất hiện trên màn ảnh HBO và hiện giờ HBO chỉ mới phát hành một “trailer” ngắn, dựa theo tiểu thuyết “The Sympathizer” của nhà văn Viet Thanh Nguyen (tên thật là Nguyễn Thanh Việt).

 

Viet Thanh Nguyen và tác phẩm “The Sympathizer”

 

Riêng đối với độc giả người Việt, cả ở trong lẫn ngoài nước, không khỏi thắc mắc về sự khó khăn, phức tạp trong ngôn ngữ của một đứa trẻ người Việt tị nạn khi mới 4 tuổi đã đặt chân đến Hoa Kỳ vì biến cố tháng Tư, năm 1975.

Nguyễn Thanh Việt đã trở lại Việt Nam nhiều lần với mong mỏi cuốn tiểu thuyết hư cấu của anh sẽ được dịch sang tiếng Việt. Tác giả “The Sympathizer” đã có lần tâm sự:

… Tôi đã ký hợp đồng với Nhã Nam và bản dịch đang được tiến hành. Trong hợp đồng đó có một điều khoản là nếu chính quyền kiểm duyệt cuốn truyện, tôi sẽ lấy lại bản dịch. Tôi sẽ tìm cách khác để xuất bản. Đối với tôi, rõ ràng điều quan trọng là người Việt cần đọc tiểu thuyết này qua bản dịch không bị kiểm duyệt. Nếu cắt đi những phần chính quyền không hài lòng sẽ làm cuốn truyện trở nên vô nghĩa”

 

“The Sympathizer” đã từng lọt vào các sách mà Bill Gates khuyên đọc

 

Tháng 3/1975 bố anh (ông Nguyễn Ngọc Thanh - Joseph Thanh Nguyen) đang ở Sài Gòn lo công việc, họ có tiệm vàng khá nổi tiếng từ năm 1963, mang tên Kim Thịnh, tại Ban Mê Thuột (BMT). Nhà tôi ở cùng con đường với tiệm Kim Thịnh và đó cũng là lý do tôi đã viết nhiều bài về anh.

Việt còn quá nhỏ để nhớ lại những gì đã xảy ra trong suốt quãng đường dài từ BMT về Nha Trang hồi đó… nhưng theo lời kể của người anh trai, đó là một cuộc hành trình gian nan, khủng khiếp của quân và dân vùng cao nguyên chạy về vùng biển trước khi lên tầu để đến Hoa Kỳ.

“The Sympathizer” lấy bối cảnh Sài Gòn trong những ngày cuối tháng 4/1975 nhưng nhân vật chính không lại không tên, không tuổi. Ngay tchương đầu tiên, người đọc chỉ biết anh ta qua danh xưng “tôi” vì anh hoạt động trong lĩnh vực tình báo của Hà Nội với cấp bậc Đại Úy:

“Tôi là một tên gián điệp, một kẻ nằm vùng, một con quỷ, một con người hai mặt. Có lẽ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, tôi cũng là một con người có hai đầu óc… có thể nhìn vào bất cứ vấn đề gì từ hai phía…” (“I am a spy, a sleeper, a spook, a man of two faces. Perhaps not surprisingly, I am also a man of two minds, able to see any issue from both sides).

Cũng từ Chương 1, người đọc còn được làm quen với 2 người bạn khác của viên Đại úy “nằm vùng”. Cả ba người bạn đã gắn bó với nhau theo kiểu “cắt máu ăn thề”, một tích rất xưa “Kết nghĩa vườn đào” của Lưu Bị-Quan Văn Trường-Trương Phi trong Tam quốc chí. 

***

Phim “The Sympathizer” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên đã khởi quay từ tháng 09/2022. Mới đây, đoàn làm phim đã công bố dàn diễn viên chính gốc Việt, đóng cùng "Người Mặt Sắt" Robert Downey Jr.

Theo Hollywood Reporter, 5 diễn viên chính của “The Sympathizer” bao gồm: Hoa Xuande, Fred Nguyen Khan, Toan Le, Vy Le và Alan Trong. Họ là những diễn viên gốc Việt và cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm đóng phim, cũng như tham gia một số dự án truyền hình và điện ảnh tại Hollywood.

 

Dàn diễn viên chính gốc Việt được công bố (từ trái sang phải) - Hoa Xuande; Fred Nguyen Khan; Toan Le, Vy Le; Alan Tong

 

Trong khi đó, báo chí còn đồng loạt đưa tin ba gương mặt diễn viên nữ nổi bật nhất của dự án bao gồm Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Kiều Chinh và Sandra Oh cũng có mặt... Nhưng họ thực ra chỉ là ba diễn viên phụ trong phim nhưng tên tuổi của họ giúp bộ phim thêm phần hấp dẫn đối với người xem.

 

Tài tử Kiều Chinh trong vai mẹ của “Kẻ nằm vùng”

 

Vai “Kẻ nằm vùng” sẽ do diễn viên người Úc gốc Việt, Hoa Xuande, thủ diễn. Chắc chắn là phim lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Hoa bởi đây là một nhân vật có số phận thăng trầm: từ một đứa con lai bị ghét bỏ, trở thành đại úy quân đội của cả hai miền Nam-Bắc, điệp viên hai mang, cuối cùng làm một thuyền nhân mang theo trọng trách hoạt động tại Mỹ.

Gương mặt nữ chính duy nhất do Vy Le thủ vai, cô là người con gái khiến “Kẻ nằm vùng” phải lao đao trong cuộc sống tình cảm... Tất cả họ đều không phải là những ngôi sao sáng chói, nhưng cũng không hoàn toàn là "tay ngang" vì đã có ít nhiều cơ hội cọ sát tại phim trường.

Điều đáng tiếc là phim không được quay tại Việt Nam vì lý do chắc mọi người có thể hiểu được: tình hình chính trị không cho phép dựng lại một câu chuyện (dù giả tưởng) về một nhân vật “gián điệp hai mang” trước và sau ngày 30/4/1975.

Bộ phim được bấm máy tại Mỹ và Thái Lan trong khoảng thời gian từ tháng 09/2022 đến 03/2023. Đoàn làm phim phải chọn Thái Lan, tuy ở cạnh Việt Nam, nhưng quả thật có rất nhiều “trục trặc” về ngoại cảnh.

Hơn nữa, đạo diễn phim, Park Chan Wook, lại là người Hàn Quốc nên có những cái vượt ra ngoài kinh nghiệm thực tế của bản thân mà chỉ những người đã từng lăn lộn với Sài Gòn mới thấy được hết.

 

Đạo diễn Park Chan-wook vừa giành được giải thưởng ở Cannes hồi tháng 6/2022

 

Người ta thấy vai trò của những người cố vấn phim trường rất quan trọng. Từ tên những con đường, những cửa hàng, tiệm ăn hay những hoạt cảnh đường phố đôi khi không thật, thậm chí có lúc lại trở nên xa lạ đối với những người đã từng “sống chết” với thành phố thân thương ngày nào!

 

Giầy lính nằm trên một con đường bên chiếc xe buýt màu sắc lạ lùng và cả những đèn giao thông lạ hoắc!

 

Hình ảnh một thanh niên mang giày “mốt”, trên mặt bịt... khẩu trang.giữa những nữ sinh Sài Gòn

 

Một cái bàn lạc lõng trong quán ăn

 

Đây là đường Tự Do trong phim

 

Một con đường ở trung tâm Sài Gòn... quá nhếc nhác với bao cát vây quanh

 

Làm gì có danh từ “Vật tư ành”... còn chiếc taxi lạ với số hiệu 803 (Taxi Sài Gòn có 4 số)

 

Dù sao đi nữa, nhà sản xuất phim tập hợp nhiều cái tên “không thể hoàn hảo hơn”, bao gồm HBO, A24, Rhombus Media kết hợp với Cinetic Media và Moho Film. Quái kiệt của nền điện ảnh Hàn Quốc Park Chan Wook vừa là nhà sản xuất (showrunner) vừa ngồi ghế đạo diễn.

Xét cho cùng, cũng như những khó khăn của cuốn tiểu thuyết lúc ban đầu, phim “The Sympathizer” đã có những “hạt sạn” như đã nói ở trên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền “tự hào” vì những đóng góp của phim về người Việt trong nền điện ảnh thế giới! 

***

* Xem “trailer” phim “The Sympathizer” tại:

https://youtu.be/wr7hBPhXrus

 

* Tham khảo thêm:

- ”The Sympathizer” (1): “Kẻ Nằm Vùng” hay “Cảm Tình Viên”?

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/05/the-sympathizer-1-ke-nam-vung-hay-cam.html

- “The Sympathizer” (2): Những điều muốn nói…

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/06/the-sympathizer-2-nhung-ieu-muon-noi.html

- “The Sympathizer” (3): Những nỗi niềm riêng

https://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/07/the-sympathizer-3-nhung-noi-niem-rieng.html

- Bản dịch tiếng Việt “Kẻ nằm vùng” (The Sympathizer) của Lê Tùng Châu, 41th Black April, 2016:

https://khosachonline.com/download/5f3323443ddc807d1b08aaca 


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts