Năm 1960, Vương Hồng Sển viết “Sài Gòn Năm Xưa”. Trong phần Lời
Tựa, ông kể lại những kỷ niệm với người cha thân yêu qua những dòng
chữ thật xúc động:
“Năm 1919, Ba đưa con lên Sài Gòn vô trường lớn.
“Con bắt đầu nếm mùi cháo cá Chợ Cũ, hủ tíu Chợ Mới, xem hát thì Chùa Bà Chợ Lớn, nhai thịt bò kho thằng Lù, có năm cắc leo chuồng gà ngồi coi hát Tây, và cảnh không còn gặp nữa là: bữa bữa hai cha con thượng cao lâu ăn cơm xá xíu.
“Năm 1927, Ba lên thăm, con mua bánh Catinat, lòng mừng dâng Ba món lạ. Ba không dùng, hỏi con: "Chữ Hiếu" sao có đắt tiền?
“Năm nay 1960, đầu con bạc mà túi vẫn nhẹ, muốn mua bánh, Ba không lên: xe giằn, đường xa, hai con đò Cái Vồn và Mỹ Thuận vẫn có tiếng không lịch sự đối với hành khách "bát thập lão ông" như Ba vậy!
“Những ký-ức bấy lâu, con viết gởi về: "Vương Trạch Nhựt, cháu hãy đọc lớn cho Nội nghe."
“Gia Định, đường Rừng Sác, số 5,
ngày
26 tháng 5 năm 1960
“SỂN
Vương Hồng Sển cũng tâm sự với người
đọc “Sài Gòn Năm Xưa”:
“1) Chỗ nào các bạn thấy mới, đừng sợ: ấy tôi đã cân nhắc kỹ càng, cứ tin cứ dùng: "coi vậy mà xài được!"
“2) Chỗ nào chưa "êm", nhờ các bạn chỉ giùm, nếu tìm cách bổ khuyết càng tốt, gọi giúp lẫn nhau: già thua trẻ không xấu, mắc cở bậy, hay gì?
“Đối với các học giả, các bậc lão thành, các vị cố cựu đất Sài Gòn, tôi xin "nghiêng tai nghe dạy, chắp tay đứng hầu."
Cuốn sách của ông dày khoảng 140 trang,
được chia thành 8 phần và có thêm phần Kết luận. Khuôn khổ của bài
viết này không thể nào điểm cả 8 phần nên chúng tôi chỉ lược qua
những phần cốt lõi về Sài Gòn ngày xưa với các địa danh mà đến
ngày nay vẫn còn quen thuộc qua cái nhìn của một học giả kiêm nhà
khảo cổ.
Năm 1753, vua Chân Lạp Nặc Ông Nguyên lấn hiếp người Côn Man ở trong Nam, triều đình Huế cử ông Nguyễn Cư Trinh làm quan tham mưu lo việc đánh dẹp. Ba phen thắng giặc nên bèn hiến kế “tàm thực” làm cho mười năm sau hoàn thành cuộc mở mang: Thủy Chân Lạp hoàn toàn về tay chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Lúc bấy giờ miền rừng sác hoang vu, cực nam là vùng Lòi Lạp (Gò Công), Tầm Bôn (Tân An) và vùng các cửa sông Cửu Long (Sóc Trăng, Bạc Liêu) và Trà Vang (Trà Vinh, Bến Tre), còn thuộc Chân Lạp. Thế là vừa trọn một thế kỷ (1658-1759), đất nước Chàm hoàn toàn thuộc về Việt Nam.
Nối dõi tổ tiên, trong cuộc Nam tiến vĩ đại này các học giả vẫn bàn cãi không thôi chung quanh hai tiếng “Sài Gòn” chẳng biết từ đâu và bởi đâu mà có. Ngay cả cụ Trương Vĩnh Ký trong một khảo cứu năm 1885 về miền Nam cũng tỏ ra bối rối!
“Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huỳnh Tịnh Của viết: “Sài tức là củi thổi, Gòn tên loại cây có bông nhẹ xốp, nhẹ hơn bông thường, trong Nam hay dùng để dồn gối, dồn nệm, ngoài Bắc gọi là cây bông gạo”.
Trong tập “Souvenirs historiques” cụ Trương Vĩnh Ký quả quyết người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai và chính ông còn trông thấy vài gốc cổ thụ này tại vùng ấy năm 1885.
Về sau, có nhiều người còn đọc là “Sài Côn”. Theo Vương Hồng Sển, đọc như thế là phản ý người cố cựu miền Nam ở đất Gia Định cũ. Có thể ông bà ta không biết phải viết chữ “Gòn” ra làm sao nên cứ mượn chữ “Côn” để thay thế?
Về Chợ Lớn, tác giả Grancis Garnier xác định thị trấn này do người Tàu tạo lập vào năm 1778. Thị trấn vừa phát đạt chưa được bốn năm năm đến 1782, thì ngộ nạn: đó là năm chúa Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc đánh lấy được thành Phan Yên (Gia Định), thừa cơ làm cỏ sạch người Tàu.
Theo Vương Hồng Sển, sở dĩ Tây Sơn giận dai như thế chỉ vì người Tàu không tiếp tay chống Nguyễn Ánh. Sau trận giặc 1782, hàng hóa các tiệm buôn Tàu như trà, vải lụa, thuốc men, hương liệu… bị bỏ ngoài đường mà không ai dám lượm!
Điểm qua một số địa danh ờ Sài Gòn ta có:
1. Thành Sài Gòn do Minh Mạng dạy xây năm 1836, vị trí ở gần Ba Son.
2. Chợ Bến Thành (ở gần bến và thành) phân ra hai chợ:
a. Chợ Cũ ở chỗ Tổng
Ngân Khố ngày nay, do Chợ Vải ngày xưa Tây cất lại bằng gạch và sườn kèo sắt, phá bỏ năm 1913.
b. Chợ Mới là chợ
ngày nay quen gọi Chợ Mới Bến Thành, khởi công năm 1912, đến tháng 3 năm 1941,
chợ cất rồi, ăn lễ lạc thành, tiếng đồn rùm beng có cộ đèn, xe bông, hát ngoài
trời v.v...; các bài báo viết mừng bài "mừng
lễ khai tân thị" xướng họa không dứt.
3. Hai vùng này gộp lại có tên là Bến Nghé. Trong lúc ấy thì người Tàu dùng danh từ “Thầy Ngồn” (Đề Ngạn) để gọi vùng buôn bán. Chợ Chà, Chệc đều phải bỏ danh từ “Bến Nghé”, và để thay vào đó, Tây hai tiếng “Sài Gòn”, vừa kêu giòn, vừa dễ đọc… cũng như họ đã đọc và nói “Cholen” thay vì “Chợ Lớn”, rồi đọc và nói “Da Kao” thay vì “Đất Hộ”.
Từ xưa đến 1919 sự buôn bán vẫn nằm trong tay Hoa kiều, người Việt chỉ bắt đầu bước vào nghề thương mãi từ 1920 về sau. Để chọn tên dặt cho kinh đô Nam Việt, Tây đã nghĩ đến danh từ “Gia Định” nhưng họ lại chê là “di tích cựu trào, khêu gợi chuyện xưa” nên họ không dùng. “Bà Chiểu” họ cũng không thâu nhận vì có thể khi viết tháu hay khi gửi điện tín khi đọc hiểu lầm là “Bạc Liêu… “thì khốn” (!?).
Vương Hồng Sển viết:
“Cách nay gần bốn chục năm, thưở nhỏ, tôi nhớ lại góc Phan Đình Phùng chạy qua đại lộ Đinh Tiên Hoàng (Albert ler cũ), có một hào thành sâu hóm, trên khoảng Albert ler có đặt hai cây cầu bắc qua hai hào cạn (hào trong và hào ngoài).
…
“Thuở ấy có một chiếc xe hỏa cà xịch cà xạc (le tortillard) chạy ngang đây phun khói phun lửa uốn mình vòng quanh bờ thành cũ coi như con rắn dài, oai nghi khá đại! Về sau hào thành bị lấp dần mất dạng, chỗ thì trồng dâu rồi biến thành Sở Canh Nông và Trại Gia đình Binh Sĩ Hồng Thập Tự, chỗ mới bồi đây dựng lên Viện Quốc Gia khảo về vi trùng và bịnh lý gia súc, chỗ cất dinh thự các nhân viên hãng Hàng Không.
“Một di tích hào thành khác nữa còn sót lại là lối đường Mạc Đĩnh Chi và Trần Cao Vân (Massiges và Larclauze cũ); ở góc nầy khoảng năm 1924-1925 là nơi đất trống, dân tụ tập đến nghe Nguyễn An Ninh diễn thuyết và dự tiệc đãi Bùi Quang Chiêu đi Tây trở về, góc nầy sầm uất, trước đây bốn mươi năm là chỗ đất thấp lài lài có cất ba căn nhà ngói trệt. [Đó chính là 3 căn nhà được cất theo kiểu Bungalow mà ngày nay ta vẫn còn thấy – Chú thích của tác giả bài viết này].
(hết trích)
Con đường Hai Bà Trưng ngày nay cũng có một “lịch sử” đổi tên “ly kỳ”. Đời Napoléon III mang tên Route Impériale, sau năm 1870 đổi thành Nationale, từ năm 1902 lấy tên Paul Blanchy, rồi đổi từ năm 1952 là Trưng Nữ Vương… Mãi đến năm 1955 mới thành tên đường Hai Bà Trưng có chợ Tân Định ngày nay!
Có một đường xe lửa nhỏ nối liền Chợ Đất Hộ (Đa Kao) qua Chợ Tân Định, chạy dài theo con đường Paul Bert (Trần Quang Khải). Sơ khởi chạy không lấy tiền, sau phải thâu tượng trưng mỗi chuyến một xu, để tránh nạn trẻ nít lên ngồi chóan chỗ khách bộ hành phải đứng!
Nhìn trên bản đồ ngày nay, ta có thể đóng khung “Citadelle de Saigon” do người Pháp xây năm 1836 trong bốn con đường: Phan Đình Phùng (Richaud cũ, nay là Nguyễn Đình Chiểu), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Rousseau cũ), Mạc Đĩnh Chi (Massiges cũ) và Nguyễn Du (Mossard cũ).
Thành “Citadelle de Saigon” bị “biến thành bình địa” năm 1859, chỉ vỏn vẹn 23 năm. Thành được xây kiên cố.. nhưng rốt cuộc lại sợ bị người bản xứ dùng thành này để chống họ nên cuối cùng… chính họ lại ra tay châm lửa đốt tiêu.
Ngày 8 tháng 3 Dương lịch, năm 1859, lính Pháp đặt 35 ổ cốt mìn phá tan tành… kết quả là “Citadelle de Saigon” chỉ còn lại mấy đống gạch đá vụn! Bỏ qua lý do về chính trị - quân sự, việc đốt thành là một lỗi lầm lớn về lịch sử - xã hội của người Pháp!
Địa điểm Dinh Tả Quân ngày xưa nay truy ra
thì ở gần nhà linh mục Bá Đa Lộc và gần bộ Ngoại giao hiện thời (đường
Alexandre de Rhodes) chạy dài ra sau dinh Tổng thống (dinh Thống Nhất hiện giờ).
Cũng vì thế cho nên công viên Tao Đàn còn mang tên là “Vườn Ông Thượng”.
Vườn Tao Đàn, ngày xưa còn được gọi là “Vườn Bờ Rô”. Có người cắt nghĩa chỗ ấy xưa có làm một cái “préau” (sân chơi trường học hay tu viện) hoặc “bureau” (văn phòng) gì đó, cho nên dân ta dựa theo bèn chế ra danh từ “Bờ Rô” để gọi?
Riêng theo tài liệu của ông Trần Văn Xường, do ông Lê Ngọc Trụ thuật lại, thì “Bờ Rô” có lẽ do “Moreau” ta đọc trại đi. Vẫn ông Xường, “Moreau” là tên của người quản thủ Pháp đầu tiên được cắt chăm nom vườn này.
Vương Hồng Sển còn viết: “Tiện đây tôi yêu cầu các học giả nên thận trọng lời diễn luận chẳng khá làm tàng bịa đặt tên “Nhà thương Đầm Đất” (như trong một tờ tạp chí kia), trong lúc dưỡng đường Grall được xây trên một đồn đất thật sự, ai ai cũng rõ biết, và cũng không nên vì thấy gần Sài Gòn có những chợ: “Ông Lãnh”, “Bà Chiểu”, “Bà Điểm”, “Bà Hom”, “Bà Rịa”, “Bà Đen” rồi đề quyết Năm Bà vốn là thê thiếp của ông Lãnh binh nọ. Tội chết đa! Tuy người mất rồi không nói được, chớ còn người cố cựu nữa chi?”
Trước năm 1914, trên con đường Trần Hưng Đạo
ngày nay còn nhiều ruộng nước ao lầy. Sài Gòn và Chợ Lớn là hai khu riêng biệt,
ở giữa là một cái bưng nước đọng, khởi đầu từ nhà ga đại lộ Lê Lợi và đại lộ
Nguyễn Huệ, đầu kia phía Chợ Lớn là đầu đường Đồng Khánh (Thủy Binh cũ, Rue de
Marins). Năm 1916, Pháp lấp bưng, đổ đất bồi làm đường “Ba Mươi” (tức Galliéni cũ, nay là Trần Hưng Đạo).
Trước Tòa Đô Chánh hiện nay (1960) thì thuở ấy có con kinh nhỏ, trên có xây một cái cống, gọi “Cống Cầu Dầu” vì tại xóm chuyên môn bán dầu phộng để ăn và để thắp đèn. Con kinh này, Tây đến thì lấp đi, thay vào con đường Charner cũ, hồi đó cũng gọi là “Đường Kinh Lấp”.
Ngã tư Kinh Lấp đụng với con kinh về sau biến thành Đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi) hồi mồ ma thời Pháp, vẫn là xóm sang trọng nhất. Tại chỗ bồn nước ngay ngã tư này, hồi đó có xây một cái bệ cao hình bát giác. Mỗi chiều thứ bảy, tại bệ này có mấy chú lính “săng đá” trỗi nhạc Tây cho đồng bào ta thưởng thức. Từ đó có tên “Bồn Kèn”.
“Bồn
Kèn” cũng còn là một danh từ để gọi bọn du côn ở xóm
này, phần nhiều là tay dọn bàn, nấu ăn cho các quan Lang Sa, thường hay cậy thế
thần của chủ, hống hách hung hăng, tự xưng là “Anh chị Bồn Kèn” và hay gây ăn thua đánh lộn hoặc đâm chém với du
côn xóm khác như “Xóm Dọn Bàn” (Paul
Bert cũ), “Xóm Khánh Hội” (Anh chị Bến
Tàu), hoặc du côn “Mặt Má Hồng”
(đường Mac Mahon) hay “Lăng Xi Bê” (đường
Blanscubé).
Danh từ “du côn” có lẽ do tích bọn này, nguyên là bọn du thủ du thực, tay thường cầm một “đoản côn” bằng sắt, đồng hay gỗ trắc để hộ thân. Về sau vì có lệnh cò bót cho bắt những kẻ tay cầm gậy hèo nên họ đổi lại cầm một ống tiêu bằng đồng để khi hữu sự dùng làm binh khí.
Dài theo bờ sông Bến Nghé, nhà phố dân cư đều cất bằng gỗ tạp, tre nứa và lợp bằng lá “cần đóp” (lá lợp nhà chằm theo kiểu Cao Miên) hoặc lợp bằng tranh. Nhà thì làm theo kiểu nhà sàn, nửa phần ở trên đất liền day mặt ra lộ, nửa phần de ra mặt nước, tắm rửa giặt giũ rất tiện, thêm được cái vừa rẻ tiền vừa hạp vệ sinh.
Ngang Thủ Thiêm, bên này bờ sông là cơ xưởng thủy quân, trước kia quen gọi với danh từ “Ba Son”. Một thuyết cho rằng “Ba Son” do danh từ Pháp “Mare aux Poissons” gọi tắt lại. Có một con kinh đào, nhỏ nhưng rất nhiều cá tôm, thuở ấy người Pháp thích câu cá tại đây
Theo thuyết khác lại đổ thừa hồi xưa có một anh thợ nguội tên “Son” là con thứ ba, vô làm sở này, rồi lấy đó đặt tên cho sở nọ, thuyết này vô căn cứ, theo tôi, phần chắc là do mấy bác túng đề cắt nghĩa gượng và xin chừa cho cô hồn phóng sự giải quyết.
Năm 1863 đã có gánh hát Tây qua diễn tại Sài Gòn để giải sầu cho khách viễn chinh. Ban đầu họ hát tại nhà cây của Thủy sư Đề đốc tại nơi gọi là “Công trường Đồng hồ” (Place de l’Horloge) góc Tự Do và Nguyễn Du ngày nay và lúc ấy thì nhà thờ lớn (nhà thờ Đức Bà) chưa có.
Kế đó, Nhà hát Tây được dời về xây tạm ở Building Caravelle hiện nay. Còn rạp lớn thì bắt đầu xây dựng lối năm 1898, đến ngày 1 tháng Giêng năm 1900 ăn lễ khánh thành lớn lắm.
Sông Thị Nghè giáp với rạch Bến Nghé, chỗ giáp nước là một mỏm đất chìa ra ngoài sông, phong cảnh rất đẹp, gió mát từ Ô Cấp (Vũng Tàu) thổi vào.. Người Pháp dựng tại đây một cột cờ có tên gọi “Cột cờ Thủ Ngữ” (Mât des Signaux). Sau đó lại có quán rượu trứ danh chiêu mộ anh hùng mặc khách rất đông, nên bợm rượu đặt tên rất khôi hài là “Mũi đất bọn tán dóc” (Pointe des Blagueurs)!
Sài Gòn có bốn nhà giàu gộc: “Nhứt Sĩ, Nhì
Phương, Tam Xường, Tứ Định”.
- “Nhứt Sĩ” là ông Lê Phát Đạt. Người Cầu Kho, thuở nhỏ tên Sĩ. Tuy vậy đời vẫn quen gọi theo tên cũ. Ông là người đã tạo dựng Nhà Thờ Huyện Sĩ.
- “Nhì Phương” tức Đỗ Hữu Phương. Sự nghiệp trở nên đồ sộ nhứt nhì trong xứ, phần lớn do tay phu nhơn Trần thị gầy dựng. Bà giỏi tài đảm đang nội trợ, một tay quán xuyến trong ngoài, lại được trường thọ, mất sau chồng.
- “Tam Xường” có tục danh "Hộ Xường", tên thật là Tường Quan, gốc người Minh Hương. Xuất thân từ thông ngôn ra lãnh thầu cung cấp vật dụng thức ăn cho thị xã. Ông có 5 căn nhà, nửa xưa nửa nay, tọa lạc tại đường Khổng Tử, Chợ Lớn.
- “Tứ Định” là Hộ Định, làm Hộ trưởng, nhà ở khoảng giữa đường Trần Thanh Cần, gần dốc cầu Palikao một đầu và chợ Quách Đàm một đầu.
Cũng phải kể đến hai nhân vật người Hoa thuộc loại “giàu nứt đố đổ vách” tại Sài Gòn ngày xưa:
- Hui Bon Hoa tục danh "Chú Hỏa”, mặc dầu về sau danh vọng lớn, địa vị cao, cũng không ai gọi "Ông Hỏa" bao giờ. Tài sản của Chú Hỏa dàn trải khắp nơi, con cháu luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức. Mỗi khi cần dùng một số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của con trưởng thì ngân hàng mới phát bạc!
- Quách Đàm xuất thân mua bán ve chai sau
buôn bán da trâu, vi cá, và bong bóng cá. Ngày ngày thả rong làng xóm, hai giỏ
tre trên vai không quản bao mưa gió. Từ kẻ “vô gia cư” ông đã trở thành “ông
vua lúa gạo”. Ông cũng chính là người dựng chợ Bình Tây trong Chợ
Lớn.
Trong phần Kết luận cuối cuốn sách “Sài Gòn Năm Xưa”, Vương Hồng Sển ca
tụng đất Sài Gòn xưa:
“Sài Gòn là đất hưng vương, căn bổn phát tích Nguyễn Triều. Pháp chiếm năm 1859. Pháp bị lật năm 1945. Tiếp theo là cuộc trưởng thành, cách mạng, độc lập.
“Lịch sử Sài Gòn có lắm đoạn vẻ vang: Không có bàn tay người Việt tô điểm, không thịt xương người Việt làm nồng cốt, không máu huyết người Việt làm xi mon, chưa chắc Sài Gòn có bộ mặt mới xinh như ngày nay.
“Có người quen tánh lý luận, chê lớp tiền bối lựa Sài Gòn làm kinh đô là thất sách, vì xa biển. Sao không chọn Vũng Tàu Ô Cấp, đủ sơn, đủ thủy, tàu bè dễ ghé dễ lui. Một nhà chuyên môn kiêm bác sĩ nói với tôi: "Vũng Tàu cát bời rời, đất không chơn đứng, xây nhà không bền chắc; ở ngay mũi súng, khó phòng thủ. Thiếu nước ngọt, bị phủ vây thì nguy to.
“Sài Gòn, trái lại: Có mội nước lọc dưới đất cát, đủ cung cấp nước ăn quanh năm, khéo tiết kiệm không lo thiếu nước. Sông Đồng Nai, thác Trị An ở gần: dẫn nước tốt dễ dàng. Sài Gòn là đất núi, có chơn đứng, xây cất nhà bao nhiêu từng cao đều được…
...
“Như một viên bảo ngọc, càng ngày càng quý, Sài Gòn hội đủ điều kiện để trở thành một đô thị tối tân”.
(hết trích)
***
Sài Gòn dưới con
mắt của học giả Vương Hồng Sển là vậy. Cộng thêm với kiến thức của
một nhà khảo cổ, ông đã mang lại cho những kẻ hậu sinh như chúng ta
một cái nhìn thấu đáo hơn về một vùng đất đã từng được người Pháp
mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét