Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2023

Thời vàng son của Vespa & Lambretta

Chắc các bạn vào lứa U70 trở lên còn nhớ phim Roman Holiday được thực hiện vào năm 1953 với các tài tử Audrey Hepburn và Gregory Peck. Họ đã rong ruổi trên chiếc Vespa để khám phá thành Rome, nước Ý.

Công chúa Ann (Audrey Hepburn) do quá chán ngấy với những nghi thức của hoàng gia Anh nên lẻn sang Ý để… “du lịch bụi”. Nàng công chúa đã bị “trúng tiếng sét ái tình” với một chàng phóng viên người Mỹ, Joe Bradley (Gregory Peck), trên bước đường lang thang khắp thành phố La Mã…

Họ đã chở nhau trên chiếc Vespa để đến những địa danh nổi tiếng. Nơi nào cũng có dấu chân của họ: Đài phun nước Trevi (Trevi Fountain), Những bậc thang Tây Ban Nha (Spanish Steps), Đấu trường La Mã Colosseum…

Chuyện tình “chớp nhoáng” trên chiếc Vespa cuối cùng cũng qua đi và công chúa Ann bắt buộc phải quay về với thế giới hoàng gia của cô. Cuộc du ngoạn ngẫu hứng chỉ là nhất thời, cô phải bỏ lại sau lưng cuộc sống tự do đời thường để trở về với các lễ nghi của triều đình.

 

Poster phim Roman Holiday

 

Poster phim Roman Holiday

 

Roman Holiday


Marylin Monroe và chiếc Vespa

 

Gina Lollobrigida & Rock Hudson trong phim “Come September” (1961)

 

Vespa đã gắn bó với nước Ý từ năm 1946 qua câu nói "Sembra una vespa!" (Nó cứ như một con ong). Chính câu nói đã khiến dòng sản phẩm này được thiết kế bởi kỹ sư Corradino D’Ascanio và được sản xuất tại nhà máy chính của Piaggio tại Pontedera, Ý. Kể từ đó, thế giới có một loại “scooter” mang tên Vespa.

Các mẫu xe thường có động cơ đặt thấp và gần bánh sau, dung tích động cơ từ 50 đến 250 phân khối, bình xăng đặt dưới yên xe và hai bánh xe nhỏ hơn, chỉ từ 20 đến 35cm. Một số mẫu scooter cổ điển còn trang bị hộp số tay, được tích hợp ở tay lái bên trái. Cơ cấu này thường thấy trên các xe Vespa, Lambretta đời cũ.

 

Vespa có mặt khắp nơi

 

Sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân gia tăng, dòng xe scooter bắt đầu phổ biến với sự xuất hiện của những chiếc Vespa và Lambretta. Hiện nay, scooter nở rộ với nhiều mẫu mã của các nhà sản xuất như Peugeot, Honda, Yamaha, Suzuki…

Ngoài một số mẫu xe vẫn giữ lại được phong cách thiết kế cổ điển như Vespa, Lambretta… dòng xe “Scooter Classic” hay còn gọi là xe “scooter cổ điển” được phổ biến rộng rãi từ những năm 40 và được phụ nữ ưa thích vì dáng vẻ thanh lịch.

 

Vespa bên Tháp nghiêng Pisa

 

Vespa bên Kim Tự Tháp Pyramid

 

Các mẫu xe scooter cho phép người điều khiển có thể dễ dàng bước lên xuống cũng như có một khoảng để chân khá rộng rãi phía trước. Đây có lẽ là điều mà scooter được lòng chị em phái đẹp nhất. Chính thiết kế to bè ở phía sau giúp cho cốp xe rộng và nó rất tiện lợi cho người dùng mỗi khi phải di chuyển với nhiều đồ đạc.

Tuy nhiên, dòng xe scooter cũng có một số nhược điểm như trọng lượng thân xe lớn hơn xe máy thông thường, khá cồng kềnh, tiêu hao nhiều nhiêu liệu là loại xăng pha nhớt tiết ra nhiều khói thải. Và cũng cần phải nói là dòng xe này phát ra tiếng động cơ có phần lớn hơn những loại xe khác.

 

Quảng cáo xe Vespa


Quảng cáo xe Vespa

 

Sau hơn 1 năm sản xuất Vespa, chiếc Lambretta đời năm 1947 có một chỗ ngồi cho người đi kèm hoặc một khoang chứa đồ. Tấm bảo vệ phía trước lúc đầu là một tấm kim loại, sau này được phát triển thành 2 lớp để chứa thêm đồ ở phía sau, tương tự như ngăn chứa găng tay trong xe hơi.

Tên gọi "Lambretta" xuất phát từ con sông nhỏ Lambro ở Milan chảy gần nhà máy. Innocenti bắt đầu sản xuất Lambretta, một năm sau khi Piaggio bắt đầu sản xuất các kiểu Vespa. Lambretta cũng được phép sản xuất ở Argentina, Brazil, Chile, Ấn Độ và Tây Ban Nha, đôi khi dưới tên khác nhưng luôn luôn với thiết kế dễ nhận ra.

 

Dòng Lambretta ngày càng phổ biến tại Việt Nam

 

Lambretta... gia đình

 

Lambretta... gia đình

 

Bước sang loại “Xe lam”, loại xe thùng nhỏ có 3 bánh, gồm một cabin cho tài xế ngồi lái phía trước và một thùng xe để chở khách hay chở hàng phía sau, có thể chở từ 8 đến 10 hành khách. Dưới ghế ngồi của tài xế là thùng đặt máy xe.

Tên gọi “xe lam” có nguồn gốc từ các dòng xe 3 bánh của Lambretta và sau đó là Lambro do công ty cơ giới Innocenti chế tạo. Các dòng xe này lần lượt được nhập vào Việt Nam Cộng hòa vào giữa thập niên 1960 để thay thế xe thổ mộ vẫn còn được lưu hành vào khoảng thời gian đó.

 

Xe Lam Sài Gòn Xưa

 

Sài Gòn Xưa

 

Khoảng những năm 1966-1967, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã tiến hành một chương trình mang tên "Hữu Sản Hóa" nhằm cung cấp phương tiện hành nghề chuyên chở công cộng cho những lao động cần việc làm và cũng để cải thiện đời sống giới thợ thuyền.

Xe lam đã đi vào âm nhạc trong bài “Chuyến xe lam chiều” của Vinh Sử:

“...Trên chuyến xe lam đông người chiều nay

Nghe từng cô đơn nỗi niềm chua cay

Còn đâu một chuyến xe lam

Ngày nao mộng ước vô vàn

Nay kỷ niệm em một mình mang…”

 

Xe Lam... cải tiền

Bến xe Lam Ban Mê Thuột

 

Sau 30/4/1975, người miền Bắc đã bị “mê hoặc” bởi tính ưu việt của Vespa và Lambretta. Các chuyến tàu Thống Nhất xuất phát tử miền Nam thường mang theo loại scooter như là một món quà “giải phóng” từ vùng đất vốn được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”!

Sở hữu một chiếc scooter được mặc nhiên công nhận một vị thế vượt trội trong xã hội mới. Thế cho nên mới có những câu “ca dao tân thời”, chẳng hạn như “Trăm lời nói, không bằng làn khói Honda” hoặc “Ngàn lời dụ dỗ, không bằng tiếng nổ Sprint”!

Nói cho gọn: “Hàng trăm lời nói… không bằng chút khói Vespa”!

 

Trang trí xe

 

Trang trí xe

 

Một thời vàng son… nay còn đâu?

 

***

 

* Video clip:

“Chuyến xe lam chiều” (Vinh Sử) – Ca sĩ Châu Ngọc Hà - Thúy Nga Music Box #8:

https://www.youtube.com/watch?v=-BjR8oH-MmM&t=74s

 

 

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Popular posts