Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

Giấc mộng làm người hùng

“… Ò e Rô Be đánh đu
Tặc Giăng nhảy dù
Giô Rô bắn súng
Bắn ngay con ma nào đây
Thằng Tây hết hồn
Thằn lằn cụt đuôi…”

Chắc hẳn nhiều người ở miền Nam ngày xưa đã từng nghe (hoặc hát) những câu hát trẻ con được “chế” từ bài “Auld Lang Syne”. Điều thú vị là bài hát gốc thuộc vào loại nhạc “hàn lâm”, thường được trình diễn vào đêm giao thừa để đón mừng năm mới, sang đến Việt Nam lại được thay bằng những lời ngộ nghĩnh để biến thành… “đồng dao”.

Sở dĩ có hiện tượng “chế lời” là do vào thời đó những phim như Tarzan, Zorro… rất được khán giả, cả người lớn lẫn trẻ con, ái mộ. Nhân vật Zorro mang mặt nạ là người hùng trừ gian diệt bạo, chống lại cường quyền và giúp đỡ dân nghèo… xuất hiện trong rất nhiều trong bộ phim của Hollywood.

Điển hình là phim “The Mask of Zorro” (Mặt nạ của Zorro). Kể cũng lạ, Zorro có biệt tài dùng kiếm nhưng theo lời hát của trẻ con lại biết sử dụng súng!

Người hùng Zorro

Sau loạt phim về Zorro lại tới phim “cao bồi”, ăn khách còn hơn Zorro một bậc. Loại phim “Miền Tây Hoang Dã” (The Wild Wild West) của nước Mỹ được chiếu nhiều nhất tại các rạp xi-nê Sài Gòn vào thập niên 1960. Khán giả xếp hàng mua vé để được xem các chàng “cowboy” thi thố tài bắn súng.

“Bắn chậm thì chết” là châm ngôn của các chàng trai trên đường hành hiệp giang hồ. Chủ đề của các phim “cao bồi” là trừ gian diệt bạo trong bối cảnh Miền Tây đang trong tình trạng “vô cùng hoang dã”. Dù có “sheriff” là những cảnh sát giữ gìn an ninh trật tự trong thị trấn nhưng lực lượng này tỏ ra yếu thế trước các nhóm giang hồ.

Nổi bật trong loạt phim này có “Gunfight at the O.K. Corral” với sự góp mặt của  Burt Lancaster và Kirk Douglas… “The Magnificent Seven” với các tài tử “gạo cội” như Yul Brynner, Steve McQueen, Charles Bronson… “The Good, the Bad and the Ugly” có các diễn viên Clint Eastwood, Eli Wallach, Lee Van Cleef…

“Gunfight at the O.K. Corral”

“The Magnificent Seven”

“The Good, the Bad and the Ugly”

Còn rất nhiều phim nữa nhưng người viết chỉ nêu ra vài trường hợp điển hình của loại phim này để thấy được tầm ảnh hưởng của loại phim Miền Tây trong xã hội Miền Nam Việt Nam trước 1975. Đó là “chủ nghĩa anh hùng, trừ gian diệt bạo” trên màn ảnh.

Không giới hạn trong lãnh vực điện ảnh, chủ nghĩa đó cũng xuất hiện trong lĩnh vực sách báo. Điển hình là loại sách hình “Lucky Luke”, nói về Miền Tây Hoang Dã nhưng lại có xuất xứ từ Châu Âu! Quả là một sự oái ăm đến kỳ lạ.

Tác giả 78 truyện tranh “chàng cao bồi cô đơn” Lucky Luke kéo dài suốt 58 năm là họa sĩ Morris (tên thật Maurice de Bevère, 1923- 2001) lại là người Bỉ. Ông đã tự hào về đứa con tinh thần của mình: “Từ 7 tới 77 tuổi ai coi rồi cũng mê Lucky Luke”.

Lucky Luke có biệt tài “bắn nhanh hơn cái bóng của mình”, ấy thế mà chưa bao giờ bắn chết một ai. Chàng có đầy đủ cá tính của một người đàn ông lý tưởng: vui tính, nghĩa hiệp, trung thực, nhân hậu…

Nhân vật bất hủ Lucky Luke

Những ai đọc truyện tranh Lucky Luke không khỏi đôi khi ước gì mình cũng như anh chàng “cao bồi” dí dỏm nhưng cũng rất giàu nhân tính. Đã có lần anh đối mặt với “Billy the Kid”, một tên cướp nổi tiếng Miền Tây có khuôn mặt trẻ con. Thay vì dùng khẩu súng bắn hạ Billy, anh đã “phết vào mông” anh chàng cao bồi này để… răn đe!

Người ta say mê đọc Lucky Luke vì anh là “chính nhân quân tử”, hành hiệp giang hồ bất vụ lợi chỉ để bênh vực lẽ phải. Thế nhưng, những độc giả tỉnh táo hơn chỉ coi đó là một truyện giải trí không hơn không kém. Tuy nhiên, cái hay của truyện là tạo dựng một mẫu người hùng để giới trẻ ngưỡng mộ. 

Một mình một ngựa Lucky Luke lang thang khắp miền Tây trong thời kỳ Wild Wild West chỉ để giúp người hoạn nạn. Và ở cuối mỗi tập truyện tranh, họa sĩ Moris luôn vẽ cảnh Lucky Luke cưỡi chú ngựa Molly đi về phí mặt trời lặn, miệng nghêu ngao hát câu “I’m poor lonesome cowboy” (Tôi là gã cao bồi nghèo đơn độc).

“I’m poor lonesome cowboy”

Năm 1971 tôi có dịp đi Hoa Kỳ tu nghiệp khóa Giảng viên Anh ngữ ngay tại tiểu bang Texas, vùng đất của các chàng “cao bồi” ngày nào. Dĩ nhiên San Antonio, nơi có Viện Ngôn ngữ Quốc phòng ở Texas, khác hẳn với vùng đất của cowboy xưa. Không làm gì có cảnh cao bồi cưỡi ngựa, không có saloon để uống rượu và cũng không còn sheriff giữ an ninh trật tự.

Cao bồi… chăn bò

San Amtonio chỉ cách thị trấn biên giới Mỹ-Mexico, Nuevo Laredo, khoảng hơn 2 tiếng lái xe. Vào những ngày cuối tuần có những người Xì (ngày nay gọi là người Mễ - Mexican) gõ cửa từng phòng rủ đi “du hí” ở Nuevo Laredo vì tại đây có khu… “đèn đỏ”, hay còn được gọi là “boy’s town”!.

Cây cầu nối liền biên giới giữa Laredo (Mỹ) với Nuevo Laredo (Mexico)

Hồi còn là học sinh tôi đã nghe đến tên Laredo trong bài hát cao bồi “The Streets Of Laredo” (*) do một vị giáo sư Anh văn dạy hát. Bài hát có đoạn mở đầu:

“As I walked out in the streets of Laredo
As I walked out in Laredo one day,
I spied a poor cowboy, all wrapped in white linen
All wrapped in white linen and cold as the clay…”

Trên đường phố ở Laredo có một anh cao bồi nằm chết với tấm vải trắng cuốn quanh thi thể trông lạnh lùng như một tảng đất sét. Và câu chuyện đựơc kể bới cái xác không hồn đó: anh ta bị bắn nơi ngực.

Anh đã từng đến quán rượu Rosie rồi qua sòng bài bạc và tại đây, anh bị bắn. Anh xin mọi người trong đám tang của anh hãy đánh trống, thổi kèn khi khiêng xác anh đi chôn. Anh xin mọi người hãy chôn anh tại một thung lũng cô đơn vì anh biết mình là một chàng trai đã làm những điều xấu xa.

Anh cũng xin 16 chàng “cao bồi” trẻ và 16 thiếu nữ hiện diện trong đám tang của mình. Họ sẽ rải hoa hồng trên nắp quan tài để lúc chôn sẽ làm dịu đi lớp đất lấp mộ. Anh còn xin một ly nước lạnh để làm ướt bờ môi khô héo.

Bài hát kết thúc với tiếng trống, tiếng kèn trầm buồn của những người đưa tiễn vì tất cả đều tiếc thương anh cao bồi can trường, trẻ tuổi và đẹp trai… dù trước đây anh đã làm những điều không phải:

“We beat the drum slowly and played the fife lowly,
And bitterly wept as we bore him along.
For we loved our comrade, so brave, young and handsome,
We all loved our comrade, although he'd done wrong”.

Chân dung một chàng cao bồi năm 1888

Chuyện những chàng chăn bò ở Texas sẽ chấm dứt với một chi tiết nhỏ nhưng đối với tôi lại tràn đầy kỷ niệm. Ở San Antonio có một khu du lịch lấy khung cảnh Miền Tây với các chàng cao bồi và cả những sheriff đeo ngôi sao trên ngực để chào đón du khách.

Tôi muốn thử xem làm một anh cao bồi có điều gì khác lạ nên ngỏ ý với các diễn viên tại Alamo Village cho mượn chiếc nón cao bồi đội trên đầu, mặc chiếc áo khoác có ngôi sao sheriff trên ngực và kèm theo khẩu súng bên hông.

Cũng may là hôm đó đi chơi mặc quần jean nên cuối cùng cũng có một tấm hình kỷ niệm ngày làm… cao bồi. Anh cao bồi người Việt có giống cao bồi “thứ thiệt” hay không, các bạn?

Có người nói giống như Lucky Luke trong truyện tranh với thân hình mảnh khảnh lúc nào cũng như chực bay trong gió!!!


***

Chú thích:

(*) Video clip bài hát cao bồi, “The Streets Of Laredo”, do ca sĩ Marty Robbins trình bày:

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts