(Xem thêm bài viết Báo chí thời VNCH (3) tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/11/bao-chi-thoi-vnch-3.html)
Tập san Sử Địa số 29
Nguyễn Nhã, người đứng đầu Ban
trị sự Tạp chí Sử Địa, đã cung cấp một số thông tin và luận cứ trong bài viết Thử đặt vấn đề Hoàng Sa, được coi như
lời nói đầu trong tập san chuyên đề số 29:
“Người Trung Hoa đang cố gắng tạo hỏa mù về Hoàng Sa
để dư luận thế giới lầm tưởng rằng quần đảo Hoàng Sa chưa rõ ràng thuộc về nước
nào, nên các quốc gia đã tranh chấp nhau, để rồi kẻ mạnh đã dùng sức mạnh để
thắng. Thật ra, việc Việt Nam hành sử chủ quyền tại Hoàng Sa đã quá lâu và tiếp
tục qua nhiều thế kỷ trước khi người Pháp đến đô hộ Việt Nam ”.
Họ đã lợi dụng tình trạng
Việt Nam bị Pháp đô hộ,
chính quyền Pháp đã lơ là trong việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa cũng như tình
trạng người Việt bất hòa để dần dần lấn chiếm. Các nhà báo pháp Henri
Cucherousset, Alexix Elie Lacombe…vào thập niên 30 của thế kỉ XX đã vạch ra
những sai lầm, âm mưu mờ ám của toàn quyền Đông Dương, dung túng việc xâm phạm
chủ quyền của người Trung Hoa ở Hoàng Sa.
“Chính tạp chí ‘Eveil Economique de l' Indochine’
trong nhiều số liên tiếp đề cập đến Hoàng Sa, nhứt là số 741 (12/6/1932) đã
đăng tải bức thư của Toàn Quyền Đông Dương Pierre Pasquier gửi cho Tổng trưởng
Thuộc Địa ở chính quốc. Bức thư này đã tiết lộ sự thực trắng trợn chính quyền
Pháp ở Đông Dương khi ấy đã cố ý lặng thinh, không phản ứng trước vụ các tàu
của Trung Hoa vào năm 1909 đã đổ bộ, bắn đại bác, xâm phạm lãnh thổ mà họ biết
chắc rõ đã thuộc về Việt Nam từ lâu qua sử sách hay thực tế. Chính quyền Pháp
khi ấy đã nói rằng họ muốn chờ một lúc khác thuận tiện cho người Pháp hơn để
lên tiếng và hơn nữa ‘Hoàng Sa có thể được dùng làm món hàng trao đổi trong các
vụ thương lượng về nhượng địa với Trung Hoa’.
Vì việc tiết lộ bức thư nói
trên mà tòa soạn báo Eveil Economique de
l'Indochine đã bị dự thẩm Bartet ra lệnh khám xét ban đêm để tịch thu tài liệu
về Hoàng Sa. Cũng trên tờ báo này, ông Alexix Elie Lacombe đã khen mỉa mai rằng
Toàn quyền Đông Dương đã khéo “ru ngủ” được Bộ Thuộc Địa Pháp hầu dẹp qua một
bên vụ Hoàng Sa khi Tổng Đốc Quảng Châu đã lên tiếng dành chủ quyền Hoàng Sa
năm 1907.
Năm 1909, tàu Trung Hoa đã
hai lần đến Hoàng Sa vào tháng 4 và tháng 6. Trong lần thứ 2, họ đã cắm cờ
Trung Hoa và bắn 21 phát súng. Lãnh sự Pháp ở Quảng Châu có thư về Pháp báo
cáo, nêu sự kiện xâm phạm chủ quyền nhưng chính quyền Pháp khi ấy lờ đi.
Nguyễn Nhã viết tiếp: “Thấy người Pháp làm ngơ, người Trung Hoa đã
làm tới, ngày 30/4/1921, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông đã kí văn thư
831 đặt quần đảo Hoàng Sa trực thuộc hành chánh vào chính quyền Yahien, Hải
Nam. Triều đình Việt Nam hồi ấy dù chỉ còn hư vị, nhưng binh bộ trọng thư Thân
Trọng Huề đã lên tiếng phản đối năm 1925…”
Dư luận báo chí đã khiến
chính quyền Pháp phải hành động và do đó mới có sự việc Pháp tổ chức chiếm hữu
Trường Sa (Spratly) vào năm 1933 và thiết lập các cơ sở hải đăng, đài khí
tượng, trại lính, để lính Việt Nam và Pháp bảo vệ Hoàng Sa (Paracels).
Poster phản đối cuộc xâm lăng của Trung
Cộng
Học giả Hoàng Xuân Hãn
qua bài viết Quần đảo Hoàng Sa đã đưa
ra những chứng liệu lịch sử trong quyển Đại
Nam Thực Lục Tiền Biên, qua đó xác
định chính quyền nhà Thanh (Trung Hoa) đã đối xử tử tế đối với đội Hoàng Sa vào
năm 1754 khi bị bão, trôi dạt vào Quỳnh Châu (Hải Nam) mà không hề phản đối về
việc hành sử chủ quyền này tại Hoàng Sa. Tiếp đó, cuốn Đại Nam
Thực Lục Chính Biên cho biết vua Gia Long sai Phạm Quang Ảnh trong đội
Hoàng Sa ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển vào năm 1815.
Học giả họ Hoàng còn đưa ra tài liệu trong bài Geography of the Cochinchinese Empique đăng trong tập san Journal of Geographical Society of London (năm 1849) xác định
tọa độ địa dư của Hoàng Sa và cho biết: “Chính phủ Annam thấy những lợi có thể mang
lại nếu một ngạch thuế đã đặt ra, bèn lập ra những trưng thuyền và một trại
quân nhỏ ở chỗ này [Hoàng Sa] để thu
thuế mà mọi người tới đây đều phải trả và để bảo trợ người đánh cá bản quốc”.
Khải đồng thuyết ước là tập sách giáo khoa viết bằng chữ Hán và chữ Nôm ghi chép về thiên
văn, địa lý, điền thổ, nhân đinh, tên các xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh thành,
những nhân vật lịch sử, quốc hiệu, hình thế núi sông và bản đồ toàn quốc của Việt
Nam. Tập sách này do Kim Giang Phạm Phục Trai, thi Ân khoa năm Thiệu Trị thứ
nhất (1841) biên soạn, Tiến sĩ Ngô Thế Vinh, người Bái Dương, huyện Nam Chân
nhuận sắc.
Khải đồng thuyết ước được biên soạn xong vào cuối mùa xuân năm Tự Đức Quý Sửu (1853) và
được in lần đầu tiên vào mùa hạ năm Tự Đức Tân Tỵ (1881). Sách chia làm 3 tập:
Tý, Sửu, Dần. Tập Tý nói về thiên văn gồm tứ thời, ngũ hành, bát quái và các vì
sao. Tập Sửu nói về địa hình sông núi, biển đảo cùng với sự thống kê về ruộng
đất, nhân đinh trong các địa phương cả nước và có bản quốc địa đồ trong đó bao
gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Một luận cứ lịch sử bổ xung
là những quần đảo Hoàng Sa, Côn Lôn (có cả Trường Sa) nguyên là địa bàn ngư
nghiệp của người Chiêm mà người Việt là kẻ thừa kế hay thừa hưởng đương nhiên
khi lãnh thổ nước Chiêm sáp nhập vào dư đồ nước Việt.
Sách giáo khoa “Khải đồng thuyết ước” in
năm 1881
Trong bài viết Những sử liệu chữ Hán minh chứng chủ quyền
của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua nhiều thế kỷ của Hãn
Nguyên, tác giả dẫn chứng 11 sử liệu trong đó có Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (giữa thế kỉ 17), Phủ Biên Tạp Lục (1776), Dư
Địa Chí (1821), Hoàng Việt Địa Dư Chí (1833), Đại Nam Thực Lục Tiền Biên (1844),
Đại Nam Thực Lực Chính Biên
(1848), Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ
(1851), Việt Sử Cương Giám Khảo Lược
(1876), Đại Nam Nhất Thống Chí Quyển
(1910), Quốc Triều Chính Biên Tất Yếu
(1925) và một tài liệu Trung Hoa Hải Quốc
Văn Kiến Lục (1744). Những tài liệu trên cung cấp cho chúng ta những chứng cứ
hiển nhiên về việc hành sử liên tục chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa qua nhiều
thế kỷ, ít ra cũng từ thế kỷ 15 trở đi.
Bản đồ “Đại Nam nhất thống toàn đồ”,
triều Minh Mạng (1820-1841)
có ghi rõ tên Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc
lãnh thổ Việt Nam
Những sử liệu Tây
Phương minh chứng chủ quyền của Việt Nam và quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa từ
thời Pháp thuộc đến nay là tựa đề bài viết của tác giả Thái Văn Kiểm. Ông
nghiên cứu các sử liệu tây phương, dẫn chứng các vụ đắm tàu thời chúa Nguyễn
Thúc Nguyên (1634) và Nguyễn Phúc Lan (1636). Bài viết có đoạn nói về vụ đắm
tàu:
“Căn cứ vào Ký sự
Batavia (Journal de Batavia) của Công ty Hòa Lan Đông Ấn (Conpagnie hollandaise
des Indes orientales), ấn hành trong những năm 1631-1634-1636, chúng ta được
biết một sự kiện liên hệ tới quần đảo Hoàng Sa và Xứ Đàng Trong như sau:
Ngày 20-7-1634, dưới
thời Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635), ba chiếc tàu Hòa Lan tên
Veehuizen, Schagen và Grootebroek, từ Batavia (Nam Dương) đến Touron cùng nhổ
neo đi Formose (Đài Loan).
Ngày 21 thì gặp bão
ngoài khơi, nên lạc nhau. Chiếc tầu Veen-huizen tới Formose ngày 2 tháng 8,
chiếc Schagen ngày 10 cùng tháng. Riêng chiếc Grootebroek bị đắm gần quần đảo
Paracels [Hoàng Sa], ngang với bắc vĩ
tuyến 17… Trong số hàng hóa trị giá 153.690 florins, thủy thủ chỉ cứu được một
số trị giá 82.995 florins, kỳ dư bị chìm đắm, kể cả chiếc tầu và 9 người bị mất
tích.
Số hàng hóa cứu được, họ cất dấu nơi an toàn tại đảo
Paracels. Thuyền trưởng Huijich Jansen và 12 thủy thủ đi bằng thuyền nhỏ vào
duyên hải xứ Đàng Trong. Họ hy vọng sẽ tìm được một thuyền lớn để ra cứu 50
thủy thủ còn ở lại trên đảo. Thuyền trưởng đem theo 5 thùng bạc và 3.570 réaux
đựng trong 17 bao. Khi họ vào tới đất liền, họ không được đối đãi như ý muốn.
Tất cả bạc và tiền bị tịch thâu bởi viên chức đặc trách hải môn và thương
thuyền, mà người Hòa Lan gọi là Ongangmij.
Sau đó, họ được phép
trở lại Paracels trên một chiếc tầu Nhật Bản tên Kiko, mà họ mua đứt, để đón 50
thủy thủ còn nơi đảo và lấy 4 thùng bạc còn lại. Tất cả đều được 3 chiếc tàu
khác tên là Bommel, Goa và Zeeburg (cũng bị bão mà vào núp miền duyên hải xứ
Đàng Trong) chở về Batavia .
Tại đây viên thuyền trưởng Jansen làm báo trình về việc thuyền Grootebroek bị
đắm tại Paracels và sự tịch thâu 23.580 réaux bởi nhà chức trách xứ Đàng Trong.
Hai năm sau, dưới thời
Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648), ngày 6 tháng 3 năm 1636, hai chiếc
tầu Hòa Lan khác tới Touron. Thương gia Abraham Duijeker tiến về Faifo [Hội
An] để gặp quan Trấn thủ; sau đó ông ta
đi Thuận Hóa (Senoa) yết kiến Chúa Thượng, để xin giao thương, đặt thương điếm
và đòi số tiền 23.580 réaux đã bị tịch thâu năm kia.
Thượng Vương tiếp đón
Duijeker rất trọng hậu nhưng Ngài truyền rằng: “Những việc khiếu nại đó đã xảy
ra dưới thời Vua cha, nay Chúa không hề hay biết; vả lại viên chức thuế quan
Ongangmij (?) đã bị cách chức, tịch thu gia sản (vì tội đã ăn hối lộ tới
340.000 lượng bạc trong thời kỳ tại chức), đã bị xử trảm và phanh thây rồi”.
Chúa Thượng xét rằng
Ngài đã xử sự công minh lắm; nay chớ nhắc lại làm chi. Ngài cũng cam đoan từ
nay pháp luật rất nghiêm minh và sẽ không bao giờ xảy ra những việc đáng tiếc
như vậy nữa. Để bù vào sự thiệt thòi đó, Chúa Thượng chấp thuận cho người Hòa
Lan được tự do giao thương với xứ Đàng Trong, và miễn cho họ sắc thuế neo bến
và các tặng phẩm…
Ngoài ra, theo tài liệu của Chaigneau, Taberd xác định năm
1816, vua Gia Long long trọng cắm cờ và chính thức chiếm hữu Hoàng Sa. Hội nghị
San Francisco 1951 công nhận chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa đồng thời cũng
trình bày các tài liệu về sự hành xử chủ quyền tại Hoàng Sa từ thời Pháp thuộc
đến nay.
Tại hội nghị, ngày 7/9/1951, Thủ Tướng Chính Phủ, Trưởng
Phái đoàn VNCH, đã long trọng tuyên bố như sau: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa
và Hoàng Sa, đã luôn luôn từ xưa thuộc lãnh thổ Việt Nam”. Lời tuyên bố đó
đã được Hội nghị San Francisco long trọng ghi vào biên bản và trong tất cả 51
phái đoàn phó hội, không có một phái đoàn nào lên tiếng phản đối.
Bản đồ đường qua xứ Quảng Nam đời Lê, theo Thiên Nam lộ đồ vẽ lại năm 1741
(bản sao chép của Dumoutier, có chữ quốc ngữ).Bãi cát vàng trên bản đồ tức là Hoàng Sa.
Tập san Sử Địa
cũng đăng 2 bài báo cáo khảo sát khoa học tại Hoàng Sa và Trường Sa dưới thời
VNCH: Phúc trình về công tác nghiên cứu
phốt phát cuối cùng tại quần đảo Hoàng Sa của phái đoàn Nhật-Việt vào mùa thu
năm 1973 của Kỹ sư Trần Hữu Châu và Phúc
trình cuộc thám sát hòn Nam Yít thuộc quần đảo Trường Sa vào mùa thu năm 1973
của Trịnh Tuấn Anh.
Cuộc khảo sát về trữ lượng phốt phát trên đảo Hoàng Sa do Bộ
Kế hoạch và Phát triển Quốc gia VNCH tổ chức từ 11/08/1973 đến 23/08/1973 với sự trợ giúp kỹ thuật của
các kỹ sư hầm mỏ thuộc công ty Marubeni Corporation, Nhật Bản. Đoàn đã đi khảo
sát 6 hòn đảo gồm: Cam Tuyền (Robert), Quang Hà Đông (Duncan), Quang Hà Tây
(Palm Island), Duy Mộng (Drummond), Hoàng Sa (Pattle) và Vĩnh Lạc (Money).
Theo các chuyên viên Nhật Bản, tổng kết về số lượng cát chứa
phốt phát tại 6 đảo đã khảo sát là 80.000 tấn trong lớp cát và 2.700.000 tấn
trong lớp đá và san hô. Việc có nên khai thác số lượng này hay không, còn tùy
thuộc vào độ bách phân P2.5 chứa trong các mẫu đất và đá được các chuyên viên
Nhật đem về thử.
Đảo Hoàng Sa trước đây đã được Công ty Phân bón Việt Nam do ông Bùi
Kiến Thành khai thác phốt phát trong khoảng thời gian từ năm 1956 đến năm 1964.
Công ty này đã chở vào đất liền vào khoảng 100.000 tấn. Hiện trên đảo còn một
số lượng phốt phát nữa, khoảng 4.000 tấn, đã được Công ty chất đống dọc theo
đường từ cầu tàu vào trung tâm đảo nhưng chưa kịp chở vào đất liền.
Theo ông Trịnh Quang Nghiêm, Trưởng ty Khí tượng Hoàng Sa,
người đã theo dõi việc khai thác phốt phát của Công ty Phân bón Việt Nam thì
những bao phốt phát mà Công Ty phân phối tại thị trường nội địa không phải lấy
từ lớp cát mặt mà lấy từ lớp đá ở vòng đai san hô chung quanh đảo và ngay tại
đảo. Những tảng đá này sau đó được nghiền nhỏ, vô bao tại đảo Hoàng Sa và di
chuyển về đất liền.
Cuộc khảo sát thứ nhì được thực hiện trên hòn Nam Yít thuộc
quần đảo Trường Sa và tác giả bài viết là Trịnh Tuấn Anh, chuyên viên thổ nhưỡng
học. Đây là cuộc khảo sát chuyên môn về đất đai của sở Địa học, Viện Khảo cứu
Nông nghiệp và Điền Địa tổ chức vào tháng 8/1973.
Về diện tích, hòn Nam Yít có chiều dài khoảng 700m và chiều
ngang độ 250m, nơi cao nhất là 2m70, chung quanh hòn có vòng đai san hô bao
bọc. Ở đây nước biển rất trong và có màu xanh nhạt khác biệt hẳn với màu xanh
thẫm của đại dương, nhờ đó giới hạn của vòng đai san hô hiện ra thật rõ rệt. Vì
kích thước quá nhỏ nên nhìn từ xa hòn trông giống như một dải đất mỏng màu
trắng bạc nổi lúp xúp giữa đại dương mênh mông.
Nam Yít là một trong những ám tiêu san hô tiêu biểu trong
vùng Thái Bình Dương. Trong quá trình địa chất, hòn Nam Yít được thành lập do
sự nguội đặc của dung nham huyền vũ phún xuất ngầm dưới mặt nước, về sau san hô
bám vào đó và tăng trưởng mau lẹ nhờ vào các điều kiện thích hợp cho môi trường
sinh sống của chúng như chiều sâu của mực nước biển, nhiệt độ, lượng oxi…
Vì là một đảo san hô tiêu biểu nên Nam Yít có đủ loại san hô
với nhiều màu sắc sặc sỡ rất hữu ích cho công cuộc khảo cứu về san hô của các
nhà động vật học trong tương lai. Với đại dương bao quanh, tiềm năng về ngư
nghiệp ở đây quả thật lớn lao, nhưng vì xa đất liền nên không có thị trường
tiêu thụ. Trên hòn còn có muỗi và chuột kích thước cỡ chuột cống, về đêm có
nhiều con Vít thật to bò lên đụn cát đẻ trứng.
Tác giả cho biết những dữ kiện chính xác về khí hậu trên hòn
Nam Yít chưa đầy đủ nhưng theo lời của các sĩ quan hải quân cho biết quần đảo
Trường Sa còn được các nhà hàng hải đặt tên là Quần đảo Bão tố vì ở đây thường là trung tâm phát sinh bão. Vào mùa
khô trời rất nóng bức do đó rất dễ bị say nắng. Có hai mùa gió rõ rệt đó là gió
Tây Nam
thổi với tốc độ khoảng 30 gút/giờ và gió Đông Bắc có vận tốc khoảng 80 gút/giờ.
Ngoài ra vì là trung tâm phát sinh bão tố nên thời tiết
thường thay đổi một cách nhanh chóng và bất thường. Tác giả kể lại, trong một
đêm ở lại trên Nam Yít trời đang sáng trăng bỗng chừng 15 phút sau một cơn lốc
kéo đến khiến trời tối sầm lại và mưa như trút nước. Chuyên viên Trịnh Tuấn Anh
cho biết:
“Các kết quả phân chất
đất và nhận xét tại chỗ cho thấy là đất đai trên hòn có khả năng canh tác giới
hạn vì diện tích đất canh tác được quá nhỏ, khả năng giữ nước kém, độ mặn trong
đất khá cao nhất là thiếu nước ngọt; đây là một cưỡng chế quan trọng đối với
việc canh tác nhất là vào mùa khô.
Để có nước dùng chúng
ta chỉ có thể xây hồ hứng nước mưa nhờ vào hệ thống máng xối chảy từ các mái
nhà, ở đây phương pháp đào giếng không có kết quả vì lớp cát trên mặt đất và
lớp đá vôi san hô không có khả năng giữ nước, sau mỗi trận mưa, nước sẽ ngấm
dần ra biển”.
Kết quả của cuộc thám sát tại chỗ cho thấy là đất đai trên
hòn Nam Yít không đủ khả năng nuôi sống vài chục người nếu chỉ tự túc canh tác.
Tuy nhiên, ngoài các thực phẩm khô được tiếp liệu có định kì, các quân nhân đồn
trú có thể trồng trọt thêm một số cây ăn trái và hoa màu để có thêm sinh tố.
Đồng thời kiếm thêm một số thực phẩm tươi tại chỗ bằng cách câu cá, bắt vít và
chim để dùng với một mức độ vừa phải để duy trì sự quân bình trong thiên nhiên,
vì sự khai thác quá độ sẽ làm các loài chim biển sang di trú ở một hoang đảo
khác, như thế làm mất đi một phần thực phẩm tươi quý giá.
Tác giả kết luận: “Chúng
tôi nhận thấy đời sống của các quân nhân đồn trú trên hòn Nam Yít đòi hỏi
nơi họ ý thức tự lực cánh sinh mạnh mẽ như Lỗ Bình Sơn [*] hơn là chỉ phụ thuộc
hoàn toàn vào nguồn thực phẩm tiếp tế từ đất liền”.
Thị trấn Trường Sa trong huyện đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hòa.
***
Chú thích:
[*]: Lỗ Bình Sơn (Robinson
Crusoe) là nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Anh Daniel Defoe (1660-1731)
có tựa đề The life and strange surprizing
adventures of Robinson Crusoe of York, Mariner (Cuộc đời và những chuyện
phiêu lưu kỳ thú của Robinson Crusoe, người thủy thủ xứ York).
Đây là tác phẩm xuất sắc nhất
trong hơn 250 tác phẩm truyện dài và truyện ngắn của Daniel Defoe, xuất bản lần
đầu tiên năm 1719 khi tác giả đã gần sáu mươi tuổi. Sự thành công của nó thúc
đẩy Defoe viết thêm nhiều “hậu truyện” cho cuốn này và rất nhiều truyện phiêu
lưu kỳ thú khác của các tên cướp biển, các lãng tử và các cô gái giang hồ.
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 4: Thời quân ngũ)
Hồi Ức Một Đời Người
gồm 9 Chương:
- Chương 1: Thời thơ ấu (từ Hà Nội vào Đà Lạt)
- Chương 2: Thời niên thiếu (Đà Lạt và Ban Mê Thuột)
- Chương 3: Thời thanh niên (Sài Gòn)
- Chương 4: Thời quân ngũ (Sài Gòn – Giảng viên Trường Sinh ngữ Quân đội)
- Chương 5: Thời cải tạo (Trảng Lớn, Trảng Táo, Gia Huynh)
- Chương 6: Thời điêu linh (Sài Gòn, Đà Lạt)
- Chương 7: Thời mở lòng (những chuyện tình cảm)
- Chương 8: Thời mở cửa (Bước vào nghề báo, thập niên 80)
- Chương 9: Thời hội nhập (Bút ký những chuyến đi tới 15 quốc gia và lãnh thổ)
Tác giả đang viết tiếp một Chương cuối cùng sẽ mang tên… Thời xuống lỗ (thập niên 2000 cho đến
ngày xuống lỗ)!
Cám ơn anh NNC. Một tài liệu rất có giá trị. Xin phép đem về nhà nhé?
Trả lờiXóaAnna cứ tự nhiên, chia sẻ với nhau những tài liệu xưa là nguyện vọng của người viết.
XóaCám ơn anh Chính đã đúc kết cho biết thêm nhiều tài liệu về HS-TS. Chủ quyền thì trước giờ vẫn thuộc VN, nhưng sẽ làm gì được với lũ xâm lăng? Thái độ còn không có! Vả lại VN ta còn mất nhiều hơn HS-TS.
Trả lờiXóaĐúng như bạn nói, ta còn mất nhiều hơn HS&TS nữa nếu như không thay đổi thái độ trước khi quá muộn.
XóaCám ơn anh Chính. Một tài liệu vô giá. Xin phép Anh đem về nhà.
Trả lờiXóaXin cứ tự nhiên, chia sẻ thông tin là một trong những điều thú vị trong việc viết blog.
XóaSau 30/4/1975, Kichbu còn nhỏ và theo mẹ vào thăm bà con ở miền Nam và mua một số sách học của học sinh. Nhiều cuốn thật bổ ích và thiết thực.
Trả lờiXóa