Quả là thiếu sót,
trong cuốn “Hồi ức Sài Gòn” tôi chỉ
viết về giới ăn chơi thời “cận đại”, tức khoảng những thập niên 50-60. Khi đọc “Sài Gòn năm xưa” của Vương Hồng Sển mới
thấy “nam thanh nữ tú” của những thập
niên trước đó cũng có không ít những gương mặt “dân chơi” lẫy lừng không kém lớp
hậu duệ đời sau.
Vương Hồng Sển viết trong tác phẩm vừa dẫn:
“Lối năm 1923 đến 1935, có các cô Ba Trà, Tư Nhị, Sáu Hương, Hai Thời, v.v… đua nhau bán dạng thuyền quyên, báo hại Bạch Công Tử, Hắc Công Tử, Công Tử Bạc Liêu, Công Tử Cầu Ngang (Trà Vinh) kình nhau phá nhà của cha mẹ để lại. (Ông cha các cậu, kẻ giàu ruộng "cò bay thẳng cánh", người giàu nhờ ruộng muối miệt Bạc Liêu, một ngày nắng tốt huê lợi đến năm ngàn đồng bạc, bạc thời ấy, như chơi)”.
Nổi bật nhất là hai chàng công tử Lê Công Phước (1901-1950), với biệt danh Bạch Công Tử và Trần Trinh Huy (1900-1974), gọi là Hắc Công Tử, là những tay chơi nổi tiếng ở miền Nam trong thập niên 1920-1930. Họ ăn chơi hào phóng, “đốt tiền qua cửa sổ” và để lại cho đời nhiều giai thoại.
Bạch Công Tử, còn có tên Tây George Phước, là con trai thứ tư của Đốc phủ Lê Công Sủng, người làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Đốc phủ Sủng gốc người Bình Định, khoảng thập niên 1880 vào làm quận trưởng Châu Thành, sau làm quận trưởng Chợ Gạo.
Chân
dung Bạch Công Tử George Phước
Là một trong những người có thế lực trong vùng thời bấy giờ, Đốc phủ Sủng từng đại diện cho tỉnh Mỹ Tho đi dự hội chợ bên Pháp và cũng nhờ vậy Bạch Công tử được đi du học tại Pháp vào năm 1909.
Khi ông Đốc phủ đột ngột từ trần và không để lại di chúc nên George Phước được toàn quyền thừa kế tài sản của cha mình để lại vì là con duy nhất có hôn thú. Tài sản của George Phước lúc bấy giờ được biết không dưới 1.000 mẫu ruộng.
Vốn là người rất mê cải lương và trong thời gian ở Pháp George Phước cũng đã từng học về ngành sân khấu. Khi về nước, George Phước cùng với Nguyễn Ngọc Cương lập gánh hát Phước Cương, quy tụ được rất nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ như Năm Phỉ, Tám Danh, Tám Mẹo...
Một năm sau George Phước tách ra và lập gánh Huỳnh Kỳ với sự tham gia của Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne... Theo nhiều tài liệu ghi lại thì đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng lục tỉnh Nam kỳ và cô đào nổi tiếng Bảy Phùng Há trở thành vợ của Bạch Công Tử.
Bạch Công Tử đã tiêu tốn rất nhiều tiền cho sự nghiệp cải lương. Thời đó, những gánh hát khác đều đi bằng ghe chèo thì Bạch Công Tử lại sắm một lúc tới 3 chiếc ghe có gắn máy dùng để chở đào kép đi lưu diễn và được trang bị như du thuyền.
Chiếc đi đầu chở Bạch Công Tử và Phùng Há, có lầu, phía trước có cột cờ và treo cờ vàng, biểu tượng của gánh Huỳnh Kỳ. Đào kép đi trên chiếc ghe thứ hai, được ngăn thành nhiều phòng, nhiều ô cửa sổ, có bếp ăn, và cả nhà vệ sinh. Chiếc thứ ba thì chở thầy đờn, nhân viên phục vụ lại thêm một đội bóng.
Mỗi khi gánh hát đi tới đâu, Bạch Công tử cho đào kép lên bờ đứng xếp hàng và bắt tay xã giao với chính quyền sở tại. Sau đó thì hát bản Đoàn ca, cờ vàng được kéo lên và Bạch Công Tử lấy súng lục ra đưa lên trời nổ liền mấy phát. Trong lúc đào kép lo chuẩn bị cho đêm diễn thì đội bóng thi đấu giao hữu với đội bóng của địa phương, với mục đích thu hút khán giả tối đi xem hát.
Vở tuồng ăn khách nhất của gánh Huỳnh Kỳ là “Giọt máu chung tình”, do Năm Thiên đóng vai Võ Đông Sơ và Phùng Há trong vai Bạch Thu Hà. Tuy nhiên, sau khi ly dị với Phùng Há, Lê Công Phước ngày càng lún sâu vào nghiện ngập, ông mất vào đầu năm 1950.
Di tích nhà Bạch Công Tử
Trong khi công tử Lê Công Phước “trắng trẻo” thì lại có một “địch thủ” có nước da ngăm ngăm, Trần Trinh Huy (Ba Huy), thường được gọi là Hắc Công Tử. Ông còn có tên “Công tử Bạc Liêu” mà ngày nay danh hiệu này thường dùng để chỉ những “đại gia” xài tiền như nước.
Trần Trinh Huy là con của ông Hội đồng Trần Trinh Trạch được bên nhà vợ chia cho ruộng đất tại Bạc Liêu mà thời đó có câu "Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Trạch" (Các ông Huyện sỹ Lê Phát Đạt, Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, Bá hộ Xường Lý Tường Quan và Hội đồng Trần Minh Trạch) để chỉ 4 vị đại điền chủ giàu có nhất vùng đất Nam Kỳ.
Chân dung Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy
Trong 3 người con trai của ông Trạch thì Ba Huy là ăn chơi hơn cả. Cậu Ba xin cha cho đi học ở nước ngoài, thay vì lên Sài Gòn học trường Tây. Với tâm lý cha mẹ để cho con bụng chữ còn tốt hơn mấy trăm mẫu đất, Ba Huy được cho sang Pháp du học. Nhưng thay vì học hỏi kiến thức như cha mẹ kỳ vọng, cậu Ba lại chỉ thích học những thú ăn chơi ở phương Tây như lái máy bay, lái xe hơi, nhảy đầm...
Khách sạn Công Tử Bạc Liêu
Ông hội đồng Trạch giao cho Ba Huy trông coi việc điền sản. Cậu Ba mướn ngay một người Pháp tên Henry giỏi quản lý về Bạc Liêu cai quản việc làm ăn của gia đình, còn mình thì tập trung vào các thú vui chơi. Ông sắm xe hơi, máy bay và cả ca nô để lướt sóng trên các sông rạch miền Tây.
Khi đi thăm ruộng, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, loại xe lúc đó cả miền Nam chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của Vua Bảo Đại. Vào thập niên 1930-1940, hễ Vua Bảo Đại có thứ gì thì Ba Huy phải sắm cho bằng được thứ ấy, kể cả máy bay.
Xe hơi của Ba Huy
Về giai thoại “cuộc chiến kỳ phùng địch thủ” giữa 2 công tử Lê Công Phước và Trần Trinh Huy. Tác giả Nguyễn Thiện kể lại:
"Đang lúc cô Ba Trà, một người con gái có sắc đẹp làm xao xuyến tâm hồn Bạch công tử, thua bài sạch túi, ông trưởng giả lớn tuổi chưa kịp cung phụng tiền bạc tiếp để vừa lòng mỹ nhân, Bạch Công Tử lù lù lái xe lại nhà cô Ba Trà, rủ xuống Cần Thơ ăn cá cháy và đánh bài gỡ bạc.
“Hai người vừa xuống đến quán Bungalows ở Cần Thơ, máy xe chưa nguội thì chiếc Sport tám máy của Hắc Công Tử cũng vừa tới, thắng cái két. Cả hai lâm vào cảnh khó xử, việc chiếm được mỹ nhân chỉ còn cậy vào tài chinh phục của bản thân mình.
“Cả ba cùng đưa nhau vào khách sạn. Bạch Công Tử lột chiếc cà rá hột xoàn trị giá 3.000 đồng vào thời đó để trên bàn trước khi vào phòng tắm. Lúc trở ra, thấy cô Ba Trà đeo thử nó trên tay, Bạch Công tử liền lên tiếng tặng luôn. Sau đó Hắc Công Tử đã mua tặng cô Ba Trà một chiếc nhẫn trị giá gấp đôi..."
(hết trích)
Lại có nhiều giai thoại kể về cuộc thi đốt tiền nấu đậu xanh gữa Hắc Công Tử và Bạch Công Tử. Chuyện kể hai người thi nhau đốt tiền để nấu chín một ký đậu xanh, ai nấu chín trước thì thắng. Không rõ hai người đã đốt bao nhiêu nhưng kết quả Bạch Công Tử thắng.
Nhưng về sau này, ông Trần Trinh Đức (con trai của Công Tử Bạc Liêu) đã phủ nhận điều này. Ông kể, "Sau này ba tôi nói lại rằng: Chuyện chơi ngông thì ba tôi có lúc cũng chơi ngông để cho thiên hạ chú ý tới mình, nhưng ba tôi là người có ăn học, biết chơi ngông tới đâu thì dừng lại, chứ có phải bị bệnh đâu mà đem tiền ra để đốt!"
***
Lại nói về những người đẹp xưa, Vương Hồng Sển viết:
“Chiều chiều các cô lượn đảo trên các đường phố, hết Chợ Bến Thành đến Catinat, xe Delage mui trần, tài xế vận y phục nhà có dấu hiệu, hay xe Hoa Kỳ "cắt chỉ" mới trong hãng lấy ra buổi sớm. Các cô thi đua trên đường nhựa, lên Thủ Đức ăn nem hoặc đến tắm suối Xuân Trường”.
Trong giới hoa khôi thời đó người ta hay nhắc đến Cô Ba Thiệu, con gái thầy thông Chánh, là đẹp không ai bì. Cô đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực nhân tạo, tóc dài chấm gót, mướt mượt và thơm phức dầu dừa, đẹp không vì son phấn giả tạo.
Cô Ba
Cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn, năm 1865, cô đăng quang với danh hiệu Người đẹp Hòn ngọc Viễn Đông. Cô gái Trà Vinh đẹp đến nỗi nhà nước Đông Dương in hình vào con tem Indochine, lưu hành tại 3 nước Việt-Miên-Lào.
Cô Ba trên tem Indochine
Cô còn được hãng xà bông Trương Văn Bền chọn làm người mẫu trên bao bì và ngay cả trên từng sản phẩm của hãng cũng có hình bán thân của cô. Trước vẻ mỹ miều của cô Ba, nhiều người Pháp đã đề nghị cô chụp ảnh trong trang phục áo tắm để đăng báo ở chính quốc nhưng cô không đồng ý.
Xà bông Cô Ba
Bi kịch gia đình cô Ba xảy ra khi mẹ cô là người có nhan sắc mặn mòi nên bị tên biện lý người Pháp Jaboin ỷ thế tán tỉnh, chòng ghẹo. Thầy Thông Chánh, cha cô Ba, không chịu được cảnh đó nên đã rút súng bắn chết Jaboin.
Sau đó, cha cô bị chính quyền Pháp xử tử. Cô Ba Thiệu cũng bị bắt giam rồi tự tử chết. Nhưng cuốn “Hỏi đáp về Sài Gòn - TP.HCM” của nhiều tác giả xuất bản năm 2006 lại cho rằng cô Ba mới là người cầm súng bắn chết tên biện lý Jaboin. Cô bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 và xử tử ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh.
Thật đúng là “hồng nhan đa truân”!
***
Viết đến đây tôi thở phào nhẹ nhõm vì, như đã nói ở phần trên, cuốn “Hổi ức Sài Gòn” của tôi có phần thiếu sót vì không nhắc lại chuyện “công tử & mỹ nhân” thời Pháp thuộc.
Họ đã nổi tiếng vì họ là những nhân vật trai tài, gái sắc, “bán trời không văn tự!”. Cậu ấm, cô chiêu ngày nay làm sao sánh được với những bậc tiền bối xưa kia?
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét